T, H phạm tội tàng trữ trái phép chất ma tuý

Tạp chí có đăng bài “H có là đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý hay không?” ngày 28/3/2024 của tác giả Đặng Đình Thái. Qua nghiên cứu nội dung vụ án, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.

Trước hết, để định tội danh đối với H và T trong vụ án này một cách khách quan, chính xác, cần phân định rõ Tội mua bán trái phép chất ma tuý và Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Khoản 1 Điều 249 BLHS 2015 quy định về Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý có nêu: “Người nào tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...”. Quy định tại điều luật cho thấy, nếu một người tàng trữ trái phép chất ma tuý nhằm mục đích mua bán thì không phạm tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Nội dung này được luận giải rõ hơn tại khoản 1 Điều 7 Dự thảo Nghị quyết số 02 năm 2023 (Dự thảo Nghị quyết số 02) của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm về ma tuý có nêu: “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma tuý ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, thùng xăng xe, trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,...) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này[1].

Trong khi đó, khoản 1 Điều 251 BLHS 2015 quy định về Tội mua bán trái phép chất ma tuý có nêu: “Người nào mua bán trái phép chất ma tuý, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm...”, tuy nhiên quy định tại điều luật không luận giải rõ hành vi mua bán trái phép chất ma tuý được hiểu cụ thể là những hành vi gì. Luận giải rõ hơn nội dung này, mục 3.3 Chương II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP (Thông tư số 17) ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của BLHS 1999 có nêu, mua bán trái phép chất ma tuý là một trong các hành vi sau đây:

“a) Bán trái phép chất ma tuý cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma tuý do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma tuý cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;

b) Mua chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;

c) Xin chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;

d) Dùng chất ma tuý nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma tuý do đâu mà có);

đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma tuý nhằm bán lại trái phép cho người khác;

e) Tàng trữ chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác;

g) Vận chuyển chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác”.

Trên cơ sở những quy định trên và theo hướng dẫn tại Thông tư số 17 thì có thể thấy động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội được xem là “chìa khoá then chốt” trong việc phân biệt Tội mua bán trái phép chất chất ma tuý với Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý một cách khách quan, chính xác nhất. Và theo chúng tôi, để xác định một đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý thì cần phải xác định thêm được đối tượng đó đã có hành vi bán ma tuý cho người khác, tức là phải xác định được bên bán và bên mua. Nếu chỉ xác định được bên bán mà không xác định được bên mua (bao gồm cả việc “bán” mới chỉ dừng lại ở giai đoạn dự định, chưa được hiện thực hoá thông qua hành vi cụ thể) thì hành vi đó không cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma tuý.

Quay trở lại với nội dung của vụ án, để xác định H có là đồng phạm Tội mua bán trái phép chất ma tuý hay không thì theo chúng tôi, trước hết cần phải xác định xem hành vi của T có đủ yếu tố cấu thành Tội mua bán trái phép chất ma tuý hay không? Trước, trong và sau khi mua được ma tuý, H có biết được mục đích của T là mua ma tuý để bán kiếm lời hay không?

Dữ liệu vụ án có nêu rõ: Sáng ngày 08/3/2022, Nguyễn Văn T có nhu cầu mua ma tuý, mục đích bán kiếm lời nên gọi Đoàn Minh H để nhờ H dẫn đi mua ma tuý trên huyện SS. T không nói với H mục đích mua ma tuý về để bán và hứa trả công cho H 500.000 đồng nếu H dẫn đường...  Sau khi H và T đi mua ma tuý xong. Khi đi về, có người lạ gọi hỏi T để mua ma tuý, lúc này, H mới biết rằng T mua ma tuý về để bán. Khi H và T về đến huyện TT thì bị bắt quả tang”.

Đối với hành vi của Nguyễn Văn T, dữ liệu vụ án có thể hiện“Sáng ngày 08/3/2022, Nguyễn Văn T có nhu cầu mua ma tuý, mục đích bán kiếm lời...” “Khi đi về, có người lạ gọi hỏi T để mua ma tuý”. Tuy nhiên, thực tế thì T chưa thực hiện hành vi bán ma tuý cho bất kỳ ai. Việc bán lại ma tuý để kiếm lời của T mới chỉ dừng lại ở giai đoạn dự định, chưa được thực hiện bằng hành vi cụ thể. Và khi việc bán ma tuý chưa trở thành hành vi cụ thể thì không thể xét đến việc hành vi đó có lỗi hay không có lỗi. Khi không xác định được hành vi đó có lỗi hay không có lỗi thì không có cơ sở để xác định hành vi bán ma tuý nhưng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn dự định là hành vi vi phạm pháp luật.

Mặt khác, trong vụ án này chỉ nêu có người lạ gọi hỏi T để mua ma tuý trong khi không thể chứng minh được người gọi điện cho T để mua ma tuý là ai, tức không thể chứng minh được hành vi “mua bán” ma tuý giữa T và người gọi điện cho T.

Ngoài ra, đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, mức hình phạt nhẹ nhất là khoản 1 có khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tù, trong khi Tội mua bán trái phép chất ma tuý khoản 1 có mức hình phạt nhẹ nhất từ 02 năm đến 07 năm tù. Quy định trên thể hiện sự đánh giá tính nguy hiểm của Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý nhẹ hơn so với Tội mua bán trái phép chất ma tuý. Dựa theo những phân tích nêu trên và áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội thì hành vi của T đủ yếu tố cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 249 BLHS 2015. 

Tiếp đến, tại mục 3.3 Chương II Thông tư số 17 có nêu: “Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma tuý được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý”. Trong khi đó, tại điểm b khoản 2 Điều 9, Dự thảo Nghị quyết số 02 có nêu: “Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý cần phân biệt: Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma tuý cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma tuý của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý với vai trò đồng phạm”.

Mặt khác, tại câu số 18, phần các tội phạm có trong tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Vụ 7, Vụ 14 VKSNDTC. VKSND Tp Hà Nội có nêu câu hỏi: “Trường hợp một người có hành vi mua ma tuý hộ người khác để lấy tiền công thì bị xử lý về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” hay tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”? VKSNDTC trả lời như sau: “Trường hợp chứng minh được người mua ma tuý hộ người khác nhận thức rõ việc mua hộ là để cho người khác bán lại thì người mua hộ đồng phạm với người nhờ mua hộ về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” theo Điều 251 BLHS. Trường hợp chứng minh rõ người mua ma tuý hộ chỉ để hưởng tiền công thì họ bị xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nếu định lượng ma tuý đủ để xử lý theo quy định tại Điều 249 BLHS”[2].

Đối với hành vi của H, dựa theo diễn biến của vụ án có thể thấy, H không phải là người giữ hộ, người vận chuyển, người mua hộ ma tuý. H chỉ là người được T trả tiền công và trực tiếp dẫn đường cho T đi mua ma tuý vì nghĩ T mua ma tuý về với mục đích để sử dụng giống mình. Trong khi T cũng không nói mục đích ngay từ đầu là đi mua ma túy về để bán cho H biết. Đến khi hoàn thành việc mua bán ma tuý với một người phụ nữ không quen biết, trên đường về, khi có người gọi cho T hỏi mua ma tuý thì H mới biết mục đích của T là mua ma tuý về để bán kiếm lời. Như vậy, việc T mua ma tuý về để bán, để tổ chức sử dụng hay thực hiện các hành vi khác, thì trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng khó để chứng minh được ý thức chủ quan của H biết rõ ngay từ đầu việc T nhờ H dẫn đường đi mua ma tuý nhằm mục đích để đem về bán. Hơn nữa, H cũng có nhu cầu mua ma tuý về để sử dụng nên trong quá trình chỉ dẫn cho T đi mua ma tuý thì cùng lúc đó H cũng mua số lượng ma tuý là 2.777g, loại Heroin để sử dụng.  

Trên cơ sở những lập luận được phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, hành vi của H đủ yếu tố cấu thành Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không là đồng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Việc định tội danh đối với T và H trong vụ án trên là hoàn toàn phù hợp trên cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, mặc dù BLHS 1999 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi đó vẫn chưa có văn bản pháp lý thay thế Thông tư số 17. Do vậy, để việc định tội danh đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và Tội mua bán trái phép chất ma tuý được khách quan, chính xác, nhất là hành vi bán ma tuý nhưng mới chỉ dừng lại ở giai đoạn dự định, chưa xác định được người mua thì cấu thành tội phạm cụ thể nào. Thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành Nghị quyết hoặc Thông tư liên tịch hướng dẫn về nội dung này nhằm tạo cách hiểu và vận dụng thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong thực tiễn.

 


 

[1] Xem: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND314002

[2] Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2020), Hội nghị tập huấn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Tr.28-29, địa chỉ truy cập: https://vksbinhdinh.gov.vn/cgi-bin/20201212_TL.pdf.

LẠI SƠN TÙNG, NGUYỄN BÁ HUY (Học viện Cảnh sát nhân dân)

TAND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị  xét xử vụ án Tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: HQ