Sử dụng án lệ trong giảng dạy luật tại Việt Nam

Bài viết phân tích một số phương pháp giảng dạy bằng cách sử dụng án lệ, đánh giá các thách thức mà người dạy và người học gặp phải, từ đó đưa ra một số kiến nghị đề xuất.

Án lệ là nguồn học liệu quan trọng không chỉ đối với người hành nghề Luật mà cả người dạy và người học. Việc sử dụng án lệ trong giảng dạy luật mang lại nhiều ý nghĩa cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học.

Với sự thay đổi không ngừng của quan hệ xã hội, sự biến đổi của các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tế, việc sử dụng án lệ đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ đối với người hành nghề Luật mà là nguồn học liệu quan trọng đối với người học. Án lệ giúp người học tiếp cận những vấn đề pháp luật thực tế đồng thời hỗ trợ người học xây dựng kỹ năng phân tích, suy luận và đưa ra quyết định chính xác. Bài viết này sẽ tập trung phân tích việc sử dụng án lệ trong giảng dạy luật thông qua các phương pháp tích cực hóa người học như phương pháp vụ việc (Case method); phương pháp tình huống (Case study method) hay phương pháp giải quyết vấn đề (Problem Based Learning). Các phương pháp này đều có thể sử dụng án lệ như một công cụ, chất liệu trong bài giảng.

1. Khái niệm, vai trò của án lệ trong giảng dạy luật

1.1. Khái niệm về án lệ

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm án lệ, nhưng về cơ bản án lệ được hiểu là “là việc làm luật của Tòa án trong việc công nhận và áp dụng các quy tắc mới nhằm thực thi công lý”[1] hoặc án lệ là vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này”[2].

Tại Việt Nam khái niệm án lệ được quy định cụ thể tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ như sau: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”[3].

1.2. Vai trò của án lệ trong giảng dạy luật

Đối với các quốc gia theo hệ thống thông luật (Common law) án lệ là một phần thiết yếu của chương trình giảng dạy luật. Bởi án lệ là một trong những nguồn luật chính thức, bên cạnh pháp luật, điều ước quốc tế, các nguyên tắc luật và tập quán được chấp nhận chung, thậm chí án lệ được xem là thẩm quyền của Tòa án trong việc làm luật, nhiều hơn là cơ quan lập pháp[4].

Đối với các quốc gia theo hệ thống luật dân sự (Civil law), pháp luật không thừa nhận án lệ là một nguồn luật chính thức bắt buộc nên án lệ thường được hiểu là những bản án, quyết định của Tòa án có chứa đựng cách giải quyết vấn đề pháp lý mới, có giá trị tham khảo để giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Tuy nhiên việc sử dụng án lệ để giảng dạy trong luật học rất cần thiết nhằm giúp người học hiểu và áp dụng đúng các quy định pháp luật. Người học không thể nắm rõ một quy định pháp luật được thiết kế để điều chỉnh một tình huống thực tế nếu họ không thực sự nghiên cứu tình huống đó[5].

Như vậy, xuất phát từ sự khác biệt về vai trò của án lệ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia dẫn đến sự khác biệt về vai trò của án lệ trong việc giảng dạy luật. Tuy vậy, điểm chung của việc nghiên cứu án lệ đều giúp sinh viên mở rộng các hiểu biết pháp lý của mình về việc áp dụng các nguyên tắc pháp lý trong các trường hợp thực tế. Nhờ việc nghiên cứu án lệ, sinh viên nhận thức được cách thức vận hành của các quy định pháp luật trong các tình huống thực tế khác nhau, nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề pháp lý, biết áp dụng các quy định pháp lý vào trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra, việc phân tích án lệ giúp sinh viên nâng cao kỹ năng tư duy phản biện. Thông qua việc phân tích bản án, sinh viên phải xác định và phân tích các quan điểm và lập luận mà Tòa án đã sử dụng trong các quyết định của mình, điều này giúp sinh viên nhận diện, phân tích và so sánh các quan điểm khác nhau; tìm các lập luận phù hợp để chứng minh quan điểm của mình.

 2. Các hình thức áp dụng án lệ trong giảng dạy luật

Có nhiều hình thức sử dụng án lệ trong giảng dạy luật tùy thuộc vào khu vực pháp lý cũng như triết lý giáo dục. Bài viết phân tích việc sử dụng án lệ qua  ba phương pháp giảng dạy luật: phương pháp vụ việc (case method), phương pháp nghiên cứu điển hình hay phương pháp tình huống (case study method) và phương pháp dạy học dựa trên giải quyết vấn đề (Problem based learning method).

Thứ nhất, phương pháp vụ việc (case method)

Case method là phương pháp giảng dạy được nhiều trường Luật trên thế giới tổ chức thực hiện. Phương pháp này được phát minh bởi Christopher Columbus Langdell, Hiệu trưởng Trường Luật Harvard từ năm 1870 đến năm 1895. Langdell đã nghĩ ra cách hệ thống hóa và đơn giản hóa giáo dục pháp luật bằng cách tập trung vào các án lệ trước đây nhằm nâng cao các nguyên tắc hoặc học thuyết[6]. Theo ông, trường luật phải là nơi nghiên cứu luật như một môn khoa học, cũng giống như các trường đại học khác nghiên cứu các môn học bằng “phương pháp khoa học”. Ông coi ý kiến ​​phúc thẩm là nguyên liệu thô của ngành khoa học mới này, và thư viện luật về các vụ án là phòng thí nghiệm của ông. Giống như một nhà khoa học nghiên cứu có thể mổ xẻ một con chuột để tìm hiểu xem các cơ quan của nó hoạt động như thế nào, Langdell sẽ mổ xẻ một trường hợp để tìm ra quy luật hoạt động như thế nào. Thảo luận trong lớp thông qua “phương pháp vụ việc” của ông sẽ lôi kéo sinh viên vào quá trình khoa học này[7]. Có 3 yếu tố được xem là xương sống trong phương pháp vụ việc trong đào tạo Luật của Langdell là “các án lệ được xét xử tại Tòa án” (1) là các vụ việc có thật được xét xử tại Tòa án (2) học viên phân tích vụ việc và tự đưa ra quan điểm của mình đối với vụ việc theo sự hướng dẫn của giảng viên. (3) Quá trình hướng dẫn học viên tự rút ra kết luận được thực hiện với phương pháp Socrates với một hệ thống các câu hỏi được sắp xếp theo chủ ý của giảng viên[8]. Thông thường các câu hỏi trong cuộc thảo luận bao gồm: Các dữ kiện tình tiết pháp lý của án lệ là gì, các vấn đề pháp lý mà Tòa án giải quyết, lập luận của Tòa án như thế nào và phán quyết của Tòa án ra sao?

Việc sử dụng án lệ trong phương pháp giảng dạy vụ việc giúp cho người học tìm hiểu được các quy định của pháp luật, phân tích, bình luận các lập luận, quyết định của vụ án, nâng cao kỹ năng lập luận, mở rộng tư duy pháp lý.

Thứ hai, phương pháp tình huống (case study method)

Khác với phương pháp case method, phương pháp tình huống (hay còn gọi là trường hợp điển hình) được phát triển ban đầu cho các trường kinh doanh trong đó các các giáo sư kinh doanh đã chọn những ví dụ thực tế từ thế giới kinh doanh để nêu bật và phân tích các nguyên tắc kinh doanh. Các nghiên cứu điển hình thường bao gồm một câu chuyện ngắn (dưới 25 trang), được kể từ quan điểm của một nhà quản lý hoặc lãnh đạo doanh nghiệp đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Phương pháp này cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về vấn đề chính; thông tin cơ bản về tổ chức, ngành và các cá nhân có liên quan; và các sự kiện dẫn đến vấn đề hoặc quyết định hiện tại[9]. Sau này phương pháp tình huống mở rộng sang các lĩnh vực khác bao gồm cả luật, yêu cầu sinh viên phân tích các trường hợp hoặc vấn đề thực tế và đưa ra giải pháp. Trong giáo dục thực hành pháp luật, phương pháp nghiên cứu tình huống được nâng cao bằng cách tham gia tư vấn các vụ việc có thật. Trong phương pháp tình huống, người học phải tìm hiểu, phân tích các án lệ để tìm hướng giải quyết cho vụ việc của mình. Như vậy, các án lệ là một phần của phương pháp tình huống nhưng không nhất thiết là yếu tố then chốt trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề hiện tại[10].

Thứ ba, phương pháp dạy học dựa trên vấn đề (Problem based learning)

Phương pháp giải quyết vấn đề là phương pháp tổ chức giảng dạy thông qua giải quyết vấn đề để đạt mục tiêu bài học. Phương pháp này gồm nhiều cách thức triển khai khác nhau bao gồm 6 loại phổ biến[11] bao gồm: (1) Lecture-based cases (Các tình huống dựa trên bài giảng). Ở hình thức này, giảng viên trình bày thông tin dưới dạng bài giảng và sau đó sử dụng các vấn đề hoặc tình huống thực tế để minh họa thông tin đã được trình bày. Các vấn đề được sử dụng làm ví dụ về việc áp dụng thông tin lý thuyết vào các tình huống thực tế. (2) Case-based lecture (Bài giảng theo tình huống). Trong phương pháp này, sinh viên được giao các vấn đề trước khi giảng. Các vấn đề nêu bật thông tin sẽ được đề cập trong bài giảng, sau đó xử lý thông tin đó và áp dụng vào các ví dụ thực tế. (3) Case method (Phương pháp tình huống): Phương pháp này yêu cầu sinh viên nghiên cứu một vụ việc hoàn chỉnh để chuẩn bị thảo luận trên lớp. Lớp học diễn ra dưới hình thức thảo luận về vấn đề theo sự hướng dẫn của giảng viên. Giảng viên yêu cầu sinh viên tìm vấn đề pháp lý trong vụ việc và cách thức giải quyết. (4) Modified case-based (Phương pháp tình huống đã sửa đổi). Trong phương pháp này, sinh viên được giao một vấn đề cần giải quyết nhưng không được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để giải quyết vấn đề, sinh viên được yêu cầu phân tích vấn đề và đưa ra các câu hỏi sâu hơn để có được thông tin bổ sung liên quan nhằm giải quyết vấn đề đó. (5) Problem-based (Phương pháp dựa trên vấn đề thực tế): Trong phương pháp này, có một tình huống/vấn đề thực tế được đưa ra cho sinh viên thông qua việc sử dụng một khách hàng mô phỏng. Sinh viên phân tích vấn đề của khách hàng mô phỏng và đặt câu hỏi để có đủ thông tin nhằm giải quyết vấn đề đó. (6) Closed loop or reiterative problem-based (phương pháp dựa trên vấn đề trùng lặp). Phương pháp này mở rộng phương pháp dựa trên vấn đề bằng cách cung cấp một cấu trúc tương tự để sinh viên xem xét và đánh giá quá trình mà họ đưa ra kết luận. Sự phản ánh và đánh giá này tạo cơ hội cho sinh viên xây dựng một nguyên tắc chung có thể áp dụng được cho các vụ tương tự.

Như vậy, cho dù áp dụng hình thức dạy học vấn đề loại nào thì thành tố đầu tiên trong phương pháp này vẫn là là “vấn đề”[12]. Đối với việc dạy luật thì vấn đề là tình huống pháp lý mà người học phải giải quyết. Trong quá trình dạy, giảng viên có thể nghiên cứu các án lệ của Tòa án để viết lại tình huống có vấn đề tùy vào mục tiêu giảng dạy theo các hình thức trên cho phù hợp.

3. Một số thách thức trong việc sử dụng án lệ cho hoạt động giảng dạy luật tại Việt Nam

Tại Việt Nam việc sử dụng án lệ trong hoạt động giảng dạy đã được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Cơ bản có 3 hình thức là i) xây dựng một môn học riêng biệt về án lệ như phân tích và bình luận án lệ, hoặc trong các môn học về đào tạo kỹ năng như Kỹ năng thực hành luật, Kỹ năng phân tích các vụ án dân sự; ii) lồng ghép nội dung án lệ vào các môn học pháp luật cụ thể như các môn học tố tụng, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp luật giao dịch bảo đảm, Luật Hợp đồng… iii) giới thiệu án lệ trong các chuyên đề giảng dạy về nguồn của pháp luật, hoặc Lý luận về Nhà nước và pháp luật…[13]. Các hình thức giảng dạy có sử dụng án lệ đã giúp giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo luật, giúp sinh viên nâng cao nhiều kỹ năng thực hành pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng án lệ trong giảng dạy luật gặp nhiều thách thức sau đây:

Một là, hệ thống án lệ tại Việt Nam còn hạn chế.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tính đến ngày 01/10/2023, tổng số án lệ được công bố là 70[14]. Đây là một con số quá khiêm tốn so với số lượng các vụ án được giải quyết trên thực tế. Điều này gây ra nhiều khó khăn không chỉ cho các Thẩm phán trong việc tham khảo để giải quyết các vụ việc trong bối cảnh phát sinh nhiều tranh chấp và tình tiết mới trong xét xử mà cho cả giảng viên khi xây dựng nguồn học liệu thiết kế bài giảng cho các môn chuyên ngành Luật.

Hai là, phần lập luận trong các án lệ của Việt Nam còn chưa cao.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong việc sử dụng án lệ cho việc giảng dạy luật là sinh viên học cách phân tích các lập luận của Thẩm phán trong việc xây dựng nguyên tắc, lý lẽ hoặc vận dụng pháp luật để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, “thực tiễn xây dựng án lệ của Tòa án chưa thực sự tập trung vào việc nâng cao chất lượng của lập luận xây dựng án lệ hay chất lượng của các giải pháp pháp lý tòa án. Các án lệ đã được công bố cho thấy phần lập luận hay lý lẽ của tòa án đưa ra còn khá đơn giản, ngắn gọn chưa đi sâu vào việc vận dụng các nguyên tắc pháp lý hoặc học thuyết pháp lý làm cơ sở cho lập luận của mình. Điều này chắc chắn sẽ giảm đi chất lượng hay sức thuyết phục của án lệ”[15].

Ba là, giảng viên giảng dạy luật chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu án lệ.

Tại Việt Nam, án lệ chỉ mới được chính thức ghi nhận trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020[16] và tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014[17]. Vì thế, việc nghiên cứu Luật của giảng viên chủ yếu là nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, các giảng viên chưa được đào tạo chuyên sâu về việc nghiên cứu, phân tích án lệ. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên giảng dạy luật cũng không có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng bản án để giảng dạy.

Để hạn chế những thách thức trên đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính hệ thống đồng bộ từ hệ thống TAND đến chính sách xây dựng chương trình đào tạo ngành luật cũng như đội ngũ giảng dạy tại các trường Đại học. Trước mắt, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thiết lập bộ tình huống pháp lý trên cơ sở các án lệ đã ban hành để hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong nghiên cứu học tập.

Mỗi một bộ môn có thể xây dựng bộ tình huống pháp lý trên cơ sở các án lệ đã được ban hành dùng để sử dụng cho các tiết giảng dạy lý thuyết bằng phương pháp dạy học theo vấn đề hoặc sử dụng cho tiết thảo luận bằng phương pháp vụ việc

Hai là, nâng cao năng lực của giảng viên về việc giảng dạy án lệ bằng cách khuyến khích và yêu cầu giảng viên phải sử dụng và cập nhật các các án lệ trong bài giảng, tham gia các khóa đào tạo hội thảo về án lệ và cách thức sử dụng án lệ trong giảng dạy

Ba là, xây dựng sự hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở đào tạo luật với đội ngũ chuyên gia pháp lý như thẩm phán, kiểm sát viên luật sư trong  quá trình nghiên cứu, sử dụng, công bố và phát triển án lệ ở Việt Nam. 

KẾT LUẬN

Án lệ không chỉ là nguồn kiến thức pháp luật quan trọng mà còn là phương tiện giảng dạy luật hiệu quả giúp hình thành tư duy pháp lý và kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên. Qua việc nắm vững các trường hợp thực tế, sinh viên có thể áp dụng lý thuyết vào thực tế, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và chuẩn bị cho sự chuyển giao từ môi trường học thuật sang môi trường làm việc. Tuy nhiên, việc sử dụng án lệ trong giảng dạy tại Việt Nam gặp nhiều thách thức đến từ việc tiếp cận nguồn án lệ, chất lượng án lệ và năng lực của giảng viên. Để giải quyết những thách thức này, cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ cả hệ thống giáo dục và cộng đồng pháp lý. Việc tăng cường đào tạo cho giảng viên, phát triển nguồn tài liệu pháp lý, và thúc đẩy hợp tác với các chuyên gia pháp lý là những giải pháp quan trọng góp phần vào việc đổi mới chất lượng giảng dạy luật tại Việt Nam.

 


 

ThS. NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)

[1] Bryan A Black’s Law Dictionary Nineth Edition, West Group, 2004, tr.1295.

[2] Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn pháp luật, Tạp chí Luật học, số 2, năm 2008, tr.25.

[3] Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC  về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

[4] Cf. G.H. Samuel, A Short Introduction to the Common Law, Cheltenham, Edward Elgar, 2013.

[5] Smits, Jan M., The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How? (2022). The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How?, in: A.W. Heringa, S. Hardt et al (eds.), Legal Education in the 21st Century: Indonesian and International Perspectives, The Hague [Eleven] 2022, pp. 117-125, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=4134260 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4134260.

[7] Russell L. Weaver, Langdell's Legacy: Living with the Case Method, 36 Vill. L. Rev. 517 (1991). Available at: https://digitalcommons.law.villanova.edu/vlr/vol36/iss2/3.

[8] Ngô Hoàng Oanh Áp dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy luật, nghề luật, Tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp, số 1/2017, tr.71.

[10] Smits, Jan M., The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How? (2022). The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How?, in: A.W. Heringa, S. Hardt et al (eds.), Legal Education in the 21st Century: Indonesian and International Perspectives, The Hague [Eleven] 2022, pp. 117-125, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=4134260 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4134260.

[11] Barrows HS. (1986), A taxonomy of problem-based learning methods, Med Educ. 1986 Nov;20(6):481-6. doi: 10.1111/j.1365-2923.1986.tb01386.x.

[12] Moskovitz, myron (1992), Beyond the case method: it's time to teach with problems, Journal of legal education, v42 n2, p.241.

[13] Bạch Thị Nhã Nam, Nguyễn Thị Long, Sử dụng bản án và án lệ trong hoạt động giảng dạy pháp luật tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Án lệ tại Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế Luật, 2021, tr.168.

[15] Nguyễn Thị Hoài Thương, Luận án tiễn sĩ “Áp dụng án lệ để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tại Việt Nam”, Đại học Luật Huế, 2021, tr.107.

[16] “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

[17] Điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tTổ chức TAND năm 2014: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Barrows HS. (1986), A taxonomy of problem-based learning methods, Med Educ. 1986 Nov;20(6):481-6. doi: 10.1111/j.1365-2923.1986.tb01386.x.

2. Bryan A (2004), Black’s Law Dictionary Nineth Edition, West Group, tr.1295.

3. Nguyễn Thị Hồi, Về khái niệm nguồn pháp luật, Tạp chí Luật học, số 2, năm 2008.

4. Moskovitz, myron (1992), Beyond the case method: it's time to teach with problems, Journal of legal education, v42 n2.

5. Bạch Thị Nhã Nam, Nguyễn Thị Long, Sử dụng bản án và án lệ trong hoạt động giảng dạy pháp luật tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Án lệ tại Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế Luật, 2021.

6. Russell L. Weaver, Langdell's Legacy: Living with the Case Method, 36 Vill. L. Rev. 517 (1991). Available at:

https://digitalcommons.law.villanova.edu/vlr/vol36/iss2/3.

7. Samuel, Geoffrey (2013), A Short Introduction to the Common Law, Cheltenham, Edward Elgar.

8. Smits, Jan M., The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How? (2022). The Use of Case Law in the Legal Curriculum: Why and How?, in: A.W. Heringa, S. Hardt et al (eds.), Legal Education in the 21st Century: Indonesian and International Perspectives, The Hague [Eleven] 2022, pp. 117-125, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=4134260 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4134260.

9. Ngô Hoàng Oanh, Áp dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy luật, nghề luật, tạp chí Nghề luật, Học viện Tư pháp, số 1/2017.

10. Nguyễn Thị Hoài Thương, Luận án tiễn sĩ “Áp dụng án lệ để giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tại Việt Nam”, Đại học Luật Huế, 2021.

 

Thẩm phán TAND quận Bình Chánh, TP HCM  trực tiếp trao đổi với sinh viên kiến tập- Ảnh: TL