Xác định số tiền hoặc hiện vật dùng vào việc đánh bạc của người chơi lô, đề, cá độ bóng đá

Trong thực tiễn xét xử hiện nay, việc xác định số tiền sử dụng vào việc đánh bạc trong các vụ án đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh, định khung hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp (nếu có). 

Ngày 10/4/2024, A và B thoả thuận, A mua con lô 55 và B đồng ý bán con lô này cho A với mức cược là 50 điểm (tương đương với số tiền là 1.100.000đ, theo giá 22.000đ/điểm) và trả thưởng theo quy tắc, nếu 1 nháy (lô 55 xuất hiện 1 lần) thì B trả A 4.000.000đ, nếu là 2 nháy thì B trả A 8.000.000đ, cứ như thế nhân lên theo số lần xuất hiện, thêm mỗi lần xuất hiện thì tăng thêm 4.000.000đ. A chuyển khoản ngay cho B số tiền 1.100.000đ.

Sau khi có kết quả mở thưởng ngày hôm đó, lô 55 xuất hiện 1 lần và A thắng, B đã chuyển khoản thanh toán cho A số tiền trúng thưởng là 4.000.000đ.

Như vậy, tổng số tiền sử dụng vào việc đánh bạc trong tình huống trên để làm căn cứ khởi tố vụ án được xác định là bao nhiêu tiền?

Điều 321 BLHS năm 2015, quy định tội “Đánh bạc” như sau:

“1 Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Hiện tại, chưa có văn bản nào hướng dẫn cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo quy định tại Điều 321 BLHS 2015, do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng cách tính số tiền dùng để đánh bạc theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS 1999 (viết tắt là Nghị quyết số 01/2010), mặc dù đã hết hiệu lực thi hành.

Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010 nêu: "Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa,... như sau:

“5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng × 70 lần) = 4.300.000 đồng.

b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng.

Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng số đề hay không trúng số đề).

5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).

Ví dụ: D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng × 70 lần × 2 người) = 7.250.000 đồng.

b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.

Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng.

Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề).

Áp dụng vào tình huống nêu trên hiện tại có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: A, B phải bị khởi tố về tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321, bởi lẽ theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP và các ví dụ nêu trong Nghị quyết thì tổng số tiền sử dụng vào việc đánh bạc là tổng số tiền A bỏ ra (1.100.000 đồng) tiền mua lô và 4.000.000đ là tiền B thực tế trả cho A. Tổng số tiền này là 5.100.000đ. Vì vậy, hành vi của A, B cấu thành tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS 2015, nên hành vi của A, B phải bị khởi tố. Quan điểm này hiện nay khá phổ biến tại nhiều quận huyện.

Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả:

Trong tình huống này, A là người mua số lô đánh bạc với B là chủ lô.

A bỏ số tiền là 1.100.000đ khi trúng thưởng (được 1 nháy) A được hưởng tổng số tiền là 4.000.000đ. Như vậy, tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc của cả A và B chỉ là 4.000.000đ, bởi lẽ:

Bản chất của đánh bạc là hai bên cùng đưa ra một lượng tiền hay hiện vật nhất định theo tỉ lệ thoả thuận và đặt cược vào một sự kiện nhất định (trong trường hợp này là sự kiện có con lô 55 hay không?). A khẳng định là có và đưa ra số tiền 1.100.000đ để đặt cược, B khẳng định là không có nên nhận cược của A, nếu có 1 nháy thì B đền 4.000.000đ, 2 nháy là 8.000.000đ….

Trong trường hợp này, kết quả là 1 nháy, số tiền A bỏ ra là 1.100.000đ, số tiền B bỏ là 4.000.000đ nhưng trong 4.000.000đ này có 1.100.000đ tiền vốn của B nên số tiền thực tế B bỏ ra chỉ là 2.900.000đ, và tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc chỉ là 4.000.000đ.

Cờ bạc bằng hình thức lô, đề, cá độ khá đặc biệt, phần tiền trả thưởng là số tiền bao gồm cả số tiền vốn của người chơi đã đánh, số tiền thực tế mà chủ lô, đề, cá độ phải  bỏ chỉ là số tiền trúng thưởng trừ đi số tiền mà người mua lô, đề, cá độ đã đánh.

Vì vậy, hành vi đánh bạc của A và B chỉ vi phạm hành chính và không bị truy cứu TNHS.

Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định như trên là chưa đầy đủ, bởi lẽ Nghị quyết chưa chỉ rõ hoặc gây nhầm lẫn về “số tiền thực tế mà họ nhận được từ chủ đề, chủ cá độ” là số tiền 4.000.000đ hay “số tiền thực tế mà họ nhận được từ chủ đề, chủ cá độ” là số tiền 2.900.000đ (sau khi trừ đi số tiền vốn mà B đã nhận của A là 1.100.000đ). Và ví dụ nêu ra trong tiết 5.1.a là không chính xác vì không trừ đi số tiền vốn của người chơi đã đánh đối với con số trúng thưởng.

Chính vì quy định chưa đầy đủ hoặc gây nhầm lẫn về “số tiền thực tế mà họ nhận được từ chủ đề, chủ cá độ” như vậy, dẫn đến các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật.

Vì vậy theo quan điểm của tác giả thì trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo hướng quy định rõ: Số tiền thực tế mà người chơi nhận được từ chủ lô, đề, chủ cá độ là số tiền trả thưởng của các số lô, số đề, kèo độ đã trúng thưởng, đã thắng trừ  đi số tiền vốn của các số lô, số đề, kèo độ đã trúng, đã thắng đó.

Rất mong nhận được sự trao đổi của đồng nghiệp và độc giả.

NGUYỄN ĐÌNH SÁNG (TAND huyện Ba Vì, Hà Nội)

Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc - Ảnh: Ý Phương