Một người kế thừa tố tụng của nguyên đơn vắng mặt lần thứ 2 có thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

 Việc một trong các đồng nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai có phải là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không ?

Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là cá nhân chết thì người thừa kế tham gia tố tụng, tuy nhiên việc trở thành nguyên đơn trong vụ án khi không có yêu cầu khởi kiện dẫn đến có trường hợp một trong những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người chết không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình như việc tuy đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai nhưng không tham gia phiên hòa giải, không có đơn xin hòa giải, xét xử vắng mặt, cũng như không có ủy quyền lại cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng tham gia tố tụng. Như vậy theo quy định Tòa án có đình chỉ do nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần hai nhưng vắng mặt theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 hay không?

Điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTHS 2015 quy định: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: … c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.

Ví dụ cụ thể: Ông A khởi kiện ông B (ông A và ông B là anh em ruột) yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong quá trình giải quyết vụ án ông A chết, những người kế thừa tố tụng của ông A là anh E, anh F và anh G (con ông A). Anh G cho rằng việc chuyển nhượng giữa ông A và ông B là có thật nên anh G không đồng ý tham gia tố tụng nhưng không có văn bản gửi đến Tòa án về việc không tham gia tố tụng. Tòa án đã triệu tập anh G đến tham gia các phiên hòa giải và xét xử 2 lần nhưng anh G vắng mặt không lý do dù đã được triệu tập hợp lệ.

Việc một trong các đồng nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai như trường hợp nêu trên có phải là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không. Nếu Tòa án đình chỉ thì đình thì đình chỉ như thế nào, đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện hay đình chỉ toàn bộ vụ án. Nếu đình chỉ một phần thì chưa có căn cứ để áp dụng, nếu đình chỉ toàn bộ vụ án thì quyền lợi của anh E và anh F lại không được đảm bảo.

Hiện tại có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: Trong trường hợp trên ông A là người khởi kiện và Tòa án đã thụ lý giải quyết, trong quá trình giải quyết ông A chết nên quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A được chuyển cho các con ông A là anh E, anh F và anh G. Sau khi kế thừa tố tụng anh E, anh F vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của ông A, anh G tuy được triệu tập hợp lệ lần 2 nhưng vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Quan điểm thứ hai: Cũng là  quan điểm của tác giả, việc một trong các đồng nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vẫn mặt khi không có đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì vẫn được xem là trường hợp nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai và là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Bởi vì, theo Điều 217 BLTTDS  2015 quy định nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai là điều kiện để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, như vậy nguyên đơn có thể là một người hoặc nhiều người mà trong tình huống trên do anh G là người kế thừa tố tụng của ông A, không thể tách anh G để khởi kiện bằng một vụ án khác nếu anh G có yêu cầu nên vụ án trên phải được đình chỉ theo Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả.

Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh, xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” - Ảnh: Minh Quân

HUỲNH VĂN SÁNG (VKSND huyện Tháp Mười, Đồng Tháp)