Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 03 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Một số vấn đề về án treo và áp dụng án treo theo luật hình sự Việt Nam”, tác giả Trần Văn Độ - Hoàng Ngọc Anh nhận định: Án treo là chế định quan trọng của luật hình sự. Chế định này có trong pháp luật hình sự  các quốc gia cũng như ở nước ta từ rất lâu. Dù việc thể hiện, hay diễn đạt có khác nhau trong pháp luật của mỗi quốc gia, nhưng án treo đều được quy định trong pháp luật hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điều 60) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 65) quy định án treo như là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, trong đó có điều kiện để áp dụng án treo và điều kiện thử thách của án treo. Theo đó, khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một đến năm năm.

So sánh quy định của hai Bộ luật, chúng tôi thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015 cơ bản vẫn giữ tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 1999 về bản chất án treo, điều kiện áp dụng và điều kiện thử thách của án treo, nhưng bổ sung chặt chẽ hơn một số nội dung để đảm bảo cho việc áp dụng chế định này hiệu quả hơn trên thực tế. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng chế định án treo còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật và nhận thức về án treo; đánh giá thực tiễn hướng dẫn và áp dụng án treo những năm qua; đồng thời đưa ra một số nhận xét và kiến nghị cụ thể.

           Với bài viết: “Một số bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý những giao dịch dân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ, tác giả Lê Vũ Nam - Tống Hào Kiệt cho rằng: Trong quan hệ dân sự, nghĩa vụ của chủ thể này sẽ là quyền của chủ thể kia, một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự là buộc người có nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung, thời gian và địa điểm. Hiện nay, trong thực tế cuộc sống nhiều người có nghĩa vụ trả tiền nhưng đến thời hạn trả tiền thì không thực hiện nghĩa vụ, còn bán hết tài sản của họ mà không sử dụng khoản tiền thu được để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; điều này làm cho người có quyền không thể yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ. Nhiều bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành án được vì lý do “người phải thi hành án không có khả năng thi hành” làm cho bản án chỉ có giá trị về pháp lý, thực tế quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân bị xâm phạm vẫn không được khôi phục.

          Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích thực trạng áp dụng pháp luật trong việc xử lý giao dịch dân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ; từ đó chỉ ra những bất cập của pháp luật trong việc xử lý giao dịch dân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ; đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc đối với việc ngăn chặn, xử lý giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

      Trong bài viết: Một số vướng mắc, bấp cập khi áp dụng quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Trần Quốc Tuấn nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì xã hội chứng kiến sự ra đời của nhiều hành vi phạm tội nguy hiểm hơn. Để ngăn ngừa, trấn áp tình hình tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 ra đời, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bên cạnh những thành tựu, những kết quả mà Bộ luật Hình sự năm 2015 mang lại, thì vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong các điều luật, đòi hỏi phải sớm được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; từ đó, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết “Trả hồ sơ điều tra bổ sung vấn đề dân sự trong vụ án hình sự - những khó khăn, vướng mắc”, tác giả Nguyễn Văn Huy cho rằng: Giải quyết vấn đề dân sự  trong vụ án hình sự  được quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, định hướng, chi phối toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án có vụ án dân sự nảy sinh do việc thực hiện tội phạm. Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Mặc dù pháp luật đã có quy định, tuy nhiên, khi áp dụng nguyên tắc này, trên thực tế có nhiều vụ án phát sinh vấn đề bất cập, vướng mắc về trách nhiệm chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung vu án dân sự trong vụ án hình sự.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quy định về trả hồ sơ điều tra bổ sung vấn đề dân sự trong vụ án hình sự trong thực tiễn xét xử.

          Với bài viết: “Thủ tục gia nhập thị trường theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng, tác giả Lê Thị Hằng nhận định: Luật Doanh nghiệp năm 2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Bên cạnh rất nhiều điểm mới được đánh giá cao, thì những quy định liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp tiếp tục có những thay đổi lớn, tạo ra bước đột phá về thủ tục hành chính, đơn giản hóa về thủ tục cho doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá của những người tham gia hoạt động thực tiễn, chưa bao giờ việc mở doanh nghiệp lại thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Luật Doanh nghiệp 2020 mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, vì vậy, để đánh giá được tính khả thi cũng như những tác động mà nó mang lại cho nền kinh tế, chúng ta cần phải có nhiều thời gian hơn nữa. Bài viết này tập trung phân tích, bình luận một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 về thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Luật vào thực tiễn. Với việc chỉ ra một số tồn tại và hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2014 về thủ tục gia nhập thị trường tác giả đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Luật Doanh nghiệp 2020.

       Trong bài viết: “Quy định pháp luật về hành vi quấy rối tình dục và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu nhận định: Hành vi quấy rối tình dục  là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức, mà còn là tiền đề để người phạm tội nảy sinh và thực hiện các hành vi xâm phạm tình dục  cao hơn. Hiện nay, hành vi này đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định và hình sự hóa, nhưng ở Việt Nam, hành vi này mới chỉ được quy định trong pháp luật lao động và pháp luật hành chính, mà chưa được pháp luật hình sự  ghi nhận. Bài viết phân tích và làm rõ thực tiễn quy định của pháp luật Việt Nam và thế giới về hành vi này, thông qua đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

 Với bài viết: “Các yêu cầu về tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật theo “tính hợp lý cân xứng” trong đánh giá quyết định quản lý nhà nước của Tòa án trên Thế giới”, tác giả Dương Hồng Thị Phi Phi nhận định: Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức thể hiện của một loại quyết định thực hiện quyền lực nhà nước đó là quyết định quy phạm pháp luật. So với sản phẩm của các loại quyết định khác thì Văn bản quy phạm pháp luật luôn có ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt của đời sống xã hội, đến quyền và lợi ích của con người. Để Văn bản quy phạm pháp luật thật sự phát huy đầy đủ giá trị tích cực của nó thì bên cạnh tính hợp pháp, tính hợp lý là yêu cầu không thể thiếu - nếu tính hợp pháp bảo đảm sự phù hợp với pháp luật thì tính hợp lý bảo đảm sự phù hợp với lẽ phải, với thực tiễn cuộc sống, với logic của hoạt động xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Các tiêu chí đánh giá tính hợp lý phần nhiều mang tính định tính chứ không phải định lượng như tính hợp pháp, nên khó có thể đạt được sự thống nhất tuyệt đối về mặt quan điểm. Tuy nhiên, đứng trên phương diện của lý thuyết về tính hợp lý cân xứng mà Tòa án nhiều quốc gia áp dụng, có thể xác định các yêu cầu cơ bản sau đây về tính hợp lý đối với Văn bản  quy phạm pháp luật.

      Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc hai bài viết: “Bàn về tư cách tham gia tố tụng của cơ quan bảo hiểm trong vụ án gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe mà bị hại được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tếcủa tác giả Bùi Đình Tráng và bài viết “Bàn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án quy định tại Điều 499 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, của tác giả Đoàn Trung Phước. Đây là hai vấn đề cụ thể mà việc nhận định, đánh giá còn nhiều quan điểm khác nhau, kính mời độc giả cùng phân tích, đánh giá, bình luận, trao đổi để việc áp dụng pháp luật được chính xác và thống nhất.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

BTK