Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Dựa trên các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và quy định của các nước Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, tác giả kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự năm 2015: Mở rộng đối tượng pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; đa dạng hóa nguồn luật quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; không áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn…

1. Các học thuyết về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm (Identification Liability)

Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm là một cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại có thể phải chịu TNHS tương tự như con người trong một số trường hợp đặc biệt. Nguyên tắc này “đồng nhất hóa” hành vi phạm tội, lỗi và TNHS của người quản lý, lãnh đạo, điều hành, với hành vi phạm tội, lỗi và TNHS của chính pháp nhân thương mại đó.

Việc áp dụng học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong quy định về TNHS của pháp nhân thương mại có thể giúp tăng cường trách nhiệm của các tổ chức thương mại và đảm bảo tính minh bạch, đúng đắn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, học thuyết này đã thu hẹp phạm vi chịu TNHS của pháp nhân, dẫn đến bỏ lọt tội phạm trong một số trường hợp pháp nhân ủy quyền cho nhân sự cấp chuyên viên (cấp thấp) thực hiện nhiệm vụ nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân vi phạm pháp luật hình sự.

Học thuyết trách nhiệm thay thế (Vicarious Liability)

Học thuyết trách nhiệm thay thế là một cơ sở pháp lý quan trọng để truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại. Theo học thuyết này, pháp nhân thương mại có thể phải chịu TNHS cho các hành vi phạm tội do nhân viên hoặc đại lý (được pháp nhân ủy quyền trong phạm vi công việc nhất định) thực hiện. Học thuyết trách nhiệm thay thế được phát triển dựa trên nguyên tắc: Pháp nhân thương mại có trách nhiệm kiểm soát hành vi của nhân viên, đại lý và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của họ trong quá trình thực hiện công việc. Việc áp dụng TNHS đối với pháp nhân đòi hỏi pháp nhân phải đề ra những biện pháp hạn chế, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên, đại lý; nâng cao trách nhiệm trong quản lý, kiểm soát để nhân viên, đại lý thực hiện các hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật. Học thuyết này có thể giúp tạo ra một môi trường kinh doanh trách nhiệm và khuyến khích pháp nhân thương mại thúc đẩy quản lý chất lượng công việc và đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, theo học thuyết trách nhiệm thay thế, phạm vi pháp nhân thương mại phải chịu TNHS do hành vi vi phạm của người làm công, đại lý là quá rộng, gây khó khăn khi áp dụng, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa với sự hình thành của các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn với hàng vạn nhân sự, đại lý giữ nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau, làm việc trên nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia khác nhau. Do vậy, để tránh sự lạm dụng việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại trên cơ sở học thuyết này, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần tuân thủ nguyên tắc công bằng và xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ ủy quyền ràng buộc giữa nhân viên, đại lý với pháp nhân thương mại.

Chuẩn mực văn hóa và hệ thống kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (Corporate Culture and Compliance Systems).

Tiêu chuẩn văn hóa và hệ thống kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không chỉ phụ thuộc vào hành vi cụ thể của cá nhân hay nhóm cá nhân bên trong tổ chức, mà còn phụ thuộc vào văn hóa và hệ thống công cụ kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Theo chuẩn mực này, một công ty được coi là không thực hiện các biện pháp phòng ngừa và sát sao ngăn chặn những hành vi phạm tội là do văn hóa của công ty, bao gồm: Thái độ và niềm tin được bộc lộ thông qua cấu trúc, chính sách, thực tiễn hoạt động của công ty… Tại các doanh nghiệp với cấu trúc hiện đại, có tính phân cấp cao, các hành vi phạm tội xảy ra thường có liên quan đến hệ thống kiểm soát rủi ro và tuân thủ pháp luật của pháp nhân yếu kém, hơn là do hành vi sai phạm của cá nhân trong tổ chức. Tiêu chuẩn về văn hóa và hệ thống tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được áp dụng để buộc tội pháp nhân thương mại (vì hệ thống kiểm soát tuân thủ yếu kém) hoặc để xem xét, giảm nhẹ TNHS của pháp nhân thương mại (vì công ty đã chú trọng và thực hiện đầy đủ hệ thống tuân thủ pháp luật nội bộ).

Từ những phân tích trên, có thể hiểu TNHS của pháp nhân thương mại là khả năng pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác được thực hiện bởi các cá nhân trong phạm vi hoạt động của tổ chức đó. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có thể đồng nghĩa với việc pháp nhân bị xử lý hình sự và buộc phải chịu các hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội do pháp nhân thực hiện.

Hiện nay, quy định về phạm vi pháp nhân chịu TNHS trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) rất hẹp (chỉ quy định đối với pháp nhân thương mại, còn các pháp nhân khác chưa có quy định). Bên cạnh đó, các tội danh pháp nhân thương mại phải chịu TNHS được mô tả chung chung, không cụ thể, nên gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định hành vi phạm tội và áp dụng hình phạt. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ được quy định trong BLHS năm 2015, mà không có trong các luật chuyên ngành, nên khi có sự thay đổi, phát sinh loại tội phạm mới, thì phải sửa đổi BLHS, gây tốn kém chi phí và nguồn lực. Thực tế cũng cho thấy, việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là không cần thiết, gây ra nhiều hệ lụy, hệ quả và tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội.

2. Quy định của một số quốc gia trên thế giới về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Quy định của Trung Quốc

Bộ luật Hình sự Trung Quốc quy định pháp nhân chịu TNHS rất rộng, bao gồm: Công ty, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan, đoàn thể với tên gọi chung là “đơn vị”. Đơn vị phải thỏa mãn hai điều kiện mới phải chịu TNHS: 1) Nhân danh đơn vị thực hiện hành vi phạm tội; 2) Hành vi phạm tội có lợi cho đơn vị. Các tội mà đơn vị phạm tội phải chịu trách nhiệm có giới hạn và hình phạt được áp dụng là phạt tiền. Tuy nhiên, các hành vi phạm tội và khung hình phạt tương ứng được mô tả trong BLHS là đối với người phạm tội, mà không phải đơn vị. Bộ luật Hình sự Trung Quốc vẫn chưa có sự phân định rạch ròi giữa TNHS của cá nhân và pháp nhân, nhưng đã quy định khung hình phạt cho người có thẩm quyền hoặc người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm phải chịu TNHS.

Quy định của Pháp

Đối tượng chịu TNHS được quy định rất rộng, ngoại trừ Nhà nước là chủ thể đặc biệt và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Pháp quy định TNHS đối với các pháp nhân, không phân biệt khu vực công hay tư. Luật hình sự năm 2004 của Pháp quy định pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS về mọi tội phạm giống như cá nhân vi phạm. Điều này thể hiện sự bình đẳng trước pháp luật giữa cá nhân và pháp nhân khi xảy ra vi phạm hình sự. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân bị truy cứu khi người đại diện hoặc người có thẩm quyền lãnh đạo tại pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân. Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội là phạt tiền và giải thể, đóng cửa tạm thời, cấm hoạt động vĩnh viễn, buộc đặt dưới sự giám sát, tịch thu tài sản…

Quy định của Nhật Bản

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân ở Nhật Bản được quy định trong nhiều luật chuyên ngành, điều này phù hợp, linh hoạt và thuận lợi cho quá trình áp dụng, sửa đổi, bổ sung. Phạm vi pháp nhân chịu TNHS rất rộng, bao gồm pháp nhân thương mại và phi thương mại. Quy định này giúp xử lý công bằng, nghiêm minh các loại đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, phạm vi truy cứu TNHS của pháp nhân cũng rất rộng với nhiều tội danh. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ coi pháp nhân là chủ thể chịu TNHS, mà không phải là chủ thể tội phạm. Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân là phạt tiền. Hình phạt cấm hoạt động vĩnh viễn hoặc chấm dứt hoạt động không được áp dụng vì sẽ dẫn đến hậu quả về mặt kinh tế - xã hội như giảm tiền thu thuế, người lao động thất nghiệp…

Quy định của Mỹ

Theo Hiến pháp Mỹ, quy định về TNHS được phân cấp cho các tiểu bang và chủ yếu dựa vào BLHS mẫu của Viện nghiên cứu luật Mỹ năm 1962. Theo đó, cá nhân cố ý thực hiện hành vi vi phạm mới bị truy cứu TNHS. Pháp luật Mỹ quy TNHS cho pháp nhân thông qua những cá nhân có thẩm quyền hoặc được giao nhiệm vụ, thực hiện hành vi vi phạm có lợi cho pháp nhân; nói cách khác, “pháp nhân được coi là chủ thể có thể bị đưa ra xét xử và bị kết án đối với những tội phạm do cá nhân giám đốc, người quản lý và thậm chí cả nhân viên ở cấp thấp thực hiện”.

Sau khi Tòa án xác định động cơ phạm tội, cũng như mức độ thành khẩn khắc phục hậu quả và hợp tác trong điều tra, hình phạt áp dụng cho pháp nhân phạm tội là phạt tiền và pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Việc áp dụng hình phạt có tính linh hoạt cao, nếu pháp nhân hợp tác, khắc phục hậu quả thì sẽ được áp dụng hình phạt nhẹ; nếu gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra, xét xử thì mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, Pháp để sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 theo hướng: Không giới hạn, mở rộng đối tượng pháp nhân chịu TNHS không phân biệt khu vực công hay khu vực tư, ngoại trừ cơ quan nhà nước như đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hội, quỹ, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp xã hội… Bởi lẽ hiện nay, BLHS năm 2015 mới chỉ quy định TNHS của pháp nhân thương mại, nên không tạo được sự bình đẳng, cũng như đảm bảo nguyên tắc triệt để xử lý tội phạm và bảo vệ pháp luật.

Thứ hai, cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Mỹ để quy định TNHS của pháp nhân linh hoạt, đa dạng, không chỉ áp dụng đối với các tội phạm trong BLHS năm 2015, mà các hành vi vi phạm còn được quy định tại các luật chuyên ngành (đa dạng hóa nguồn luật). Điều này là phù hợp, làm cho quá trình áp dụng, sửa đổi, bổ sung pháp luật thuận lợi và BLHS có tính ổn định cao hơn. Theo đó, khi có những loại tội phạm mới phát sinh do sự thay đổi, phát triển của xã hội, chỉ cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy phạm trong luật chuyên ngành; còn BLHS vẫn giữ nguyên giá trị, hiệu lực.

Thứ ba, cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản để tăng cường áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật hình sự là phạt tiền và các biện pháp khác như khôi phục lại tình trạng ban đầu, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…; không nên áp dụng các hình phạt như đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, vì không cần thiết và gây ra nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến nền kinh tế (như thất nghiệp, xáo trộn đời sống của người lao động, Nhà nước mất nguồn thu thuế, giảm hiệu quả trong việc buộc pháp nhân khắc phục hậu quả…).

Thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nắm vững và vận dụng linh hoạt những nội dung cốt lõi của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm, học thuyết trách nhiệm thay thế, chuẩn mực văn hóa và hệ thống kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong từng vụ việc cụ thể để việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội đạt hiệu quả cao, tránh việc bỏ lọt cá nhân, pháp nhân phạm tội.

 

Theo kiemsat.vn

ThS. NCS. HOÀNG CHÍ KIÊN

Một khu công nghiệp ở Bình Thuận - Ảnh: MH Nguyễn Phương