Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn – THẲNG THẮN VÀ SÂU SẮC

Sáng ngày 18/11/2017, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về các nội dung: Thứ nhất, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính và các vụ án tham nhũng; Thứ hai, việc nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: "Mặc dù là lần đầu tiên trả lời chất vấn trên cương vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhưng ông Nguyễn Hòa Bình đã nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời cụ thể, rõ ràng, không né tránh những vấn đề đại biểu nêu”. Tạp chí TAND điện tử xin lược ghi một số câu hỏi của đại biểu và nội dung trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC.

TRẢ HỒ SƠ NHIỀU LẦN

 Đại biểu Nguyễn Văn Chiến – TP Hà Nội  chất vấn: Thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện nay không ít, điều này phản ánh hiện trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như sai lầm về nhiệm vụ trong xét xử không mấy thay đổi. Cử tri gửi đơn phản ảnh có vụ án bị án đang thụ lý nhưng lại bị đưa xét xử lần 2 trái với quy định tại Điều 31 của Hiến pháp, một người không bị xét xử 2 lần về cùng 1 hành vi phạm tội. Hoặc có vụ cử tri Công ty Hồng Lam Hà Nội gửi đơn kêu cứu tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất nhưng do án bị hủy phải sửa đi, sửa lại tới 7 lần, kéo dài gần 10 năm đang trở lại sơ thẩm từ đầu không biết bao giờ mới có bản án đúng luật và thực tế còn nhiều vụ án rơi vào tình trạng này. Xin Chánh án cho biết trách nhiệm của ngành và biện pháp giải cứu.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình:  Thời gian vừa qua cũng có số vụ là các Tòa án đã hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, thậm chí cá biệt có vụ án đại biểu nêu là trả 7 lần. Trong năm 2017 chúng tôi đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi thấy không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm và xét thấy bỏ lọt tội phạm, có dấu hiệu làm oan. Đây là một chế định luật cho phép. Điều đại biểu băn khoăn là những vụ án trả tới, trả lui nhiều lần, thống kê năm 2017 có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó vụ có từ 2 lần trở lên là hơn 100 vụ, 4 lần là 20 vụ, 5 lần là 9 vụ, 7 lần như đại biểu nêu thì vụ án này đã được xét xử sơ thẩm. Nguyên nhân tại sao vụ án kéo dài thì nguyên nhân đầu tiên phải là chất lượng điều tra, truy tố. Thời gian hồ sơ nằm ở tòa thì luôn luôn theo quy định của luật 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng tùy theo quy định của luật. Việc kéo dài từ năm này qua năm khác thì không phải là ở Tòa án, có thể đại biểu hỏi thêm ở các giai đoạn trước xét xử.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cũ thì vụ án Viện kiểm sát được trả 2 lần, Tòa án được trả 2 lần, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018 khi chuẩn bị xét xử thì Tòa án được trả một lần và Chủ tọa phiên tòa được trả một lần nữa trong quá trình xét xử. Hết 2 lần trả hồ sơ nếu như những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng thì tòa buộc phải tuyên là không đủ yếu tố để kết tội, đây là quy định mới của luật.

Về giải pháp cho việc này không có cách nào khác là các cơ quan điều tra, truy tố phải nâng cao chất lượng của vụ án ở giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố. Đối với Tòa án một mặt chúng tôi quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được trả quá nhiều lần theo quy định của luật, trong điều kiện không đủ yếu tố kết tội thì buộc phải tuyên là không đủ yếu tố kết tội. Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã có bước tiến dài trong việc rút thời gian, việc tuân thủ các quy định của luật là điều kiện bắt buộc sau ngày 1/1/2018.

Những lần trả điều tra bổ sung về mặt kỹ năng chúng tôi cũng yêu cầu trong lần trả điều tra bổ sung tòa án phải ghi rõ những yêu cầu điều tra bổ sung và trước khi nhận lại hồ sơ thì kiểm tra việc đáp ứng các yêu cầu điều tra bổ sung của cơ quan truy tố, cơ quan điều tra. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của tố tụng hình sự trong thời gian tới của cả 3 giai đoạn là một yếu tố đặc biệt quan trọng để đảm bảo cho việc không kéo dài hồ sơ vụ án.

Đại biểu Nguyễn Chiến chất vấn

ÁN LỆ

 Đại biểu Nguyễn Văn Chiến – TP Hà Nội: Thực hiện cải cách tư pháp Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 6 án lệ, xin hỏi Chánh án đến nay có bao nhiêu vụ án đã áp dụng án lệ, vì sao nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ còn quá mờ nhạt trong hoạt động xét xử phục vụ cải cách tư pháp.                                                                         

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình:  Về phát triển án lệ, khi Luật Tổ chức Tòa án có hiệu lực luật đã giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao xây dựng án lệ. Trên thực tế chúng tôi đã làm được nhiều việc, đại biểu nói có 6 bản án lệ đã được công bố, nhưng cho đến hôm nay chúng tôi đã công bố được 13 bản án lệ, còn khoảng 10 bản án lệ nữa đang xin ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia. Số lượng án lệ đang còn khiêm tốn vì chúng ta mới bắt đầu cho Tòa án làm việc này. Tuy nhiên, những cơ sở cho việc xây dựng và phát triển án lệ của Tòa án đã được hình thành. Ví dụ, chúng tôi đã có quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xây dựng án lệ, có nghị quyết, thành lập Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia, có chỉ thị trong toàn hệ thống về phát triển án lệ. Cũng nêu rõ thẩm phán nào có bản án được lựa chọn để phát triển án lệ sẽ được khen thưởng, bổ nhiệm, cất nhắc một cách thỏa đáng, vì đã tạo ra được một chuẩn mực pháp lý mới. Đã tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài để tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Còn tác dụng của án lệ như thế nào thì 13 bản án đầu tiên không phải ngay lập tức là có nhiều người áp dụng ngay nhưng cũng có những vụ án đã áp dụng các quy định của án lệ. Tôi nói ví dụ như một bản án lệ theo quy định của luật khi bán bất động sản thì phải có chữ ký của cả vợ, chồng thì hợp đồng mới có giá trị, nhưng chúng tôi đã xử một vụ chỉ có chồng ký, nhưng vợ cũng biết sự kiện này thông qua chứng cứ ngồi đếm tiền và mang tiền về. Như vậy ý chí của việc bán nhà thống nhất của hai bên mặc dù không chữ ký. Sau này giá nhà lên thì hai vợ chồng kiện lại là không có chữ ký của vợ nhưng bằng chứng cho thấy ý chí của vợ và bản án này có giá trị áp dụng mà rất nhiều địa phương đã áp dụng bản án lệ này để xử bản án có hiệu lực pháp luật.

Tôi rất tin trong tương lại án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn của thực tiễn, chúng ta không phải chỉ có áp dụng án lệ của Việt Nam mà chúng ta cũng có áp dụng án lệ của thế giới. Ví dụ, từ lâu rồi đại biểu đã biết một phiên tòa của Đức tuyên axit là vũ khí và từ đó đến nay các tòa án trên thế giới đều lấy bản án lệ đó tuyên axit là vũ khí.

KHẮC PHỤC VỤ OAN SAI Ở ĐIỆN BIÊN

 Đại biểu Lê Ngọc Hải – Quảng Nam chất vấn: Trong những ngày qua dư luận nhân dân rất bức xúc trước vụ án làm oan nghiêm trọng cho 3 người trong cùng 1 gia đình tại Tuần Giáo, Điện Biên. Bà Đặng Thị Nga là vợ và 2 con trai là Trịnh Công Hiếu và Trịnh Huy Dương đã bị kết án về tội giết chồng, giết cha. Cả 3 mẹ con cùng rơi vào trong vòng lao lý, sau 28 năm không chịu được nỗi oan ức người con trai của bà Nga là ông Trịnh Công Hiếu đã qua đời mang theo tội giết cha. Ngày 24/10/2017 vừa qua cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên xác định vụ án bị oan, tiến hành tổ chức xin lỗi công khai gia đình người bị oan. Hậu quả để lại cho gia đình người bị oan là rất lớn. Đề nghị đồng chí cho biết gây ra oan thuộc về cơ quan, cá nhân nào và cách xử lý như thế nào.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình:  Về câu hỏi của đại biểu Lê Ngọc Hải, vụ án của Điện Biên là 3 người bị oan, đây là một vụ án rất đáng tiếc xảy ra từ lâu đã 27 – 28 năm trước, thậm chí như đại biểu nêu cũng có người đã chết. Khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho tôi hồ sơ này, tôi thấy có dấu hiệu oan. Thực chất vụ án này Tòa án tối cáo đã hủy từ năm 2003, nhưng hủy xong để ở cơ quan điều tra cho đến giờ này không có kết luận cuối cùng. Khi các đại biểu chuyển cho tôi thông tin này, tôi kiểm tra, tôi căn cứ vào một việc là trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu, nguyên nhân cái chết là vỡ sọ, nhưng trong yêu cầu của Tòa án tối cao khi khai quật lần 2 thì hộp sọ vẫn còn nguyên. Tôi bảo đây là vụ án oan, tôi điện cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên hỏi đồng chí có biết vụ này không? Các đồng chí ở Điện Biên cũng rất quan tâm, sau đó chúng tôi đã cùng với tỉnh Điện Biên trong một thời gian rất ngắn họp liên ngành tư pháp Trung ương và khẳng định đây là vụ án oan và đã tiến hành đình chỉ vụ án, đại diện của 3 cơ quan tiến hành tố tụng của Điện Biên xin lỗi gia đình. Công việc tiếp theo phải bồi thường cho người bị oan theo quy định của luật và đại biểu Quốc hội quan tâm là xử lý trách nhiệm việc này phải được đặt ra và trước hết là 3 cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên phải xem lại hồ sơ để kiểm điểm và xử lý theo quy định cả 3 giai đoạn, điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra theo quy định.

 GIẢI QUYẾT ĐƠN GIÁM ĐỐC THẨM 

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận – TP Hồ Chí Minh chất vấn: Theo Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm vừa qua đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất nhiều, trong đó năm 2017 tăng 4.443 đơn so với năm 2016, còn tồn trên 10.000 đơn chưa được xem xét giải quyết, số đơn đã được giải quyết chỉ đạt 39,3%. Trước thực trạng nêu trên có một số ý kiến cho rằng do tâm lý người dân dường như thiếu niềm tin ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, chờ đợi, hy vọng ở cấp xét xử giám đốc thẩm sẽ làm thay đổi bản án, đồng thời cũng có nhận thức từ người dân cũng như các cơ quan nhà nước cho rằng giám đốc thẩm là một cấp xét xử thứ ba. Vì vậy, trừ những trường hợp vụ án được kháng nghị thì các cấp tòa ở dưới xét xử dù có đúng đến mấy người dân cũng có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ngoài ra, còn có những vụ án xét xử nhiều lần từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm kéo dài nhiều năm liền, có trường hợp đương sự đã chết nhưng vẫn chưa có bản án, quyết định cuối cùng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện gay gắt, kéo dài và không thi hành án được. Chánh án đánh giá như thế nào về tình trạng nêu trên và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này để đảm bảo bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật để thi hành? Tránh tình trạng đơn giám đốc thẩm quá nhiều trong khi việc xem xét trả lời bị quá tải.

   Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình:  Về việc giải quyết đơn. Có 2 đại biểu quan tâm đến việc này. Số lượng đơn tăng rất nhanh theo thời gian. Năm 2015 đơn giám đốc thẩm chúng tôi nhận được dưới 10.000, tức là 9.700, năm 2016 lên 13.600, năm 2017 lên hơn 18.000, số lượng tăng trung bình 15%/năm. Cho đến nay năm 2017 như đã báo cáo với Quốc hội trong báo cáo công tác năm thì chúng tôi mới giải quyết được 39,3% tức là 7000/18.000. Mặc dù về số lượng tuyệt đối thì hơn năm 2015, 2016. Năm 2016 chúng tôi chỉ giải quyết được 4.000 đơn, năm 2015 cũng giải quyết được hơn 4.000 đơn, năm 2017 chúng tôi giải quyết được 7.000 đơn. Số lượng tuyệt đối tăng lên nhưng tỷ trọng thì giảm xuống so với 2 năm trước.

