Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 04 năm 2021. Đây là ấn phẩm bản đặc biệt chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5). Trên Tạp chí số đặc biệt này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết và là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

         Trong bài viết: “Một số vấn đề chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự dưới góc độ bảo vệ các quyền con người theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, tác giả Lê Cảm nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự cần thiết phải triển khai có hiệu quả trên thực tế những luận điểm mang tính chỉ đạo của các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong các lĩnh vực của đời sồng xã hội, thì việc nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự  thực định, để từ đó, góp phần xây dựng nên các quy phạm khoa học và đáp ứng tốt các tiêu chí bắt buộc và tối thiểu về kỹ thuật lập pháp cho Bộ luật Hình sự Việt Nam trong tương lai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Trong các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII từ Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại hội đều nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật như: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch... lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân... làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.... Đặc biệt, Nghị quyết của Đại hội XIII đã ghi nhận việc “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật” và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm thứ 5 từ 06 nhiệm vụ trọng tâm và đồng thời, đó cũng là khâu đột phá chiến lược thứ nhất (đầu tiên) trong 03 khâu đột phá chiến lược được đặt ra cho toàn nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021-2025).        

Như vậy, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và nhất là xuất phát từ luận điểm về “Hoàn thiện pháp luật theo quan điểm lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm” của Đảng, thì các nghiên cứu của chúng tôi sẽ tập trung vào việc làm sáng tỏ về mặt kỹ thuật lập pháp trong lập pháp hình sự đối với các chế định lớn có liên quan đến việc bảo vệ các quyền con người bằng hệ thống pháp luật hình sự thực định Việt Nam hiện hành trong Bộ luật Hình sự năm 2015, để khắc phục những nhược điểm về KTLP hiện hành của Bộ luật này.

  Với bài viết:“Giao dịch về sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất hết thời hạn, tác giả Đỗ Văn Đại cho rằng: Về thời hạn sử dụng đất, theo pháp luật đất đai, có hai trường hợp là sử dụng đất ổn định, lâu dài và sử dụng đất có thời hạn”. Tương tự, theo pháp luật về nhà ở hiện hành, quyền sở hữu nhà ở cũng có hai loại là sở hữu nhà ở lâu dài và sở hữu nhà ở có thời hạn. Ở đây, trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào trường hợp sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất có thời hạn.

Trong thời gian các bất động sản này còn thời hạn, các bên có thể tiến hành các giao dịch như mua bán/chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi/chuyển đổi và việc này là phổ biến, bình thường trong cuộc sống. Trong thực tế, chúng ta còn gặp trường hợp các chủ thể xác lập giao dịch ở thời điểm các bất động sản không còn thời hạn nữa. Từ đó, câu hỏi đặt ra là loại giao dịch về nhà ở/quyền sử dụng ở thời điểm sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất hết thời hạn được xử lý như thế nào?

Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các loại thời hạn sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất, thực trạng pháp luật về giao dịch được xác lập ở thời điểm thời hạn đã hết và hướng xử lý cho loại giao dịch này

          Trong bài viết: “Hình phạt áp dụng đối với thực thể trí tuệ nhân tạo (AI): Từ khoa học viễn tưởng đến viễn cảnh tương lai của Bộ luật Hình sự Việt Nam "năm nào đó"”, tác giả Trịnh Tiến Việt cho rằng: Việc xây dựng, quy định bổ sung trách nhiệm hình sự và hệ thống hình phạt áp dụng đối với thực thể AI đem lại những hiệu quả thiết thực như: Giảm thiểu hành vi phạm tội qua tác dụng răn đe, bảo vệ công chúng khỏi những hành vi phạm tội trong tương lai, mang đến cho chủ thể phạm tội những hình thức cải tạo, phục hồi.... Hơn nữa, việc xử phạt các rô-bốt sai trái (thực thể AI) có thể cần thiết để làm “hài lòng” về mặt tâm lý cho những người chịu thiệt hại do thực thể AI gây ra. Hơn nữa, hình phạt bởi Nhà nước quy định sẽ truyền tải thông điệp về sự lên án chính thức và giúp bảo vệ lợi ích, quyền và giá trị của nạn nhân chịu thiệt hại do AI gây ra, đem lại cảm giác an toàn cho xã hội, cho con người... Đặc biệt, việc áp dụng hình phạt đối với thực thể AI có thể đưa ra thông điệp rằng bản thân thực thể AI là chủ thể ngang bằng với con người, có trách nhiệm và có thể chịu trách nhiệm thông qua hệ thống tư pháp hình sự... Hơn nữa, như đã đề cập, hiện nay đã xuất hiện tội phạm AI và trong nhiều “khả năng”, thì vẫn có khả năng có trường hợp tội phạm được thực hiện toàn bộ do thực thể AI tự quyết định, xử lý mà không có chủ thể khác tham gia và nhiều lĩnh vực trong cách mạng công nghiệp 4.0 có khả năng phát sinh ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chính vì lẽ đó, trên cơ sở này, trách nhiệm hình sự gắn liền với hình phạt, trách nhiệm hình sự là nội dung còn hình phạt là hình thức, trách nhiệm hình sự là nguyên nhân còn hình phạt là kết quả... chúng tôi tiếp tục “giả định” một số hình phạt có khả năng áp dụng chung đối với cá nhân, pháp nhân và thực thể AI (trong tương lai, nếu thực thể AI phải chịu trách nhiệm hình sự liên đới hay độc lập) và lựa chọn mang tính điển hình, phổ biến chung trong hệ thống hình phạt của luật hình sự (hay Bộ luật Hình sự) đa số nhiều quốc gia trên thế giới, trên cơ sở tham khảo ý tưởng, quan điểm của một số nhà khoa học.

