Tô Vũ H phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua nghiên cứu bài viết “Xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt và tư cách tố tụng của anh Nguyễn Hữu N?” của tác giả Dương Đức Thịnh đăng ngày 23/01/2024, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất.
Quan điểm thứ nhất cho rằng bị cáo Tô Vũ H bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tư cách tố tụng thì Công ty ĐD là bị hại, anh N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 BLTTHS.
Xét về cấu thành mặt khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối.
Quay lại nội dung vụ án, đầu tháng 5/2023, do cần tiền trả nợ, Tô Vũ H nảy sinh ý định chiếm đoạt cốp pha thép của Công ty cổ phần ĐD. Ngày 8/5/2023, H ký hợp đồng đối với Công ty ĐD để thuê 10.000m2 cốp pha thép dùng vào việc xây dựng công trình với giá 23.000 đồng/1m2/tháng với thời hạn 18 tháng. Sau đó, H sử dụng 200.000.000đ để chuyển cho công ty ĐD nhận trước 01 xe cốp pha thép.
Việc chuyển 200.000.000 đồng này là thủ đoạn gian dối của H nhằm chiếm đoạt giá trị tài sản là 01 xe cốt pha thép được Hội đồng định giá tài sản kết luận có tổng khối lượng 28.248kg, trị giá 248.582.400 đồng. Bên cạnh đó, hợp đồng quy định tổng giá trị tạm tính của hợp đồng là 4.140.000.000đ và H phải đặt cọc 500.000.000đ trước khi nhận hàng nên việc chuyển 200.000.000 đồng để làm tin này cũng không đủ để được xem là đặt cọc để nhận hàng như hợp đồng. Do vậy, bị cáo H đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của công ty ĐD 28.248kg thép, trị giá 248.582.400đ nên phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS.
Về tư cách tham gia tố tụng:
Công ty ĐD bị thiệt hại 01 xe cốp pha có tổng khối lượng 28.248kg, trị giá 248.582.400đ nên tư cách tham gia tố tụng của Công ty ĐD là bị hại theo Điều 62 BLTTHS.
Trước tiên, cần phải xác nhận rằng giao dịch dân sự giữa H và anh N là phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng thủ đoạn gian dối. Anh N là bên thứ ba ngay tình trong vụ án này không hề biết về hành vi của H và chỉ có nhu cầu mua cốp pha dưới hình thức thanh lý sắt vụn với giá 7.500đ/kg. Anh N đã chuyển cho H 400.000.000đ và H dùng 200.000.000đ trong số tiền này để thực hiện hành vi lừa đảo của mình nên N phải được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 BLTTHS để được đảm bảo quyền lợi đối với số tiền 200.000.000đ.
Từ các phân tích trên, hành vi của bị cáo Tô Vũ H phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 174 BLHS về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tư cách tố tụng thì Công ty ĐD là bị hại, anh N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Điều 65 BLTTHS.
Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý đồng nghiệp và bạn đọc./.
Tòa án tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Cái Vĩnh Tuấn Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận