Thành tựu to lớn, tạo tiền đề cho những thắng lợi mới

Tổng kết nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội về công tác tư pháp, trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Mặc dù khối lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%), với tính chất phức tạp, quy mô ngày càng lớn, trong bối cảnh phải tinh giản biên chế, nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho những thắng lợi mới.

1. Công tác xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra

Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Tòa án nhân dân đã hoàn thành tốt chức năng xét xử, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu quan trọng Quốc hội giao. Trong đó, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (thụ lý tăng 624.551 vụ việc và giải quyết tăng 594.573 vụ việc so với nhiệm kỳ trước). Chất lượng xét xử có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đặc biệt, công tác xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%; công tác giải quyết vụ việc dân sự đạt 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.[1]

Việc xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn, phức tạp được tiến hành nhanh chóng, nghiêm minh; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng của ngân sách Nhà nước bị tội phạm chiếm đoạt hoặc thu lợi bất chính đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Tòa án nhân dân đã tập trung giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đơn khiếu nại, tố cáo. Đã đề ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết đơn, do đó, tỷ lệ giải quyết năm sau cao hơn năm trước, tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn, có căn cứ và đúng pháp luật. Các Tòa án có thẩm quyền đã giải quyết 36.042 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 5.268 đơn so với nhiệm kỳ trước.

Để đạt được những kết quả trên là do Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử, trong đó tập trung vào 14 giải pháp đột phá: (1) Tăng cường bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; (2) đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; (3) nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; (4) công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân; (5) nâng cao hiệu quả công tác hòa giải và đối thoại; (6) tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; (8) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các loại án; tăng cường kiểm tra việc xét xử; (9) nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; (10) tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; (11) đổi mới thủ tục hành chính tư pháp; (12) đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; (13) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; (14) làm tốt công tác thi đua - khen thưởng.

2. Đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả xây dựng thể chế

Ngay sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai việc chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, hướng dẫn về quy trình tố tụng... Hoạt động của 04 cấp Tòa án nhanh chóng ổn định và đi vào nề nếp, phát huy mạnh mẽ tác dụng của mô hình tổ chức Tòa án mới. Đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất và trình Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sau khi được thông qua và có hiệu lực thi hành, Luật đi vào cuộc sống đã tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tiết kiệm chi phí xã hội và giảm áp lực cho các Tòa án. Luật được xây dựng trên cơ sở kết quả thí điểm thành công việc đổi mới, hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, sau khi Luật được triển khai đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và mang lại chuyển biến tích cực đối với hoạt động của các Tòa án. Đến nay, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 2.000 Hòa giải viên tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiến hành hòa giải thành 13.279 vụ việc mà không phải mở phiên tòa xét xử; góp phần củng cố đoàn kết trong Nhân dân và bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực không ngừng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hơn 60 dự án luật, pháp lệnh. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 24 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các đạo luật quan trọng. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành 05 Thông tư và phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành 19 Thông tư liên tịch. Ban hành 05 tập Giải đáp và nhiều văn bản thông báo kết quả giải đáp trực tuyến về nghiệp vụ.

Công tác phát triển án lệ đã được chú trọng; đã công bố được 43 án lệ và phát hành 03 cuốn “Án lệ và Bình luận”, 01 Giáo trình “Án lệ và thực tiễn xét xử”. Trang tin điện tử về án lệ với nhiều nội dung phong phú, tương tác với độc giả thường xuyên và được vận hành có hiệu quả với lượng truy cập đạt hơn 1,4 triệu lượt. Mặc dù đây là lĩnh vực mới đối với nền tư pháp Việt Nam và đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên, nhưng đã có những án lệ được Chánh án Tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ; bước đầu hình thành kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử. Cho đến nay đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ trong xét xử.

3. Thúc đẩy mạnh mẽ tranh tụng tại Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp

Các phiên tòa xét xử được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp với định hướng tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và thực hiện nguyên tắc tranh tụng. Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quyền năng pháp lý; những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức tập huấn cho Thẩm phán toàn quốc những quy định mới về tranh tụng. Nhờ đó, các Thẩm phán đã có nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của tranh tụng, xác định được tranh tụng là con đường đi đến công lý. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành quy định tranh tụng tại phiên tòa không bị hạn chế về thời gian, các ý kiến tranh tụng đều được ghi nhận, kết quả tranh tụng là cơ sở để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết. Qua tranh tụng và xét xử, Tòa án đã đưa ra nhiều kiến nghị không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước; từ đó góp phần thiết thực vào công tác quản lý, điều hành đất nước của các bộ, ngành liên quan.

Mô hình phòng xét xử cũng được đổi mới theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được thay đổi, đảm bảo bình đẳng trong tranh tụng. Các tiêu chí, yêu cầu cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã được thể hiện trong sắp xếp vị trí của mỗi chủ thể trong phòng xử. Triển khai mô hình phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên, bảo đảm cho các chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng, không làm rạn nứt thêm các quan hệ gia đình và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Các hoạt động tố tụng tại phiên tòa được tiến hành bài bản hơn, phân định rạch ròi giữa Thẩm phán nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp với những chủ thể khác tại phiên tòa, đảm bảo tính trang nghiêm, thượng tôn pháp luật. Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai trang bị trang phục xét xử cho các Thẩm phán các cấp tạo nên diện mạo mới cho các phiên tòa, đề cao tính uy nghiêm của nền tư pháp nước nhà và phù hợp với thông lệ quốc tế.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giữ chức danh tư pháp

Chất lượng xét xử với các bản án được tâm phục, khẩu phục luôn là mục tiêu cao nhất của hệ thống tư pháp trong một Nhà nước pháp quyền. Bản án, quyết định do Tòa án ban hành phải đúng pháp luật, không bị hủy, sửa mới tạo được niềm tin của người dân vào cơ quan xét xử; do đó, Thẩm phán nhân danh Nhà nước ban hành bản án, quyết định đó phải là người nắm vững pháp luật, có kiến thức chuyên môn sâu rộng và hiểu biết xã hội đa dạng.

Trong những năm gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp; thường xuyên đổi mới, đa dạng phương thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, kinh nghiệm xét xử trong toàn hệ thống với trên 15.000 lượt người tham gia; chủ yếu dưới hình thức tập huấn trực tuyến theo định kỳ hàng tháng. Đã có hơn 30 buổi đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với các Thẩm phán trên toàn quốc để trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn xét xử.

Bên cạnh đó, để tạo cơ chế thúc đẩy việc tự nâng cao kỹ năng xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đặt chỉ tiêu mỗi Thẩm phán phải có ít nhất một “phiên tòa rút kinh nghiệm” mỗi năm. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, các Thẩm phán đồng nghiệp, Kiểm sát viên sẽ cùng thảo luận, phân tích về cách thức tiến hành tố tụng, điều hành phiên tòa và giải quyết nội dung vụ việc để mỗi Thẩm phán nhìn thấy sai sót của mình, của người khác và đúc rút kinh nghiệm, tích lũy kiến thức riêng cho mình. Đến nay, các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức 25.697 “phiên tòa rút kinh nghiệm”.

Chất lượng của bản án, quyết định do Tòa án ban hành thời gian qua cũng đã được cải thiện rõ rệt. Bản án là kết quả của quá trình tố tụng, dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa và chứng cứ trong hồ sơ vụ án; là sản phẩm để công chúng đánh giá về độ tin cậy của nền tư pháp và thể hiện rõ nét uy tín của Tòa án. Do đó, trong những năm qua Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều Hội nghị trực tuyến tập huấn về kỹ năng viết bản án, quyết định cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp nhằm rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc viết bản án, quyết định của Thẩm phán; đồng thời xây dựng giáo trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng viết từng loại bản án. Hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chuẩn hóa và mẫu hóa để các Thẩm phán tham khảo, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