          Trong bài viếtHứa thưởng - góc nhìn pháp lý từ một vụ án”, tác giả Nguyễn Minh Hằng cho rằng: Hứa thưởng là giao dịch dân sự được thể hiện dưới dạng một hành vi pháp lý đơn phương. Bên đưa ra lời tuyên bố hứa thưởng có mục đích làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của một chủ thể khác. Giao dịch hứa thưởng ngày càng phổ biến, nhất là những tuyên bố hứa thưởng được đề cập đến trong các hợp đồng dịch vụ hiện nay. Bài viết trao đổi góc tiếp cận pháp lý từ một vụ án, xung quanh điều kiện phát sinh nghĩa vụ hứa thưởng; điều kiện hứa thưởng và cách thức đánh giá các quy định về giao dịch dân sự có điều kiện trên cơ sở hứa thưởng là đối tượng của nghĩa vụ dân sự, nhằm áp dụng nội dung điều luật chính xác và thống nhất trong thực tiễn xét xử.

    Với bài viết: “Mức bồi thường tổn thất về tinh thần khi tính mạng bị xâm phạm, tác giả Mạc Thị Chiên nhận định: Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã quy định về mức bồi thường tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. Tuy nhiên, với những quy định hiện hành vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập, chưa chặt chẽ và cụ thể dẫn đến thực tiễn áp dụng chưa được thống nhất cũng như chưa thực sự đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại. Để làm rõ những điểm còn bất cập, tác giả tập trung phân tích những quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật về chế định bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Trong bài viết: “Áp dụng pháp luật nội dung trong xét xử các vụ án hình sự và dân sự”, tác giả Đặng Quang Dũng- Châu Thanh Quyền nêu nhận định: Khi xét xử các vụ án hình sự và dân sự, thì Tòa án đang thực hiện việc áp dụng pháp luật nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, đối với từng cá nhân, tổ chức cụ thể. Các nguyên tắc áp dụng pháp luật đã được thể hiện trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn có sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về thời điểm thực hiện hành vi phạm tội khi Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 có hiệu lực nhưng sau khi Bộ luật Hình sự  năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực mới xét xử hoặc trường hợp giao dịch giữa các bên phát sinh vào thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực, nhưng sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực mới phát sinh tranh chấp. Khi áp dụng pháp luật không đúng, sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và pháp chế không được thực thi đúng bản chất vào những thời điểm tương ứng.

             Với bài viết: Vai trò của Tòa án trong thi hành án hình sự”, tác giả Nguyễn Văn Nam- Hà Thị Hồng Yến nhận định: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định bản chất nhân dân của Tòa án nước ta thông qua tên gọi và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.

Hiến pháp nhấn mạnh rằng, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thực hiện được những chức năng, nhiệm vụ trên của Tòa án, thì Tòa án không chỉ xét xử, ra bản án là đã đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ của mình, mà Tòa án còn phải thực hiện một số nhiệm vụ để đưa bản án, quyết định đó ra thi hành trên thực tế. Do đó, vai trò của Tòa án trong thi hành án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, nó đảm bảo cho mọi hoạt động của quá trình tố tụng có hiệu quả.

Trong bài viết: Bàn về thực tiễn đánh giá chứng cứ xác định quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp từ chối giám định AND”, tác giả Lê Thị Mận nhận định: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật, được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình hoặc do Tòa án thu thập theo trình tự, thủ tục luật định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Việc đánh giá chứng cứ phải trên nguyên tắc khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Trong xác định cha, mẹ, con, việc áp dụng nguyên tắc này còn gặp khó khăn, bởi có nhiều trường hợp, khi huyết thống được xem là yếu tố cần thiết để xác định quan hệ cha - con, mẹ - con, nhưng đương sự lại từ chối giám định ADN. Bài viết này bàn về thực tiễn đánh giá, xác định giá trị của chứng cứ trong giải quyết tranh chấp, yêu cầu xác định cha, mẹ, con tại Tòa án trong các trường hợp: (1) Khi đương sự từ chối giám định lại ADN; (2) Khi đương sự từ chối giám định ADN, nhưng các chủ thể cùng thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con; (3) Khi đương sự từ chối giám định ADN, nhưng một trong các bên chủ thể không thừa nhận quan hệ cha, mẹ, con.

Với bài viết: “Hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng ở Việt Nam từ kinh nghiệm của một số quốc gia”, tác giả Phan Thị Lan Hương nhận định: Hiện nay, các quy định về xử lý các hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng của Việt Nam còn chưa cụ thể và toàn diện về hành vi, biện pháp xử lý, nhất là các chế tài chưa đủ nghiêm khắc. Nạn nhân bị quấy rối tình dục thường có tâm lý e ngại, xấu hổ, không dám tố cáo người thực hiện hành vi. Bài viết này nghiên cứu quy định của pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia, qua đó đề xuất một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý các hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng ở Việt Nam.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK