Tòa án nhân dân cấp huyện đã vượt quá thẩm quyền

Sau khi đọc bài viết "Tòa án cấp huyện có được tổng hợp hình phạt đến tử hình hay không?" đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 8/6/2018, tác giả cho rằng trong trường hợp này Tòa án cấp huyện đã vượt quá thẩm quyền. http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/toa-an-cap-huyen-co-duoc-tong-hop-hinh-phat-den-tu-hinh-hay-khong

Theo nội dung bài viết, bị cáo Linh đã bị TAND tỉnh Kiên Giang (KG) xử tử hình về các tội giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản. Sau khi TAND cấp cao tại Tp HCM xét xử phúc thẩm tuyên  giữ nguyên hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm thì bản án sơ thẩm xử tử hình bị cáo Linh đã có hiệu lực pháp luật.

Do trước đó, tháng 7/2013, Linh đã có hành vi trộm cắp tài sản tại huyện Bình Chánh (BC), Tp. HCM bị VKSND huyện BC truy tố tội trộm cắp tài sản. TAND huyện BC, Tp.HCM đưa vụ án ra xét xử Linh về tội trộm cắp tài sản và tổng hợp hình phạt của bản án sơ thẩm tỉnh KG đối với bị cáo. Buộc  Linh phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. Bản án sơ thẩm của huyện BC đã bị Viện trưởng VKSND Tp HCM kháng nghị với lý do là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Để xác định Tòa án nhân dân cấp huyện có được tổng hợp hình phạt đến tử hình hay không chúng ta cần căn cứ vào các quy định pháp luật.

1.Quy định về Tổng hợp hình phạt của BLHS

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLHS 2015, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án như sau: Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Quy định về tổng hợp hình phạt nêu trên dẫn chiếu đến điểm d khoản 1 Điều 55 BLHS về Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, theo đó: Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội tổng hợp hình phạt nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

Vì quy định về tổng hợp hình phạt trong BLHS năm 2015 là một quy định ràng buộc, đòi hỏi chúng ta phải xem xét chúng trong sự tương quan chung của quy định tổng hợp hình phạt và quy định được dẫn chiếu tới. Tại quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội bắt buộc đặt ra yêu cầu xác định về thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 268 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp thì TAND cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Như vậy, thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện bao gồm các loại tội phạm có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù trừ những tội phạm được quy định tại điểm a, b, c, d  khoản 1 điều 268  BLTTHS 2015.

Thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu được quy định tại khoản 2 điều 268 BLTTHS năm 2015. Theo quy định này, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tức những vụ án về những tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù.

Từ những phân tích trên cho thấy TAND cấp huyện không có thẩm quyền tổng hợp hình phạt trong trường hợp bị cáo phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh.

2.Quy định về thẩm quyền ra quyết định thi hành án

Trong bài viết của mình tác giả Song Mai đã rất đúng khi lập luận rằng:  Bản chất của tổng hợp hình phạt là việc tổng hợp hình phạt của bản án trước đó và hình phạt đối với bị cáo trong vụ án đang xét xử để tạo tính công bằng, giáo dục, răn đe người thực hiện hành vi tội phạm và thuận lợi cho việc thi hành án.

Mặt khác, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cũng đã quy định rõ nhiệm vụ của Tòa án các cấp, chức trách nhiệm vụ của Chánh án, của Thẩm phán. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm là ra quyết định thi hành án hình sự đối với các bản án hình sự sơ thẩm cùng cấp đã có hiệu lực pháp luật. Do đó chúng ta cần nghiên cứu Chương XXIII về bản án, quyết định được thi hành và thẩm quyền ra quyết định thi hành án của BLTTHS năm 2015 cũng như các quy định về thi hành án tử hình được quy định trong Luật thi hành án hình sự năm 2010

Tại khoản 1 Điều 364 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án quy định: Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngàykể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Từ các quy định trên, chúng ta thấy rằng thẩm quyền ra quyết định thi hành án tử hình thuộc về Chánh án TAND cấp tỉnh và chỉ Chánh án đã xét xử sơ thẩm mới có thẩm quyền ra quyết định ủy thác cho Chánh án cùng cấp. Quy định này cũng đồng nhất với quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án hình sự về thẩm quyền ra Quyết định thi hành án tử hình:Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình. Quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ của người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án (khoản 1)

Đồng thời Luật thi hành án hình sự cũng quy định rõ chỉ Chánh án TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình (Điều 55 của Luật Thi hành án hình sự về Quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình).

Đối chiếu với trường hợp cụ thể này chúng ta thấy rằng Chánh án TAND tỉnh KG mới có thẩm quyền thi hành án tử hình. Việc trao đổi, ủy thác… về thi hành án chỉ có thể diễn ra giữa các Chánh án cùng cấp ( trong trường hợp cụ thể này là Chánh án TAND tp HCM). Do đó việc TAND cấp huyện ra quyết định tổng hợp hình phạt là vượt quá thẩm quyền và trái với các quy định về thi hành án đã viện dẫn ở trên.

Tại thời điểm này chưa có hướng dẫn đối với quy định về tổng hợp hình phạt của BLHS 2015 nhưng tác giả cho rằng các quy định của điều luật đã tương đối rõ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng thống nhất trong thực tiễn, tác giả đề xuất Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn Điều 56 BLHS năm 2015 theo hướng giữ nguyên hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: “Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.

3.Quan điểm về kháng nghị của VKSND thành phố

Dù có những ý kiến phân tích như trên nhưng tác giả cũng cho rằng kháng nghị của VKSND thành phố không chỉ ra được Tòa án nhân dân huyện BC vi phạm vào điều luật nào mà  chỉ căn cứ vào Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18-12-2017 và căn cứ vào hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP để kháng nghị việc tổng hợp hình phạt không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là chưa thuyết phục.

Trên đây là ý kiến tác giả, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đọc giả.

THANH TRÀ