Mối quan hệ giữa lẽ công bằng và án lệ: Góc nhìn từ Cộng hòa Pháp và tham khảo cho Việt Nam

Bài viết đi vào tìm hiểu mối quan hệ giữa án lệ và lẽ công bằng qua các nội dung: (1) Quy định của pháp luật Việt Nam về án lệ và lẽ công bằng; (2) Kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp; (3) Kiến nghị, giải pháp.

Đặt vấn đề

Lẽ công bằng - “công cụ nối dài” của pháp luật trong bối cảnh Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015). Do vậy, nhằm bảo đảm tính hiệu quả khi áp dụng lẽ công bằng trong xét xử và đảm bảo nguyên tắc “các vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”, lẽ công bằng cần được nghiên cứu dưới góc độ kinh nghiệm quốc tế. Tại Pháp, lẽ công bằng được áp dụng hiệu quả trong công tác xét xử, ghi nhận trong án lệ (Jurisprudence), tạo nên “thói quen” sử dụng án lệ để giải quyết các vụ án có yếu tố lẽ công bằng một cách linh hoạt. Như vậy, sự kết hợp giữa án lệ và lẽ công bằng giúp nâng cao giá trị tham khảo trong hoạt động xét xử là hoàn toàn khả thi.

Lẽ công bằng được quy định tại khoản 2 Điều 6 BLDS năm 2015 và Điều 45 BLTTDS năm 2015. Đặc biệt, lẽ công bằng còn là một trong những tiêu chí để lựa chọn án lệ[1]. Tuy nhiên, việc áp dụng lẽ công bằng còn có nhiều khó khăn, lúng túng do còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc vận dụng hiệu quả và phát huy nguyên tắc này.

Cùng về vấn đề này, Cộng hòa Pháp đã xây dựng hệ thống án lệ trong đó lồng ghép nguyên tắc lẽ công bằng để giải thích pháp luật một cách hiệu quả[2]. Đó là minh chứng cho mối quan hệ giữa lẽ công bằng và án lệ một cách khách quan, biện chứng, góp phần bảo đảm công lý và sự thống nhất trong hoạt động xét xử tại Pháp.

1. Quy định của pháp luật Việt Nam về án lệ và lẽ công bằng

Tại Việt Nam, lẽ công bằng có vị trí pháp lý[3] và được quy định cụ thể là “lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”[4]. Từ quy định nói trên, có thể thấy nội hàm của lẽ công bằng còn mang tính khái quát, định tính. Việc thực hiện lẽ công bằng thực chất là đi tìm sự thật khách quan bởi lẽ công bằng có đặc điểm lớn nhất đó là các yếu tố cấu thành không được pháp luật quy định cụ thể. Từ đó, bằng quy định của pháp luật, Thẩm phán khi xét xử, đưa ra nhận định và tìm ra sự thật khách quan. Mặt khác, nếu chế định này chỉ được quy định bằng luật thành văn thì đây là “chiếc áo” chật chội cho nguyên tắc này. Bởi lẽ “Một hình thức có giới hạn chỉ thể hiện một nội dung có giới hạn. Bởi vậy, văn bản luật viết luôn chỉ có một số lượng giới hạn các quy tắc, trong khi các quan hệ xã hội cần điều chỉnh thì luôn phát sinh và phát triển đa dạng”[5]. Với ý nghĩa bản chất của Lẽ công bằng như vậy, cần hiểu lẽ công bằng như một tinh thần xuyên suốt của quá trình tố tụng hơn là chỉ dừng lại ở ý nghĩa là “công cụ” giải quyết vụ việc khi không có nguồn nào khác có thể áp dụng.

Về án lệ, “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án... được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”[6]. Mặt khác, xét về phương pháp nghiên cứu, việc xác định mối quan hệ giữa án lệ và lẽ công bằng cần sử dụng nguyên tắc đối xử như nhau đối với những cái giống nhau của Chủ nghĩa thực chứng pháp lý[7]. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc áp dụng án lệ quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP: “...bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Như vậy, quy định của pháp luật Việt Nam có tồn tại mối liên kết giữa án lệ với lẽ công bằng, đóng vai trò bổ trợ cho việc áp dụng pháp luật trong xét xử.

Tại Việt Nam, đến năm 2015, lẽ công bằng và án lệ mới được quy định là hai trong 07 nguồn của pháp luật[8]. Từ năm 2016 đến nay, TANDTC đã lựa chọn và công bố 70 án lệ ở tất cả các lĩnh vực[9]. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên tên và từ khóa để xác định thì tất cả 70 án lệ đang có hiệu lực đều không thể hiện từ khóa “lẽ công bằng” trong vụ án. Mặt khác, theo các bài viết nghiên cứu về án lệ, nhất là Án lệ số 04/2016/AL và số 07/2016/AL[10] đã thể hiện có sử dụng lẽ công bằng. Cho thấy, lẽ công bằng ẩn trong lập luận của Thẩm phán qua các tình tiết vụ án. Do đó, nếu xét dưới góc độ biểu hiện từ khóa, sự minh thị của cụm từ “lẽ công bằng” trong bản án để ứng với điều kiện lựa chọn án lệ chứa đựng lẽ công bằng[11], có thể nói hiện nay Việt Nam chưa có án lệ về lẽ công bằng.

2. Kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp

Tại Pháp, lẽ công bằng không được xem là nguồn của pháp luật. Tuy nhiên, quốc gia này có 02 loại nguồn luật (nguồn chính thức và không chính thức), án lệ chính là nguồn luật không chính thức tại quốc gia này[12]. Do đó, thực tiễn xét xử ở Pháp luôn sử dụng án lệ như một công cụ hữu hiệu để giải thích luật thành văn[13].

Ngoài ra, việc áp dụng lẽ công bằng tại Pháp được diễn ra trong bối cảnh Thẩm phán phải bảo đảm lẽ công bằng trong xét xử như một tinh thần xuyên suốt bằng cách áp dụng những quy định của pháp luật sẵn có và sự giải thích thấu đáo cho từng vụ việc cụ thể. Bởi lẽ, BLDS năm 1804 quy định  không cho phép Thẩm phán từ chối xét xử, với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ thì có thể bị truy tố về tội từ chối công lý (Điều 4); không cho phép Thẩm phán giải quyết những vụ việc được giao xét xử bằng cách đặt ra những quy định chung và có tính chất quy phạm (Điều 5); BLTTDS quy định: Thẩm phán giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng cho trường hợp đó (Điều 12)[14]. Những quy định như vậy cho thấy, sự cương tỏa của pháp luật về những điều mà Thẩm phán có trách nhiệm thực hiện xét xử một vụ việc cần có sự cân nhắc nhằm tìm ra sự thật khách quan nhưng không được vượt ngoài khuôn khổ luật thực định. Do đó, để hoàn thiện công việc theo luật định, Thẩm phán phải thực hiện quy tắc “Ex aequo et bono”[15]. Quan trọng hơn cả, là lẽ công bằng được thể hiện theo cách giải thích bản án, án lệ. Do vậy, có thể nói, khác biệt lớn nhất của việc áp dụng lẽ công bằng tại Pháp và Việt Nam là lẽ công bằng không đứng một mình mà được lồng ghép vào án lệ như một lẽ đương nhiên chứ không phải là phương án cuối cùng[16]

Tại Pháp, án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật hữu hiệu với vai trò pháp lý uyển chuyển. Việc phân tích án lệ luôn là một trong những vấn đề của cải cách tư pháp tại Pháp[17]. Do đó, trong bối cảnh thực tiễn xét xử đề cao vai trò giải thích pháp luật của Thẩm phán và việc lẽ công bằng không phải là một nguồn của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo việc áp dụng pháp luật và tìm kiếm sự thật khách quan; lẽ công bằng thể hiện trong xét xử như sự thấu đáo của Thẩm phán trong việc áp dụng pháp luật và giải thích về việc áp dụng ấy. Sau đây là những ví dụ cụ thể minh chứng cho nhận xét nói trên:

Ví dụ thứ nhất, án lệ tư pháp của Tòa giám đốc thẩm, Phòng dân sự 3, ngày 13/7/2022, số kháng nghị 19-20.231[18] thể hiện lẽ công bằng ở các đoạn giải thích trong phần Quyết định (Le Dispositif):

(1) “Điều 1135 BLDS quy định ràng các hợp đồng không chỉ bắt buộc đối với những gì được thể hiện, mà còn tất cả những hậu quả mà sự công bằng, cách sử dụng hoặc pháp luật mang lại cho nghĩa vụ theo bản chất của nó; Điều 1156 quy định rằng người ta phải tìm kiếm ý định chung của các bên trong hợp đồng, thay vì dừng lại ở nghĩa đen của thuật ngữ,...”;

(2) Về thiệt hại do hậu quả; - chi phí di dời: xét thấy thời gian làm việc có thể kéo dài hơn hai tháng, nên cấp cho vợ/chồng một khoản trợ cấp công bằng và công bằng cho việc tái định cư tạm thời với tổng số tiền là € 2.500; (...); - định kiến ​​đạo đức của vợ hoặc chồng [Y]: xem xét thời gian chiếm giữ tài sản kể từ khi mua lại, trong bầu không khí bão hòa độ ẩm, tất cả đều không có giải pháp đồng thuận của các bị đơn mặc dù các nguyên đơn đã cố gắng theo hướng này”.

Nhận xét:

Từ lập luận cho lẽ công bằng ở những trích đoạn nói trên của án lệ này cho thấy: Lẽ công bằng không chỉ quan tâm đến nội dung tranh chấp giữa các bên mà còn quan tâm đến “hậu quả mà sự công bằng, cách sử dụng hoặc pháp luật mang lại cho nghĩa vụ theo bản chất của nó” với những vấn đề cụ thể như: “thiệt hại do hậu quả; - chi phí di dời... định kiến ​​đạo đức...”. Đó cũng chính là đi tìm sự thật khách quan, ý chí khi ký kết hợp đồng giữa các bên chứ không chỉ dừng lại ở việc giải thích thuật ngữ. Lẽ công bằng còn thể hiện ý chí của các bên thể hiện qua những tài liệu, lời khai mà các bên cung cấp khi tham gia tố tụng. Bằng sự nhạy bén, lương tâm của Thẩm phán, việc giải thích áp dụng pháp luật theo hướng tìm ra sự thật khách quan chính là lẽ công bằng.

Ví dụ thứ hai, án lệ của Tòa giám đốc thẩm, dân sự, Phòng dân sự 2, ngày 09/6/2022, 20-22.588, số kháng nghị: 20-22.588[19] thể hiện Lẽ công bằng ở phần nội dung: Khi Bản án ngày 17/9/2020 của Tòa án cấp giám đốc thẩm cho rằng khi người kháng cáo không yêu cầu, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể xác nhận quyền giám đốc thẩm; Tuy nhiên, việc áp dụng ngay thủ tục này là kết quả của cách giải thích mới về điều khoản liên quan đến việc cải cách thủ tục kháng cáo, xuất phát từ Nghị định số 2017-891 ngày 6/5/2017 và điều này chưa từng được Tòa án cấp giám đốc thẩm khẳng định trong một bản án được công bố, trong quá trình tố tụng do một bản tuyên bố đưa ra; kháng cáo trước ngày phán quyết này sẽ dẫn đến việc tước quyền xét xử công bằng của người kháng cáo; do đó, việc thông báo kháng cáo hết hiệu lực trước ngày 17 tháng 9 năm 2020 không thể được áp dụng, với lý do người kháng cáo không yêu cầu trong phần thực thi của kết luận của mình hoặc hủy bỏ phán quyết, do đó sẽ mất hiệu lực thủ tục tố tụng tước đi bất kỳ quyền truy tố nào của đương sự, kể cả trong trường hợp giám đốc thẩm, tước bỏ quyền được xét xử công bằng của đương sự.

Nhận xét:

Án lệ này có nội dung đảo ngược án lệ đã được áp dụng trước đó xuất phát từ những nội dung sau:

- Cơ sở để xác định sự không công bằng đối với bên kháng cáo là việc không áp dụng Nghị định số 2017-891 quy định về cải cách thủ tục kháng cáo: (1) có quy định mới: cách giải thích mới về điều khoản liên quan đến việc cải cách thủ tục kháng cáo, xuất phát từ Nghị định số 2017-891 ngày 06/5/2017; (2) quy định mới chưa được áp dụng trong bản án mới nhất, gây ra tình trạng không công bằng cho người kháng cáo: điều này chưa từng được Tòa án cấp giám đốc thẩm khẳng định trong một bản án được công bố.

- Cơ sở đảo ngược án lệ để đảm bảo công bằng cho bên kháng cáo: kháng cáo trước ngày phán quyết này sẽ dẫn đến việc tước quyền xét xử công bằng của người kháng cáo đã dẫn đến hành động pháp lý: việc thông báo kháng cáo hết hiệu lực trước ngày 17 tháng 9 năm 2020 không thể được áp dụng.

Với những trích dẫn và phân tích trên cho thấy, việc không áp dụng quy định mới nhất, có lợi nhất, bảo vệ quyền lợi cao nhất của pháp luật chính đối với bên kháng cáo là nguyên nhân chính để lật lại án lệ đã được áp dụng với bản án bị kháng cáo. Đồng thời, chính nội dung này cũng là yếu tố, dấu hiệu thể hiện việc áp dụng lẽ công bằng khi Thẩm phán tận dụng quy định có lợi nhất, đúng quy phạm pháp luật hiện hành nhất cho các bên đương sự trong khuôn khổ luật định. Từ ví dụ này có thể thấy, điều dẫn đến kết quả là Thẩm phán không bị ràng buộc bởi một tiền lệ, ông ta luôn có thể phán quyết theo cách khác và do đó có thể tiến hành đảo ngược án lệ.

Như vậy có thể thấy rõ vấn đề chính ở đây là: tùy vào tính chất vụ việc, Thẩm phán sẽ giải thích kết quả định giá là công bằng hay không, yếu tố nào dẫn đến kết quả đó. Từ đó cho thấy, án lệ đóng vai trò là văn bản hướng dẫn, thể hiện sự công bằng trong việc nhận xét kết quả định giá, có giá trị tham khảo cho các vụ án có tình huống pháp lý tương tự. Từ những phân tích và nhận xét nói trên cho thấy những yếu tố tích cực cần tham khảo từ những kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp cụ thể gồm:

Một là, tinh thần lẽ công bằng được thể hiện qua việc Thẩm phán tận dụng tối đa các quy định mới nhất, đúng nhất, đảm bảo hiệu quả nhất quyền của những đối tượng có liên quan trong quá trình thực hiện tố tụng. Ở một mức độ nào đó, lẽ công bằng có thể nhận diện qua thái độ xét xử của Thẩm phán vì nó là đạo lý hiển nhiên được thể hiện qua phán quyết. Mặt khác, với những vụ án có quan hệ tranh chấp phức tạp, việc cân nhắc thế nào là lẽ công bằng là một trong những việc còn phụ thuộc nhiều vào quan điểm của Thẩm phán. Do vậy, lẽ công bằng nên được sử dụng trong án lệ sẽ như công cụ áp dụng trong xét xử. Lẽ công bằng có thể tùy biến khi áp dụng quy định hiện có vào việc xem xét hành vi, đối tượng, tình huống pháp lý,... có liên quan đến vụ việc đang được giải quyết. Cho nên, khi lẽ công bằng lồng ghép vào án lệ có thể dễ dàng áp dụng và cũng dễ dàng hủy bỏ nếu như không còn phù hợp với thực tiễn.

Hai là, việc áp dụng các quy định dẫn đến kết quả là trái với công bằng, Thẩm phán có quyền cân nhắc hủy bỏ việc áp dụng đó để bảo đảm lẽ công bằng.

Các quy định của luật thực định tại Pháp luôn có một khoảng trống để Thẩm phán giải thích pháp luật. Khoảng trống này chính là nơi để Thẩm phán thể hiện sự uyển chuyển, nơi mà lẽ công bằng được cân nhắc. Điều 1579 BLDS của Pháp quy định: “Nếu việc áp dụng các quy tắc định giá được quy định tại Điều 1571 và 1574 ở trên dẫn đến một kết quả rõ ràng là trái với công bằng, thì tòa án có thể hủy bỏ quy tắc đó theo yêu cầu của một trong hai người phối ngẫu”.

Ba là, tăng cường vai trò, năng lực giải thích pháp luật của Thẩm phán.

Thông qua việc lồng ghép tinh thần lẽ công bằng trong án lệ, qua nội dung khảo sát 02 án lệ cụ thể nói trên của Cộng hòa Pháp, có thể thấy, vai trò giải thích pháp luật của Thẩm phán là rất quan trọng. Các giải thích này mang ý nghĩa hướng dẫn nhiều hơn là mô tả sự kiện pháp lý. Do đó, tuy án lệ không là một nguồn chính thức của pháp luật nhưng Thẩm phán, thậm chí là các bên tham gia tranh chấp luôn có ý thức trong việc viện dẫn án lệ nhằm bảo vệ cho lý lẽ của mình, từ đó bảo đảm việc công khai, minh bạch, giảm bớt sự lúng túng trong xét xử.

Bốn là, sử dụng từ khóa để diễn tả nội dung chính cần tìm kiếm.

Có thể nói, về hình thức thể hiện cũng như cách trình bày của án lệ tại Pháp tạo nên sự thuận tiện khi thực hiện tra cứu. Các từ khóa và tóm tắt vụ án đều thể hiện rõ được nội dung lẽ công bằng (nếu có) khi được dùng để lý luận, giải thích trong bản án. Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay, trong số những án lệ đã được công bố rất khó tìm ra 02 án lệ có sử dụng lẽ công bằng dù có dùng các thao tác kỹ thuật nói trên. Điều này vô hình trung làm giảm ý nghĩa cốt lõi cũng như khả năng khai thác, vận dụng của lẽ công bằng trong hoạt động tư pháp nói chung.

Ở một góc độ khác, do sợ bị hủy án và hậu quả đằng sau việc hủy án nên một số Thẩm phán đều trông đợi vào hướng dẫn của TANDTC thay vì sử dụng Án lệ như ở Cộng hòa Pháp. Lý do là số lượng án lệ của Việt Nam còn hạn chế, độ bao phủ ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực xã hội còn chưa cao. Do vậy, khi lẽ công bằng và án lệ đều được công nhận là nguồn của pháp luật, để tối đa hóa hiệu quả thống nhất xét xử, đảm bảo công khai minh bạch, lẽ công bằng và án lệ cần có sự kết hợp với nhau.

3. Giải pháp tham khảo và kiến nghị

Từ thực tế áp dụng pháp luật của Việt Nam và Cộng hòa Pháp nói trên, có thể tham khảo một số giải pháp và kinh nghiệm sau:

3.1. Một số giải pháp từ kinh nghiệm áp dụng án lệ và lẽ công bằng của Cộng hòa Pháp

-  Tăng cường vai trò giải thích pháp luật của Thẩm phán trong công tác xét xử nhằm nâng cao chất lượng bản án, bảo đảm lẽ công bằng và tạo tiền đề để gia tăng số lượng án lệ được công bố ở các lĩnh vực;

- Xây dựng cơ chế, quy trình nghiệp vụ để tất cả các vụ việc dân sự được xét xử đều áp dụng lẽ công bằng. Đưa nguyên tắc này trở thành tinh thần thống nhất xuyên suốt quá trình tố tụng thay cho cách hiểu lẽ công bằng là sự lựa chọn khi không có luật áp dụng;

- Cải thiện hình thức xác định lẽ công bằng trong án lệ thông qua tóm tắt án lệ và từ khóa hiển thị như Cộng hòa Pháp thực hiện trên Website Légifrance.

3.2. Một số kiến nghị về xây dựng, áp dụng án lệ lẽ công bằng thuộc hoạt động xét xử vụ việc dân sự trong bối cảnh cải cách tư pháp ở Việt Nam

- Xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để áp dụng, nhận diện lẽ công bằng, án lệ có sử dụng lẽ công bằng;

- Cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác lập một cách chính thức loại án lệ lẽ công bằng để án lệ này thành một hệ thống phổ dụng trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam;

- Tăng cường đào tạo chuyên môn sâu về kỹ năng nghiên cứu, phân tích, viện dẫn, công bố án lệ sử dụng lẽ công bằng cho đội ngũ Thẩm phán, những người làm công tác tuyên truyền, đào tạo... ;

Từ những giải pháp và kiến nghị trên, rất mong góp phần nâng cao chất lượng bản án, làm phong phú nguồn của án lệ, gia tăng số lượng án lệ có sử dụng lẽ công bằng và “công khai tư pháp để nhân dân tiếp cận thông tin tư pháp” trong đó có các án lệ, đảm bảo lẽ công bằng trong xét xử tại Việt Nam.

 

 


[1] Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đổng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[2] Précis de Droit Annamite. Phông Phủ Thông đốc Nam kỳ, TTLTQGII; Dân luật Nam Kỳ giản yếu (1883), Dân luật thi hành tại các tòa Nam - án Bắc kỳ (1931), Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật (1936); Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời VNDCCH.

[3] Điều 5, 6 BLDS năm 2015.

[4] Khoản 3 Điều 45, BLTTDS năm 2015.

[5] Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện, Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr.20.

[6] Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[7] Nguyễn Thị Thủy, Công bằng và ý nghĩa của bảo đảm nguyên tắc công bằng trong tố tụng hành chính, https://tapchitoaan.vn/cong-bang-va-y-nghia-cua-bao-dam-nguyen-tac-cong-bang-trong-to-tung-hanh-chinh, truy cập ngày 02/10/2022.

[8] Điều 6 BLDS năm 2015.

[9] Án lệ số 01/2016/AL là án lệ đầu tiên được công bố ngày 06/4/2016, có hiệu lực áp dụng ngày 23/5/2016.

[10] Nguyễn Thị Minh Huệ, Áp dụng lẽ công bằng trong Án lệ số 04/2016/AL và Án lệ số 07/2016/AL, Tạp chí Nghề Luật số 08/2020, tr.57-61.

[11] Ứng với điều kiện lựa chọn án lệ tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[12] Xếp hạng nguồn pháp luật: Hiến pháp, điều ước quốc tế, luật châu Âu, luật, quy định, án lệ, tập quán, học thuyết, hợp đồng, https://www.vie-publique.fr/dossier/274624-les-sources-du-droit-droit-et-grands-enjeux-du-monde-contemporain, truy cập ngày 04/9/2022.

[13] Ví dụ của Điều 1384 BLDS năm 1804 (Pháp). Sau khi được Tòa Phán án quyết định khái niệm “Những thứ này” cụ thể là những máy móc gây thương tích... đã đưa quy định 1384 từ một quy phạm ít được sử dụng trở thành cơ sở chế của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nguồn: Án lệ ở cộng hòa Pháp, Kỷ yếu tọa đàm Án lệ Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn (2021). Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM tr.51.

[14] BLTTDS của Cộng hòa Pháp, Điều 12 của Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/1976, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/section_lc/LEGITEXT000006070716/LEGISCTA000006149638/?anchor=LEGIARTI000006410105&_x_tr_sl=fr&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=wapp, truy cập  ngày 04/9/2022.

[15] Selon ce qui est équitable et bon - Theo những gì là chính đáng và tốt để Thẩm phán vận dụng pháp luật theo những gì là công bằng. Nguồn: Dictionnaire juridique de Serge Braudo (Online). Dictionnaire du droit privé. Link: https://bit.ly/3UFWxr3, ngày: 27/9/2022.

[16] Hiện nay, theo cách quy định tại Khoản 3 Điều 45 BLTTDS năm 2015, có thể hiểu, lẽ công bằng đang được xem là phương án áp dụng cuối cùng khi không thể áp dụng những nguồn luật khác.

[17] La réforme judiciaire J21 annoncée en Conseil des ministres. Link: https://tinyurl.com/44a2njkz, ngày: 27/9/2022.

[18] Cour de cassation, civile, Chambre civile 3, 13 juillet 2022, 19-20.231, Publié au bulletin. Nguồn: Website Légifrance. Link: https://tinyurl.com/mtvvdctz, truy cập ngày 27/9/2022.

[19] Cour de cassation, civile, Chambre civile 2, 9 juin 2022, 20-22.588, Publié au bulletin. Nguồn: Website Légifrance. Link: https://bit.ly/3Rtarty, truy cập ngày 01/10/2022.

NGUYỄN LÊ THẢO HÀ (Học viên cao học Khóa 21, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp.HCM)

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  3. Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804.
  4. Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp năm 1976.
  5. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
  6. Bridge, F.H.S (1994). The Council of Europe French - English legal dictionary. Strasbourg: Council of Europe Press.
  7. Dictionnaire juridique de Serge Braudo (Online). Dictionnaire du droit privé
  8. Green, Leslie (2009), “Legal Positivism”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2009 Edition), Edward N. Zalta (ed.).
  9. John Bell, Sophie Boyron, and Whittaker (with contributing authors Andrew  Bell, Mark Freeland and Helen Stalford), Principles of French Law, Second Edition, Oxford University Press, 2008.
  10. Olver, Graham (1988). A French - English dictionary of legal and commenrcial terms. Littleton, Colo
  11. Association Henri Capitant, Vocabulaire juridique (Gérard Cornu ed., 12th ed. 2018).
  12. Ngô Huy Cương, Sự ảnh hưởng của pháp luật Pháp tới luật tư ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12 (316), 6/2016.
  13. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên), Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, Nxb. ĐH Quốc gia TP. HCM, 2018.
  14. Nguyễn Thị Minh Huệ, Áp dụng lẽ công bằng trong Án lệ số 04/2016/AL và Án lệ số 07/2016/AL, Tạp chí Nghề Luật số 08/2020.
  15. Thái Vĩnh Thắng, Văn hóa pháp luật pháp và ảnh hưởng của văn hoá Pháp luật pháp vào quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở Việt Nam, Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KX.03 - Bộ Tư pháp, 2007.
  16. Viện sĩ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện. Phương pháp phân tích luật viết. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, 2021.
  17. Kỷ yếu tọa đàm Án lệ Việt Nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM, 2021.