Trần Đình A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Đình A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay Tham ô tài sản?” của tác giả Lê Đức Anh đăng ngày 19/4/2022, tôi có quan điểm đồng ý với quan điểm thứ nhất cho rằng A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

 “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản. Sau khi đã nhận được tài sản của người khác một cách hợp pháp, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, trong đó thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản; hoặc người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối nhưng sau khi đã nhận được tài sản một cách hợp pháp đã bỏ trốn với ý thức chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ án, Trần Đình A kí hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông B, như vậy mối quan hệ giữa A với Tổng Công ty B được xác định thông qua một hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật, thể hiện dưới hình thức hợp đồng văn bản, trong đó hợp đồng này có quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân A và Tổng Công ty B. Nội dung công việc của A là phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền bankplus cho các điểm bán trong khu vực A quản lý, quản lý số tiền từ việc bán hàng và nộp lại số tiền trên vào tài khoản của công ty thông qua 01 user được Tổng Công ty B cấp cho A.

Trong khoảng tháng 03/2022, Trần Đình A nhiều lần chuyển tiền dịch vụ cho các điểm bán trên địa bàn huyện X, như vậy ban đầu A vẫn thực hiện đúng một số nội dung công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định trong hợp đồng và có được sự tín nhiệm nhất định từ phía Tổng Công ty; tuy nhiên sau khi thu tiền các đại lý bán hàng về A đã không nạp vào tài khoản chuyên thu của Tổng công ty mà tiêu xài cá nhân, và đến ngày 16/3/2022 A đã chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của Tổng công ty B.

Như vậy, mặc dù A biết rõ số tiền đã nhận được tiền từ các điểm bán hàng là số tiền thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty B đang do mình quản lý, và biết rõ trách nhiệm của mình là quản lý số tiền thu được từ các điểm bán hàng và phải nộp lại số tiền đó vào tài khoản chuyên thu cho Tổng Công ty B chậm nhất trước 10 giờ sáng ngày hôm sau, nhưng A đã cố ý không nộp lại số tiền đó cho Tổng Công ty mà lại dùng số tiền đó tiêu xài cá nhân bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, thể hiện ý thức cố ý muốn chiếm đoạt tiền của Tổng Công ty, trong trường hợp này ý thức chiếm đoạt tiền của A chỉ có sau khi A đã nhận được tiền của Tổng Công ty B một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, mặc dù A không dùng thủ đoạn gian dối nào nhưng hành vi không nộp lại tiền cho Tổng Công ty mà lại cố ý sử dụng số tiền đó để tiêu xài cá nhân bất hợp pháp của A đã thể hiện ý thức cố ý chiếm đoạt tiền thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty B. Do đó, hành vi của A đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Các tác giả Đinh Thị Ngọc Bích (Tòa án quân sự Quân khu 4); Nguyễn Phi Hùng (Toà án Quân sự Quân khu 4)… cũng có bài viết gửi đến Tạp chí thể hiện quan điểm A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

 

Tòa án nhân dân huyện An Lão, Bình Định  xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản- Ảnh: Hồ Chí Trường

 

NGUYỄN MINH CƯƠNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)