Huyện Lắk & Thị xã Ninh Hòa

Du lịch nông nghiệp: Hướng phát triển nhiều tiềm năng ở huyện Lắk

Huyện Lắk là một trong những địa danh có nhiều cảnh quan đẹp, như: hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại, buôn cổ M’liêng, các khu rừng đặc dụng mang đậm nét hoang sơ, kỳ vĩ, thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Bên cạnh những lợi thế về các danh thắng như trên, huyện Lắk được đánh giá là vùng đất có nhiềm tiềm năng để phát triển du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo thống kê, huyện Lắk có tổng diện tích cây trồng khoảng 28.000 ha, đặc biệt huyện có hai vựa lúa lớn ở xã Buôn Tría và Buôn Triết, chiếm gần 50% diện tích lúa nước toàn huyện.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện đã chú trọng tuyên truyền, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa rộng rãi vào gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Qua đó đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn. Các cánh đồng lúa nước không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là tiềm năng để địa phương phát triển du lịch trải nghiệm nếu được quy hoạch, đầu tư bài bản.

Du khách tham quan cánh đồng lúa nước tại xã Yang Tao, huyện Lắk (ảnh chụp trước thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ tư xuất hiện trên địa bàn tỉnh)

 

Tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Huyện ủy Lắk về tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương vào đầu tháng 9/2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhận định, việc kết hợp giữa du lịch với phát triển nông nghiệp là tiềm năng rất lớn của huyện Lắk. Qua chuyến khảo sát thực tế ở cánh đồng Buôn Tría và Buôn Triết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá đây là cánh đồng lúa rất đẹp – là tiềm năng về du lịch trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, để du khách tìm đến, địa phương cần nghiên cứu, vận dụng việc dồn điền, đổi thửa để tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp vừa phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch, địa phương cũng cần đa dạng hóa các hình thức phù hợp với từng vùng. Chẳng hạn ngoài quy hoạch các khu resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp thì cần có những vùng homestay, có vùng để trạng thái tự nhiên cho khách nước ngoài, khách từ các thành phố lớn đến khám phá, trải nghiệm. Ở những khu vực cảnh quan tự nhiên hoang sơ yêu cầu phải sạch sẽ, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường. Cùng với đó, cần có quy hoạch những dãy phố hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách ở những lứa tuổi khác nhau.

Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do UBND huyện Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 4-2021, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho rằng, hiện nay huyện Lắk có lợi thế để phát triển du lịch theo xu hướng staycation (du lịch tại chỗ). Đó là những buôn làng được “ôm trọn” bởi cánh đồng lúa ở xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng, buôn cổ M’liêng, các khu du lịch ở buôn Lê, buôn Jun, hay những vùng trồng cà phê, ca cao ở xã Đắk Phơi... đều có thể là điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai. “Theo tôi, huyện Lắk cần hướng đến phát triển du lịch bền vững bằng cách tạo ra những sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên, gắn với nông nghiệp, nông thôn. Để thành công, đòi hỏi có sự đồng hành giữa cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân tại chỗ”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk Huyện Lăk cho biết: Huyện Lắk có khá nhiều lợi thế về nông nghiệp, địa phương có thể định hướng để nông dân chú ý đầu tư vào thực phẩm sạch, an toàn (chưa cần bàn đến hữu cơ khó làm và giá cả cao) như rau sạch, gia cầm sạch. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu về sản phẩm du lịch – nông nghiệp, làm sao để khi du khách đến huyện Lắk, họ sẽ nghĩ đến những đặc sản của địa phương, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.

Bí thư Huyện ủy Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, nguồn lao động trẻ dồi dào, năng động, huyện Lắk được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, du lịch và hợp tác đầu tư. Phát huy lợi thế này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU, ngày 13-10-2020 về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030”. Theo đó, địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ trên địa bàn phát triển. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp và nông dân nhằm hướng tới xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

https://vccinews.vn/upload/photos/2021/6/large/vbf-202168102729in1.jpg
Ông Nay Y Phú (người tặng hoa – bên trái) Chủ tịch UBND Huyện Lắk tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2021 vào huyện Lawsk. Thông qua Hội nghị, các nhà đầu tư cùng ký kết ghi nhớ triển khai các dự án trên địa bàn huyện với tổng vốn 1.450 tỷ đồng.

 

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Lắk đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra. Nhìn chung 5 năm qua, kinh tế của huyện có sự tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 5 năm, đạt 15.528 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong nhiệm kỳ đạt 7,04%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng/người/năm, lương thực bình quân đầu người năm 2020 đạt 1.627 kg/người. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển tương đối ổn định; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trung bình hàng năm tăng 15%. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2016-2020), đạt khoảng 2.760 tỷ đồng.

 

***********************************************

 

Những mục tiêu đột phá phát triển thị xã Ninh Hòa giàu đẹp, văn minh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng thể đến năm 2025 của thị xã Ninh Hòa là “Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III. Xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh…; Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị xã”.
Nghị quyết Đại hội đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu:
* Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 13%/năm; Giá trị ngành dịch vụ - du lịch tăng bình quân 15%/năm; Giá trị ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 3%/năm.
* Thu ngân sách trong cân đối tăng bình quân 20%/năm – chỉ tiêu này thể hiện quyết tâm rất cao của toàn Đảng bộ thị xã.
* Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 đạt trên 40.000 tỷ đồng. 
* Phấn đấu đạt tỷ lệ 55% trường học đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 96%; Đạt 25 giường bệnh, 8 bác sĩ, 20 điều dưỡng trên 10.000 dân.
* Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 50% trở lên so với tổng số hộ nghèo đầu nhiệm kỳ, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
* Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 65%;  
* 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó: có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 
* Phấn đấu nâng cấp 03 xã: Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Phụng đạt tiêu chí đô thị loại V. Phấn đấu có 07 xã đủ điều kiện thành lập đơn vị hành chính phường. 
07 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thực hiện xuyên suốt trong nhiệm kỳ:
* Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện theo hướng cơ cấu Công nghiệp - xây dựng, Dịch vụ - du lịch, Nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. 
* Thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội, phát triển thị xã thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh; phát triển kinh tế biển; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
* Đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
* Phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; y tế, văn hóa - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
* Triển khai có hiệu quả đường lối, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của Đảng, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ vững ổn định chính trị xã hội trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo.
* Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ.
* Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Cùng với mục tiêu tổng thể và các chỉ tiêu chủ yếu, 07 nhóm nhiệm vụ giải pháp trên đây đã khái quát bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã khá toàn diện, thể hiện định hướng lãnh đạo để phát triển thị xã Ninh Hòa trở thành đô thị thịnh vượng, văn minh trong thời gian tiếp theo.
Điểm mới, có tính chất đột phá trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025
Điểm rất mới, có tính chất đột phá trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ thị xã nhiệm kỳ này là xác định quan điểm chỉ đạo có giá trị bao trùm, vừa phản ánh khát vọng phát triển, vừa thể hiện rõ hơn chủ đề Đại hội “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển”; đồng thời là căn cứ xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Trên cơ sở chủ đề, quan điểm chỉ đạo và căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện của thị xã, Đại hội đã thống nhất xác định mục tiêu “xây dựng và phát triển thị xã thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh, từng bước trở thành đô thị loại III”. 

Và, theo Nghị quyết đề ra “đến 2025, 7/20 xã đủ điều kiện thành lập đơn vị hành chính phường”, đầu nhiệm kỳ sau Ninh Hòa sẽ có 14 phường, 13 xã; cùng với cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ - du lịch; khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế hiện có như giao thông, cảng biển, vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng…, Ninh Hòa sẽ trở thành “cửa ngõ hướng biển” để liên kết phát triển với các tỉnh Tây nguyên và Nam Vân Phong và cùng với sự hỗ trợ của tỉnh sẽ là tiền đề để thị xã Ninh Hòa trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã Ninh Hòa khi đó sẽ chuyển sang gam màu tươi sáng, hứa hẹn sự phát triển đột phá, vươn lên của một vùng đất giàu tiềm năng và đầy nghị lực. Với những mục tiêu cơ bản như vậy, thể hiện rõ khát vọng phát triển, vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Hòa để từng bước hiện thực hóa xây dựng Ninh Hòa trở thành 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. 
            Đại hội đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp, Nghị quyết Đại hội đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để xây dựng, phát triển thị xã Ninh Hòa giàu đẹp, văn minh, giai đoạn 2020-2025./.

QC