Tuyên phạt Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù
Ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với hai bị cáo cựu tướng Công an cùng các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng.
Sau hơn bảy tiếng đọc bản án dài 400 trang, HĐXX đã tuyên phạt:
Bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát 9 năm tù và cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ – C50 Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mỗi bị cáo đều chịu hình phạt bổ sung 100 triệu đồng. HĐXX đánh giá hai bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn trong ngành Công an nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho các bị cáo khác phạm tội, gây bức xúc dư luận, giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật; bị cáo Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng quanh co, chối tội nên dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ cũng bị xử lý thật nghiêm. Mức án đối với Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cao hơn mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.
Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt là 10 năm. Nguyễn Văn Dương phải nộp lại toàn bộ 1.700 tỷ đồng, với Phan Sào Nam là 1.500 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, Dương chỉ nộp được 240 tỷ đồng, tương đương 15% số tiền chiếm hưởng, thấp hơn nhiều so với Phan Sào Nam – người đã tự nguyện khắc phục hơn 1.300 tỷ (bằng hơn 90%).
Cựu chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam bị phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 5 năm tù. Chủ tọa phiên tòa cho rằng việc bị cáo Phan Sào Nam nộp lại hơn 1000 tỷ đồng không được xem xét là lập công chuộc tội để miễn tội danh, mà chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Lưu Thị Hồng, cựu Tổng giám đốc CNC bị phạt 15 tháng tù, bằng thời hạn tạm giam, được tuyên trả tự do ngay tại tòa, bị cáo bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.
88 bị cáo khác cũng nhận mức án tương xứng với hành vi phạm tội, từ phạt tiền 40 triệu đồng, phạt cảnh cáo và phạt tù đến 3 năm 6 tháng tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 17 bị cáo thuộc nhóm tội Mua bán trái phép hóa đơn hoặc Đánh bạc bị phạt tiền, không hình phạt tù. 22 người bị tuyên hình phạt tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Trong vụ án này, tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel là 913 tỷ đồng, còn bị truy thu hơn 200 tỷ đồng. Vinaphone hưởng 147 tỷ đồng, phải nộp lại 13 tỷ đồng. MobiFone được hưởng 171 tỷ đồng, phải nộp lại 15 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh do đánh bạc mà có. Vì thế việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý (vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP), cần truy nộp ngân sách nhà nước.
HĐXX kiến nghị Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của vụ án, truy bắt các đối tượng đang bị truy nã, xác minh việc một số doanh nghiệp liên quan hành vi rửa tiền của Phan Sào Nam; điều tra việc thuê đặt máy chủ phục vụ vận hành game bài; làm rõ tỷ lệ phân chia lợi nhuận 20% với C50 theo bản ghi nhớ với CNC.
HĐXX cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cán bộ ở Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan viễn thông khi không phát hiện kịp thời việc đánh bạc trực tuyến không phép trong thời gian dài; điều tra lời khai về việc bị cáo Dương, Nam khai đưa tiền cho các cán bộ ở Tổng cục Cảnh sát, nếu đủ căn cứ thì xử lý theo tội Nhận hối lộ.
HĐXX kiến nghị Bộ Công an có cơ chế chặt chẽ trong việc lựa chọn, thành lập và kiểm soát hoạt động của các công ty nghiệp vụ, tránh lợi dụng ưu thế là công ty nghiệp vụ của ngành công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Sắp xếp cơ cấu, tổ chức, bố trí hợp lý các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với vị trí công tác để phát huy có hiệu quả trong việc phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tránh trường hợp như cục trưởng Cục C50 nhưng lại không có trình độ về công nghệ thông tin.
Phiên tòa được các luật sư tham gia tố tụng đánh giá cao. Thẩm phán chủ tọa đã điều hành phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, các luật sư được tranh tụng thoải mái và nghiêm túc. Chủ tọa với cách hỏi sắc sảo đã khiến các bị cáo phải thành khẩn khai báo và nhận tội.
Vụ đánh bạc ngàn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành là do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao tổ chức với sự trợ giúp của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo/Pen, các đối tượng đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
42.950.805 tài khoản đã đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng số tiền các bị cáo thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.853 tỷ đồng.
.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận