Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế
GÓP PHẦN THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT SỐ 27-NQ/TW NGÀY 09/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng... phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng để không dám tham nhũng”[1].

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội nhận hối lộ; yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về tội nhận hối lộ theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế.

Đặt vấn đề

Theo nhận định của Nghị quyết số 27-NQ/TW : …công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, trọng tâm trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”[2].

Để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, công cụ quan trọng nhất chính là Bộ luật Hình sự (BLHS), vì Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Bộ luật Hình sự quy định về tội phạm và hình phạt[3]. Do đó, tiếp tục hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam năm 2015 về các tội phạm tham nhũng, nhất là tội nhận hối lộ theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là  yêu cầu và đòi hỏi rất quan trọng và cần thiết.

1. Khái quát thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội nhận hối lộ

Điều 354 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội nhận hối lộ như sau[4][U1] [U2] :

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

Nghiên cứu quy định của BLHS năm 2015, chúng tôi thấy, tội nhận hối lộ có một số đặc điểm đặc thù sau:

Thứ nhất, về các loại và mức hình phạt: Tội nhận hối lộ, cùng với tội tham ô tài sản là 02 tội phạm tham nhũng có quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác, do BLHS quy định. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; (2) Người đủ 75 tuổi trở lên; (3) Người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ, mà sau khi bị kết án, đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 BLHS năm 2015 hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân[5]. Ngoài ra, tội nhận hối lộ còn có hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thứ hai, về cấu thành tội phạm: Tội nhận hối lộ là tội phạm có cấu thành hình thức. Theo đó, trong mặt khách quan của tội phạm này, chỉ có hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc. Các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan như: hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của các tội phạm tham nhũng với hậu quả của các tội phạm tham nhũng, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội... không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất hoặc tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, mà còn vi phạm, dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Chủ thể của tội nhận hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn cả trong cơ quan, tổ chức nhà nước và cả trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Thứ ba, về xử lý tội nhận hối lộ: Một là, chỉ quy định một số dấu hiệu định khung tăng nặng (chủ yếu là dấu hiệu giá trị của hối lộ và dấu hiệu gây thiệt hại về tài sản), không quy định dấu hiệu định khung giảm nhẹ. Hai, xử lý cả người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Ba là, thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước ta  đó là: không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với tội phạm này thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bốn là, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ [U3] và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

2. Yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

2.1. Yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC)

Nhóm hành vi hối lộ trong Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), bao gồm: hối lộ công chức quốc gia (Điều 15); hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công (khoản 1 Điều 16). Nhóm hành vi này có các yêu cầu tội phạm hóa sau đây:

2.1.1. Yêu cầu về chủ thể

Chủ thể của nhóm tội phạm hối lộ gồm người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Người nhận hối lộ là “công chức” bao gồm: công chức quốc gia, công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công. “Công chức quốc gia” là khái niệm được quy định tại điểm a Điều 2 Công ước UNCAC, có nghĩa là: (i) Bất kỳ người nào giữ chức vụ về lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp của một quốc gia thành viên do được bầu hay bổ nhiệm, làm việc không thời hạn hoặc có thời hạn, được trả lương hay không trả lương, bất kể cấp bậc của người đó”; (ii) Bất kỳ người nào thực hiện chức năng nhà nước, kể cả cho cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, hoặc cung cấp một dịch vụ công, theo quy định trong pháp luật của quốc gia thành viên đó”; (iii) Bất kỳ người nào được định nghĩa là “công chức” trong pháp luật quốc gia”. Quy định này có xu hướng mở cho việc xác định khái niệm công chức trong luật hình sự quốc gia, để các quốc gia thành viên có thể có những quy định phù hợp với hệ thống pháp luật của mình. Theo hướng dẫn áp dụng công ước của Liên hợp quốc thì “công chức” có thể được tuyển dụng hoặc được bầu, được trả lương hoặc không trả lương, được làm công việc toàn thời gian hay thời vụ, không phụ thuộc vào thâm niên công tác của họ và là mọi đối tượng làm việc ở chính quyền các cấp.

“Công chức nước ngoài” có nghĩa là bất kỳ người nào giữ một chức vụ về lập pháp, hành pháp, hành chính hay tư pháp của một quốc gia nước ngoài, bất kể do bầu hay được bổ nhiệm; và bất kỳ người nào thực hiện một chức năng nhà nước cho một quốc gia nước ngoài, kể cả cho cơ quan, hay doanh nghiệp nhà nước. Công chức của một quốc gia nước ngoài, cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước nước ngoài là những người nắm giữ một vị trí trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc những người đang thực hiện “chức năng công” cho một quốc gia khác hoặc cho một tổ chức quốc tế. “Chức năng công” có nghĩa là bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực công ích, được ủy quyền bởi nhà nước khác. “Nước ngoài” ở đây được hiểu là bất kỳ vùng đất hoặc thực thể có tổ chức của nhà nước khác. Các “tổ chức quốc tế” bao gồm những thiết chế được thành lập bởi nhà nước, chính phủ, các tổ chức quốc tế công, tổ chức liên quốc gia công hoặc thiết chế mà quốc gia tham gia công ước là một thành viên, không phụ thuộc vào cấu trúc hoặc phạm vi quyền hạn của chúng. Công chức quốc tế có thể là thành viên của những hội đồng lập pháp của các tổ chức quốc tế, tổ chức liên quốc gia hoặc là thành viên của các Tòa án quốc tế, hay còn có thể là nhân viên của bất kỳ tổ chức quốc tế công nào.

Chủ thể là người đưa hối lộ, trong quan hệ hối lộ theo Công ước có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào muốn trục lợi từ hành vi của người nhận hối lộ; đã có hành vi hứa hẹn, chào mời cho một lợi ích không chính đáng đối với người nhận hối lộ không phụ thuộc vào địa vị pháp lý của họ. Pháp nhân cũng có thể là chủ thể của tội phạm hối lộ. Nếu người phạm tội là người đứng đầu của tổ chức đại diện cho pháp nhân hoặc có quyền quyết định nhân danh pháp nhân hoặc quyền kiểm soát các hoạt động trong pháp nhân đưa hoặc nhận hối lộ, hành động vì lợi ích của pháp nhân và nhân danh pháp nhân, thì TNHS sẽ được đặt ra đối với pháp nhân đó.

2.1.2. Yêu cầu về tội phạm hóa hành vi hối lộ

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 15 Công ước UNCAC, các quốc gia thành viên phải xác định hành vi vi phạm hình sự sau đây: Hối lộ chủ động, được định nghĩa là lời hứa, đề nghị hoặc đưa đến cho một công chức quốc gia một mối lợi không chính đáng, để hành động hoặc không hành động trong các vấn đề liên quan đến công vụ; hối lộ thụ động, được định nghĩa là sự gạ gẫm hoặc chấp nhận bởi một công chức quốc gia một mối lợi không chính đáng, để hành động hoặc không hành động trong các vấn đề liên quan đến công vụ. Hành vi đưa hối lộ (hối lộ chủ động) là hành vi hứa đưa hối lộ, đưa ra lời mời hối lộ hoặc đưa của hối lộ. Cụ thể, “hứa đưa hối lộ” là hành vi người phạm tội đưa ra lời cam kết sẽ trao của hối lộ sau hoặc có một thỏa thuận giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ rằng, người đưa hối lộ sẽ trao của hối lộ sau. “Đưa ra lời mời hối lộ” bao gồm những trường hợp trong đó người đưa hối lộ thể hiện sẵn sàng đưa của hối lộ vào bất kỳ thời điểm nào. “Đưa của hối lộ” bao gồm trường hợp người đưa hối lộ thực hiện hành vi trao của hối lộ cho người nhận hối lộ. Theo quy định của Công ước, hành vi đưa hối lộ hoàn thành khi người có chức vụ, quyền hạn nhận thức được sự tồn tại của lời hứa đưa hối lộ, lời mời hối lộ hoặc của hối lộ đã được chuyển tới người này, bất kể người này có chấp nhận lời mời hoặc của hối lộ đó hay không. Hành vi nhận hối lộ (hối lộ bị động) theo Công ước, là hành vi đề nghị (đòi) hối lộ hoặc nhận của hối lộ. Đề nghị hối lộ là hành vi khiến cho người khác biết một cách rõ ràng hoặc ngụ ý rằng, người đó sẽ phải trao lợi ích cho công chức đó để họ làm hoặc không làm một việc mà người đó mong muốn. Đó chính là hành vi đơn phương của người nhận hối lộ. Đề nghị đưa hối lộ sẽ cấu thành tội “nhận hối lộ”, kể cả trường hợp người được yêu cầu đưa hối lộ chưa nhận được lời đề nghị hối lộ. Còn hành vi nhận hối lộ, là hành vi thực tế tiếp nhận lợi ích mà người đưa hối lộ trao cho. Hành vi nhận của hối lộ được thực hiện bởi công chức quốc gia hoặc thông qua trung gian, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Đó có thể là hành vi của công chức nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ, hoặc cũng có thể chỉ là sự chấp nhận lợi ích mà người đưa hối lộ trao cho mình trên thực tế. Công ước cũng không đòi hỏi hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ phải có sự thỏa thuận trước của hai bên. Hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ có thể được nhận và đưa một cách trực tiếp hoặc qua trung gian. Người trung gian hay còn gọi là người môi giới hối lộ có thể là bất kỳ người nào, không nhất thiết phải có mối quan hệ với người nhận hối lộ hoặc người đưa hối lộ. Người môi giới hối lộ được xem là người đồng phạm của người đưa hối lộ (trong tội “đưa hối lộ”) hoặc người nhận hối lộ (trong tội “nhận hối lộ”), hoặc họ có thể là chủ thể của một tội phạm độc lập (tội “môi giới hối lộ”) trong luật hình sự của các quốc gia thành viên. Điều này phù hợp với hướng dẫn lập pháp của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) về nội luật hóa các quy định của Công ước.

Thứ hai, hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công, theo khoản 1 Điều 16 Công ước, các quốc gia thành viên phải quy định thành tội phạm đối với hành vi được thực hiện một cách cố ý, hứa hẹn, đề nghị, đưa ra hoặc đưa tới một mối lợi không chính đáng cho công chức nước ngoài, hoặc công chức của tổ chức quốc tế công, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cho chính bản thân công chức đó, cho người khác hoặc thực thể khác, để công chức đó hành động hoặc không hành động trong phạm vi công vụ của họ, để có được việc duy trì kinh doanh hoặc mối lợi không chính đáng liên quan đến việc tiến hành kinh doanh quốc tế. Theo hướng dẫn của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) thì tội phạm này có sự tương đồng với hành vi đưa hối lộ (hối lộ chủ động) ở Điều 15 Công ước. Sự khác nhau là mối lợi không chính đáng hoặc hối lộ phải liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ quốc tế. Nếu không, tất cả các yếu tố bắt buộc của hành vi phạm tội (hứa hẹn, cung cấp hoặc cho), bản chất của mối lợi không chính đáng và yếu tố tinh thần hoặc chủ quan bắt buộc vẫn giống như mô tả ở trên. Công ước không quy định về hành vi hối lộ thụ động (nhận hối lộ) của công chức quốc gia hoặc công chức của tổ chức quốc tế công; đồng thời, không quy định về hậu quả của hành vi phạm tội hối lộ, chỉ cần thực hiện hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm về hối lộ. Của hối lộ ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất và cũng không cần phải xác định giá trị của hối lộ, việc xác định giá trị của hối lộ là bao nhiêu để có thể cấu thành tội phạm tùy thuộc vào luật pháp quốc gia thành viên[6].

2.2. Yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC)

Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) cũng không đưa ra định nghĩa thế nào là tham nhũng mà chỉ quy định nghĩa vụ tội phạm hóa các hành vi tham nhũng gồm hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Hành vi tham nhũng gắn liền với nhóm hành vi hối lộ trong khu vực công, không quy định về tham nhũng trong khu vực tư. Theo Công ước, biểu hiện của các hành vi này là nhận một mối lợi không chính đáng (có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất) của công chức nhà nước để làm một việc hoặc không làm một việc trong khi thực hiện công vụ của mình. Các hành vi này cũng được thực hiện với lỗi cố ý, mục đích là nhằm thu được một mối lợi không chính đáng cho bản thân hoặc người khác. Người thực hiện hành vi nhận hối lộ là viên chức nhà nước và bất kỳ ai trong hành vi đưa hối lộ.

Như vậy, quy định về các hành vi tham nhũng của Công ước CTOC cần phải tội phạm hóa cũng có phần giống với các quan điểm trên thế giới và của Công ước UNCAC ở yếu tố lỗi, mục đích và người thực hiện hành vi tham nhũng (bao gồm cả người nhận và người đưa hối lộ). Tuy nhiên, dạng hành vi tham nhũng này trong Công ước CTOC chỉ giới hạn trong khu vực công, đây là điểm khác biệt so với quy định của Công ước UNCAC và một số quan điểm trên thế giới.

2.3. Yêu cầu nội luật hóa Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Ngoài các yêu cầu về tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng như đã nêu trên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khuyến khích các quốc gia nên có các biện pháp cụ thể để quy định trách nhiệm của pháp nhân khi thực hiện các hành vi liên quan đến hối lộ được miêu tả trong khoản 1 Điều 26.7 của Hiệp định này.

Đặc biệt, Hiệp định CPTPP yêu cầu mỗi bên tham gia phải bảo đảm rằng, pháp nhân phải chịu chế tài hình sự hoặc chế tài phi hình sự để nhằm mục đích phòng ngừa các hành vi này (khoản 3 Điều 26.7). Công ước UNCAC cũng đã đề cập đến việc xác định trách nhiệm pháp nhân khi tham gia vào các tội phạm tham nhũng, trong đó cũng đề cập đến việc áp dụng chế tài hình sự hoặc phi hình sự khi pháp nhân vi phạm (Điều 26).

Chính vì vậy, với khuyến nghị từ các yêu cầu, cam kết trong Hiệp định CPTPP và Công ước UNCAC, Việt Nam cần bổ sung pháp nhân thương mại (PNTM) là chủ thể của các tội hối lộ nhằm bảo đảm sự phù hợp, tương thích của Công ước và Hiệp định nêu trên[7].

3. Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về tội nhận hối lộ theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế

Trên cơ sở yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chúng tôi đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về tội nhận hối lộ như sau:

Thứ nhất, pháp luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm về chức vụ) quy định khái niệm các tội phạm về chức vụ và chia các tội phạm về chức vụ thành 02 nhóm (Nhóm 1 là các tội phạm tham nhũng và Nhóm 2 là các tội phạm khác về chức vụ) vừa không phù hợp về nội dung và kỹ thuật lập pháp, vừa thu hẹp phạm vi các tội phạm cần bị coi là tội phạm tham nhũng, trong đó có các tội hối lộ là đưa và nhận hối lộ. Vì vậy, cần quy định các tội phạm tham nhũng thành một chương riêng, với đường lối xử lý phù hợp với đặc điểm và tính chất của nhóm tội phạm này, nhằm thể hiện tập trung và rõ ràng hơn về cấu thành của các tội phạm này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Thẩm phán trong quá trình xét xử và nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng[8].

Thứ hai, pháp luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm về chức vụ) không quy định tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ là tội phạm tham nhũng, làm giảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm hối lộ, trong khi các Công ước và Hiệp định quốc tế nêu trên đều yêu cầu quy định các tội phạm này là tội phạm tham nhũng. BLHS năm 2015 tuy đều xác định tội nhận hối lộ là tội phạm tham nhũng, nhưng với tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ chỉ là các tội phạm khác về chức vụ. Trong khi Công ước Chống tham nhũng và Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lại coi cả ba hành vi này đều là tội phạm tham nhũng[9]. Thêm vào đó, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng cho thấy, đã xuất hiện nhiều hành vi của đại diện công ty, doanh nghiệp, vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu cho công ty, doanh nghiệp của mình mà thực hiện một số hành vi như nhận hối lộ, đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, theo quy định của BLHS năm 2015, thì không thể xử lý hình sự loại hành vi này của công ty, doanh nghiệp, trong khi Công ước Chống tham nhũng quy định: Mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật của mình, để quy định trách nhiệm của pháp nhân về việc tham gia vào các tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư” (Điều 26 Công ước Chống tham nhũng) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương yêu cầu mỗi bên tham gia phải bảo đảm rằng, pháp nhân phải chịu chế tài hình sự hoặc chế tài phi hình sự để nhằm mục đích phòng ngừa các hành vi tham nhũng (khoản 3 Điều 26.7). Vì vậy, cần bổ sung tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ vào chương các tội phạm tham nhũng là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ ba, pháp luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm về chức vụ không quy định pháp nhân là chủ thể của các tội phạm tham nhũng, điều này dẫn đến bỏ lọt các tội phạm hối lộ vì chủ thể phạm những tội này thường là PNTM nước ngoài. Mặc dù BLHS năm 2015 đã có các quy định về việc truy cứu TNHS đối với PNTM phạm tội nhưng trong các tội danh mà PNTM phải chịu TNHS thì không có các tội phạm tham nhũng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu một PNTM thực hiện các hành vi tham nhũng nói chung và các hành vi liên quan đến hối lộ nói riêng, dù có thỏa mãn các quy định về điều kiện truy cứu TNHS tại Điều 75 BLHS năm 2015 thì cũng không bị coi là tội phạm[10]. Việc BLHS năm 2015 không quy định và xử lý PNTM phạm các tội hối lộ là chưa phù hợp với quy định của các Công ước và Hiệp định quốc tế[11]... Do đó, việc truy cứu TNHS đối với PNTM về các tội hối lộ là rất cần thiết và đáp ứng yêu cầu của các Công ước, Hiệp định quốc tế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung PNTM cũng là chủ thể của các tội hối lộ.

Thứ tư, bổ sung tội “đòi hối lộ”. Theo Điều 354 BLHS năm 2015 thì nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Theo đó thì giữa bên nhận và đưa hối lộ đã tồn tại một thỏa thuận trái pháp luật: bên nhận hối lộ nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ một lợi ích nào đó từ người đưa hối lộ, còn người đưa hối lộ thì đưa lợi ích cho người nhận để đổi lấy việc làm hay không làm một việc nào đó của người nhận. Như vậy, hai bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất về của hối lộ cũng như phương thức, thời gian, thời điểm,... đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, có trường hợp việc nhận hối lộ không phải do thỏa thuận giữa hai bên mà chính là do sự áp đặt ý chí từ một bên, đó chính là hành vi “đòi hối lộ” của người nhận hối lộ. Đây là trường hợp người nhận hối lộ chủ động đòi hỏi của hối lộ, áp đặt lên ý chí của người đưa hối lộ để có thể đạt được việc như người đưa mong muốn. Không những thế, người nhận hối lộ còn có thể áp đặt luôn cả phương thức, thời gian, địa điểm... để nhận của hối lộ. Có thể nói, đây là hành vi rất nguy hiểm và khó lường. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 của nước ta lại chỉ quy định hành vi “đòi hối lộ” trong cấu thành tăng nặng của tội nhận hối lộ[12]. Trong khi đó, cấu thành cơ bản của tội này chỉ có hai hành vi là “đã nhận” hoặc “sẽ nhận”, điều này dẫn đến bất cập là chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu của việc xây dựng cấu thành tội phạm cơ bản, đặc biệt là yêu cầu “tính khái quát cao” và “rõ ràng” của hành vi “đòi hối lộ” là dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015. Tức là, một người muốn xem xét tình tiết tăng nặng là “đòi hối lộ” thì trước hết phải thỏa mãn các dấu hiệu định tội quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015 (cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ). Điều này có nghĩa là phải có hành vi nhận hoặc sẽ nhận trước rồi mới xem xét chủ thể có hành vi đòi hối lộ không để áp dụng tình tiết tăng nặng ở khoản 2. Trong một số trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn nhận của hối lộ trước rồi mới thực hiện yêu cầu của người đưa. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc nhận hối lộ xảy ra sau khi người có chức vụ, quyền hạn đã hoàn thành xong công việc theo yêu cầu của người đưa, hành vi nhận hoặc sẽ nhận là hành vi tiếp theo của hành vi đòi hối lộ. Hay nói cách khác, hành vi “đòi hối lộ” đã bao hàm cả hành vi nhận và sẽ nhận hối lộ. Vì vậy, quy định như Điều 354 BLHS năm 2015 như hiện nay là chưa hợp lý[13]. Hơn nữa, tính chất của hành vi nhận hối lộ được đề cập tại Điều 15b Công ước Chống tham nhũng rộng hơn so với quy định của BLHS  năm 2015. Công ước Chống tham nhũng quy định nhận hối lộ là hành vi “đòi hoặc chấp nhận” một lợi ích không chính đáng của công chức. Trong khi đó, Điều 354 BLHS năm 2015 chỉ quy định nhận hối lộ là hành vi “nhận hoặc sẽ nhận” tài sản của công chức. Hành vi này mới chỉ phù hợp với hành vi “chấp nhận” trong Công ước Chống tham nhũng, trong khi Công ước Chống tham nhũng quy định “đòi hỏi” một mối lợi không chính đáng của công chức là hành vi phạm tội hối lộ[14], [15]. Pháp luật quốc tế đều nhận định hành vi “đòi hối lộ” là hành vi nguy hiểm và cần quy định hành vi này ngay trong cấu thành cơ bản. Việc quy định hành vi “đòi hối lộ” tại khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015 như hiện nay là chưa phản ánh đúng bản chất cũng như tính chất nguy hiểm của hành vi này. Do đó, chúng tôi kiến nghị bỏ dấu hiệu “đòi hối lộ” tại điểm g khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, đồng thời quy định dấu hiệu này là dấu hiệu định tội “đòi hối lộ”, với hình phạt cao hơn hình phạt của tội nhận hối lộ[16], [17].

Thứ năm, bổ sung tội “chào mời hối lộ”. Công ước Chống tham nhũng quy định:

“Điều 15. Hối lộ công chức quốc gia

Mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm các hành vi sau đây, nếu được thực hiện một cách cố ý:

(a) Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để công chức này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ;

Điều 16. Hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công

1. Mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm khi được thực hiện một cách cố ý hành vi hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công một lợi ích không chính đáng cho bản thân công chức hoặc người hay tổ chức khác, để công chức đó làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ, nhằm có được hoặc duy trì công việc kinh doanh hay lợi thế không chính đáng khác liên quan đến hoạt động kinh doanh quốc tế”.

Theo quy định trên, hành vi nhận hối lộ trong Công ước Chống tham nhũng rộng hơn so với quy định của BLHS năm 2015, vì ngoài hành vi “nhận hoặc sẽ nhận” như quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, Công ước Chống tham nhũng còn quy định hành vi “chào mời hối lộ”. BLHS năm 2015 không quy định hành vi “chào mời hối lộ”. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung tội “chào mời hối lộ” vào BLHS năm 2015 để bảo đảm tương thích với Công ước Chống tham nhũng.

Thứ sáu, bổ sung khoản 3 Điều 352 BLHS năm 2015 để làm rõ chủ thể của các tội phạm tham nhũng là công chức nước ngoài và công chức của tổ chức quốc tế công. Các quy định của BLHS năm 2015 về nhóm tội phạm hối lộ tuy đã đáp ứng yêu cầu cơ bản của Công ước Chống tham nhũng về tội phạm hóa đối với nhóm hành vi này (yêu cầu về chủ thể của hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ trong lĩnh vực công; về dạng hành vi khách quan của tội nhận hối lộ và đưa hối lộ; về yếu tố lỗi...), nhưng vẫn còn một số điểm chưa tương thích với yêu cầu của Công ước Chống tham nhũng về dấu hiệu chủ thể, cụ thể là: Công ước Chống tham nhũng đã giải thích rõ thế nào là công chức quốc gia, công chức nước ngoài và công chức của tổ chức quốc tế công nhưng BLHS Việt Nam năm 2015 và các luật khác có liên quan đều không có giải thích cụ thể về chủ thể là công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công.

Để bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật hình sự Việt Nam phần các tội phạm về chức vụ, nhất là với các yêu cầu bắt buộc của Công ước Chống tham nhũng, chúng tôi kiến nghị bổ sung và làm rõ chủ thể của các tội phạm tham nhũng không chỉ là công chức quốc gia mà còn là công chức nước ngoài và công chức của tổ chức quốc tế công.

Kết luận

Trên đây là khái quát thực trạng quy định của BLHS Việt Nam năm 2015 về tội nhận hối lộ; yêu cầu nội luật hóa Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC), Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS Việt Nam năm 2015 về tội nhận hối lộ theo yêu cầu của Công ước và Hiệp định quốc tế. Chúng tôi mong rằng, những kiến nghị trên sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra. 

 

 

 

[1] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tr.17.

[2] Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

[3] Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[4] Bộ luật Hình sự năm 2015.

[5] Điều 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[6] Bùi Văn Hưng, Công ước của Liên hợp quốc, pháp luật hình sự của một số quốc gia về chống tham nhũng và vấn đề nội luật hóa hành vi người có tài sản lớn nguồn gốc không minh bạch,  https://kiemsat.vn/cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-phap-luat-hinh-su-cua-mot-so-quoc-gia-ve-chong-tham-nhung-49988.html, truy cập ngày 20/3/2024.

[7] TS. Trần Văn Hải, Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm tham nhũng, https://www.vksndtc.gov.vn/cong-tac-kiem-sat/hoan-thien-phap-luat-hinh-su-viet-nam-ve-cac-toi-p-d10-t11662.html, truy cập ngày 20/3/2024.

[8] Báo cáo số 33/BC-HĐTĐ ngày 10 tháng 02 năm 2015 của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

[9] ThS. Lưu Thanh Hùng, Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư theo Công ước UNCAC và vấn đề hoàn thiện Bộ luật Hình sự Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/toi-pham-tham-nhung-trong-linh-vuc-tu-theo-cong-uoc-uncac-va-van-de-hoan-thien-blhs-viet-nam, truy cập ngày 20/3/2024..

[10] Trần Văn Hải, tlđd (7), truy cập ngày 20/3/2024.

[11] Điều 433-25 của Bộ luật Hình sự Cộng hòa Pháp quy định: “Pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của pháp nhân, nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân. Điều 121-2 còn nhấn mạnh trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của bất kỳ cá nhân nào là người thực hiện tội phạm hoặc người đồng phạm về cùng hành vi”.

[12] “Điều 354. Tội nhận hối lộ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

[13] Trần Hữu Tráng, Hoàn thiện quy định về các tội nhận và đưa hối lộ, Tạp chí Luật học, số 3, năm 2009, tr.12-17&69.

[14] “Điều 354. Tội nhận hối lộ

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt”.

[15] Công ước Chống tham nhũng và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì ngoài hai hình thức này, còn có thêm một hình thức nữa đó là “đòi” một lợi ích bất chính để làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ. Theo quy định của Công ước Chống tham nhũng thì mỗi quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm các hành vi hối lộ công chức quốc gia trong đó có hành vi “đòi” một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức hay cho người hoặc tổ chức khác, để công chức làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đưa ra yêu cầu các bên tham gia phải xử lý hình sự đối với các hành vi đưa hối lộ công chức và hành vi đòi hoặc nhận hối lộ của công chức, bất kể đó là công chức Nhà nước, công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế.

[16] Tương tự như vậy, đối với tội đưa hối lộ, chúng tôi kiến nghị nên quy định hành vi “đề nghị đưa” trong cấu thành cơ bản của  tội đưa hối lộ. Và cũng căn cứ vào mức độ nguy hiểm của các hành vi đưa hối lộ nên sắp xếp các hành vi này theo thứ tự là: “đề nghị đưa”, “đã đưa” và “sẽ đưa”.

Điều 364. Tội đưa hối lộ

“1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đề nghị đưa, đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt…”.

[17] Đoàn Phước Hòa, Bàn về tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ theo Bộ luật Hình sự, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-toi-nhan-hoi-lo-va-toi-dua-hoi-lo-theo-bo-luat-hinh-su6921.html, truy cập ngày 20/3/2024.


 

 

TS. NGUYỄN TRÍ TUỆ (Phó Chánh án thường trực TANDTC) TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

1. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

2. TS. Trần Văn Hải, Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm tham nhũng, https://www.vksndtc.gov.vn/cong-tac-kiem-sat/hoan-thien-phap-luat-hinh-su-viet-nam-ve-cac-toi-p-d10-t11662.html, truy cập ngày 20/3/2024.

3. Báo cáo số 33/BC-HĐTĐ ngày 10 tháng 02 năm 2015 của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

4. ThS. Lưu Thanh Hùng, Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư theo Công ước UNCAC và vấn đề hoàn thiện Bộ luật Hình sự Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/toi-pham-tham-nhung-trong-linh-vuc-tu-theo-cong-uoc-uncac-va-van-de-hoan-thien-blhs-viet-nam, truy cập ngày 20/3/2024.

5.  Bùi Văn Hưng, Công ước của Liên hợp quốc, pháp luật hình sự của một số quốc gia về chống tham nhũng và vấn đề nội luật hóa hành vi người có tài sản lớn nguồn gốc không minh bạch, https://kiemsat.vn/cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-phap-luat-hinh-su-cua-mot-so-quoc-gia-ve-chong-tham-nhung-49988.html, truy cập ngày 20/3/2024.

6. Đoàn Phước Hòa, Bàn về tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ theo Bộ luật Hình sự, https://tapchitoaan.vn/ban-ve-toi-nhan-hoi-lo-va-toi-dua-hoi-lo-theo-bo-luat-hinh-su6921.html, truy cập ngày 20/3/2024.

7. Trần Hữu Tráng, Hoàn thiện quy định về các tội nhận và đưa hối lộ, Tạp chí Luật học, số 3, năm 2009, tr.12-17&69.

8. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” trong vụ án Vạn Thịnh Phát - Ảnh: Anh Tú