Ở đây có một việc có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan như đại biểu đã phân tích nhiều đơn, nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người dân vẫn cứ kiện với hy vọng là giám đốc thẩm là một cấp xét xử với hiểu biết pháp luật như vậy. Nhưng theo quy định thì giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử, Hiến pháp đã quy định chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Điều kiện để tái thẩm hoặc giám đốc thẩm thì phải có điều kiện, không phải đơn nào cũng có thể giám đốc thẩm và tái thẩm được nếu không đủ các điều kiện ghi trong luật thì Chánh án tối cao cũng không thể quyết định được đưa vụ án này ra giám đốc thẩm, tái thẩm. Tỷ lệ giải quyết giám đốc thẩm như trong 17.000 đơn thì năm 2017 kháng nghị chỉ được 900 chứ không phải là kháng nghị, phần lớn trong số 18.000 này có điều kiện của nó. Dưới áp lực của số lượng đơn tăng như vậy thì chúng tôi cũng thấy một việc là cần phải tăng cường quân cho 3 Tòa cấp cao. Sau một thời gian thực thi, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá thêm. Tôi đề nghị Quốc hội như vậy.

Trước đây theo quy định của luật, các địa phương đều có quyền giải quyết đơn giám đốc thẩm. Như vậy, ngoài Tòa án tối cao, chúng ta có 63 Tòa án cấp tỉnh giải quyết đơn giám đốc thẩm, 63 đầu mối này không được quyền giải quyết đơn, dồn về cho 3 Tòa cấp cao và Tòa tối cao. Mặt được là đảm bảo xét xử giám đốc thẩm thống nhất, không có sự tùy nghi, không thống nhất. Mặt không được là dồn lại trong 3 Tòa cấp cao này, tạo áp lực, trong khi 3 Tòa án cơ quan mới triển khai, nhân lực chưa tuyển đủ và kinh nghiệm giải quyết đơn giám đốc thẩm. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi có nhiều giải pháp đã và đang được tiến hành.

Giải pháp thứ nhất là chúng tôi khẩn trương điều động và bố trí cho đủ số lượng thẩm phán và biên chế của 3 Tòa cấp cao, cho đến nay về cơ bản nhân lực của 3 Tòa cấp cao đã được bố trí đủ. Về năng lực tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao, chúng tôi đã có một chỉ thị tăng cường tập trung giải quyết đơn giám đốc, dưới áp lực của số lượng lớn như thế, anh em làm ngày, làm đêm nhưng không thể đáp ứng được hết, tình hình này có thể còn kéo dài. Chúng tôi đã tăng gần 200 Thẩm phán,Thẩm tra viên từ các Tòa án địa phương. Tôi đưa ra một lý do là án của anh giải quyết để phải giám đốc thẩm thì anh phải cử người lên đây cùng với cấp cao để xử lý đơn. Các địa phương rất kêu, hơn 1 năm vừa rồi địa phương kêu là chúng tôi đang thiếu người, chúng tôi đang áp lực từ việc lấy người của chúng tôi lên, cũng rất chia sẻ với địa phương. Gần hai trăm công chức này tăng cường về ba tòa cấp cao, chúng tôi phân án, phân đơn theo nguyên tắc chéo để kiểm chứng, ví dụ đơn của Hà Nội do các thẩm phán của Hải Phòng xử lý, đơn của Hải Phòng thì do nhóm thẩm phán của Quảng Ninh xử lý để có kiểm tra với nhau và tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, đảm bảo chất lượng. Những nỗ lực như vậy, đơn tăng lên nhưng yêu cầu vẫn còn hạn chế.

Một trong những giải pháp mà chúng tôi đã áp dụng và cũng sẽ áp dụng là tăng cường hòa giải. Vì các vụ án đặc biệt là các vụ án dân sự nếu như dưới sự dẫn dắt của các thẩm phán mà hai bên hòa giải được với nhau, thỏa thuận, thống nhất được thì vụ án sẽ không có đơn thư, kháng nghị, kháng cáo, giám đốc thẩm, tái thẩm và vụ án sẽ không bị kéo dài, tạo đồng thuận của xã hội, đầu vào của đơn sẽ giảm.

Chúng tôi cũng đã ra một chỉ tiêu thi đua, mỗi một thẩm phán giải quyết được một vụ hòa giải thì coi như chỉ tiêu thi đua đạt như giải quyết hai vụ án. Khuyến khích các thẩm phán như vậy để hạn chế đơn đầu vào. Tuy vậy, vẫn rất khó khăn trong việc giải quyết đơn, do người dân vẫn coi giám đốc thẩm như một cấp xét xử và kiện cầu may, mặc dù tỷ lệ kháng nghị rất thấp. (Còn nữa)

THÁI VŨ