Sự phát triển của chế định quyền con người, quyền công dân qua các bản Hiến pháp Việt Nam

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn giữ một vị trí quan trọng trong các bản Hiến pháp của nước ta. Lịch sử lập hiến của nước ta đã cho thấy sự kế thừa, phát huy các giá trị này qua từng bản Hiến pháp một cách khoa học và phù hợp, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

1. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1946

Hiến pháp năm 1946 gồm 70 điều được chia thành 07 chương và lời nói đầu. Trong đó, các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân được ghi nhận tại Chương II với tên gọi “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” gồm 18 điều. Qua quá trình nghiên cứu, Chương II Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện những tư tưởng tiến bộ, giá trị nổi bật về quyền tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam, cụ thể như sau: 

Thứ nhất, về thứ tự, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đứng vị trí thứ hai trong Hiến pháp năm 1946. Điều này thể hiện sự đề cao, coi trọng của Nhà nước ta trong việc ghi nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Nội dung về quyền công dân trong Hiến pháp năm 1946 chỉ đứng sau một chương duy nhất là Chương “Chính thể” đã cho thấy vai trò nền tảng của chế định về quyền công dân cũng như khẳng định, làm rõ hơn mục đích và bản chất nhà nước ta là Nhà nước do nhân dân làm chủ. Do vậy, các quy định về địa vị pháp lý của nhân dân Việt Nam đã được đặt ở một vị trí rất trang trọng, chỉ đứng sau các quy định về hình thức chính thể, nguồn gốc quyền lực, tuyên bố chủ quyền của chương đầu tiên. Ngoài ra, cách quy định này cũng phù hợp với bố cục của đa số các bản Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. 

Thứ hai, về nội dung, Chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” đã cơ bản ghi nhận được những nghĩa vụ và quyền tự do của nhân dân Việt Nam. Theo đó, công dân Việt Nam có các nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật và nghĩa vụ đi lính. Về quyền lợi, lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp đã ghi nhận quyền bình đẳng của công dân Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, đồng thời khẳng định mọi công dân đều có thể tham gia vào chính quyền và công cuộc xây dựng đất nước. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi mặt”. Các quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã mở ra cơ sở xã hội rộng rãi để người dân có thể tham gia vào việc xây dựng chính quyền và thực hiện các công việc của đất nước, đồng thời thể hiện tư tưởng tiến bộ trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của công dân. 

Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1946 đã bước đầu ghi nhận một số quyền tự do quan trọng của người dân Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và dân sự như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và nước ngoài... Ngoài ra, Hiến pháp năm 1946 cũng rất chú trọng đến việc tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho những nhóm yếu thế trong xã hội như quyền được giúp đỡ của công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc, quyền được giúp đỡ và học bằng tiếng dân tộc của người dân thiểu số… Những quy định này của Hiến pháp năm 1946 một mặt tạo nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phần dân cư trong xã hội, góp phần cụ thể hóa nguyên tắc đoàn kết toàn dân được nêu trong lời nói đầu, mặt khác thể hiện những giá trị nhân văn cao quý về bản chất của một Nhà nước dân chủ ưu việt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[1]. Trong lĩnh vực chính trị, vai trò của nhân dân với các quyết định lớn của Nhà nước được tăng cường với quy định độc đáo tại Điều 21 Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Quy định về thủ tục phúc quyết một lần nữa được nhắc đến tại Điều 70 Hiến pháp năm 1946 về thủ tục sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền được tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước của nhân dân chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 với thủ tục phúc quyết. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có thể chủ động tham gia vào đời sống chính trị của đất nước, đồng thời phản ánh rõ bản chất nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân và tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. 

Thứ ba, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, nội dung về quyền công dân trong Hiến pháp năm 1946 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trước hết, do ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chiến tranh gần kề và bộ máy chính quyền còn non trẻ nên tinh thần chủ đạo của Hiến pháp năm 1946 là thiết lập một Nhà nước thống nhất, mạnh mẽ để lãnh đạo nhân dân vượt qua những mối đe dọa từ nhiều phía. Do vậy, các quy định trong chương về quyền công dân nhìn chung chỉ mới dừng lại ở mức cơ bản, chưa mở rộng ra được nhiều lĩnh vực. Một số quyền quan trọng của người dân về kinh tế, văn hoá, xã hội chưa được quy định một cách đầy đủ. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1946 cũng chưa thể hiện sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân. 

2. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1959 

Hiến pháp năm 1959 bao gồm 112 điều, trong đó, các nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại Chương III với tên gọi “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gồm 21 điều. Nghiên cứu nội dung này của Hiến pháp năm 1959, có thể thấy rằng: 

Thứ nhất, tên gọi và thứ tự của chương quyền công dân trong Hiến pháp năm 1959 có sự thay đổi. Khác với Hiến pháp năm 1946, nội dung về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 1959 xếp vị trí thứ 3, sau hai chương về “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” và “Chế độ kinh tế và xã hội”. Ngoài ra, trong tên gọi của chương, cụm từ “quyền lợi” đứng trước “nghĩa vụ” và có thêm từ “cơ bản”. Việc thay đổi này thể hiện sự đề cao việc thụ hưởng các quyền của nhân dân Việt Nam cũng như nhấn mạnh những quy định trong chương này chỉ nhằm tạo cơ sở chứ không giới hạn phạm vi hưởng quyền của nhân dân. Hay nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 1959 chỉ là mang tính nền tảng và người dân hoàn toàn có thể được hưởng thêm các quyền khác dù không được ghi nhận trong Hiến pháp này. 

Thứ hai, Hiến pháp năm 1959 đã mở rộng phạm vi hưởng quyền của nhân dân thêm nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Hiến pháp năm 1959 đã bổ sung thêm một số quyền công dân trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở kế thừa những quy định đã có từ Hiến pháp năm 1946. Các quyền mới gồm: Quyền được pháp luật bảo hộ hôn nhân và gia đình (Điều 24); quyền được bảo hộ bà mẹ và trẻ em (Điều 24); quyền biểu tình (Điều 25); quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 29); quyền làm việc (Điều 30); quyền nghỉ ngơi (Điều 31); quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật (Điều 32); quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật (Điều 34). Tuy nhiên, dù phạm vi quyền của công dân được mở rộng hơn so với Hiến pháp năm 1946, đa số các quyền dân sự của người dân không được quy định trực tiếp trong Chương III Hiến pháp năm 1959 mà nằm rải rác trong Chương II “Chế độ kinh tế và xã hội”. Mặt khác, quyền sở hữu tài sản - một quyền rất quan trọng của công dân lại được quy định gián tiếp trong chương về chế độ kinh tế và xã hội với những hạn chế nhất định[2]

Bên cạnh quy định quyền, Hiến pháp năm 1959 cũng quy định cụ thể những nghĩa vụ cơ bản của công dân như nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội; nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng; nghĩa vụ đóng thuế; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc... Các quy định này của Hiến pháp năm 1959 đã phần nào thể hiện sự đề cao các giá trị chung của cộng đồng bên cạnh các quyền cá nhân. 

Thứ ba, tuy mở rộng cả về phạm vi hưởng quyền và nội dung các quyền công dân nhưng Hiến pháp năm 1959 lại bỏ quy định liên quan đến thủ tục phúc quyết trong Hiến pháp năm 1946. Như vậy, theo Hiến pháp năm 1959, nhân dân không còn được tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp hay quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước bằng thủ tục phúc quyết, do vậy, đã hạn chế phần nào khả năng tham gia vào các hoạt động chính trị của người dân. Một vấn đề khác đó là, tương tự như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 cũng chưa có sự phân biệt hai khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân” khi chỉ đề cập đến đối tượng là công dân Việt Nam trong Chương III Hiến pháp năm 1959. 

3. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1980 

Hiến pháp năm 1980 ghi nhận các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương V với tên gọi “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, gồm 29 điều. Nhìn chung, so với Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 thì quyền và nghĩa vụ của công dân thể hiện trong Hiến pháp năm 1980 ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc và kế thừa các quy định từ các bản Hiến pháp trước đó. Nghiên cứu về chế định này trong Hiến pháp năm 1980, có thể thấy: 

Thứ nhất, Hiến pháp năm 1980 đã kế thừa tên gọi của Hiến pháp năm 1959 cho chương quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, thứ tự của chương này trong Hiến pháp năm 1980 đã có sự thay đổi khi chuyển từ vị trí thứ 03 trong Hiến pháp năm 1950 xuống vị trí thứ 05. Sự thay đổi này đã thể hiện tinh thần xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp năm 1980. Dưới tác động mạnh mẽ của Hiến pháp năm 1977 của Liên Xô, các nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân được xếp đứng sau các chương về chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và bảo vệ Tổ quốc. 

