Tòa án tuyên hủy hôn nhân trái pháp luật có đúng hay không?

Trong quá trình giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình tại Tòa án; việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật của Thẩm phán đối với đương sự còn chưa được thống nhất, rõ ràng dẫn đến một số vụ việc hướng giải quyết không đúng; gây khó khăn và mất thời gian cho đương sự. Vì vậy, thông qua, thực tiễn xét xử tác giả đưa ra vụ án cụ thể để cùng trao đổi, bàn luận.

Hai người tâm thần kết hôn

Vợ chồng ông A và bà B có với nhau một người con là anh C, sinh năm 1987. Từ năm 2011, anh C bị bệnh tâm thần phân liệt, ông A và bà B đã cố gắng chữa trị nhưng A vẫn không khỏi bệnh. Ngày 12/5/2014, qua sự mai mối, vợ chồng ông A cho anh C kết hôn với chị D (Trước đó chị D cũng bị bệnh tâm thần có giấy xác nhận của Sở Y tế tỉnh T) và đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã E, huyện G. Sau khi lấy nhau, vợ chồng ông A mới phát hiện chị D trước đó bị bệnh tâm thần nên ngày 20/9/2017, vợ chồng ông A làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện G tuyên bố anh C bị mất năng lực hành vi dân sự để vợ chồng ông A làm người giám hộ nhằm tiến hành các thủ tục ly hôn với chị D.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện G đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với  C, tại Kết luận giám định pháp y tâm thần của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thành phố H kết luận  C bị bệnh tâm thần phân liệt và hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Ngày 20/02/2018, vợ chồng ông A làm đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện G tuyên bố C có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi để vợ chồng ông A làm người giám hộ nhằm tiến hành các thủ tục ly hôn với D.

Ngày 22/8/2018, Tòa án nhân dân huyện G ban hành bản án số 10/2018/QĐDS-ST tuyên  bố anh C có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và vợ chồng ông A và bà B làm người giám hộ cho anh C trong việc xác lập thực hiện các giao dịch dân sự của C theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/10/2018, Hội liên hiệp phụ nữ xã E, huyện G có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện G tuyên hủy kết hôn trái pháp luật giữa  C và  D tại điểm c, khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình thuộc trường hợp không có năng lực hành vi dân sự vì mặc dù tại thời điểm đăng ký kết hôn  C và D nộp đầy đủ hồ sơ về thủ tục kết hôn. Tuy nhiên, đến nay Hội liên hiệp phụ nữ xã E phát hiện anh C và chị D bị bệnh tâm thần  D bị tâm thần có giấy xác nhận của Sở Y tế tỉnh T vào ngày 03/12/2007).

Ngày 15/5/2019, Tòa án nhân dân huyện G ban hành bản án 12/2019/QĐDS-ST tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật giữa ông C và bà D do vi phạm điều cấm tại điểm c, khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình thuộc trường hợp không có năng lực hành vi dân sự.

Vấn đề đặt ra, Tòa án nhân dân huyện G ban hành bản án 12/2019/QĐDS-ST ngày 15/5/2019 tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật của  C và D có đúng hay không?

Tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật là không đúng

Theo quan điểm của tác giả thì việc Tòa án nhân dân huyện G ban hành bản án 12/2019/QĐDS-ST ngày 15/5/2019 tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật của anh C và chi D là không đúng, bởi:

Thứ nhất, ngày 12/5/2014 ông C và bà D đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã E thì ông C và bà D vẫn chưa có bản án, quyết định của Tòa án tuyên bố anh C và chị D bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22 BLDS 2005.

“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.

Và tại Điều 9,10 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có hiệu lực ngày 01/01/2015) quy định chi tiết về các điều kiện để hai người nam nữ được phép kết hôn như sau:

Điều 9. Điều kiện kết hôn:   Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.

“ Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn:  Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây: Người đang có vợ hoặc có chồng; Người mất năng lực hành vi dân sự; Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Giữa những người cùng giới tính”.

Như vậy, anh C và chị D tại thời điểm kết hôn vẫn chưa được Tòa án tuyên bị mất năng lực hành vi dân sự bằng bản án, quyết định của Tòa án thì vẫn đủ điều kiện để đăng ký kết hôn (Nếu không thuộc các trường hợp cấm kết hôn khác tại Điều 9, 10 nêu trên).

Thứ hai, ngày 22/8/2018, Tòa án nhân dân huyện G ban hành bản án số 10/2018/QĐDS-ST tuyên bố anh C khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và vợ chồng ông A làm người giám hộ cho anh C. Tuy nhiên, tại Điều 23 BLDS năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: “ 1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Như vậy, tại thời điểm đăng ký kết hôn và khi Tòa án tuyên anh C có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì anh C vẫn chưa bị mất năng lực hành vi dân sự nên không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 về những trường hợp cấm kết hôn thuộc trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự.

Đáng lẽ ra, trong trường hợp khi  vợ chồng ông A nộp đơn khởi kiện mục đích để anh C ly hôn với chị D thì Tòa án cần hướng dẫn cho vợ chồng ông A khởi kiện vụ án ly hôn giữa  C và  D theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình mà không cần thiết phải hướng dẫn vợ chồng ông A tuyên bố anh C là người mất năng lực hành vi dân rồi sau đó mới tiến hành thủ tục ly hôn hay yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.

Vì khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình quy định:  2.Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

Rất mong nhận được sự trao đổi của quý độc giả!

 Minh họa: Tòa án xét xử một vụ án ly hôn – Ảnh: Đậu Tiến Đạt

 

Ths BÙI AI GIÔN (TAND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)