Nghĩa vụ chứng minh việc giao tiền trong thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền
Vụ án tranh chấp tài sản, hai bên có ký khế ước vay tiền nhưng không có biện nhận giao nhận tiền, không có người chứng kiến việc giao nhận tiền... thì giải quyết thế nào cho đúng pháp luật?
Trong những năm qua, tình hình giải quyết các tranh chấp về dân sự ở nước ta có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp, trong đó tranh chấp về hợp đồng vay tiền là một loại quan hệ tranh chấp về hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án[1].
Để giải quyết được chính xác, toàn diện một tranh chấp hợp đồng vay tiền thì nhiệm vụ của Tòa án mà cụ thể là người thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc cần xem xét, đánh giá khách quan chứng cứ, tài liệu các bên giao nộp thể hiện nội dung thỏa thuận và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được ghi nhận trong các nội dung trên; trong đó tại khoản 1 Điều 465 BLDS có ghi nhận nghĩa vụ của bên cho vay: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận”, đối với hợp đồng vay tiền, nghĩa vụ này được hiểu là bên cho vay tiền có nghĩa vụ giao tiền cho bên vay đầy đủ vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
Mặc dù đây là quy phạm pháp luật ghi nhận nghĩa vụ của bên cho vay được quy định trong BLDS, tuy nhiên thực tiễn cho thấy việc ghi nhận vấn đề này chưa thật sự được các chủ thể trong giao dịch vay tiền coi trọng, thể hiện ở việc nhiều hợp đồng vay tiền chỉ thể hiện các thông tin cá nhân của bên cho vay, bên vay, số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất; ngoài ra không thể hiện thời điểm giao tiền, địa điểm vay tiền dẫn đến việc không có tài liệu thể hiện việc giao nhận tiền có được thực hiện hay không? Dưới đây, tác giả xin đưa ra và nêu nội dung vụ án cụ thể mà có hai hai quan điểm giải quyết trái ngược nhau:
Theo phía nguyên đơn là bà D trình bày: Do có quan hệ làm ăn nên bà C và bà D có cho nhau vay mượn tiền nhiều lần. Năm 2010, bà C hỏi vay tiền, bà D có tiền gửi tại ngân hàng chưa đến hạn rút. Ngày 5/3/2010 bà D làm thủ tục thế chấp số tiết kiệm để vay số tiền hơn 700.000.000đ để đưa cho bà C. Hai bên đã lập Khế ước vay có nội dung đề ngày 5/3/2010 thể hiện số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay (81 ngày kể từ ngày ký) và lãi suất. Hai bên giao nhận tiền tại nhà ông H (nhưng ông H không chứng kiến việc giao nhận tiền này).
Ngoài ra, bà D còn đưa ra tài liệu chứng minh là khi tất toán khoản vay trên thì bà C còn ký tên C vào tờ giấy bảng kê gốc và lãi.
Đến cuối năm 2020 bà D mới khởi kiện ra Tòa yêu cầu bà D trả tiền gốc và lãi theo khế ước viết ngày 5/3/2010.
Phía bị đơn là bà C trình bày: Yêu cầu của nguyên đơn không có cơ sở, vì bà có hỏi vay tiền nhưng bà D nói không có tiền mặt mà chỉ có tiền gửi ngân hàng. Nếu bà C chắc chắn vay thì bà D sẽ đi rút tiền. Bà D yêu cầu bà C viết Khế ước vay và hẹn sẽ đưa tiền cho bà C sau khi viết khế ước từ 1, 2 ngày. Trong bản khế ước không có nội dung đã giao nhận tiền.
Sau khi viết tờ giấy đó, bà C không có nhu cầu vay nữa nên không tiếp tục hỏi bà D về số tiền này, do sơ suất nên bà cũng không yêu cầu bà D hủy bỏ bản khế ước. Hai bên tiếp tục làm ăn với nhau, bà D từng mua nhà và vay tiền của bà C, (ngày 13/9/2010 bà C có cho bà D vay số tiền 600 triệu đồng) mà không nhắc gì đến bản khế ước đó.
Còn bản kê tất toán khoản vay với Ngân hàng của bà D nhưng có chữ ký của bà C thì bà C khẳng định đó là do bà D nhờ bà C kiểm tra giúp xem có đúng hay không, xem xong thì bà C ký, như lâu nay vẫn xem giúp, không liên quan đến khế ước vay tiền đó. Và đó bản kê bà D đưa ra là bản phô tô.
Hiện nay có hai quan điểm giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng không đủ căn cứ khẳng định bà D đã giao tiền cho bà C vay như đơn khởi kiện, vì không có chứng cứ chứng minh hai bên có giao nhận tiền và cũng không có người chứng kiến việc giao nhận tiền.
Quan điểm thứ hai cho rằng, bà C thừa nhận đã viết bản khế ước vay tiền và bà C thừa nhận chữ ký tại bản tất toán bản kê gốc lãi, số tiền bà D rút đúng bằng số tiền ghi trên bản khế ước nên đủ cơ sở để xác định bà D cho bà C vay khoản tiền đó.
Vụ án chúng tôi trình bày trên đây là tình huống đã xảy ra khá nhiều trong thực tế, gây khó khăn trong giải quyết vụ án. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý vị độc giả.
[1] Xem khoản 3 Điều 26 BLTTDS 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận