Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2022
Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 6 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 13 bài viết là các công trình nghiên cứu về một số đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Với bài viết “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Tòa án nhân dân và lực lượng Công an nhân dân”, tác giả Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Mối quan hệ giữa Tòa án nhân dân và lực lượng Công an nhân dân là mối quan hệ đặc biệt, nhất là trong các hoạt động tố tụng nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Sự phối hợp trong công tác là tất yếu, xuất phát từ chủ trương của Đảng, khoa học quản lý, quy định của pháp luật và thực tiễn công tác; bảo đảm cho hoạt động của mỗi cơ quan được hiệu quả, pháp luật được thực thi trên thực tiễn. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích tính tất yếu của việc phối hợp trong công tác giữa Tòa án và Lực lượng Công an nhân dân; mục tiêu, yêu cầu phối hợp; đánh giá những thành tựu nổi bật trong phối hợp giữa Tòa án và Lực lượng Công an và đưa ra một số định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.
Trong bài viết “ Một số vấn đề về phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Lê Nguyên Thanh cho rằng: Phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục trẻ em được thực hiện trên cơ sở bảo đảm các yếu tố chính sách, pháp luật, chủ thể, chương trình, kế hoạch và biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục trẻ em ở Việt Nam thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn hạn chế. Bài viết đánh giá thực trạng phòng ngừa tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Với bài viết “Nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 - lý luận và thực tiễn", tác giả Phạm Minh Tuyên cho rằng: Theo quy định của pháp luật, nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định và nếu cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được căn cứ buộc tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Bài viết phân tích quy định của pháp luật, đánh giá thực trạng áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội” và đề xuất một số kiến nghị.
Trong bài viết: “Một số ý kiến về chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư", tác giả Nguyễn Thị Bích nêu quan điểm: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có liên quan đến quan hệ lao động, việc làm, đây vừa là cơ hội, song cũng là thách thức không nhỏ đối với một quốc gia đang phát triển. Với xu hướng hội nhập này, đứng trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã góp phần tạo nên những thay đổi mạnh mẽ đối với thị trường lao động, việc làm tại nước ta.
Bài viết luận bàn về chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành, qua đó đề xuất một số giải pháp để từng bước hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp của Luật Việc làm phù hợp với đòi hỏi của bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.
Với bài viết “Bàn về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự", tác giả Mai Bộ và tác giả Nguyễn Duy Hiệu tập trung làm rõ quy định của pháp luật về người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; thẩm quyền thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự và đưa ra một số kiến nghị.
Trong bài viết “Vướng mắc trong tố tụng dân sự khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chết hoặc mất tích”, tác giả Cao Nhất Linh nhận định: Một trong các quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Tòa án. Bài viết phân tích những khó khăn, vướng mắc của quy định của pháp luật liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện.
Với bài viết “Đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Đình chỉ giải quyết vụ án là việc Tòa án có thẩm quyền ngừng hẳn việc giải quyết vụ án khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Bài viết phân tích, đánh giá các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về căn cứ, thẩm quyền, hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Trong bài viết: “Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam”, tác giả Nguyễn Trúc Thiện nhận định: Chứng minh trong tố tụng hình sự được xem như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Bài viết phân tích các khía cạnh của chế định chứng minh trong tố tụng hình sự và đưa ra một số giải pháp cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Với bài viết: “Một số vướng mắc khi áp dụng Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và những đề xuất, kiến nghị”, tác giả Lê Văn Luật cho rằng: Thực tiễn xét xử cho thấy, các Tòa án địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xét xử các vụ án dân sự mà đương sự trong vụ án có yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự. Bài viết phân tích, luận giải các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn, các hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này, qua đó đề xuất những giải pháp cụ thể góp phần áp dụng thống nhất pháp luật.
Trong bài viết: “Hoàn thiện quy định pháp luật về thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Tài Tuấn Anh nhận định: Chế định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đây là quy định mới, phù hợp với xu hướng cải cách thủ tục tố tụng trong bối cảnh toàn cầu hóa, đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả, nhanh chóng trong giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về thủ tục rút gọn đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Bài viết tập trung phân tích những tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng quy định về thủ tục rút gọn, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Với bài viết: “Một số bất cập của Luật Doanh nghiệp 2020 về người đại diện theo pháp luật”, tác giả Lưu Thị Bích Hạnh tập trung phân tích một số hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về người đại diện theo pháp luật, từ đó đưa ra đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về người đại diện theo pháp luật, góp phần hoàn thiện pháp luật doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Với bài viết: “Thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong giai đoạn điều tra – một số đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường phòng, chống bức cung, nhục hình”, tác giả Hoàng Ngọc Anh cho rằng: Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và đề ra các giải pháp trong đấu tranh phòng, chống bức cung, nhục hình. Một trong những giải pháp được đưa ra và đã được luật hóa đó là việc tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Bài viết phân tích, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong điều tra vụ án hình sự; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm phòng, chống bức cung, nhục hình.
Trong bài viết: “Bình luận bản án về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại”, tác giả Nguyễn Trọng Luận nhận định: Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp luôn gắn liền với tên thương mại của doanh nghiệp đó. Tên thương mại được pháp luật ghi nhận là một trong số các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và là tài sản có giá trị góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Trên thực tế, hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại diễn ra khá phổ biến và gây ra những ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xâm phạm. Bài viết phân tích về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại thông qua việc bình luận một bản án cụ thể.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 11 năm 2022.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
*Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Quy định lấy ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi trở lên – Hạn chế và giải pháp