Tuyên án đối với cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm

Chiều 26/10, sau 4 ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã ra phán quyết cuối cùng đối với 16 bị cáo trong vụ án Công ty AIC tại Sở Y tế Bắc Ninh. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, phiên tòa đã được bắt đầu từ sáng 23/10/2023.

Theo hồ sơ vụ án có nội dung tóm tắt, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) trực tiếp chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế (thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư), Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, tổ chức cho các "quân xanh", "quân đỏ" đấu thầu để trúng 6 dự án. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 135,645 tỷ đồng. Cụ thể:

Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi, tổng vốn đầu tư 238,131 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn, chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.

Để Công ty AIC được tham gia dự thầu và trúng thầu các gói thầu trang thiết bị của dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan (cựu Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC) liên hệ với cán bộ Ban Quản lý dự án thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế mua sắm.

Sau đó, các bị cáo liên hệ các hãng sản xuất, các đơn vị cung cấp thiết bị thuộc danh mục mua sắm nêu trên để thu thập thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá từng loại thiết bị; xác định lợi nhuận dự kiến để làm cơ sở cho việc xây dựng giá dự thầu nhằm bảo đảm mức lợi nhuận mong muốn của Công ty AIC khi trúng thầu.

Để bảo đảm đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu, cựu Chủ tịch AIC còn chỉ đạo cựu Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn điều chỉnh số liệu Báo cáo tài chính các năm từ 2010 - 2013 của Công ty AIC.

Sau đó, cựu Chủ tịch AIC giao cho Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan chỉ đạo, điều hành nhân viên Công ty AIC mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho Công ty AIC, Công ty Mopha (gọi là “quân đỏ”) và các công ty khác (gọi là “quân xanh”) để có đủ số lượng hồ sơ dự thầu theo quy định và tạo các điều kiện cần thiết cho Công ty AIC, Công ty Mopha trúng sáu gói thầu của Dự án.

Dưới sự chỉ đạo, dàn xếp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC đã trúng thầu 6/6 gói thầu của Dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh.Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu, tổng trị giá hơn 206 tỷ đồng, Công ty Mopha đứng tên trúng 2 gói thầu, tổng trị giá hơn 25,5 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, giá trị trang thiết bị 6 gói thầu tại thời điểm mở thầu so với giá trị đã quyết toán (số tiền hơn 237,3 tỷ đồng) có sự chênh lệch, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 15 thiết bị khác trị giá 9,898 tỷ đồng không định giá được do không thu thập được thông tin.

Trong số 16 bị cáo, có 4 người đang bỏ trốn, bị truy nã đặc biệt gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn - cựu phó tổng giám đốc AIC, Trương Thị Xuân Loan - cựu trưởng ban quản lý dự án 3 Công ty AIC và Nguyễn Thị Tích - cựu trưởng phòng hồ sơ pháp chế của AIC kiêm tổng giám đốc Công ty Mopha.

HĐXX đã tuyên 14 bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo chịu khung hình phạt cao nhất với tội danh này là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), với 10 năm tù. Tổng hình phạt với bản án cũ, bị cáo Nhàn chịu  hình phạt 30 năm tù.

13 bị cáo còn lại chịu các khung hình phạt khác nhau, có người được hưởng án treo. Cụ thể:

Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC, bị phạt 7 năm tù;

Trương Thị Xuân Loan, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án 3 Công ty AIC, bị phạt 5 năm tù;

Nguyễn Thị Thu Phương, nguyên Trưởng bộ phận Thư ký tài chính Công ty AIC, bị phạt 6 năm tù;

Nguyễn Thị Tích, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Mopha, bị phạt 3 năm tù. Tổng hình phạt với bản án cũ, bị cáo chịu tổng hình phạt 7 năm tù.

Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC, bị phạt 30 tháng tù. Tổng hình phạt với bản án cũ, bị cáo chịu chung hình phạt 8 năm 6 tháng tù.

Nguyễn Thị Quyên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH định giá Cimeico, bị phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; 

Hoàng Đình Sơn, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, bị phạt 36 tháng tù;

Nguyễn Quý Thịnh, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Ban Quản lý dự án các công trình y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, bị tuyên 24 tháng tù;

Phạm Ngọc Dũng, nguyên Chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế Quảng Ninh, bị phạt 24 tháng tù;

Trần Quốc Công, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Uy Tín Toàn Cầu, bị phạt 21 tháng tù;

Nguyễn Anh Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng, bị phạt từ 36 tháng tù;

Tạ Hải Anh, nguyên Trưởng Ban xuất khẩu lao động Công ty AIC, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ cao, bị phạt 18 tháng tù;

Cao Việt Bách, nguyên Tổng Giám đốc Công ty BVA, bị phạt 18 tháng tù.

Đối với 2 bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lương Văn Tám, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình y tế thuộc Sở Y tế Quảng Ninh, 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;

Lê Thị Phú, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuộc Sở Tài chính Quảng Ninh, bị 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Xem xét vai trò của các bị cáo, VKS nhận thấy, tại Công ty AIC, bị cáo Nhàn là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi thông thầu. Tiếp theo là bị cáo Nguyễn Hồng Sơn giúp sức tích cực cho bị cáo Nhàn cùng bị cáo Loan, Đỗ Văn Sơn thực hiện hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nên giữ vai trò vị trí thứ 2 sau bị cáo Nhàn…

Sai phạm của các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 50 tỷ đồng. Do đó, các bị cáo phải chịu liên đới bồi thường thiệt hại, trong đó bị cáo Nhàn phải bồi thường nhiều nhất.

Ảnh: Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án (Ảnh: Nguyễn Dương)

HÀ CHI