Không thể thụ lý giải quyết ly hôn với người mất tích trong một vụ việc

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 23/8/2021 có đăng bài viết: “Yêu cầu ly hôn với người mất tích có được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?” của tác giả Nguyễn Hải Phong, chúng tôi xin trao đổi về hai nội dung mà tác giả đặt ra.

Thứ nhất,  đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?

Chúng tôi cho rằng không thể giải quyết trong cùng một vụ việc bởi theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích[1].

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình[2].

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn[3].

Theo quy định của BLTTDS 2015 thì yêu cầu tuyên bố mất tích là việc dân sự, còn ly hôn lại là vụ án dân sự (trừ trường hợp thuận tình ly hôn được coi là việc dân sự). Nếu đương sự vừa có yêu cầu tuyên bố một người mất tích vừa có yêu cầu xin ly hôn thì phải yêu cầu để Tòa án giải quyết việc tuyên bố mất tích trước, sau đó mới giải quyết yêu cầu xin ly hôn.

Như vậy, để yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì trước tiên phải thực hiện thủ tục việc dân sự đó là yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong ba số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp. Sau bốn tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà người bị yêu cầu không trở về hoặc có tin tức báo về thì Tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của người yêu cầu[4].

Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích thì người yêu cầu sẽ tiến hành các thủ tục khởi kiện vụ án xin ly hôn mà bị đơn là người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích và sau khi xem xét đủ điều kiện thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án theo thủ tục chung và Tòa án sẽ căn cứ vào khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết cho ly hôn.[5]

Ngoài ra theo hướng dẫn tại mục số 9 Phần IV Văn bản Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của TANDTC thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, đối với trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì phải sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ/chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án mới xem xét, giải quyết cho người chồng/vợ ly hôn.[6]

 Do đó, trong trường hợp này bắt buộc Tòa án phải thực hiện thủ tục việc dân sự là tuyên bố người đó mất tích trước, sau đó Tòa án mới thụ lý yêu cầu xin ly hôn của người vợ hoặc người chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích trước. Nên không thể nào giải quyết đồng thời trong cùng một vụ án vừa tuyên bố mất tích vừa giải quyết yêu cầu xin ly hôn được.

Thứ hai, về việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con”

Chúng tôi đồng ý theo quan điểm thứ nhất mà không đồng ý theo quan điểm thứ hai, bởi các lý do sau:

[1] Thứ nhất, trong trường hợp này Tòa án không chấp nhận sự ủy quyền là có cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 25  BLDS 2015: Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác”. Theo khoản 1 Điều 39 BLDS 2015 quy định về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình: “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình”. Như vậy, có thể thấy trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con chỉ có cha hoặc mẹ mới có quyền yêu cầu (trừ một số trường hợp đặc biệt khác), đây là quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình cụ thể là “quan hệ cha mẹ và con”, do đó không thể chuyển giao được, nên việc Tòa án không chấp nhận ủy quyền là hoàn toàn hợp lý. Mặc khác, tại Điều 138 BLDS 2015 quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự. Trong quá trình xét xử vụ án ly hôn tại Tòa án, cả hai bên vợ, chồng đều không được ủy quyền cho người khác thay mặt họ tham gia tố tụng mà phải tự thân họ thực hiện quyền này.

[2] Thứ hai, chúng tôi không đồng ý theo quan điểm thứ hai, bởi lẽ:

Với lập luận cho rằng “khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện”. Trước hết cần lưu ý rằng, hiện nay việc xác định quan hệ pháp luật “thay đổi người trực tiếp nuôi con” là vụ án hôn nhân gia đình nên phải áp dụng những quy định của pháp luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết, “việc ly hôn” theo khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 cần được hiểu rộng ra là cả vụ án hôn nhân gia đình trong đó bao gồm cả bốn mối quan hệ, quan hệ hôn nhân, quan hệ con chung, quan hệ tài sản và quan hệ nợ. Trong đó, quan hệ hôn nhân và quan hệ con chung liên quan đến quyền nhân thân không thể chuyển giao do đó không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, còn các mối quan hệ còn lại có thể ủy quyền tham gia tố tụng được. Do đó, khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015 nên hiểu áp dụng đối với quan hệ con chung đặc biệt là trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con thì không được ủy quyền.

Kết luận: Từ [1] và [2] chúng tôi cho rằng trong vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con chung thì không được ủy quyền tham gia tố tụng.

 

TANDCC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Anh/ QĐND


[1]Khoản 1 Điều 68 BLDS 2015.

[2]Khoản 2 Điều 68 BLDS 2015.

[3] Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

[4] Điều 385, Điều 388 BLTTDS 2015.

[5] Lý Văn Toán (2018), “Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được- Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (3), tr.31.

[6] Lý Văn Toán & Bùi Khắc Huỳnh (2021), “Góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử,  Đăng ngày 16/8/2021.

https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/gop-y-du-thao-nghi-quyet-huong-dan-ap-dung-mot-so-quy-dinh-cua-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-nam-2014. Truy cập ngày 23/8/2021

NCS LÝ VĂN TOÁN (TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Ths. NGUYỄN BÍCH NHƯ (TAND Tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau)