Hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân định hướng đến năm 2030”

Sáng 20/6, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội thảo “Chiến lược cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân đến năm 2030”. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu pháp luật, các vị Phó Chánh án TANDTC, Thẩm phán TANDTC và đại diện các các đơn vị trong TANDTC, TANDCC tại Hà Nội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm của tư pháp để chỉ đạo cải cách. Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp.

Trong bộ máy Nhà nước ta, Toà án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Phát biểu khai mạc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Toà án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp. Kết quả thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng.

Về hoàn thiện thể chế, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật công chứng… với nội dung về cơ bản đã thể chế hóa được các định hướng mà Nghị quyết số 49 đề ra.

Về hoàn thiện tổ chức, bộ máy, Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân đã được đổi mới, hoàn thiện: trong đó đã khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng; đổi mới hình thức phòng xử án.

Về xây dựng đội ngũ chức danh tư pháp, Đội ngũ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân được đổi mới, củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chức danh Thẩm phán được phân thành 4 ngạch, gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Tòa án: Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về hợp tác quốc tế: Uy tín và địa vị của Tòa án Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Tham gia nhiều định chế tư pháp quốc tế như Hội đồng Chánh án thế giới và khu vực, Tòa án trọng tài thường trực PCA…; đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định đa phương, song phương.

Về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác Tòa án: Đã thực hiện việc bố trí, cơ cấu lãnh đạo Tòa án nhân dân tham gia cấp ủy hoặc Ban Thường vụ tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nền tư pháp nước ta vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân; Còn lạc hậu so với mặt bằng chung của thế giới; Niềm tin của người dân vào nền tư pháp chưa cao; Chưa có cơ chế hữu hiệu để tăng cường khả năng tự quyết định, khả năng đoán định tư pháp của người dân;…

Để chuẩn bị cho việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và góp ý văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới bên cạnh việc phải tổng kết, đánh giá lại những kết quả cải cách tư pháp đã đạt được, các Tòa án còn phải nghiên cứu, đề xuất những định hướng lớn cho Đảng về chiến lược cải cách tư pháp mới của hệ thống Toà án nói riêng và nền tư pháp nói chung.

Chánh án nhấn mạnh: “Để có cơ sở đề xuất xây dựng chiến lược mới này, hôm nay, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo về “Chiến lược cải cách tư pháp trong Toà án nhân dân định hướng đến năm 2030” để các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học tham luận, thảo luận về những nội dung quan trọng cần định hướng để cải cách trong trong thời gian tới”.

TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC điều hành phần tham luận và thảo luận.

Mở đầu phiên tham luận, thảo luận, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Định hướng của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030”.

Tiếp đó, GS.TS Võ Khánh Vinh trình bày tham luận “ Xây dựng chế độ tư pháp công khai, minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người dân”.

PGS.TS Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Hành chính Tư pháp Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận “Chế định Bồi thẩm đoàn tham gia xét xử vụ án hình sự – Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam”.

Ông Trần Văn Tú, nguyên Phó Chánh án TANDTC trình bày tham luận “Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam có tham luận “Xây dựng cơ chế nhằm tăng cường khả năng tự quyết và khả năng đoán định tư pháp của người dân”.

PGS.TS Nguyễn Tất Viễn có tham luận “Xây dựng cơ chế giám sát liêm chính tư pháp – kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi những vấn đề các tham luận đặt ra, cả về lý luận và thực tiễn.

THÁI VŨ - HÙNG LAN