Ra mắt tác phẩm “Vũ Khoan - tâm tình gửi lại”

Ngày 21/4, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt đã tổ chức ra mắt tác phẩm “Vũ Khoan - tâm tình gửi lại”. Đây là một sự kiện đáng quan tâm trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Đến dự sự kiện có: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và nhiều phóng viên báo chí, các đồng nghiệp, học trò của cố Phó Thủ tướng và sinh viên Học viện Ngoại giao. Về phía gia đình có bà Hồ Thể Giao, phu nhân cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan và con cháu.

Ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, từng trải qua nhiều cương vị như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại, là nhà lãnh đạo đã có nhiều đóng góp trong quá trình mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển đất nước, để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân và bạn bè, đối tác quốc tế.

Cuốn sách Vũ Khoan tâm tình gửi lại  tập hợp các bài báo, bài viết và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong khoảng thời gian từ năm 2015 – 2023. Cuốn sách gồm hai phần chính và đúng như tên gọi, đây là “tâm tình” của Phó Thủ tướng “gửi lại” cho lớp kế cận của ngành ngoại giao cũng như với thế hệ trẻ của đất nước.

 

Cuốn sách được trưng bày tại Lễ ra mắt

Phần thứ nhất - “Ngoại giao Việt Nam và Thế giới”  với 34 bài viết như “Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời”, “75 năm ngoại giao Việt Nam: Một số bài học đáng quý”, “Genève để lại bài học gì?”, “Vòng ngoài Paris”, “25 năm quan hệ Việt Mỹ, con đường từ cựu thù tới “đối tác toàn diện”… phản ánh những suy nghĩ của Phó Thủ tướng về quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, với rất nhiều nhân vật, sự kiện, tình huống đặc biệt, có khi ly kỳ mà ông từng tham gia hay trực tiếp xử lý. Những bài viết này cũng thể hiện tình cảm gắn bó của Phó Thủ tướng với ngành ngoại giao và công tác đối ngoại, những suy nghĩ, trăn trở của ông qua những năm tháng khởi đầu đổi mới và từng bước hội nhập đầy thử thách đó.

 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng gia đình cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Hội Nhà văn, Nhà sách Liên Việt và những người biên tập, tổ chức bản thảo với tác phẩm được ra mắt bạn đọc

Phần thứ hai với chủ đề “Khát vọng Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong cục diện thế giới mới” với 19 bài viết như “Cuộc tranh hùng thế kỷ”, “Những thay đổi của thế giới cũng như thách thức đối với Việt Nam”, “Một thời đại mới đang hình thành?”, “Đôi điều suy ngẫm về chặng đường phía trước”, “Thế giới thời hậu Covis -19 và sự phục hồi kinh tế của nước ta”… đã đề cập tới nhiều vấn đề nổi lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung, ngành đối ngoại nói riêng. Thông qua đó, Phó Thủ tướng trao cho người đọc, cho các thế hệ tương lai những tâm tư, những nguyện vọng, những thông điệp của mình về tương lai.

Có thể nói, đây là những lời nhắn gửi chân tình của một người đi trước gửi tới những thế hệ tiếp nối trong công tác đối ngoại và xây dựng ngành ngoại giao tiên tiến, hiện đại. Với cách viết sinh động, vừa khái quát vừa cụ thể, với nhiều chi tiết và những sự kiện thuộc loại thâm cung bí sử, có thể nói cuốn sách dày gần 500 trang khổ 16x24 này rất hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc, nhất là những ai quan tâm lĩnh vực ngoại giao, đến chặng đường phá vỡ thế bị bao vây, cấm vận, hội nhập với thế giới giai đoạn vừa qua.

 

Các đại biểu nghe Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu

Phần thứ ba là Phụ lục với tiêu đề “Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong lòng gia đình, đồng chí, bạn bè”, tập hợp 35 bài viết của các thế hệ đồng nghiệp, cộng sự, báo chí, học trò viết về ông với những tình cảm trân quý, cũng qua đó mà chân dung ông, một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, rất bản lĩnh, trí tuệ và nhẫn nại, bình dị được phác họa rõ nét hơn.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ba phẩm chất chính của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan mà Bộ trưởng cảm nhận, đó là nhân - trí - dũng. Ông luôn là người gần gũi, giản dị, thân thiện với đồng nghiệp và người dân, là tấm gương sáng về đạo đức và lề lối làm việc, tận tâm, tận lực, dốc lòng vì tập thể và đất nước. Ông luôn căn dặn, muốn làm được công tác ngoại giao, phải làm tốt công tác nghiên cứu, lấy nghiên cứu làm gốc, gốc có chắc thì cây mới vững, đồng thời nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại. Ông là người bản lĩnh trong đối ngoại, nhất là trong những tình huống độc lập tác chiến.

Các đại biểu còn được nghe chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan… về những nhận định, những kỷ niệm, tình cảm, sự kính trọng sâu sắc đối với Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Là MC của sự kiện, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga bày tỏ xúc động về buổi lễ ra mắt sách. Bà nhấn mạnh đây là buổi giới thiệu sách hiếm có, bởi mọi người đến đây bằng tất cả sự yêu mến, kính trọng dành cho vị tác giả đặc biệt - một người vừa là chính trị gia, nhà ngoại giao xuất sắc vừa là nhà báo tài năng. Trên tất cả, ông Vũ Khoan hội tụ đầy đủ phẩm chất cao quý, vừa là người thầy đáng kính, vừa là người đồng chí, người bạn thân thuộc và bình dị.

Trong bài viết ở Phụ lục, ông Thommas J.Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam Đại học Havard nhận định về ông Vũ Khoan: “Ông là một nhà kinh tế theo tôi đánh giá là có chuyên mông và trình độ rất cao. Ông là nhà kinh tế có kiến thức rất bao trùm. Ông là nhà kỹ trị, có rất nhiều ý kiến phản biện. Các ý kiến của ông góp phần giúp Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, giúp Việt Nam mở cửa nền kinh tế, trở thành nền kinh tế hiện đại, kinh tế thị trường.

 

“…Ngày 28/2/1990 chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Cụ Đỗ Mười lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, triệu tập gấp một cuộc họp để đánh giá tình hình, nhất là bàn việc cấp bách đưa trên 16.000 lao động Việt Nam ở Iraq về nước và giao cho Bộ Ngoại giao đảm nhiệm việc này. Tôi gãi đầu gãi tai xin Chính phủ cấp kinh phí để triển khai công việc. Cụ Đỗ Mười hỏi: “Cần bao nhiêu?”. Tôi thưa rằng chắc cần hàng chục triệu USD! Cụ trừng mắt nói: “Lấy đâu ra? Không có xu nào cả”. Quả thực lúc ấy nước ta lấy đâu ra. Nước duy nhất ta có thể nhờ cậy là Liên Xô lại đang rơi vào khủng hoảng sâu!

Tôi dò hỏi xem HCR xem có giúp được gì không? Họ cho biết là không có chức năng và cũng như không có nguồn lực, họ khuyên ta tiếp cận IOM (Tổ chức di dân quốc tế). Nhưng IOM lại quan hệ mật thiết với Mỹ, vậy tính sao đây? Xin ý kiến ông [Nguyễn Cơ] Thạch và ông Đỗ Mười; cả hai ông đều nói, ai cũng được, miễn là đưa được lao động về!

Sau đó ta tiếp cận IOM và liền được tổ chức này đồng ý giúp; cùng lúc đó Nhật Bản và EU cũng ngỏ ý sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu USD vào công việc này. IOM đã lập hẳn một cầu hàng không bằng loại máy bay Jumbo, tức Boing 747 rất lớn, đưa hết hơn 16.000 lao động về nước.

Qua những câu chuyện trên tôi càng ngộ ra rằng, quan hệ bình thường với Mỹ không phải là tất cả nhưng không có mối quan hệ ấy thì nước ta không dễ đẩy lui được tình thế bị bao vây cô lập và hội nhập quốc tế”.

Trích trong bài “25 năm quan hệ Việt Mỹ, con đường từ cựu thù tới “đối tác toàn diện”.

 

 

THÁI VŨ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện