Trần Văn H phạm tội Giết người do vô ý hay phạm tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản

Việc dùng kích điện đánh bắt thủy sản gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà điển hình là gây chết người. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với chủ thể gây thiệt hại trong trường hợp này lại chưa thực sự thỏa đáng do cách hiểu và áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất.

 Trong thực tế, việc dùng kích điện đánh bắt thủy sản diễn ra khá phổ biến trong đời sống dân sự hiện nay. Một số trường hợp, việc dùng kích điện đánh bắt thủy sản gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà điển hình là gây chết người. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với chủ thể gây thiệt hại trong trường hợp này lại chưa thực sự thỏa đáng do cách hiểu và áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất trong thực tiễn. Để làm rõ hơn cho nhận định này, tác giả xin nêu tóm tắt một tình huống cụ thể mà việc định tội còn các quan điểm khác nhau như sau:

Ngày 20/12/2022, Nguyễn Văn H dùng một bộ kích điện tự chế để đánh bắt cá ở khu lưu vực ao chung của thôn T, huyện X, tỉnh B. Sau khi H đặt bộ kích điện xuống ao, thì bỏ về nhà và khoảng 30 phút sau quay lại để vớt cá. Tuy nhiên, trong thời gian H quay về nhà thì cháu C chơi gần đó trượt chân ngã xuống ao, bị dòng điện do kích điện của H tạo ra giật gây chết người.

Việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với H trong trường hợp này hiện còn tồn tại một số quan điểm chưa thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi dùng kích điện để khai thác thủy sản của H là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017. Tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 quy định hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản là: “Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.

Như vậy, việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản của H là hành vi vị nghiêm cấm, đây chính là việc dùng dòng điện có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Bởi việc dùng kích điện đặt xuống ao như H thực hiện  không những tiêu diệt những loài thủy sản như cá, tôm lớn sống trong môi trường tự nhiên mà còn tiêu diệt cả những loài nhỏ, chưa đủ điều kiện khai thác, khiến cho mất cân bằng sinh thái tự nhiên.

Đồng thời, hành vi vi phạm pháp luật của H trong trường hợp này còn gây thiệt hại đến tính mạng cho cháu C. Đây là hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, H phải bị truy tố, xét xử về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là làm chết người và phải chịu mức hình phạt là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm.

Quan điểm thứ hai cho rằng, trường hợp này hậu quả mà hành vi dùng kích điện để khai thác thủy sản của H gây ra là việc cháu C tử vong. Quá trình điều tra, truy tố H khai rằng: Ao mà H đặt kích điện để khai thác cá là nơi xa khu dân cư, vắng vẻ và có rất ít người qua lại. Do vậy, khi đặt kích điện để bắt cá và đi về nhà, H cho rằng không làm ảnh hưởng đến ai. Như vậy, xét về dấu hiệu lỗi trong trường hợp này thì H có lỗi vô ý với việc gây ra cái chết cho cháu C. Tuy nhiên, hậu quả chết người mà H gây ra là vô cùng nghiêm trọng, do vậy cần phải truy tố, xét xử hành vi của H về tội vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 1 Điều 128 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới đủ sức răn đe, bảo đảm phù hợp với dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm.

Tác giả cho rằng, hiện nay việc dùng kích điện diễn ra ngày càng phổ biến, tuy nhiên, hoạt động này diễn ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này. Và vì vậy, hậu quả mà hành vi này gây ra trong một số trường hợp là rất nghiêm trọng như tình huống nêu trên. Do quy định của luật còn chưa thực sự, rõ ràng, thống nhất nên việc định tội danh trong trường hợp này còn nhiều quan điểm khác nhau.

Đối với trường hợp nói trên, căn cứ vào hành vi, hậu quả mà hành vi gây ra, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai là cần truy tố, xét xử H về tội vô ý làm chết người quy định tại khoản 1 Điều 128 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới đúng.

Mặc dù, hành vi khách quan của H là dùng kích điện để đánh bắt cá và gây ra hậu quả chết người cho cháu C, nếu đánh giá một cách tương đối thì việc truy tố, xét xử theo quan điểm thứ nhất là có căn cứ. Tuy nhiên, trường hợp này hành vi do H thực hiện là vô cùng nguy hiểm cho xã hội khi H đặt kích điện xuống ao, không có người canh giữ, nhắc nhở và cũng không có biển báo người khác không lại gần khu vực ao này – là khu vực nguy hiểm mà bỏ về nhà. Vì vậy, đã gây ra hậu quả chết người cho cháu C. Trong quá trình điều tra, qua lời khai của H thì có thể đánh giá H phạm tội với lỗi vô ý. Tuy nhiên, nếu truy tố, xét xử H về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại điểm b khoản 2 Điều 242 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là làm chết người và phải chịu mức hình phạt là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm là chưa đủ sức răn đe, chưa phù hợp với hậu quả mà H gây ra. Do vậy, cần truy tố, xét xử H về tội vô ý làm chết người quy định tại khoản 1 Điều 128 BLHS năm 2015 với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện nay, do chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc áp dụng điều luật trong trường hợp cụ thể này, do vậy có thể áp dụng tương tự quy định tại mục 12 Công văn số 81/2002/TANDTC của TANDTC ngày 10/6/ 2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, quy định về áp dụng tội giết người đối với trường hợp làm chết người bằng bẫy điện diệt chuột như sau:

“12. Đề nghị hướng dẫn đối với các trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người thì xét xử về tội gì? Để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.

b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người”.

Tuy nhiên, hiện nay Công văn này đã hết hiệu lực, đồng thời, đây chỉ là công văn giải đáp quy định của BLHS cũ đã hết hiệu lực và mang tính nội bộ, nên thực tế hiện nay, việc xử lý tình huống cụ thể nêu trên còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất trên thực tế.

 

TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử vụ án giết người do đánh bắt cả kiểu tận diệt - Ảnh: TL

 

 

NGUYỄN XUÂN CƯỜNG (Học viện Tòa án- TANDTC)