Nhìn lại chế định Hội thẩm nhân dân

Bài viết này xin được điểm qua sự hình thành chế định Hội thẩm nhân dân và suy nghĩ bước đầu về “tương lai” của chế định này.

 

1.Chế định Phụ thẩm nhân dân

Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đã quy định: Khi xét xử các vụ án hình sự có phụ thẩm nhân dân tham gia.

Cụ thể như sau: Khi xét xử các việc tiểu hình[1], hội đồng xét xử gồm Chánh án Toà án đệ nhị cấp[2] và hai Phụ thẩm nhân dân góp ý kiến. Khi xét xử việc đại hình[3], hội đồng xét xử gồm năm người: Chánh án Toà án đệ nhị cấp, hai Phụ thẩm chuyên môn, chọn trong các Thẩm phán đệ nhị cấp hay sơ cấp trong quản hạt, do ông Chánh nhất Toà Thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần; hai Phụ thẩm nhân dân, cả năm người đều có quyền biểu quyết. Khi toà Thượng thẩm phúc thẩm các án tiểu hình và đại hình thì ngoài ông Chánh án và hai Hội thẩm, phải có thêm hai Phụ thẩm nhân dân có quyền quyết nghị.

Điều 18 Sắc lệnh quy định: Danh sách Phụ thẩm nhân dân ở Toà án đệ nhị cấp do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào hồi đầu năm, gồm tất cả các hội viên chính thức và dự khuyết  của Hội đồng nhân dân tỉnh hay thành phố, trừ các uỷ viên hành chính và các hội viên nào làm Thẩm phán hay luật sư; và nếu cần, sẽ thêm từ 10 đến 30 phụ thẩm nữa do Uỷ ban hành chính chọn trong những người ở tỉnh hay thành phố mà có đủ điều kiện để được ứng cử vào hội đồng nhân dân. Và theo Điều 39 Sắc lệnh thì: Danh sách Phụ thẩm nhân dân tại toà Thượng thẩm có từ 50 đến 100 người chọn trong nhân dân kỳ, và sẽ do Uỷ ban hành chính kỳ lập vào hồi đầu năm sau khi hỏi ý kiến ông Chưởng lý[4].

Phụ thẩm nhân dân không được xem hồ sơ trước khi mở phiên toà. Nhưng trong phiên toà có quyền yêu cầu ông Chánh án hỏi thêm các bị can và xem tài liệu ở hồ sơ.

Sắc lệnh cũng quy định trách nhiệm của Phụ thẩm nhân dân khi đã được chọn thì phải có mặt để làm nhiệm vụ, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tiền, mức phạt lần sau cao hơn lần trước, lần thứ ba thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể “mất chức” Phụ thẩm nhân dân.

Cũng xin nói thêm là ở các Toà Thượng thẩm có các Hội thẩm, số lượng Hội thẩm ở các toà này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, thí dụ tại Nghị định ngày 4/4/1946 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Toà Thượng thẩm Trung kỳ gồm có: Một Chánh nhất, hai Chánh án phòng, năm Hội thẩm, một Chưởng lý, một Phó Chưởng lý, ba Tham lý, một Chánh Lục sự và một số Lục sự. Nghị định ngày 20/4/1946 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định ở Toà Thượng thẩm Bắc kỳ có tám Hội thẩm. Các Hội thẩm do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm trong số các Thẩm phán Toà án đệ nhị cấp, thí dụ Nghị định ngày 29/4/1946, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cử ông Nguyễn Văn Vinh làm Hội thẩm Toà Thượng thẩm Hà Nội, ông vẫn được uỷ quyền giữ chức Chánh án Toà đệ nhị cấp Nam Định và vẫn giữ lương bổng của một Hội thẩm.

Có thể thấy, trong thời kỳ này, việc xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự Toà án đệ nhị cấp có Phụ thẩm nhân dân tham gia, góp ý kiến nếu là việc tiểu hình, cùng biểu quyết với Thẩm phán và Phụ thẩm chuyên môn nếu là việc đại hình; việc xét xử phúc thẩm các vụ án tiểu hình và đại hình ở Toà Thượng thẩm có Phụ thẩm nhân dân tham gia cùng biểu quyết với chánh án và hai hội thẩm.

2.Chế định Hội thẩm nhân dân

Tại Tờ trình Sắc lệnh số 85- SL ngày 22/5/1950 Cải cách bộ máy Tư pháp và luật tố tụng nêu mục đích chính của việc ban hành sắc lệnh là Bộ máy Tư pháp cần được dân chủ hoá: 1) Thành phần nhân dân cần được đa số trong việc xét xử; 2) Hội thẩm nhân dân được ngồi xử cả việc Hình lẫn việc Hộ và có quyền biểu quyết … Theo đó, Sắc lệnh quy định: Từ nay các Toà án đều gọi là Toà án nhân dân, Phụ thẩm nhân dân gọi là Hội thẩm nhân dân; khi xét xử việc Hình và việc Hộ, Toà án nhân dân huyện và Toà án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; Toà phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết[5]. Hội thẩm nhân dân được hưởng đặc quyền tài phán như các Thẩm phán và lương bổng như các uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính tương đương. Nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân là một năm.

 Ngày 5/2/1952, bộ Tư pháp ban hành  Thông tư số 2-P/4 sửa đổi chế định Hội thẩm nhân dân và quy định quyền hạn, nhiệm vụ và lề lối làm việc của Hội thẩm nhân dân các cấp, nêu rõ:  Toà án nhân dân ngày nay gồm có hai thành phần: Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân huyện do Hội đồng nhân dân mỗi xã bầu từ hai đến bốn người, việc bầu này sẽ do Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh duyệt. Hội thẩm nhân dân mỗi xã sẽ là cái giây liên lạc giữa toà án nhân dân huyện và các đoàn thể nhân dân trong xã. Do đó, Toà án nhân dân huyện biết rõ tình hình, phong tục, tập quán của mỗi xã.

Về quyền hạn của Hội thẩm nhân dân, được quy định như sau: “Về xét xử: Hội thẩm có quyền quyết định như Thẩm phán trong mọi việc; quyết định án, di lý, quyết định điều tra thêm, cho tạm tha, ra quyết định thẩm cấp. Các việc này đều do Thẩm phán và hai Hội thẩm giải quyết. Nhưng đối với quyết định điều tra thêm, cho tạm tha, ra quyết định thẩm cấp, một trong ba người có thể quyết định nếu 2 người kia vắng mặt, vì các việc này có tính chất cấp bách và quyết định ấy chỉ có tính cách tạm thời. Hoà giải : Hội thẩm nhân dân có quyền quyết định như Thẩm phán. Hội thẩm có thể thay Thẩm phán chủ toạ Hội đồng hoà giải huyện. Tuyên truyền giáo dục: Hội thẩm nhân dân tham gia cùng Thẩm phán trong việc ấn định chủ trương và kế hoạch và gánh vác một phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch vì Hội thẩm có điều kiện gần dân hơn. Điều tra: Bằng cách hỏi cung và ra lệnh bắt người. Cần phân biệt: Việc hình : Hội thẩm nhân dân chỉ điều tra khi có uỷ nhiệm của Công tố uỷ viên  Tỉnh hoặc theo sự phân công hay là uỷ nhiệm của Toà án. Việc uỷ nhiệm này chỉ nên có trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên trong trường hợp phạm pháp quả tang Hội thẩm có thể lập biên bản và giao biên bản cho nhà chức trách địa phương. Việc hộ : Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán có thể phân công điều tra.”

Ngày 11/9/1956, liên bộ Nội vụ - Tư pháp đã ban hành Thông tư số 1671- HCTP chấn chỉnh việc thực hiện chế định Hội thẩm nhân dân Khu và Tỉnh, theo Thông tư này thì cần mở rộng danh sách Hội thẩm nhân dân để phát triển nhân dân tham gia Tư pháp, đồng thời bảo đảm cho Toà án được dễ dàng trong việc mời Hội thẩm tham gia xét xử. Hội thẩm nhân dân sẽ bao gồm các thành phần rộng rãi: Các đại biểu trong các đoàn thể nhân dân, các đại biểu dân tộc thiểu số, giáo dân, các đại biểu thuộc tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc, nhân sĩ, trí thức và các chiến sĩ thi đua. Với việc mở rộng danh sách Hội thẩm nhân dân như vậy thì các Toà án không nên có Hội thẩm thường trực như cũ nữa (Hội thẩm nhân dân thường trực là những Hội thẩm nhân dân vào làm việc thường xuyên tại Toà án).

Hiến pháp 1959, là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta quy định: Việc xét xử ở các Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Điều 12 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã cụ thể hoá quy định của Hiến pháp như sau: Khi xử sơ thẩm, Toà án nhân dân gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; trường hợp xử những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng  thì Toà án nhân dân có thể xử không có Hội thẩm nhân dân. Khi phúc thẩm những bản án, những quyết định bị chống án hoặc bị kháng nghị, và khi xét lại những bản án, những quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm thì Toà án nhân dân địa phương phải có ba Thẩm phán . Trong trường hợp đặc biệt có thể có thêm Hội thẩm nhân dân[6].

Về tiêu chuẩn được bầu làm Hội thẩm nhân dân, Điều 25 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định: Công dân có quyền bầu cử và ứng cử từ hai mươi ba tuổi trở lên có thể được bầu làm Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân. Pháp lệnh ngày 30/3/1961 quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương, tại Điều 17 quy định: Các Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân địa phương các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân địa phương các cấp là hai năm.

Điều 40 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 quy định: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, có quan hệ tốt với nhân dân thì có thể được bầu làm hội thẩm nhân dân. Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 quy định: Tiêu chuẩn cụ thể của Hội thẩm do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân năm 1993, quy định tiêu chuẩn để có thể được bầu làm Hội thẩm Toà án nhân dân địa phương là: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, có uy tín với nhân dân nơi mình cư trú, công tác, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ( Điều 4 và Điều 29 ).

Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân năm 2002, tại khoản 2, Điều 5 quy định: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu làm Hội thẩm (Toà án nhân dân địa phương).

Đặc biệt, Điều 8 của Pháp lệnh này quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại, thì Toà án nơi Thẩm phán, Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Thẩm phán, Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Toà án theo quy định của pháp luật “.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tại Điều 85 quy định tiêu chuẩn Hội thẩm: (i) Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. (ii) Có kiến thức pháp luật. (iii) Có hiểu biết xã hội. (iv) Có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điều 89 của Luật này cũng quy định trách nhiệm bồi hoàn của Hội thẩm như quy định tại Điều 8 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002.

Như vậy, kể từ cuộc cải cách tư pháp 1950 cho tới nay, việc xét xử các vụ án hình sự và dân sự ở các Toà án nhân dân đều có Hội thẩm nhân dân tham gia, chiếm đa số trong Hội đồng xét xử và có quyền ngang với Thẩm phán[7].Về tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 và Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 đã quy định nhiều tiêu chuẩn, về cơ bản là giống nhau, các tiêu chuẩn này nhiều khi trùng lặp, như đã có phẩm chất đạo đức tốt thì có cần quy định thêm liêm khiết và trung thực nữa hay không?

Các tiêu chuẩn này đều khó có thể xác định, thí dụ tiêu chuẩn có hiểu biết xã hội ,thì dựa vào những căn cứ nào để xác định? Hay tiêu chuẩn có kiến thức pháp lý  được xác định thế nào? Nếu đòi hỏi Hội thẩm nhân dân phải có kiến thức pháp lý đủ để vận dụng vào công tác xét xử tương tự như Thẩm phán thì là điều không tưởng. Về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002 và Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 đều quy định Hội thẩm nhân dân có trách nhiệm như Thẩm phán trong việc bồi thường “oan sai”. Quy định này có thể làm cho Thẩm phán ban hành một bản án nhằm tránh rủi ro cho bản thân, chứ không phải dựa trên nội dung vụ án, và có thể làm Hội thẩm e ngại tham gia xét xử.

Cần thấy rằng quy định này về trách nhiệm của Thẩm phán là không phù hợp với Những nguyên tắc Cơ bản về Độc lập của hệ thống Toà án  của Liên hợp quốc (được Liên hợp quốc thông qua tại Milan, Ý năm 1985, và được Đại hội đồng phê chuẩn bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29/11/1985 và 40/146 ngày 13/12/1985), Điều 16 của Những nguyên tắc quy định “Thẩm phán phải được miễn trừ trách nhiệm cá nhân đối với các vụ kiện dân sự về các thiệt hại bằng tiền do hành vi không đúng hoặc sơ suất trong thực thi nghĩa vụ tư pháp của mình. Vì vậy, quy định nói trên cần được bãi bỏ không những đối với Hội thẩm nhân dân mà còn cả đối với Thẩm phán.

 3.Tương lai nào cho chế định Hội thẩm nhân dân?

 Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy việc tham gia của người dân vào việc xét xử của Toà án đã được thực hiện từ rất lâu.

Ở Pháp : Từ thời kỳ phong kiến, chế định Đoàn bồi thẩm đã từng được áp dụng trong việc xét xử của Toà đại hình và được người Noóc – măng du nhập vào nước Anh. Sau đó, thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp, chế định này lại được khôi phục lại theo đạo luật năm 1791.

Mặc dù đã trải qua nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của Đoàn bồi thẩm, nên duy trì hay loại bỏ chế định này, nhưng một chế định đã có lịch sử mấy trăm năm, ăn sâu bám rễ trong truyền thống pháp luật của nước Pháp thì khó mà có thể xoá bỏ nó, cuối cùng chế định này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Theo đó, khi Toà đại hình xét xử những vụ án hình sự nghiêm trọng (tội nghiêm trọng có hình phạt từ trên 10 năm tù), thì Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán và 9 bồi thẩm viên có quyền biểu quyết, bản án phải được tuyên theo đa số: 8 /12 phiếu (tức là phải có ít nhất 5 bồi thẩm viên bỏ phiếu thuận).

Tiêu chuẩn bồi thẩm viên được quy định tại Điều 255 BLTTHS như sau : (i) Trên 23 tuổi; (ii) Biết đọc và viết tiếng Pháp; (iii) Được hưởng các quyền chính trị, dân sự và hôn nhân – gia đình;  ( iv )Không nằm trong các trường hợp không có hoặc bị hạn chế năng lực quy định tại Điều 256 BLTTHS; ( v )Không nắm những chức vụ hay làm những nghề không cho phép kiêm nhiệm chức năng bồi thẩm viên quy định tại Điều 257 BLTTHS[8].

Xin nói thêm là bản án của Toà đại hình không thể kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm mà chỉ có thể kháng cáo, kháng nghị phá án (như giám đốc thẩm ở Việt Nam). Ngoài việc xét xử ở Toà đại hình có sự tham gia của bồi thẩm đoàn thì các việc xét xử khác không có sự “tham gia của nhân dân”.

Ở Anh và xứ Uên: Đại hiến chương Magna Carta năm 1215 thừa nhận rằng một người có quyền được xét xử bởi một hội đồng ngang hàng như là một biện pháp để ngăn cản sự tuỳ tiện của công lý ra khỏi quyền lực của nhà vua. Việc xét xử các vụ án hình sự với một Thẩm phán và bồi thẩm đoàn 12 người sau đó đã trở thành đặc điểm nền tư pháp Anh và xứ Uên.

Bồi thẩm đoàn là những người dân thường được lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách cử tri. Bồi thẩm đoàn chỉ biểu quyết bị cáo có tội hay không có tội, còn quyết định hình phạt sẽ do Thẩm phán quyết định. Yêu cầu là bồi thẩm đoàn phải biểu quyết 12/12 phiếu thuận, nếu không đạt được kết quả này, Thẩm phán sẽ đề nghị họ nghị án lại và thông báo rằng họ có đồng ý với quyết định của đa số hay không. Và nếu như vẫn không đạt được sự nhất trí toàn bộ thì kết quả đa số 11/1 hoặc 10/2 sẽ được chấp nhận. Nếu kết quả biểu quyết đạt tỷ lệ thấp hơn kết quả đa số nêu trên thì bồi thẩm đoàn này bị giải tán. Viện Công tố sẽ quyết định liệu có nên tiến hành xét xử lại vụ án trước một bồi thẩm đoàn mới hay không. Mặc dù hiện nay số vụ án hình sự được xét xử trước bồi thẩm đoàn chỉ chiếm 2% số vụ án hình sự được đưa ra xét xử, và có nhiều tranh luận về vai trò của bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, nguyên tắc một người bị buộc tội phải được xét xử bởi những người ngang hàng với họ đã “cố thủ” trong văn hoá pháp luật và chính trị của nước Anh và xứ Uên[9], nên khó có thể bãi bỏ nguyên tắc này.

Mỹ, Úc, Canada là những nước có mô hình tố tụng tranh tụng nên đều áp dụng chế định bồi thẩm đoàn, Liên bang Nga cũng áp dụng chế định bồi thẩm đoàn từ năm 2002. Nhật Bản sau nhiều năm không có sự tham gia của nhân dân vào công tác xét xử của Toà án, thì từ tháng 8/2009 đã áp dụng chế định Saiban- in trong việc xét xử những bị cáo có khả năng bị kết án tử hình, chung thân hoặc các vụ án hình sự với lỗi cố ý mà hậu quả là nạn nhân chết. Hội đồng xét xử gồm 3 Thẩm phán và 6 Saiban- in, nếu vụ án tình tiết đã rõ ràng thì Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và 3 Saiban -in . Hội đồng sẽ cùng quyết định về tội danh và hình phạt theo nguyên tắc đa số phiếu, trong đó phải có ít nhất một phiếu của Thẩm phán. Saiban -in được tuyển chọn ngẫu nhiên từ danh sách cử tri được quyền bầu cử từ 20 tuổi trở lên. Không tuyển chọn những người chưa học xong phổ thông trung học, những người đã từng bị án phạt tù. Ngoài ra,những người làm công tác pháp luật, học giả luật, chính trị gia cũng không được chọn. Sinh viên đại học hệ chính quy và những người trên 70 tuổi có quyền từ chối làm Saiban – in[10].

Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các bộ luật tố tụng của nước ta đã quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, do đó chế định Hội thẩm nhân dân như hiện nay có lẽ cũng không còn phù hợp. Nên chăng cần nghiên cứu kỹ chế định bồi thẩm đoàn của những nước vừa nêu ở mục này để  có thể quy định về đoàn Hội thẩm nhân dân với thành phần là những người dân bình thường và chỉ tham gia xét xử một số loại việc nhất định./.

 

Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án nhân dân Quận 11, TP HCM - Ảnh: Đỗ Hoàng Hảo  

 

[1] Theo Sắc lệnh số 51/SL ngày 17-4-1946 thì tiểu hình là những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm,  hay phạt bạc đến 9 đồng.

[2] Toà án đệ nhị cấp đặt ở cấp tỉnh.

[3] Đại hình là những tội có hình phạt từ trên 5 năm tù.

[4] Là người đứng đầu viện công tố ở Toà thượng thẩm.

[5] Điều 65 của Hiến pháp 1946 quy định “Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với thẩm phán nếu là việc đại hình “.

[6] Điều lệ quy định cụ thể về tổ chức của TAND các cấp trong khu tự trị Việt Bắc ngày 2/3/1963 , và khu tự trị Tây Bắc ngày 9/7/1963 quy định : Khi sơ thẩm,TAND các cấp trong Khu gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân  ; trong trường hợp xử những vụ án mà đương sự hoặc bị can thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau ,Toà án nhân dân có thể gồm có một Thẩm phán và bốn Hội thẩm nhân dân Khi phúc thẩm những bản án, những quyết định bị chống án hoặc bị kháng nghị và khi xử lại những vụ án đã có bản án hoặc đã có hiệu lực pháp luật ,nhưng phát hiện có sai lầm thì Toà án nhân dân phải có ba Thẩm phán ; khi cần thiết thì có thể có thêm hai hoặc bốn Hội thẩm nhân dân…( ngày 27-12-1975 Quốc hội đã ra Nghị quyết bỏ cấp khu tự trị, do đó các TAND ở khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị Tây Bắc được tổ chức lại theo Luật Tổ chức TAND năm 1960).

[7] Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, Điều 17 quy định Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân.BLTTHS, BLTTDS và Luật TTHC quy định  vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán xét xử.

[8] Toà đại hình – Tài liệu dịch của Nhà pháp luật Việt – Pháp.

[9] Tiến sĩ Kate Mallenson – Hệ thống pháp luật , Lexis Nexis- UK 2003.

[10] Trương Hoà Bình, Ngô Cường – Hệ thống Toà án một số nước trên thế giới (Kinh nghiệm cho Việt Nam), Hà Nội 2014.

NGÔ CƯỜNG