Ngành Hải quan: Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan nhanh

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, sát sao và kịp thời của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

 

                                         Ảnh minh họa (Nguồn TCHQ)

Hoàn thiện cơ chế chính sách

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Hải quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển Hải quan, ngành Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, thống nhất nội dung trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành: Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, giao dịch qua thương mại điện tử; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2020/TT-BTC về chỉ tiêu thông tin đối với phương tiện xuất nhập cảnh qua các đường biển, hàng không, bộ, thuỷ nội địa và đường sắt.

Các dự thảo văn bản nêu trên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành Hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, là nền tảng triển khai toàn bộ thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời đã tháo gỡ được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, một số văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, phải lấy ý kiến các Bộ, ngành nhiều lần, điều này ảnh hưởng đến tiến độ ban hành các văn bản.

Công tác đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại

Ngành Hải quan hiện nay đang tập trung nghiên cứu đầu tư dự án nhằm tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới mô hình Hải quan số, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông mình, hoàn thành xây dựng Hải quan số dựa trên nền tảng ứng dụng rộng rãi công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thống nhất với kiến trúc Chính phủ điện tử.

Theo đó, ngành Hải quan tích cực, chủ động rà soát hoàn thiện bài toán nghiệp vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số thuộc lĩnh vực giám sát quản lý, đồng thời sẽ phối hợp với các tiểu nhóm (thuế xuất nhập khẩu, quản lý rủi ro, kiểm định hải quan) để rà soát toàn bộ mô tả bài toán nghiệp vụ.

Với hệ thống mới sẽ cho phép kết nối toàn bộ các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan đảm bảo xuyên suốt, số liệu tích hợp từ khi hàng hóa đến cửa khẩu trong thời gian lưu giữ tại kho, bãi, cảng đến khi thông quan, đưa ra khỏi khu vực giám sát, đưa vào sản xuất hoặc sử dụng theo đúng mục đích đã đăng ký với cơ quan hải quan; các hoạt động nghiệp vụ được tự động hoàn toàn, giảm tác động trực tiếp của con người.

Ngoài ra, thực hiện thỏa thuận giữa Đảng, Chính phủ của Việt Nam và Trung Quốc; trên cơ sở Đề án triển khai thực hiện thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh với Quảng Tây, Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đang phối hợp xây dựng mô hình giao nhận hàng hóa thông minh tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa 24/7 tại cửa khẩu Lạng Sơn, giúp cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) từ các địa phương lân cận tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại được đưa vào sản xuất, kinh doanh tiêu dùng trong vòng 24h.

 

                                      

Ảnh minh họa (Nguồn TCHQ)

Đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của nội ngành Hải quan, nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành Hải quan với vai trò là đầu mối chủ trì, đã nỗ lực triển khai các giải pháp để cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Qua đó, thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. 

Nhằm tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Trên cơ sở đó, từ năm 2021 đến nay, Tổng cục Hải quan đã tập trung tham mưu, xây dựng trình Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Nghị định là cơ sở cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, phát huy trách nhiệm của các Bộ, ngành, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành có mã số HS phù hợp với danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các Bộ ngành kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK; hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

 

QC