Lê Văn A phạm tội cướp tài sản

Xin trao đổi về nội dung bài viết “cướp tài sản là tiền giả, phạm tội gì?” của tác giả Vũ Văn Hoàng đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 13/7/2021.

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, không phụ thuộc vào người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không (Điều 168 BLHS).  

Theo như nội dung vụ án, chưa bàn đến số tiền mà Lê Văn A cướp của hai cô gái đang đi bộ trên đường là tiền giả, xét về hành vi dùng vũ lực của Lê Văn A làm cho hai cô gái đi bộ trên đường lâm vào tình trạng không thể chống cự được với mục đích chiếm đoạt tài sản đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Cụ thể, hành vi dùng vũ lực cướp tài sản của Lê Văn A gây thương tích cho hai cô gái là 21% nên phạm tội cướp tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS như quan điểm thứ hai của bài viết đưa ra là có căn cứ.

Đối với quan điểm cho rằng Lê Văn A phạm tội “tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207 BLHS)”; tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS). Qua nghiên cứu các yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội danh trên, tác giả thấy rằng không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi khách quan của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả đó là hành vi cố ý làm tiền giả, tàng trữ tiền giả, vận chuyển tiền giả, lưu hành tiền giả. Trong vụ án trên, Lê Văn A hoàn toàn không biết số tiền cướp được là tiền giả, trong ý thức chủ quan cho rằng đó là số tiền thật nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Đối với tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS thể hiện: 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Về mặt khách quan: Thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, thái độ coi thường trật tự những nơi đông người như chợ, trường học... biểu hiện qua việc: Có hành vi dùng vũ lực để quậy phá, làm hư hỏng tài sản của nhà nước, của công dân ở nơi công cộng, hành vi thô bạo xúc phạm những người xung quanh tại nơi công cộng... Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi gây rối trật tự công cộng là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đối chiếu với nội dung vụ án trên, hoàn toàn không có căn cứ để truy cứu TNHS Lê Văn A về tội gây rối trật tự công cộng.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử vụ án Cướp tài sản - Ảnh: Nguyễn Huy Hoàng                           

 

PHÙNG HOÀNG (Tòa án quân sự Quân khu 1)