5. Hoạt động của Tòa án ngày càng minh bạch, thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý

Công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử được đánh giá là bước phát triển quan trọng của nền tư pháp, thể hiện tính minh bạch của phán quyết. Mặc dù mới được triển khai trong thời gian bốn năm, nhưng đến nay các Tòa án đã công bố được hơn 770.000 bản án, quyết định trên Internet; thu hút sự quan tâm đông đảo người dùng với gần 120 triệu lượt người truy cập và nhận được hàng chục triệu ý kiến bình luận[2]. Đến nay, việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, thực chất, có hiệu quả và đi vào nề nếp. Qua việc công khai bản án cũng nhằm đề cao trách nhiệm của Thẩm phán đối với chính phán quyết của mình, nâng cao chất lượng xét xử, tạo cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động tư pháp.

Các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án được đổi mới theo hướng đơn giản hóa để người dân dễ dàng thực hiện. Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thành lập bộ phận hành chính tư pháp tại các Tòa án; triển khai “mô hình hành chính tư pháp một cửa”; mẫu hóa các tài liệu tố tụng với hướng dẫn kèm theo để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận tư pháp và thực hiện đầy đủ các quyền tố tụng của mình. Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng phân công giải quyết án ngẫu nhiên, phần mềm theo dõi quản lý án, phần mềm giám sát Thẩm phán... cũng được triển khai để đảm bảo sự minh bạch, vô tư, khách quan của những người có chức danh tư pháp tại Tòa án.

Các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan cùng cấp trong quá trình tố tụng nhằm có nhận thức chung, đúng đắn về nội dung vụ việc, giải quyết nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Việc phối hợp giữa các Tòa án với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét xử, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước.

6. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp gắn chặt với xây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án địa phương tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng, kết hợp chặt chẽ với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp; xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Các Tòa án đã triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, ý thức nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành và tổ chức thực hiện “Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”, “Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân” và “Chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các Tòa án nhân dân”; đưa giáo trình về đạo đức thẩm phán vào giảng dạy tại Học viện Tòa án.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp được Tòa án nhân dân tối cao quán triệt và thực hiện thường xuyên. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã phối hợp với cấp ủy địa phương bố trí, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Tòa án các cấp trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp theo đúng Chỉ thị 35 CT/TW của Bộ Chính trị; giới thiệu nhân sự cấp ủy có chất lượng để Đại hội Đảng các cấp bầu tham gia cấp ủy. Các nhân sự là lãnh đạo Tòa án các cấp đều được Đại hội đảng các cấp tín nhiệm với tỷ lệ phiếu bầu cao. Đã có gần 700 Thẩm phán tham gia cấp ủy, đạt tỷ lệ trên 97% và là tỷ lệ tham gia cấp ủy cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ. Đây cũng là con số khẳng định vị thế và tín nhiệm của Tòa án với Đảng và Nhân dân.

7. Sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật công vụ

Mặc dù khối lượng công việc hàng năm tăng thêm 8% trong khi tổng biên chế được phân bổ cho toàn hệ thống Tòa án nhân dân trong 10 năm gần đây không tăng, nhưng các Tòa án đã nỗ lực tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn. Tòa án các cấp đã tinh giản đủ 10% biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã hoàn thành Đề án vị trí việc làm và Đề án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công tác tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán, chuyên viên, chuyên viên chính được tiến hành chặt chẽ, thực chất, coi trọng chất lượng. Việc thực hiện mô hình thi tuyển cạnh tranh và tập trung thống nhất trên toàn quốc đối với các chức danh tư pháp đã giúp cho chất lượng cán bộ được nâng cao, đồng đều hơn so với trước đây. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ được thực hiện có hiệu quả; tạo điều kiện cho cán bộ cọ sát với thực tiễn, thực hiện tốt kỹ năng nghề nghiệp. Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán, thanh tra, kiểm tra công vụ được tiến hành thường xuyên. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 68 đoàn kiểm tra công tác xét xử tại các Tòa án nhân dân cấp cao, 95 lượt kiểm tra Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 220 lượt kiểm tra Tòa án nhân dân cấp huyện. Các sai sót, vi phạm, vướng mắc đã được các đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý,  khắc phục, rút kinh nghiệm, báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác hàng năm để trở thành bài học kinh nghiệm chung của Thẩm phán toàn quốc.

8. Cơ sở vật chất từng bước được củng cố theo hướng hiện đại, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư xây dựng trụ sở, nhiệm kỳ qua, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành đầu tư, xây dựng trụ sở mới trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, trụ sở 03 Tòa án nhân dân cấp cao, 21 trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 49 trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện. Các công trình của Tòa án uy nghiêm, tạo ra diện mạo mới về hình ảnh Tòa án, chấm dứt thời kỳ các Tòa án cấp huyện phải đi thuê trụ sở và cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của cán bộ trong toàn hệ thống. Tòa án nhân dân tối cao cũng hoàn thiện đề án “Trang bị phương tiện làm việc của hệ thống Tòa án giai đoạn III” và đã được Chính phủ phê duyệt Đề án trang bị, phương tiện làm việc cho các Tòa án giai đoạn IV (2019-2023).

Quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án. Đã xây dựng đưa vào sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến tới gần 800 điểm cầu đến Tòa án cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu. Việc sử dụng hệ thống này đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách Nhà nước do không phải tổ chức hội họp và đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tập trung. Nhiều phần mềm ứng dụng chuyên biệt đã được đưa vào sử dụng, đặc biệt là hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án qua mạng Internet; hệ thống thí điểm xét xử các vụ án hành chính qua mạng Internet; phần mềm thống kê; phần mềm quản lý án... Các phần mềm này đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường làm việc hiện đại, thuận tiện và làm cơ sở để xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới theo đúng cam kết của Hội đồng Chánh án ASEAN (CACJ).

Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

9. Chủ động và trách nhiệm trong hoạt động hợp tác quốc tế

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động hợp tác quốc tế của các Tòa án được mở rộng và tăng cường. Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động tham gia có trách nhiệm và có nhiều sáng kiến trong các thiết chế tư pháp đa phương, song phương như: Hội đồng Chánh án châu Á Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án ASEAN, Hội đồng Chánh án ba nước Đông Dương, Hội đồng Chánh án tiểu vùng sông Mê Kông. Đăng cai và tổ chức thành công nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng; đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Chánh án ASEAN và chủ trì kỳ họp của Hội đồng Chánh án các nước ASEAN năm 2020. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã cử 01 Thẩm phán Việt Nam tham gia Tòa trọng tài thường trực quốc tế PCA (tại Hà Lan), tạo nên uy tín, vị thế của Tòa án Việt Nam trong các thiết chế tư pháp quốc tế.

10. Tích cực tham gia phòng, chống Covid-19

Trong những năm gần đây, đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, cùng với cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, Tòa án nhân dân các cấp đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều Chỉ thị về việc tăng cường xét xử các vụ án liên quan đến dịch Covid-19; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các Tòa án đã hoãn, giãn xét xử để thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của địa phương. Cho đến nay, các Tòa án đã xét xử 136 vụ án với 177 bị cáo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nhiều vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn. Các bản án đã tuyên nghiêm khắc, kịp thời góp phần cùng nỗ lực chung của cả nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Những thành tựu của hệ thống đạt được trong thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của các Tòa án trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về tư pháp; hoàn thành các chỉ tiêu công tác theo yêu cầu của Quốc hội. Đây là cơ sở quan trọng để các Tòa án vững bước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng nền tư pháp liêm chính, văn minh, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các Tòa án cần tập trung vào các nhiệm vụ lớn như: (i) quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; (ii) đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; (iii) tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; (iv) chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án tinh gọn, liêm chính; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; (v) đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng Đảng với xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; (vi) tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách thủ tục hành chính-tư pháp; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, xây dựng Tòa án điện tử; (vii) tăng cường, chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, làm tốt công tác tương trợ tư pháp; xây dựng phương án đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế./.

 

[1] Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo số 47/BC-CA ngày 20/10/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

[2] Số liệu tính đến ngày 01/12/2021.

  PGS.TS. NGUYỄN HÒA BÌNH (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC)