Điểm mới về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và tội rửa tiền theo quy định của BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015

Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và Tội rửa tiền thuộc nhóm các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng. So với quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 quy định về các tội này có nhiều điểm mới.

 Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và Tội rửa tiền theo quy định của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 có nhiều điểm mới.

Đối với Tội đánh bạc: So với quy định tại Điều 248 BLHS năm 1999 thì Điều 321 BLHS năm 2015 đã có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 321 đã nâng số tiền đánh bạc để truy cứu trách nhiệm hình sự với mức khởi điểm từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng đối với người phạm tội lần đầu.

Thứ hai, khoản 1 Điều 321 bỏ hình phạt là phạt tiền. Nâng mức phạt tù đối với người phạm tội từ 03 tháng đến 03 năm lên 06 tháng đến 03 năm.

Thứ ba, khoản 2 Điều 248 BLHS năm 2015 đã nâng mức khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm lên từ 03 năm đến 07 năm.

Thứ tư, Khoản 2 Điều 321 bổ sung tình tiết định khung tại điểm c: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Thứ năm, khoản 3 Điều 321 đã nâng mức hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đối với Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc: So với quy định tại Điều 249 BLHS năm1999 thì Điều 322 BLHS năm 2015 đã có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 322 bổ sung một số tình tiết là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm; đó là: [1] Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; [2] Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên; tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; [3] Lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc.

Thứ hai, sửa đổi tình tiết “thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” tại điểm b khoản 2 Điều 249 BLHS năm 1999 bằng tình tiết “thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên” tại điểm b khoản 2 Điều 322BLHS năm 2015.

Thứ ba, nâng mức phạt tiền ở khoản 1 từ 10.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng”.

Thứ ba, sửa đổi hình phạt bổ sung tại khoản 3 Điều 249 BLHS năm 1999 từ “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” bằng hình phạt bổ sung tại khoản 3 Điều 322 BLHS năm 2015 như sau:“Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Đối với Tội rửa tiền: So với quy định tại Điều 251 BLHS năm1999 thì Điều 324 BLHS năm 2015 đã có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, sửa cụm từ “tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác” tại khoản 1 Điều 251 BLHS năm 1999 thành cụm từ “tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác”. Như vậy Điều 324 BLHS năm 2015 đã tách biệt tài sản biết rõ là do phạm tội mà có thành: do chính mình phạm tội mà có; hoặc do người khác phạm tội mà có mà mình biết hoặc có cơ sở để biết tiền hoặc tài sản đó do người khác phạm tội mà có.

Thứ hai, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng;” tại điểm h khoản 2 Điều 251 BLHS năm 1999. Lượng hóa các tình tiết có tính định tính của Điều 251 BLHS năm 1999 vào khoản 2, 3 Điều 324 BLHS năm 2015 như: “Tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn” thành “Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”; “Thu lợi bất chính lớn” thành “Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”; “Tiền, tài sản phạm tội có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn’ thành “Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên”; “Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn” thành “Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên”; “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” thành “Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia”.

Thứ ba, bổ sung quy định đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tại khoản 4 Điều 324 BLHS năm 2015.

Thứ tư, khoản 5 của Điều 324 cụ thể hóa mức phạt tiền là hình phạt bổ sung là từ 20 triệu đến 100 triệu thay vì quy định mức chung chung của hình phạt tiền bổ sung theo theo Điều 251 BLHS năm 1999 là phạt đến ba lần số tiền hoặc giá trị tài sản phạm tội.

DƯƠNG TẤN THANH - TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh