Họp hội đồng xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và các cố chánh án qua các thời kỳ

Chiều ngày 28/4/2020 TANDTC tổ chức phiên họp mở rộng của Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông - nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ để nghiên cứu, kết luận, cho ý kiến với các mẫu phác thảo. Tham dự chủ trì phiên họp có ông Nguyễn Hòa Bình - Bí thư trung ương Đảng, chánh án TANDTC.

TANDTC đã ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai thưc hiện trong suốt gần 02 năm qua, qua đó đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ: Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Viện sử học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội… Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa như: GS.TSKF Vũ Minh Giang, Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ… Đã thảo luận cho ý kiến đối với các công trình nghiên cứu công phu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu.

TANDTC đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

TANDTC đã ban hành văn bản xin ý kiến các cơ quan ban ngành Trung ương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp,… về nhân vật lịch sử đã được hệ thống Tòa án nhân dân lựa chọn. Kết quả TANDTC đã nhận được được ý kiến đồng thuận cao của các cơ quan này. Hội đồng Thẩm phán TANDTC thống nhất đề xuất lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Thực tế trên thế giới có nhiều nước đã lựa chọn biểu tượng công lý trong đó, nhiều nước lựa chọn các vị vua làm biểu tượng công lý. Việc lựa chọn Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã bảo đảm tính khách quan, thận trọng.

TANDTC đã ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Hội đồng nghệ thuật dựng tượng vua Lý Thái Tông – Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án TANDTC các thời kỳ.

Hội đồng Nghệ thuật đã họp thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo về nội dung, yêu cầu về mỹ thuật, nghệ thuật tượng; về kiểu, loại tượng; về chất liệu, kích thước, vị trí đặt tượng; về phương án tổ chức sáng tác mẫu phác thảo.

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng Nghệ thuật, TANDTC đã mời Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác 03 mẫu phác thảo. Hình ảnh và thuyết minh các mẫu phác thảo này đã được gửi tới Tòa án các cấp để lấy ý kiến góp ý. Kết quả lấy ý kiến sẽ được tổng hợp báo cáo Hội đồng Nghệ thuật xem xét quyết định.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cùng ba mẫu phác thảo.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, nhà sử học Dương Trung Quốc – đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng việc lựa chọn Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam là  khách quan, thận trọng. Tuy nhiên, trong việc xây dựng hình tượng vua Lý Thái Tông còn một số khó khăn nhất định, như chân dung tướng mạo, trang phục… nên các nhà chuyên môn, các  ngành khoa học xã hội nhân văn,các ngành có liên quan cần đóng góp ý kiến, dữ liệu, sự sáng tạo. Việc xây dựng cũng dựa trên tuổi tác, tính cách, một vài chi tiết lịch sử ghi lại.

Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên họp

Họa sỹ Vi Kiến Thành – Cục trưởng cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét trong ba mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường  thì mẫu số 1 tượng vua Lý Thái Tông tay cầm cuốn hình thư, đeo kiếm là phù hợp nhất với các tiêu chí đề ra ban đầu. Tuy nhiên ông cũng có một số lưu ý về mặt nghệ thuật tạo hình ví dụ như sự cần thiết, phù hợp hay không của cây kiếm, và xem xét sự tạo hình khối tại vị trí giày. Bệ liền kề với tượng cũng nên vuông thành sắc cạnh.

Họa sỹ Vi Kiến Thành

Phát biểu kết luận sau khi nghe ý kiến của các thành viên hội đồng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông không phải là việc đúc hàng nghìn bức tượng, tốn hàng nghìn tỷ một cách tùy tiện, vô tích sự, mà là việc làm giáo dục truyền thống, khẳng định vị thế đất nước trong lịch sử cũng như trong hiện tại. Việc lựa chọn dựng tượng vua Lý Thái Tông làm Nhân vật tiêu biểu cho hoạt động xét xử đã rất thận trọng, khoa học, tỷ mỉ, nhất quán và cần thiết. Các nhà khoa học, điêu khắc, văn hóa… đã làm việc hết sức tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và khoa học.

Chánh án cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng, đồng thời khẳng định những dư luận và ý kiến đóng góp của người dân trong thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên việc lấy ý kiến người dân trên mạng xã hội đến hôm nay- ngày 28/4 là kết thúc. Qua đó đề nghị tác giả tiếp thu và điều chỉnh hình mẫu để cho chất lượng cao hơn.

Chánh án nhấn mạnh, việc xây dựng tượng trong tương lai vào thời điểm tiếp theo sẽ được xây dựng bằng sự đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Việc đóng góp gửi gắm sự tôn kính đối với công trạng của vị vua có công rất lớn trong việc hình thành nền xét xử theo pháp luật.

Vì dịch bệnh Covid-19, tạm thời việc dựng tượng sẽ chưa đặt nặng vấn đề xây dựng mà sẽ được tiếp tục hoàn thiện sáng tác trên các mẫu phác thảo.

CẢNH DINH