Công ty TNHH U- MAC Việt Nam yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài

Công ty TNHH U-MAC Việt Nam đã gửi đơn yêu cầu TAND TP.HCM xem xét Huỷ phán phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Hồ Chí Minh (VIAC) do không đồng tình với nội dung của phán quyết.

Nội dung phán quyết

Phán quyết trọng tài được xem là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài đối với các bên. Trong một số trường hợp, phán quyết trọng tài có thể bị huỷ nếu một trong các bên tranh chấp yêu cầu Toà án xem xét phán quyết trọng tài khi có đủ căn cứ chứng minh rằng, phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc một trong những trường hợp bị huỷ theo Quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010.   

 Công ty TNHH U-MAC Việt Nam (Công ty có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản, có trụ sở tại tòa nhà ICON4, số 243A Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đã gửi đơn yêu cầu TAND TP.HCM xem xét huỷ phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Hồ Chí Minh (VIAC) do không đồng tình với nội dung của phán quyết vì cho rằng phán quyết trọng tài chưa công tâm, khách quan và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thuộc một trong các trường hợp bị huỷ theo quy định. 

Sự việc bắt đầu từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2021, khi Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ - Vận tải Hưng Phát Thịnh (HPT - Có trụ sở tại số 02, KP9, phường Tân Phong, tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) liên hệ U-MAC để thuê cần trục bánh xích 750 tấn phục vụ cho dự án Nhà máy Điện gió Cầu Đất tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, do Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương (Công ty Đại Dương) làm chủ đầu tư. Sau khi HPT chuyển tiền đặt cọc, phía U-MAC đã tiến hành bàn giao thiết bị để HPT vận chuyển đến công trường lắp đặt, phục vụ việc thi công. Cũng chính từ đây, khúc mắc bắt đầu nảy sinh nhưng hai bên không thể thống nhất phương án giải quyết. Công ty HPT đã kiện Công ty U-MAC ra VIAC. Ngày 6/12/2022, VIAC ban hành phán quyết trọng tài, quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của HPT, buộc U-MAC phải thanh toán cho HPT tiền đặt cọc theo hợp đồng thuê thiết bị cẩu, phí trọng tài. HPT phải tự chịu phí trọng tài. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kiện lại của Công ty U-MAC Việt Nam và phải tự chịu phí trọng tài (đối với đơn kiện lại).

 Phía U-MAC cho rằng: Phán quyết trọng tài chưa thật sự khách quan và công bằng. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Mai Liên, đại diện được uỷ quyền của U-MAC, nêu quan điểm: “Thứ nhất, Hội đồng trọng tài nhận định U-MAC không bàn giao thiết bị đúng với hợp đồng dựa trên yếu tố ký hiệu và năm sản xuất mặc dù phía U-MAC đã trình thư xác nhận của nhà sản xuất cẩu Liebher chứng minh các bên đã nhầm lẫn, sai lỗi chính tả khi soạn thảo hợp đồng. Trên thực tế, hãng Liebher không có thiết bị cẩu trọng tải 750 tấn nào có Model là SLR1750/2, mà chỉ có thiết bị cẩu trọng tải 750 tấn Model là LR1750/2. 

Hội đồng trọng tài nhận định: HPT không bàn giao thiết bị đúng hợp đồng dựa trên yếu tố ký hiệu của thiết bị nhưng cả HPT lẫn Hội đồng trọng tài không chứng minh được sự tồn tại của một thiết bị có ký hiệu như vậy. Nghĩa là, dù nhận định U-MAC sai nhưng Hội đồng trọng tài không chỉ ra được cần phải làm như thế nào để được gọi là đúng. Đây là một sai sót đặc biệt nghiêm trọng. 

Nhận định U-MAC vi phạm hợp đồng dựa trên ký hiệu máy, nhưng chính Hội đồng trọng tài cũng mắc lỗi này. Trong Phán quyết của Trọng tài (tại điểm H1.77; H1.79) có sử dụng ký hiệu “cẩu LTR1750” (thừa chữ T) để nói về thiết bị mà cả hai bên HPT và UMAC tranh chấp. Về phía HPT cũng đã mắc lỗi chính tả khi nói đến thiết bị này, thể hiện trong Văn bản của HPT gửi đến U-MAC số “0211/2021/HPT”.

U-MAC đã cung cấp cho HPT thiết bị cẩu xích 750 tấn theo đúng mục đích, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của HPT. Việc sai sót về câu chữ trong hợp đồng không gây ảnh hưởng đến chức năng của thiết bị, không phải là yếu tố dẫn đến mục đích của nguyên đơn không đạt được.

 Ba vấn đề cần làm rõ

Năm sản xuất thực tế của thiết bị là 2015 trong khi năm sản xuất ghi trên hợp đồng là 2016. Thực tế thì sự sai lệch về năm sản xuất (cách 1 năm) đối với dòng thiết bị này có thể được chấp nhận do thời gian khấu hao của nó theo quy định là 25-30 năm, việc nhầm lẫn về thời gian sản xuất giữa 7 năm và 8 năm không ảnh hưởng nhiều đến khả năng thi công của thiết bị cẩu. Ngoài ra, trong quá trình thương thảo, HPT cũng không hề yêu cầu về năm sản xuất của thiết bị.

