Lãnh đạo Cục Lãnh sự bị khởi tố nhưng không thể phủ nhận các kết quả giải cứu công dân

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị trong nước cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình và thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân…

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 17/2, một vấn đề được quan tâm là lãnh đạo Cục Lãnh sự bị khởi tố. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Cục Lãnh sự và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được toàn quyền giải quyết việc "giải cứu" người Việt ở nước ngoài suốt 2 năm qua đã dẫn tới hành vi trục lợi, gây khó khăn cho công dân muốn hồi hương.

Về vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định lại, việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh đại dịch là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, các Bộ, ngành và địa phương liên quan cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai.

Trong bối cảnh trong nước phải tập trung ứng phó với dịch bệnh chưa từng có và năng lực y tế có hạn, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước, được nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. “Chắc các bạn vẫn còn nhớ, chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào đầu tháng 02/2020, đến nay các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực, khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.

Sai phạm của một số cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, và điều đó không thể phủ nhận được các nỗ lực và các kết quả đó.

Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và cũng đã quyết định đình chỉ công tác đối với các cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời “Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong nước cũng như, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình xử lý công việc, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ sớm và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, loại bỏ mọi hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp của ngành Ngoại giao, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao”- Người phát ngôn khẳng định.

Từ ngày 15/02, Việt Nam đã dỡ bỏ việc hạn chế tần suất các chuyến bay chở khách quốc tế đến, trở lại bình thường như trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều kiện nhập cảnh, y tế hiện vẫn chưa được nới lỏng nên những ngày qua lượng khác đến Việt Nam không hề tăng so với trước ngày 15/02. Về vấn đề này, Người phát ngôn cho biết: Về quy định thì hiện nay, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đối với người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Đồng thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh ngày 16/12/2021, người nhập cảnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) và thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới ngày nhập cảnh phải theo dõi y tế tại nơi cư trú (nhà ở, khách sạn, trụ sở cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…) trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Các đối tượng khác thực hiện cách ly y tế trong vòng 07 ngày tại nơi cư trú.

Người phát ngôn cũng chia sẻ: Vào ngày 16/02/2022 vừa qua, Lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch sớm thống nhất nội dung, quy định đón khách quốc tế, hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và làm việc cụ thể với Bộ y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam. Về cơ bản, các thủ tục và đối tượng cấp thị thực sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định của luật Việt Nam như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Về phần Bộ Ngoại giao, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch cũng như xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam.

Về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam và Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của những nước nào, Người phát ngôn cho biết: Tính đến ngày 16/02/2022, có 14 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số đối tác khác cũng đang xem xét rất tích cực, trao đổi thêm về các vấn đề kỹ thuật và sẽ sớm có khẳng định với chúng ta.

Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang tích cực vận động, trao đổi với các nước, thúc đẩy việc chính thức công nhận Hộ chiếu Vaccine của Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân.

Về phía Việt Nam hiện nay vẫn đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài tại đây thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BNG

 

 

MINH KHÔI