Trần Văn B phạm những tội gì?

B làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô để bán xe cho Th với giá tiền 500 triệu đồng. Xe ô tô này là tài sản chung của A và B, đã cầm cố cho T lấy 300 triệu đồng. B phạm tội gì là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau.

Do có quen biết với nhau đã lâu nên Trần Văn B và Hoàng Văn A cùng góp mỗi người 350 triệu đồng với nhau để mua xe ô tô trị giá 700 triệu đồng và thống nhất để Hoàng Văn A đứng tên một mình trong giấy tờ đăng ký xe. Sau khi có giấy tờ xe, A và B thống nhất cầm cố chiếc xe này cho Nguyễn Văn T với giá 300 triệu đồng và thỏa thuận là T chỉ giữ giấy tờ xe; số tiền 300 triệu đồng giao cho A để làm vốn kinh doanh, A có trách nhiệm trả lãi hằng tháng cho T; còn xe ô tô thì giao cho B quản lý, sử dụng.

Sau đó, B đã tìm kiếm trên mạng xã hội và nhờ một người không xác định được lai lịch làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô mang tên Hoàng Văn A sau đó B mang xe và giấy tờ xe giả này bán chiếc xe này cho Phạm Văn Th với giá tiền 500 triệu đồng. Khi bán xe, B và Th chỉ làm giấy viết tay, không làm hợp đồng mua bán có công chứng do Th tin tưởng và không biết giấy tờ xe do B cung cấp là giấy tờ giả. Hoàng Văn A  hoàn toàn không biết việc B làm giả giấy tờ xe và bán xe cho Phạm Văn Th.

Sau khi bán xe cho Th và nhận tiền, B bỏ trốn, cắt liên lạc với A, T và Th. Do không liên lạc được với B và không tìm được xe ô tô, nên A và T đã trình báo sự việc với cơ quan Công an quận X. Sau khi bắt được B, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Trần Văn B về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS năm 2015.

Ngoài việc bị xử lý về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức thì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi chiếm đoạt tài sản của Trần Văn B cũng như việc xác định tư cách tố tụng của A, T và Th trong vụ án.

Quan điểm thứ nhất: Ngoài việc phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS năm 2015 thì Trần Văn B còn phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS năm 2015 bởi B đã nhờ người làm giả giấy tờ và sử dụng giấy đăng kí xe giả để bán chiếc xe ô tô trên cho Th (đây là thủ đoạn gian dối), Th hoàn toàn không biết việc B làm giả giấy tờ xe và do tin tưởng nên đã trả tiền cho B.

Đối với hành vi cầm cố chiếc xe ô tô trên cho T và được A tin tưởng giao xe cho, mặc dù hành vi của B có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS. Tuy nhiên, Điều 175 BLHS quy định “người nào thực hiện một trong các hành vi  sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác...”. Trong vụ án này, chiếc xe ô tô có một nửa giá trị tài sản là do B góp nên B cũng có quyền sở hữu đối với chiếc xe ô tô đó, do đó hành vi của B không thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách thể là “tài sản của người khác”. Vì vậy, hành vi của B ngoài phạm tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, B còn phạm thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS và Phạm Văn Th là bị hại của vụ án, Hoàng Văn A và Nguyễn Văn T chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của Trần Văn B phạm các tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 BLHS và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS vì B đã nhờ người làm giả giấy tờ và sử dụng giấy đăng kí xe giả; tuy nhiên B đã cùng Hoàng Văn A thống nhất cầm cố chiếc xe ô tô trên cho Nguyễn Văn T để nhận tiền. B đã được A và T tin tưởng giao xe để quản lí, sử dụng nhưng sau khi nhận được tài sản thì B đã dùng thủ đoạn gian dối để bán chiếc xe trên cho Th mà không báo cho A và T. Hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp của  B đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 175 BLHS nên B phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do đó, A và T là bị hại của vụ án, còn Th chỉ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do giao dịch giữa B và Th là giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.

Quan điểm thứ ba, ngoài hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” thì B bị truy tố, xét xử về cả hai tội khác là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bởi việc được A được T tin tưởng giao xe để quản lý sử dụng nhưng B đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Mặc dù chiếc xe ô tô có một nửa giá trị của B, tuy nhiên A cũng là đồng chủ sở hữu một nửa giá trị còn lại của chiếc xe. Do đó, hành vi của B cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với A. Đối với hành vi sau khi có giấy tờ giả và bán chiếc xe cho Th, B đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Th, vì vậy hành vi của B cần bị xử lý cả về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Th. Do đó, trong vụ án này, A và Th là bị hại, còn T chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án do số tiền T thanh toán A là người được hưởng chứ không phải B.

Trên đây là một số vấn đề cần trao đổi nhằm xác định đúng hành vi phạm tội và tư cách tham gia tố tụng trong vụ án, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.                                                      

NGUYỄN THỊ MAI (Tòa án quân sự Khu vực Thủ đô Hà Nội)