Thứ hai, phán quyết trọng tài cho rằng: U-MAC chưa thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định của Hợp đồng 2709, cụ thể chưa kiểm định chất lượng và an toàn thiết bị.

Theo QCVN 29: 2016/BLĐTBXH có quy định về kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cần trục: “Cần trục trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng hoặc kiểm định bất thường theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành và được gắn tem kiểm định theo quy định”. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không quy định rõ nghĩa vụ kiểm định này là của chủ sở hữu, nhà thầu thi công trực tiếp sử dụng thiết bị hay đơn vị cho thuê thiết bị. Chứng nhận kiểm định là tài liệu cần thiết cho thiết bị cẩu được sử dụng.  Vì vậy HPT là đơn vị sử dụng thiết bị, chịu trách nhiệm quản lý trên công trường, nên HPT phải có trách nhiệm đối với việc kiểm định này. U-MAC với vai trò là công ty cho thuê thiết bị nên trách nhiệm chính là cung cấp thiết bị hoạt động bình thường, đúng công suất để HPT sử dụng và thực hiện được công việc của mình.

Mặc dù vậy, U-MAC đã sắp xếp kiểm định viên đến công trường nhưng HPT không thể thu xếp cho kiểm định viên vào công trường để kiểm tra thiết bị. Nếu UMAC cung cấp thiết bị cẩu nhưng bị trục trặc, tình trạng không thể đạt tiêu chuẩn để cấp chứng nhận kiểm định thì hoàn toàn có thể quy trách nhiệm cho Ul MAC. Tuy nhiên, trong trường hợp này U-MAC lại phải chịu trách nhiệm cho việc thực hiện kiểm định trong khi trách nhiệm thuộc về HPT. Ngoài ra, dù HPT không chịu sắp xếp cho kiểm định viên vào công trường kiểm tra thiết bị nhưng U-MAC vẫn rất hợp tác, trên cơ sở sự đồng ý của kiểm định viên, U-MAC đề nghị kiểm định trực tuyến. Đề xuất này của U-MAC cũng đã nhận được sự đồng ý của chủ đầu tư nhưng HPT vẫn từ chối. Việc kiểm định trực tuyến thực tế là do kiểm định viên quyết định, là có cơ sở trong tình hình dịch bệnh phức tạp tại thời điểm đó.

Việc kiểm định thiết bị tại công trường nhằm đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, như vậy HPT đóng vai trò là nhà thầu chính, phải có trách nhiệm phối hợp các bên để hoàn thành công việc này, nhưng HPT lại không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Vì vậy, việc không thực hiện được kiểm định không thể quy trách nhiệm cho U-MAC.

Thứ ba, phán quyết Trọng tài cho rằng: Bị đơn chỉ lập 20 biên bản bàn giao thiết bị rời mà không hoàn tất thủ tục bàn giao theo quy định tại Hợp đồng 2709.

Hợp đồng quy định HPT chịu trách nhiệm vận chuyển thiết bị cẩu từ kho của U-MAC (tại dự án Điện gió Hòa Thắng, Bình Thuận) đến công trường dự án của HPT, hợp đồng cũng quy định HPT chịu trách nhiệm lắp đặt thiết bị tại công trường của HPT. Vậy thời điểm bàn giao thiết bị từ U-MAC cho HPT là tại tại dự án Điện gió Hòa Thắng, Bình Thuận, U-MAC đã thực hiện bàn giao toàn bộ các cấu kiện, linh kiện cho HPT hoặc đơn vị được HPT uỷ quyền để vận chuyển thiết bị cho HPT từ Bình Thuận đến công trường của dự án.

 Thiết bị cẩu xích 750 tấn  là một thiết bị siêu trường siêu trọng và không thể để nguyên một thiết bị để vận chuyển. Để vận chuyển thiết bị cẩu xích 750 tấn có kích thước 10,300mm chiều rộng, gần 18,000mm chiều dài, và chiều dài của cần là 140m, nặng hàng tăm tấn, bắt buộc phải tách rời các cấu kiện để sắp xếp trên các thiết bị vận tải. 

Việc U-MAC bàn giao tất cả các cấu kiện của thiết bị cẩu 750 tấn Liebher LR1750-2 bằng 20 biên bản giao nhận, sắp xếp phù hợp theo khuyến cáo của Nhà sản xuất trên 20 xe đầu kéo, mỗi biên bản tương ứng với 1 xe đầu kéo là hoàn toàn hợp lý.

Chính vì những lý do trên, Công ty U-MAC đã trình đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài. Hiện tại, ngoài đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài của U-MAC, phía HPT cũng đã đệ đơn lên TAND TP HCM xin huỷ một phần phán quyết trọng tài. Vụ việc này sẽ được giải quyết tại TAND TP HCM theo đúng quy định của pháp luật.

 

Thiết bị cẩu trọng tải 750 tấn LR1750/2 của Liebher - Ảnh: TL

 

KIM ANH