Thứ hai, Hiến pháp năm 1980 đã ghi nhận thêm nhiều quyền mới của công dân Việt Nam như quyền có quốc tịch Việt Nam (Điều 53); quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội (Điều 56); quyền có việc làm (Điều 58); quyền được bảo hiểm xã hội (Điều 59); quyền học “không phải trả tiền” (Điều 60); quyền được bảo vệ sức khoẻ, khám chữa bệnh không phải trả tiền (Điều 61); quyền có nhà ở (Điều 62); quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm (Điều 70); quyền được bảo đảm bí mật về điện thoại, thư tín, điện tín (Điều 71); quyền được bảo hộ về quyền lợi của tác giả, của người sáng chế, phát minh (Điều 72)... Trong đó, có nhiều quyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như quyền có quốc tịch Việt Nam; quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội… 

Thứ ba, Hiến pháp năm 1980 cũng cụ thể hóa một số quy định có từ Hiến pháp năm 1946 như ghi nhận rõ các yêu cầu đối với Nhà nước trong bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ: Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ chăm lo, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội; Nhà nước cần hoạch định chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ; xã viên hợp tác xã cũng được hưởng phụ cấp sinh đẻ; Nhà nước và xã hội phải chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi khác... Một số quyền tự do của công dân trong Hiến pháp năm 1946 cũng được ghi nhận rõ ràng, đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 1980 như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 68); quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 69); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 71)… 

Thứ tư, cũng giống như Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 không ghi nhận về quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1980 cũng không quy định trực tiếp quyền sở hữu tài sản của người dân trong Chương V mà ghi nhận thông qua các quy định của Chương II “Chế độ kinh tế” và quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn không được ghi nhận. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng quyền được quy định trong Hiến pháp năm 1980 nhiều hơn hẳn so với Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 nhưng một số nội dung không có tính khả thi như quyền học không phải trả tiền, quyền có nhà ở hay quyền khám chữa bệnh miễn phí…, ngoài ra, cũng giống như các bản Hiến pháp trước, khái niệm “quyền con người” chưa được đề cập và làm rõ trong Hiến pháp năm 1980. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như sự ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa Liên Xô, quan niệm giản đơn, giáo điều về chủ nghĩa xã hội cũng như tinh thần lạc quan khi đánh giá tình hình kinh tế, xã hội lúc bấy giờ của nước ta. 

4. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 1992 

Là bản Hiến pháp đánh dấu thời kỳ đổi mới của đất nước ta, Hiến pháp năm 1992 phản ánh bước phát triển mới trong chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý, nhận thức lại về chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta[3]. Các nội dung về quyền, nghĩa vụ công dân vẫn được ghi nhận tại Chương V, gồm 34 điều. Nhìn chung, chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 có những nét nổi bật sau: 

Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, thuật ngữ “quyền con người” được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp. Điều 50 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Quy định này của Hiến pháp năm 1992 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam cũng như việc cụ thể hóa các quyền này trong các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 cũng là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta chính thức ghi nhận nguyên tắc “Quyền và nghĩa vụ của công dân do hiến pháp và luật quy định” (Điều 50 và 51). Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong việc hạn chế khả năng các cơ quan nhà nước xâm phạm các quyền con người, quyền công dân một cách tùy tiện trong các văn bản dưới luật. 

Thứ hai, về nội dung, số lượng các quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 cũng có bước phát triển với 34 điều trong tổng số 147 điều của Hiến pháp. Do vậy, quyền công dân ở Hiến pháp năm 1992 được mở rộng hơn so với 03 bản Hiến pháp trước rất nhiều, nhiều quyền mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội lần đầu được ghi nhận như quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 57); quyền của cá nhân được suy đoán vô tội (Điều 72)… Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 1992 cũng cụ thể hóa một số quyền đã có trong Hiến pháp năm 1980 như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (Điều 71); quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 73); quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín (Điều 73); quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 68); quyền được thông tin (Điều 69); quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 74)… Ngoài ra, Hiến pháp năm 1992 cũng ghi nhận lại một số quyền quan trọng có từ Hiến pháp năm 1946 nhưng không được nhắc đến trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 như quyền sở hữu tư nhân về tài sản, vốn và tư liệu sản xuất (Điều 58); quyền tự do kinh doanh (Điều 20, Điều 57); quyền sử dụng đất (Điều 58)... Sự ghi nhận lại các quyền này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. 

Thứ ba, tuy có sự mở rộng cả về phạm vi quyền và nội dung quyền nhưng Hiến pháp năm 1992 vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trước hết, việc ghi nhận chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đứng thứ 05 chưa thực sự tương xứng với tầm quan trọng của chương này. Về nội dung, mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận thêm nhiều quyền mới nhưng nhìn chung nội dung của chương này trong Hiến pháp vẫn chú trọng vào nhóm các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội là chủ yếu. Nhóm các quyền về dân sự và chính trị chưa được quan tâm đúng mức trong khi đây mới là nội dung chính trong Hiến pháp các nước khi quy định về quyền con người, quyền công dân[4]. Một điểm hạn chế nữa của Hiến pháp năm 1992 là mặc dù có nhắc đến cụm từ “quyền con người” tại Điều 50 nhưng cũng giống như các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 1992 vẫn chưa có sự phân biệt giữa hai nhóm quyền công dân và quyền con người và hầu hết các quy định trong Chương V Hiến pháp năm 1992 vẫn có đối tượng áp dụng chỉ bao gồm công dân Việt Nam. 

5. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp năm 2013 

Nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước, bản Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều. Nhìn tổng thể nội dung có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 đã đề cao vai trò của nhân dân hơn rất nhiều so với các bản Hiến pháp trước thông qua việc khẳng định nhân dân là chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp (trong phần lời nói đầu), đồng thời viết hoa trang trọng từ “Nhân dân” trong toàn bộ các quy định của Hiến pháp. Có thể nói, những sự thay đổi này thể hiện quan điểm xem Hiến pháp như một bản khế ước xã hội, trong đó người dân là chủ thể xác lập, trao quyền và đề ra những cơ chế để kiểm soát hoạt động của chính quyền do mình lập ra[5]. Đối với chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đây là chương có số lượng điều luật nhiều nhất trong Hiến pháp năm 2013, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Ngoài ra, chương này cũng là chương chứa đựng nhiều điểm mới nhất trong Hiến pháp năm 2013. Nhìn chung, chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013 có những nét đáng chú ý sau: 

Thứ nhất, tên chương và thứ tự chương đã có sự thay đổi. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương II (giống với thứ tự trong Hiến pháp năm 1946) với tên gọi “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Sự thay đổi này một mặt phản ánh mức độ quan tâm ngày càng nhiều của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền, đồng thời cũng phù hợp với bố cục của đa số các bản Hiến pháp của các quốc gia khác trên thế giới khi đặt chương về quyền con người, quyền công dân ở những vị trí đầu tiên trong Hiến pháp. Bên cạnh đó, tên chương đã thể hiện rõ 02 nội dung chính được ghi nhận trong chương là quyền con người và quyền công dân, từ đó, thể hiện sự phân biệt giữa hai nhóm quyền này. 

Thứ hai, nội dung chương đã có sự phân định giữa nhóm các quyền con người và nhóm các quyền công dân. Như đã phân tích, mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50 nhưng lại chưa phân biệt rạch ròi được quyền con người với các quyền cơ bản của công dân. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”, trước hết thông qua việc ghi nhận chính thức cụm từ “quyền con người” trong tên Chương II Hiến pháp năm 2013. Sự phân biệt giữa hai nhóm quyền này được thể hiện rất rõ trong các quy định của Chương II với nguyên tắc khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân”. Một số quyền quan trọng như quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu tư nhân về tài sản và tư liệu sản xuất; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm… có chủ thể hưởng quyền là “tất cả mọi người”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã chính thức thừa nhận các quyền có đối tượng áp dụng là tất cả cá nhân, cả công dân Việt Nam, công dân nước ngoài và người không có quốc tịch có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam[6]

Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa, hoàn thiện một số quy định của Hiến pháp năm 1992. Trước hết là quy định về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân. Khác với Hiến pháp năm 1992 chỉ ghi nhận nghĩa vụ tôn trọng của Nhà nước đối với các quyền con người thì Điều 50 Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể cả bốn nghĩa vụ của Nhà nước là “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” các quyền con người, quyền công dân. Sự bổ sung này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ràng buộc các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình về quyền con người, quyền công dân, đồng thời thể hiện sự tương thích giữa pháp luật quốc gia với luật quốc tế về nhân quyền. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về một số quyền cụ thể như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); quyền bình đẳng giới (Điều 26); quyền bỏ phiếu trong trưng cầu ý dân (Điều 29)… Trên cơ sở các quy định sẵn có của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế cũng như tạo điều kiện tốt hơn để mọi cá nhân thụ hưởng quyền của mình. 

Thứ tư, Hiến pháp năm 2013 đã quy định thêm nhiều quyền mới, mở rộng cả về phạm vi quyền và nội dung của quyền. Một số quyền mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp năm 2013 như quyền sống (Điều 21); các quyền về văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); quyền sống trong môi trường trong lành (Điều 43); quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (Điều 17 khoản 2); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); quyền hưởng an sinh xã hội (Điều 34)… Như vậy, phạm vi quyền của các cá nhân đã được mở rộng hơn rất nhiều so với các bản Hiến pháp trước đây với nhiều quyền mới cả về lĩnh vực dân sự, chính trị (như quyền sống; quyền của công dân không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác) và lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa (quyền sống trong môi trường trong lành; quyền hưởng an sinh xã hội). Sự thay đổi này là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước, là sự khẳng định mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. 

Thứ năm, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, quyền con người không phải bị hạn chế bởi pháp luật nói chung mà bởi luật - văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước ban hành. Hơn nữa, việc hạn chế quyền con người chỉ được đặt ra trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ của cộng đồng[7]. Quy định mới này của Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện khác nhau. Trước hết, nó thể hiện sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và luật quốc tế về vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân - vốn là một nội dung được thừa nhận trong rất nhiều văn kiện pháp lý quốc tế về nhân quyền[8]. Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể các tiêu chí cần thiết để hạn chế quyền con người, quyền công dân sẽ giúp hạn chế khả năng các cơ quan nhà nước lạm dụng quy định này và hạn chế các quyền con người, quyền công dân một cách tùy tiện và nhờ vậy, các quyền con người, quyền công dân sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. 

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân luôn giữ một vị trí quan trọng trong các bản Hiến pháp của nước ta. Với nền móng đầu tiên là những quy định trong Hiến pháp năm 1946, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được hoàn thiện hơn qua từng bản Hiến pháp. Mặc dù vậy, những tư tưởng tiến bộ trong Hiến pháp năm 1946 về vai trò của nhân dân cũng như các quy định nhằm bảo đảm sự tham gia của người dân vào hoạt động của Nhà nước thông qua thủ tục phúc quyết vẫn còn nguyên giá trị cho đến hiện nay. Lịch sử lập hiến của nước ta đã cho thấy sự kế thừa, phát huy các giá trị này qua từng bản Hiến pháp một cách khoa học và phù hợp, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

 

Theo tcdcpl.moj.gov.vn

 

Hiến pháp 2013 quy định nhiều quyền mới, trong đó có quyền về văn hóa (Lễ hội Chử Đồng Tử - Ảnh: Wanderlust)


[1] Nguyễn Ngọc Kiện, “Ý nghĩa và giá trị cơ bản của Hiến pháp 1946”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 13/2013, tr. 245.

[2] PGS.TS. Mai Hồng Quỳ: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp Việt Nam và định hướng đổi mới”, Tạp chí Luật học, 7/2012, tr. 47.

[3] PGS.TS. Mai Hồng Quỳ, Tlđd, tr. 49.

[4] Mai Hồng Quỳ, Tlđd, tr. 51.

[5] Nguyễn Sĩ Dũng, Hiến pháp mới, hy vọng mới, tham luận tại Tọa đàm “Hiến pháp và vấn đề cải cách thể chế” do Mạng lưới học giả Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 23/01/2013.

[6] Vũ Công Giao, Nguyễn Sơn Đông, “Những điểm mới tiến bộ về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 và việc thực thi”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học, tập 30, số 3 (2014), tr. 42.

[7] Bùi Thị Đào, “Điểm mới của Hiến pháp năm 2013 trong sự tương đồng với pháp luật quốc tế về quyền con người”, Tạp chí Luật học, đặc san 9/2014, tr. 4.

[8] Ví dụ như Điều 29 khoản 2 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (Universal Declaration on Human Rights – UDHR) quy định: Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

NGUYỄN MAI ANH (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)