Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhờ nỗ lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên đã và đang từng bước nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt trên 50 triệu đồng/người.

z4354710623750_6e41e7b8afa2d45d080177137695e241

Sở NN và PTNT tỉnh Hưng Yên

Giai đoạn 2021-2022, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 02/6/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết; ban hành và triển khai thực hiện 30 kế hoạch, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đều giảm, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1.000ha nhưng GTSX nông nghiệp, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 2,66%/năm; cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao (đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 18.990ha trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao). Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh; các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ.... giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác đạt trên 230 triệu đồng/ha, tăng trên 20 triệu đồng/ha so với năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; năng suất, sản lượng một số cây trồng tăng cao so với năm 2020, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Chăn nuôi phát triển mạnh, sản lượng thịt hơi các loại tăng cao; thủy sản tiếp tục tăng trưởng; chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nên không phát sinh dịch bệnh lớn ảnh hưởng đến sản xuất. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất,…. Công tác xúc tiến thương mại, vệ sinh ATTP,…được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra.

Nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 – NQ/TU mà chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân biết đến, tích cực hưởng ứng và đã đạt được nhiều kết quả. Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu nên người dân có điều kiện khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 83 xã được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao, bằng 59,7% số xã; 19 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân tốt hơn. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.

Qua quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong công tác triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục hiệu quả và kịp thời.

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 09/NQ-TU; trong đó, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và an toàn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua; Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cơ sở, địa phương giải quyết nhanh các yêu cầu về đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

QC