Pháp luật về bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Hình thức vay tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đi kèm với nó là nhiều vi phạm gây xâm hại tới quyền lợi bên vay dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận khoảng thời gian gần đây. Bài viết phân tích làm rõ khái niệm vay tiêu dùng, đồng thời làm rõ môt số bất cập, hạn chế của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng, từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Khái niệm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Tiêu dùng là hoạt động thường xuyên của con người trong đời sống xã hội.[1] Tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.[2] Vay tiêu dùng (Consumer loan), hay còn được gọi là tín dụng tiêu dùng (Consumer credi), cho vay bán lẻ (Retail lending)[3], là khoản vay của cá nhân gia đình để mua sắm hàng hóa, dịch vụ với mục đích tiêu dùng, phục vụ cuộc sống như phương tiện di chuyển, thiết bị điện tử trang thiết bị đồ dùng gia. Đây là một trong những hình thức cho vay truyền thống của các tổ chức tín dụng (TCTD). Hoạt động cho vay tiêu dùng dã xuất hiện khá lâu và phát triển mạnh mẽ ở các quốc của phát triển trên thế giới. Tuy nhiên hoạt động cho vay trêu dùng chỉ mới xuất hiện và phát triển ở Việt Nam trong những năm trở lại đây. Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông thì “tiêu dùng” là việc sử dụng của cải vật chất vào mục đích sản xuất hoặc phục vụ đời sống”.[4] Do vậy, mục đích vay mượn rất đa dạng, vay để mua nhà, xây dựng sửa chữ nhà, mua xe, đi du học, v.v.

Ở Việt Nam, khái niệm cho vay tiêu dùng được quy định tại Thông tư 18/2019/TT-NHNN ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 18/2019/TT-NHNN), theo đó khoản 1 Điều 3 Thông tư 18/2019/TT-NHNN, thì cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng). Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật. Với quy định này, thì vay để tiêu dùng chỉ áp dụng đối với cá nhân và mức vay không vượt quá 100.000.000 đồng chỉ áp dụng cho vay không có bảo đảm, đối với vay có bảo đảm thì phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm.

Như vậy, cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp (hình thức cho vay được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp hoặc thế chấp (hình thức cho vay có tài sản đảm bảo), nhằm hỗ trợ nguồn tài chính giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống trước khi họ có đủ khả năng về tài chính.[5]

Tuy nhiên, các quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với bên cho vay là các công ty tài chính (CTTC), mà theo pháp luật Việt Nam thì, các TCTD cũng có chức năng cho vay để tiêu dùng (còn gọi là vay để phục vụ đời sống), cụ thể khoản 4 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định: “Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó”.

Ở Việt Nam, bên cho vay trong quan hệ tín dụng tiêu dùng thuộc về các TCTD và các công ty tài chính được ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động TDTD. Để tham gia xác lập quan hệ cho vay tiêu dùng giữa người đi vay và chủ thể cho vay các bên phải ký kết với nhau hợp đồng TDTD. Đây một văn bản và cũng là bằng chứng thể hiện việc các bên tự nguyện tham gia vào quan hệ cho vay, cũng là cơ sở để các bên thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ đã được xác lập trong hợp đồng. Việc ký kết hợp đồng TDTD bằng văn bản thực chất là một sự xác nhận công khai, chính thức về mối quan hệ pháp lý giữa các bên ký kết để cho người thứ ba (hoặc xã hội) biết rõ về việc ký kết hợp đồng đó mà có những cách xử sự hợp lý, an toàn trong trường hợp cần thiết. Hợp đồng tín dụng tiêu dùng, cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp khi giữa các bên có phạt sinh tranh chấp.[6]

 Như vậy, hợp đồng TDTD là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa công ty tài chính được phép hoạt động tín dụng tiêu dùng (bên cho vay) với khách hàng (bên vay) nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên theo qui định của pháp luật, theo đó công ty tài chính sẽ chuyển giao một khoản tiền cho khách hàng sử dụng vào mục đích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng trong một thời hạn nhất định, còn bên vay khách hàng sẽ phải hoàn trả khoản tiền tiền gốc và lãi vay sau một thời hạn nhất định.

Đối với hợp đồng TDTD, các công ty tài chính thường soạn sẳn các hợp đồng theo mẫu, chi tiết hóa các quy định phải thỏa thuận thành các điều khoản trong hợp đồng. Về nguyên tắc, bên vay hoàn toàn có thể thỏa thuận, thay đổi bất kỳ nội dung nào. Song trên thực tế, bên vay thường phải chấp nhận những điều khoản có tính ràng buộc và có lợi hơn cho tổ chức tín dụng.[7] Do vậy, trong quan hệ hợp đồng tín dụng bên vay luôn là bên yếu thế hơn nên cần được quan tâm hơn vì khả năng đàm phán đối với bên vay trong hợp đồng tín dụng theo mẫu ít hơn. Vì vậy, Nhà nước ta luôn đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng TDTD.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, bảo vệ có nghĩa là (1) chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm để giữ gìn cho được nguyên vẹn; (2) bênh vực bằng lý lẽ để giữ vững ý kiến hay quan điểm.[8] Quyền lợi của bên vay là những lợi ích về vật chất mà người đi vay được hưởng khi tham gia quan hệ hợp đồng TDTD. Như vậy, theo nội dung ngữ nghĩa của thuật ngữ bảo vệ thì “bảo vệ quyền lợi của bên vay” là những hoạt động ngăn ngừa, chống lại mọi sự hủy hoại, xâm phạm những lợi ích về vật chất mà người đi vay được hưởng khi tham gia quan hệ hợp đồng TDTD. Để bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng TDTD, Nhà nước sẽ quy định những biện pháp pháp lý để ngăn ngừa, phòng chống lại các hành vi hủy hoại, xâm phạm quyền lợi của bên vay.

Từ những phân tích trên, khái niệm bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng có thể được hiểu như sau: Bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng TDTD là những biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống những hành vi xâm phạm những lợi ích mà pháp luật bảo vệ cho người đi vay khi họ ký kết và thực hiện hợp đồng TDTD với các công ty tài chính hoặc các TCTD nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng.

2.Quy định của pháp luật 

Đánh giá một cách khách quan, hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi của bên vay trong hợp đồng TDTD đã xây dựng được một khung pháp lý hợp lý và khoa học vừa bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng, vừa tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng, pháp luật ngân hàng cũng có những quy định riêng đề cập đến trách nhiệm của TCTD và CTTC để bảo đảm quyền lợi cho bên vay. Vấn đề bảo đảm đó xuất phát không chỉ đặt ra từ phía CTTC, CTTD mà còn cả đối với bên vay để bảo đảm quyền lợi cho chính họ. Ngoài ra, hệ thống các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, các Hiệp hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của bên vay. Tất cả các quy định này có tác dụng phối hợp điều chỉnh bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên vay tiêu dùng trong hợp đồng tín dụng. Các quy định này bước đầu thể hiện tính toàn diện của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng. Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền lợi của bên trong hợp đồng TDTD vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

- Việc bãi bỏ hoạt động vay tiêu dùng ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là không hợp lý

 Việc quy định các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng phải được đăng ký là một cách để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động này, tuy nhiên Thủ tướng đã ban hành Quyết định 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/08/2015 sửa đổi Quyết định 02/2012/QĐ-TTg đã bãi bỏ hoạt động vay tiêu dùng ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vì lý do tiết kiệm chi phí cho TCTD là chưa hợp lý và thuyết phục và chưa bảo vệ quyền lợi cho bên vay tiêu dùng.

- Mức phạt hành chính về những hành vi vi phạm về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng quá thấp không bảo đảm tính răn đe

Theo quy định tại Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định đối với hành vi vi phạm là không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định; Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Quy định này được áp dụng cho cả TCTD và CTTC, mức phạt này là quá thấp đối với các tổ chức này, vì đối với các TCTD hoặc CTTC thường có quy mô lớn, lợi ích mà họ đạt được lớn hơn rất nhiều lần mức phạt tiền do luật định, nên chế tài hành chính vẫn chưa thật sự có tính răn đe cao.

- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTC) năm 2010 chưa có điều luật quy định về cơ quan, tổ chức có thể hỗ trợ cho người tiêu dùng (trong đó có bên vay tiêu dùng) giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Việc nghiên cứu Luật BVQLNTD năm 2010 cho thấy, trong văn bản luật này quy định khá chi tiết về cơ chế bảo vệ quyền lợi cho bên vay tiêu dùng như các phương thức giải quyết tranh chấp, tài liệu chứng cứ, chứng minh, án phí và tạm ứng án phí, tiêu chí để những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, mặc dù có một số quy định đã được quy định trong văn bản luật chuyên ngành là Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

- Pháp luật chưa quy định thống nhất, đồng bộ nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên vay tiêu dùng giữa các tổ chức thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng

Hiện nay tổ chức cho vay tiêu dùng ngoài các TCTD còn có chi nhánh TCTD nước ngoài và CTTC. Đối với CTTC được điều chỉnh bởi quy định Thông tư 43/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019/TT-NHNN), đối với chi nhánh TCTD nước ngoài thì điều chỉnh bởi Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Tuy nhiên, đối với Thông tư 43/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay của CTTC có quy định về việc cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký, đồng thời quy định CTTC phải giải thích chính xác, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể trong hợp đồng vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng, nhưng Thông tư 39/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay của chi nhánh TCTD nước ngoài thì không có quy định này. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải có sự thống nhất trong quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên vay tiêu dùng giữa các tổ chức thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng. 

- Khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN qui định chỉ giải thích điều khoản hợp đồng khi khách hàng yêu cầu là không hợp lý.

Trong hợp đồng TDTD sử dụng rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, do vậy không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ đầy đủ và chính xác các thuật ngữ đó. Vì vậy, việc giải thích đầy đủ, chính xác các điều khoản trong hợp đồng TDTD cho bên vay là cần thiết và cần quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc của TCTD và CTTC. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định là CTTC chỉ giải thích chính xác, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể trong hợp đồng vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng là không hợp lý, vì không phải khách hàng nào cũng hiểu rõ quyền lợi này để yêu cầu bên cho vay giải thích. 

- Pháp luật thiếu các quy định về cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho khách hàng có thể so sánh lãi, phí cũng như các điều kiện khác giữa các sản phẩm, dịch vụ và giữa các nhà cung cấp; hoặc các quy định để đảm bảo rằng thông tin được thông báo một cách rõ ràng, ngắn gọn (thay vì các bản hợp đồng với ngôn ngữ lắt léo, khó hiểu, cỡ chữ quá nhỏ và khoảng cách các chữ dày đặc khiến cho việc đọc trở nên rất khó khăn). Điều này dẫn tới kết quả là, mặc dù các tổ chức tín dụng đều đã có các hình thức để cung cấp thông tin cho khách hàng song chất lượng thông tin, mức độ dễ hiểu và hoàn chỉnh của thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào từng tổ chức tín dụng. 

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động tín dụng tiêu dùng là nhiều vi phạm gây xâm hại tới quyền lợi bên vay dẫn đến nhiên bức xúc trong khoảng thời gian gần đây. Chính vì vậy, chúng ta cần phải cấp thiết hoàn thiện các quy định của pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ bên yếu thế hơn trong quan hệ pháp luật cho vay tiêu dùng. Cụ thể:

* Khôi phục lại quy định hoạt động cho vay tiêu dùng thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Trong quan hệ TDTD, bên vay bao giờ cũng ở thế yếu, vì trong mối quan này giữa TCTD, CTTC và bên vay tiêu dùng tồn tại một sự “bất bình đẳng” không chỉ về mặt thông tin mà còn về mặt vị thế, tiềm lực tài chính và sức ảnh hưởng. Việc quy định bắt buộc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được hiểu là một biện pháp hành chính, theo đó pháp luật trao cho cơ quan nhà nước quyền phê chuẩn, chấp thuận một bản hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nào đó. Điều này có thể hiểu là cơ quan nhà nước đại diện cho người tiêu dùng kiểm soát các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khỏi những điều khoản trái pháp luật trước khi chúng được ban hành và áp dụng đối với người tiêu dùng.[9]

Mặt khác, khi mà bên vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn chưa có ý thức trang bị kiến thức cũng như không đủ khả năng để tự bảo vệ mình, thì sự quản lý của Nhà nước được xem như là một yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng. Do vậy, việc loại bỏ quy định hoạt động cho vay tiêu dùng thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là một bước lùi trong công tác bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng. Vì vậy, để quyền lợi của bên vay được bảo vệ thì việc khôi phục lại quy định hoạt động cho vay tiêu dùng thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là rất cần thiết.

* Tăng mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để bảo đảm tính răn đe

Như đã phân tích ở trên, hành vi không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định; Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định tại Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định đối với bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức phạt này là quá thấp, không bảo đảm tính răn đe đối với CTTC và TCTD. Vì vậy, thiết nghĩ cần nâng mức phạt này lên ở mức hợp lý hơn.

* Bổ sung điều luật quy định về những cơ quan, tổ chức có thể hỗ trợ cho người tiêu dùng (trong đó có bên vay tiêu dùng) khi có tranh chấp xảy ra trong Luật BVQLNTC năm 2010

 Ở Việt Nam mặt bằng về nhận thức chung của người tiêu dùng là không cao lắm và không phải người tiêu dùng nào cũng am hiểu pháp luật nên thường họ căn cứ vào văn bản luật trực tiếp là Luật BVQLNTD để bảo vệ quyền lợi cho mình. Vì vậy, văn bản luật này cần có một điều luật để chỉ dẫn cho họ những cơ quan tổ chức có thể hỗ trợ họ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Theo đó điều luật có thể quy định như sau:

“Điều: Khi xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng có thể liên hệ tới các cơ quan hoặc tổ chức dưới đây để đề nghị hỗ trợ, giải quyết:

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

- Các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Uỷ ban nhân dân các cấp

- Sở Công Thương tại nơi diễn ra giao dịch hoặc nơi người tiêu dùng sinh sống hoặc nơi đơn vị kinh doanh đang hoạt động.

- Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương.

- Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành

- Trọng tài.

- Tòa án”.

* Pháp luật cần quy định thống nhất, đồng bộ nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên vay tiêu dùng giữa các tổ chức thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng

Việc cung cấp dự thảo hợp đồng vay tiêu dùng để bên vay xem xét, quyết định trước khi ký, đồng thời giải thích chính xác, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể trong hợp đồng vay tiêu dùng là điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền lợi của bên vay. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN điều chỉnh về hoạt động cho vay của chi nhánh TCTD nước ngoài. Vì vậy, thiết nghĩ để bảo vệ quyền lợi cho bên vay thì trong thông tư này cần bổ sung điều khoản quy định về nội dung này.

 * Sửa đổi khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN theo hướng bỏ cụm từ “khi có yêu cầu của khách hàng” để bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng

Việc giải thích đầy đủ, chính xác các điều khoản trong hợp đồng TDTD cho bên vay là cần thiết và cần quy định đây là nghĩa vụ bắt buộc của TCTD và CTTC. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định là CTTC chỉ giải thích chính xác, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể trong hợp đồng vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng là không hợp lý. Vì vậy, cần sửa đổi khoản 4 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN theo hướng bỏ cụm từ “khi có yêu cầu của khách hàng” để bảo vệ quyền lợi của bên vay tiêu dùng.

*Pháp luật cần bổ sung các quy định về cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho khách hàng có thể so sánh lãi, phí cũng như các điều kiện khác giữa các sản phẩm, dịch vụ và giữa các tổ chức cho vay

Cho vay tiêu dùng mới phát triển nhanh và mạnh ở thị trường tài chính Việt Nam trong năm năm trở lại đây, lĩnh vực này được xem là thị trường tiềm năng, “màu mở” cho các TCTD và CTTC. Tuy nhiên, trong thời gian qua các tranh chấp trong lĩnh vực này thường xuyên phát sinh, một phần là do bên vay tiêu dùng thiếu thông tin để tạo điều kiện cho khách hàng có thể so sánh lãi, phí cũng như các điều kiện khác giữa các sản phẩm, dịch vụ và giữa các tổ chức cho vay để lựa chọn tổ chức vay. Vì vậy, pháp luật cần bổ sung các quy định về cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho khách hàng có thể so sánh lãi, phí cũng như các điều kiện khác giữa các sản phẩm, dịch vụ và giữa các tổ chức cho vay, từ đó họ sẽ chủ động lựa chọn các khoản vay và bên cho vay phù hợp với yêu cầu tài chính của họ.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Một số lưu ý người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/mot-so-luu-y-nguoi-tieu-dung-khi-ky-ket-hop-dong-cho-vay-tieu-dung.html, truy cập 1/2/2023.
  2. Nguyễn Công Đại (2017), tldđ, Luận án Tiến sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội.
  3.   icontract.com.vn, Hợp đồng tín dụng - Phân loại những điều khoản cơ bản nhất, https://icontract.com.vn/tin-tuc/hop-dong-tin-dung, truy cập 1/2/2023.
  4. Trần Thị Hiền Lương (2014), Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật tp.HCM.
  5. Hoàng Phê (chủ biên) (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.
  6. Từ điển  Usleral.com, xem tại website: https://definitions.uslegal.com/c/consumer-loan/,  truy cập ngày 1/2/2023.  Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Hồ Nguyễn Tưởng Vi, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng giao kết từ xa, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật tp.HCM.

 

 


[1] Hồ Nguyễn Tưởng Vi, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng giao kết từ xa, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật tp.HCM, tr.24.

[2] Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Một số lưu ý người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/mot-so-luu-y-nguoi-tieu-dung-khi-ky-ket-hop-dong-cho-vay-tieu-dung.html, truy cập 1/2/2023.

[3] Theo Từ điển  Usleral.com, xem tại website: https://definitions.uslegal.com/c/consumer-loan/,  truy cập ngày 1/2/2023.

[4] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.912.

[5] Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Một số lưu ý người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/mot-so-luu-y-nguoi-tieu-dung-khi-ky-ket-hop-dong-cho-vay-tieu-dung.html, truy cập 1/2/2023.

[6] Trần Thị Hiền Lương (2014), Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người đi vay trong quan hệ hợp đồng tín dụng tiêu dùng, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật tp.HCM, tr.7.

[7]  icontract.com.vn, Hợp đồng tín dụng - Phân loại những điều khoản cơ bản nhất, https://icontract.com.vn/tin-tuc/hop-dong-tin-dung, truy cập 1/2/2023.

[8] Hoàng Phê (chủ biên) (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.64.

[9] Nguyễn Công Đại (2017), tldđ, luận án tiến sĩ luật học, Học viện khoa học xã hội, tr.80.

NGUYỄN KHÁNH HÀ (HVCH Trường Đại học Luật, Đại học Huế)