Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc về Dân sự, Tố tụng dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân và gia đình

Ngày 24/4/2023, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc về Dân sự, Tố tụng dân sự, Kinh doanh thương mại, Hôn nhân và gia đình như sau

1. Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị này có phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập không?

Trong trường hợp này, cần xác định đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là yêu cầu của đương sự, nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Khi giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến việc hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải được Tòa án xem xét giải quyết trong cùng một vụ việc dân sự theo quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

2. Nguyên đơn A khởi kiện bị đơn B yêu cầu Tòa án giải quyết việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình giải quyết vụ án, xác định tài sản gắn liền với đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của C. Tòa án đã yêu cầu nhưng A không khởi kiện bổ sung; B không có yêu cầu phản tố và C không có yêu cầu độc lập về tài sản gắn liền với đất. Khi xét xử, có đủ căn cứ xác định toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Vậy, tại phần Quyết định của Bản án chỉ cần tuyên: Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc ....; mà không cần phải tuyên ai có quyền quản lý, sử dụng đất; ai có quyền sở hữu tài sản trên đất hay không?

Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.

Như vậy, đối với trường hợp nêu trên, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải hỏi đương sự để làm rõ yêu cầu của từng đương sự. Nếu B, C không có yêu cầu về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì Tòa án phải nhận định vấn đề này trong bản án và chỉ cần tuyên trong bản án là không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Do B, C không yêu cầu giải quyết về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nên sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác nếu có yêu cầu.

3. Trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thẩm quyền giải quyết như thế nào?

Khoản 4 Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Khoản 1 Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”.

Khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:

“Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

Điểm 7, mục IV Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 hướng dẫn: “...Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao nêu trên thì khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Tòa án xét thấy cần phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

4. Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có yêu cầu xử lý tài sản thế chấp thì phát hiện Tòa án khác đã thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp này. Trường hợp này phải nhập hai vụ án để giải quyết hay tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng để chờ kết quả giải quyết từ vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp?

Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về nhập vụ án dân sự như sau:

“Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nêu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.”

Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết, mà không quy định về trường hợp nhập các vụ án do các Tòa án khác nhau thụ lý giải quyết.

Trường hợp này, các Tòa án thụ lý giải quyết các vụ án đều có liên quan đến tài sản thế chấp, mà việc xác định ai là người có quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp tài sản này là căn cứ quan trọng để Tòa án giải quyết các vụ án. Do đó, Tòa án đang giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản thế chấp nêu trên. Khi có kết quả giải quyết vụ án này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án chấp hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật.

5. Trong vụ án kinh doanh thương mại, đương sự là doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng Điều lệ của doanh nghiệp không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật này thì Tòa án xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như thế nào để tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án?

Khoản 1, 2 Điều 12 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo các quy định pháp luật nêu trên, trường hợp doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn hay Công ty cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật nhưng Điều lệ của doanh nghiệp không phân công trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của những người đại diện theo pháp luật này và không có văn bản ủy quyền, thỏa thuận cho ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 12 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 để xác định tất cả những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

6. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Mục 3 Điều 6 Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN thì “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm”, nên người đứng tên trên thẻ tiết kiệm (sổ tiết kiệm) có toàn quyền quyết định đối với số tiền trong thẻ tiết kiệm do mình đứng tên. Trường hợp số tiền tiết kiệm là tài sản chung vợ chồng, người chồng hoặc người vợ đứng tên chủ thẻ tiết kiệm thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền Ngân hàng và người không đứng tên không biết thì hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm này có hiệu lực hay không?

Khoản 1 Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.”

Điều 8 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:

1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này[2] mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;

2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người chồng hoặc người vợ đứng tên chủ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng (đứng tên chủ thẻ, sổ tiết kiệm) được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó nên hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp giao dịch với người thứ ba không ngay tình theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 nêu trên.

7. Trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bên vay trả nợ theo hợp đồng tín dụng, nếu bên vay không trả nợ sẽ yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Các đương sự không yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Trường hợp xét thấy hợp đồng thế chấp vô hiệu thì Tòa án có quyền tuyên Hợp đồng thế chấp đó vô hiệu không?

Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên vay thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nếu bên vay không trả nợ. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phải xem xét hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản này. Nếu hợp đồng thế chấp tài sản tuân thủ đúng quy định pháp luật thì Tòa án phải công nhận hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực và xử tài sản thế chấp theo quy định pháp luật; nếu hợp đồng thế chấp tài sản vi phạm các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định pháp luật thì Tòa án phải tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không.

8. Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, A vay của Ngân hàng một khoản tiền, để đảm bảo khoản vay nêu trên của A thì B, C, D, E đã đứng ra bảo đảm bằng quyền sử dụng đất riêng của mình. A vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu A trả khoản vay trên, nếu không trả nợ thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Ngân hàng không xác định được phạm vi bảo đảm cụ thể của mỗi tài sản bảo đảm cho khoản vay của A mà đề nghị Tòa án căn cứ vào thoả thuận bảo đảm toàn bộ khoản vay trong hợp đồng để giải quyết; B, C, D, E cũng không xác định được phạm vi tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay của A. Trường hợp này, khi xét xử vụ án thì Toà án xác định phạm vi bảo đảm như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định:

“Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kì tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”.

Khoản 1 Điều 52 Nghị định nêu trên quy định:

“... Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm”.

Như vậy, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản và việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý thì bất kỳ tài sản nào trong số tài sản bảo đảm của B, C, D, E đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; Ngân hàng có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm. Trường hợp này, Ngân hàng có yêu cầu nếu A không trả nợ thì xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Do vậy, Tòa án phải xác định yêu cầu của Ngân hàng là xử lý tất cả các tài sản bảo đảm và mỗi tài sản đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ để giải quyết theo quy định pháp luật.

9. Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Tòa án giải quyết tài sản thế chấp như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.”

Như vậy, tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp, nếu tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng đất thì không đủ điều kiện để giao kết hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp này, Toà án xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu khi có yêu cầu.

Trường hợp khi ký kết hợp đồng thế chấp, quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn còn thời hạn sử dụng nhưng khi giải quyết tranh chấp thì hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho biết quyền sử dụng đất đã thế chấp này có được gia hạn hay không. Nếu quyền sử dụng đất được gia hạn mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai[3] thì Tòa án công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tiếp tục xử lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật. Nếu quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp được gia hạn thì Tòa án xác định hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và tuyên bố chấm dứt hợp đồng thế chấp theo khoản 5 Điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

10. Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, Tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản trước khi ký hợp đồng thế chấp. Khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp thì không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng. Trường hợp này, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật không?

Khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp mà Tòa án không xác định được vị trí đất thế chấp theo hợp đồng thì Tòa án cần có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp trả lời về vị trí đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để làm căn cứ xác định vị trí đất thế chấp. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời không xác định được vị trí đất thế chấp thì Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu do không xác định được đối tượng của hợp đồng theo Điều 408 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

11. Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bên vay thế chấp tài sản là ô tô của mình để vay tiền (việc thế chấp ô tô đã được đăng ký giao dịch bảo đảm, giấy tờ của xe ô tô do Ngân hàng đang quản lý, xe ô tô do bên vay sử dụng). Quá trình giải quyết vụ án, bên vay không có mặt tại địa phương, Tòa án xác minh thì không biết ô tô là tài sản thế chấp đang ở đâu và do ai quản lý nên không thể tiến hành thẩm định, định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án. Trường hợp này Tòa án có được tuyên phát mại đối với chiếc xe ô tô để thi hành án được không?

Trường hợp Tòa án xác định hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật trong quá trình ký kết, hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì việc không xác định được ô tô là tài sản thế chấp ở đâu tại thời điểm tranh chấp không làm vô hiệu hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Do đó, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì Tòa án tuyên phát mại tài sản thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 299 và Điều 303 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

12. Đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật Tố tụng dân sựnhưng đây là tài sản duy nhất của người có nghĩa vụ và có giá trị cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện thì theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này. Do đó, trong trường hợp này để tránh việc người có nghĩa vụ tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền thì xử lý như thế nào?

Trường hợp đương sự có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ” theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng đây là tài sản duy nhất của người có nghĩa vụ và có giá trị cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện thì theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì Tòa án không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này, nhưng phải giải thích cho người yêu cầu biết để họ có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.

13. Người sử dụng đất đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ngân hàng nhưng lại nhận đặt cọc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang thế chấp. Khi ký kết hợp đồng đặt cọc, người nhận đặt cọc cam kết sẽ trả hết nợ ngân hàng và giải chấp để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn cam kết. Tuy nhiên, sau đó người nhận đặt cọc không trả nợ Ngân hàng để ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận. Trường hợp này hợp đồng đặt cọc để giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất đang thế chấp tại ngân hàng có bị vô hiệu không và xác định lỗi làm cho hợp đồng đặt cọc vô hiệu hoặc lỗi làm cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không ký kết được xác định thế nào?

Trường hợp này cần xác định hợp đồng đặt cọc là hợp đồng độc lập, có hiệu lực nhằm bảo đảm giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên. Việc người nhận đặt cọc không trả nợ Ngân hàng dẫn đến việc không thể ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận là vi phạm thỏa thuận của hợp đồng đặt cọc, cần xác định đây là lỗi của bên nhận đặt cọc.

14. Vợ, chồng là người nước ngoài, kết hôn tại nước ngoài, có thẻ tạm trú tại Việt Nam (thời hạn thẻ tạm trú dưới 02 năm). Trong thời gian tạm trú, vợ chồng có đơn yêu cầu Tòa án của Việt Nam công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp này Tòa án của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết không?

Khoản 1 Điều 127 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này”.

Khoản 9, khoản 13, khoản 14 Điều 3 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định:

“9. Cư trú là việc người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam ...

13. Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

14. Thẻ thường trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực”.

Điểm d khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam” là trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Trường hợp này, vợ, chồng là người nước ngoài chưa được cấp thẻ thường trú tại Việt Nam, căn cứ vào các quy định nêu trên thì yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam.

15. Đối với trường hợp bất động sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có một bên vợ (hoặc chồng) tham gia khi ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp..., bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý đối với hợp đồng đó; hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng (mua bán), thế chấp không vi phạm các điều kiện có hiệu lực khác. Hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần?

Theo Điều 130 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”.

Khoản 1, 2 Điều 213 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”.

Khoản 1 Điều 29 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.

Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

…”.

Theo các quy định trên thì việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng là bất động sản phải do hai vợ chồng thỏa thuận hoặc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận định đoạt tài sản chung hoặc không có văn bản thỏa thuận phân chia tài sản; chỉ có một bên vợ hoặc chồng tham gia ký kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp... bên còn lại không tham gia ký kết, không đồng ý thì hợp đồng đó vô hiệu toàn bộ.

Tuy nhiên, trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất (theo Án lệ số 04/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

16. Bà M khi sinh ra mang họ mẹ là Nguyễn Thị M. Sau khi cha của bà M là cụ Lê Văn N mất thì bà Nguyễn Thị M làm đơn yêu cầu xác định cụ Lê Văn N là cha của bà M. Vậy, yêu cầu này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không?

Khoản 2 Điều 101 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”.

Khoản 10 Điều 29 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình” là yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì yêu cầu Tòa án xác nhận cha cho con của bà M thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

HẢI HÀ