Xử lý số tiền thu giữ được trong vụ án “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”

Trong thực tiễn xét xử việc xác định số tiền thu giữ được trong tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” có phải là vật chứng của vụ án hay không? còn có quan điểm khác nhau, dẫn đến việc xử lý số tiền này chưa được thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quy định và thực tiễn xử lý vật chứng

Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015, thì vật chứng là: “Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định về xử lý vật chứng như sau:

“2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án…”.

Thực tiễn xét xử cho thấy, số tiền thu giữ được trong vụ án “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, việc xử lý tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hay trả lại cho chủ sở hữu vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, vụ án sau là một ví dụ:

H có nhu cầu sử dụng ma túy nên đã rủ P, S sử dụng ma túy, P và S đồng ý. Cả nhóm thống nhất phân công S đi mua ma túy, P đi thuê khách sạn, H đi mượn loa, đài… và thống nhất mỗi người góp 3.000.000 đồng là chi phí cho việc mua ma túy và các khoản chi phí khác, sau khi sử dụng ma túy xong thừa thiếu sẽ cùng tính sau. S đã gọi điện cho D hai lần để mua ma túy.

Lần thứ nhất, S gọi điện thoại cho D để mua ma túy với giá 4.700.000 đồng, S đã trả tiền bằng hình thức giao dịch chuyển khoản, sau đó cả nhóm đã sử dụng. Lần thứ hai, sau khi cùng thống nhất tiếp tục sử dụng ma túy, H đưa cho S 3.000.000 đồng để mua ma túy như đã thỏa thuận ban đầu còn P chưa đưa. S đến gặp và mua của D ma túy với số tiền 5.000.000 đồng với hình thức trả bằng tiền mặt cho D. Sau khi mua được ma túy S đã bớt ra để bán cho các đối tượng khác được số tiền là 6.800.000 đồng, số ma túy còn lại S đem về để cả nhóm sử dụng. Trong khi đang sử dụng ma túy thì H, P, S bị công an tỉnh N phát hiện và bắt quả tang, tại hiện trường đã thu giữ được một số vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội và số tiền là 9.800.000 đồng trên người của S.

Tại Cơ quan điều tra S khai số tiền 3.000.000 đồng H đưa cho S như thỏa thuận để mua ma túy về sử dụng; số tiền 6.800.000 đồng là S bán ma túy cho các đối tượng khác mà có. Vụ án này H là quân nhân nên hành vi H, P, S tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng Quân đội. Còn hành vi hành vi S mua ma túy của D và hành vi S bán ma túy cho đối tượng khác để thu về 6.800.000 đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tố tụng ngoài Quân đội.  

Các quan điểm xử lý

Trong vụ án này, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của H, P, S phạm phạm tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, việc xử lý số tiền 9.800.000 đồng thu giữ trên người S còn có những quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất: Tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 3.000.000 đồng; số tiền 6.800.000 đồng trả lại cho S. Bởi vì, sau khi H đưa S 3.000.000 đồng, S đã sử dụng số tiền này để mua ma túy từ D; mục đích H đưa 3.000.000 đồng cho S là để sử dụng vào việc phạm tội nên số tiền này được xem là phương tiện để dùng vào việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy của H, P, S. Do đó, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 để tuyên tịch thu số tiền 3.000.000 đồng nộp ngân sách nhà nước.

Còn số tiền 6.800.000 đồng do S bán ma túy cho các đối tượng khác mà có, là số tiền liên quan trong vụ án khác nên áp dụng điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên trả lại cho bị cáo S.

Quan điểm thứ hai: Tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 9.800.000 đồng. Bởi vì, số tiền 9.8000.000 là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó số tiền 3.000.000 đồng H đưa cho S mua ma túy về sử dụng; sau khi mua ma túy từ D, S đã trích số ma túy vừa mua được từ D rồi bán cho đối tượng khác để thu về số tiền 6.800.000 đồng. Số tiền 9.800.000 đồng là phương tiện dùng vào việc phạm tội nên áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 để tuyên tịch thu số tiền 9.800.000 đồng nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm thứ ba: Số tiền 9.800.000 đồng không phải là vật chứng của vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nên phải trả số tiền này cho S.

Tác giả nhất trí với quan điểm thứ ba, bởi lẽ: Sau khi các bị cáo thống nhất góp tiền mỗi người 3.000.000 đồng chi phí cho việc mua ma túy và việc sử dụng ma túy xong thừa thiếu sẽ cùng tính sau. Thực tế S đã mua ma túy của D để sử dụng hai lần, lần đầu S trả cho D bằng hình thức giao dịch chuyển khoản 4.700.000 đồng, lần hai trả bằng hình thức giao dịch bằng tiền mặt 5.000.000 đồng. Ta có thể thấy dù S mua ma túy của D để sử dụng và việc trả tiền bằng hình thức giao dịch chuyển khoản hay giao dịch bằng tiền mặt đều có tính chất, giá trị như nhau. Vì vậy số tiền 3.000.000 đồng H đưa cho S để mua ma túy sử dụng về bản chất thì số tiền này đã được S trả cho D khi mua ma túy của D về sử dụng nên số tiền này sẽ được coi là tài sản của S và không phải là vật chứng trong vụ án này. Còn số tiền 6.800.000 đồng là số tiền S bán ma túy cho các đối tượng khác mà có được, sau này nếu chứng minh được tội phạm đưa ra xét xử thì số tiền này sẽ được xử lý theo quy định pháp luật trong vụ án đó. Nên số tiền 9.800.000 đồng thu giữ của S không phải là vật chứng liên quan trực tiếp đến vụ án này, do đó cần áp dụng điểm a khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tuyên trả lại cho S là đúng theo quy định của pháp luật và cũng đảm bảo quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu.

Kiến nghị, đề xuất

Vướng mắc nêu trên là vấn đề thuộc về nhận thức của mỗi cá nhân hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, để việc áp dụng nội dung nêu trên được thống nhất thì cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo chuyên môn, trao đổi nghiệp vụ, rút kinh nghiệm cho cán bộ để nâng cao trình độ, nhận thức khi áp dụng pháp luật trong vụ án hình sự nói chung và áp dụng pháp luật về trả lại tài sản đã thu giữ cho chủ sở hữu nói riêng.

NGUYỄN DUY LINH, ĐINH MINH LƯỢNG (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5)                                                                                     

Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, Bình Phước xét xử  vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”- Ảnh: Lê Khương