Bảo đảm nghĩa vụ bằng quyền yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và Nhật Bản

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích khung pháp lý điều chỉnh việc bảo đảm nghĩa vụ bằng tài sản là quyền yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và Nhật Bản, từ đó, chỉ ra những vướng mắc hiện nay trong quy định của pháp luật hiện hành và đề xuất các gợi mở cho pháp luật Việt Nam.

Dẫn nhập. Khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, việc sử dụng tài sản bảo đảm là bất động sản sẽ mang lại nhiều rủi ro cho ngân hàng, dưới góc độ là bên được bảo đảm[1], vô hình trung, tạo nên khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng bằng tài sản bảo đảm truyền thống là bất động sản. Trong khi đó, quyền yêu cầu, điển hình là quyền đòi nợ trong doanh nghiệp dần trở thành một tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong sản nghiệp của công ty ngày nay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Chính vì vậy, có thể nói rằng, việc tiếp cận nguồn vốn bằng các quyền yêu cầu của thương nhân hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiếu một cơ sở pháp lý hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi của các bên.

Về phạm vi, quyền yêu cầu khá đa dạng và rộng rãi; nó có thể là quyền yêu cầu chuyển giao một tài sản, quyền yêu cầu thanh toán theo hợp đồng (quyền đòi nợ), hay từ các chứng từ có giá trị thanh toán theo lệnh chi như thẻ tiết kiệm, vận đơn, séc[2]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích khung pháp lý đối với việc sử dụng quyền yêu cầu là tiền, trong đó điển hình là quyền yêu cầu thanh toán theo hợp đồng (quyền yêu cầu) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

1. Về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Quyền yêu cầu trước hết được xem là một quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[3]. Về biện pháp bảo đảm, trước đây, pháp luật quy định theo hướng các bên chỉ được sử dụng biện pháp thế chấp đối với tài sản là quyền yêu cầu, bởi lẽ, đối với các quyền tài sản, việc chuyển giao tài sản như yêu cầu trong cầm cố tài sản là việc không thể thực hiện được. Ngược lại, bên nhận bảo đảm có thể kiểm soát được tài sản là quyền yêu cầu thông qua biện pháp thế chấp tài sản. Việc chuyển giao các giấy tờ chứng minh quyền yêu cầu được xem là việc chuyển giao giấy tờ pháp lý của tài sản, chứ không phải tài sản, do vậy việc cầm cố sẽ không tương thích trong trường hợp này[4]. Tuy nhiên, hiện nay, về biện pháp bảo đảm áp dụng đối với quyền yêu cầu được quy định tại Điều 14 của Nghị định 21/2021/NĐ-CP (Nghị định 21), theo hướng: Bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; (…) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, việc sử dụng thuật ngữ “để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” thay vì thế chấp như trước đây, điều này có thể hiểu pháp luật cho phép các bên có thể lựa chọn sử dụng quyền yêu cầu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, dưới nhiều hình thức, thậm chí là cầm cố tài sản[5].

Tại Nhật Bản, pháp luật cho phép các bên sử dụng nhiều biện pháp để bảo đảm đối với quyền yêu cầu, trong đó bao gồm việc sử dụng các biện pháp bảo đảm luật định như cầm cố tài sản và chuyển nhượng để bảo đảm[6]. Đối với cầm cố tài sản, các bên phải chuyển giao chứng liên quan đến quyền yêu cầu được chuyển giao đối với chứng từ không có ghi tên[7]. Đối với chứng từ yêu cầu có ghi tên, việc cầm cố không cần thiết phải bằng văn bản. Đồng thời, phải có sự thông báo hoặc đồng thuận từ người có nghĩa vụ như một điều kiện có hiệu lực. Đáng chú ý, thực tiễn xét xử ghi nhận việc chuyển giao quyền yêu cầu được công nhận là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (joto tango)[8]. Đây là biện pháp mà theo đó, bên có nghĩa vụ phải chuyển giao quyền sở hữu của yêu cầu cho bên có quyền trong thời hạn bảo đảm, trong khi bên có nghĩa vụ vẫn trực tiếp nắm giữ và sử dụng tài sản bảo đảm đến khi trả hết nợ. Quyền sở hữu sẽ được chuyển lại sau khi bên có nghĩa vụ thực hiện thanh toán. Đến hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền trở thành bên thế quyền của các quyền yêu cầu[9].

So với cầm cố, sự ưu điểm của bên nhận chuyển giao là việc tránh được thủ tục xử lý tài sản bảo đảm rườm rà (nhất là khi bên bảo đảm có thái độ không hợp tác), cũng như giành quyền ưu tiên cao hơn so với các chủ nợ khác[10]. Thực tế cho thấy, pháp luật quốc tế thừa nhận việc xác lập quyền trên một quyền yêu cầu như một biện pháp bảo đảm nợ hoặc nghĩa vụ khác cũng xem như là chuyển giao[11].

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo luật định. Với phạm vi áp dụng một cách chật hẹp, thực tế xét xử tòa án có xu hướng tuyên các giao dịch chuyển giao quyền sở hữu nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vô hiệu do giả tạo[12]. Vì vậy, việc chuyển giao quyền yêu cầu không được xem là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, pháp luật Việt Nam nên công nhận các biện pháp bảo đảm khác đối với quyền yêu cầu, trong đó bao gồm cả việc chuyển nhượng để bảo đảm, bởi lẽ:

Thứ nhất, tính tương đồng giữa việc thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ và chuyển nhượng để bảo đảm. Việc thế chấp tài sản và chuyển nhượng để bảo đảm tương đối giống nhau về bản chất. Hãy xem thí dụ sau để làm rõ điều đó: A vay tiền của B. A dùng các quyền đòi nợ từ X chuyển giao cho B theo thỏa thuận như sau: Trường hợp A trả nợ đúng hạn, A sẽ không bị mất quyền đòi nợ, và ngược lại, B có quyền đòi nợ trực tiếp từ X. Trong trường hợp này, hệ quả khi bên bảo đảm là A không thực hiện được nghĩa vụ, thì bên có quyền là B (bên nhận bảo đảm) sẽ trở thành bên có quyền yêu cầu. Điều này cũng giống với việc thế chấp quyền yêu cầu: Theo đó, bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ khác chuyển giao khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình[13].

Thứ hai, việc công nhận biện pháp chuyển giao để bảo đảm là phù hợp với quy định pháp luật. Hiện nay, Nghị định 21 quy định trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định 21 mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên[14]. Do đó, các bên hoàn toàn có thể có thỏa thuận khác với quy định mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì vẫn có thể công nhận.

Thứ ba, pháp luật có quy định về việc bảo đảm bằng chuyển quyền sở hữu. Cụ thể, trong hợp đồng mua bán tài sản, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về việc chuộc lại[15]. Đây là một dạng thức của bảo đảm bằng quyền sở hữu[16]. Khi so sánh, dễ thấy việc dùng quyền đòi nợ bảo đảm nghĩa vụ có tính chất cũng tương tự - Là sự thỏa thuận giữa các bên về việc đều mua bán một quyền tài sản, mà theo đó, trường hợp bên bán không thực hiện quyền chuộc lại, bên bán sẽ mất quyền ưu tiên mua (đối với hợp đồng chuyển nhượng có điều khoản chuộc lại) và bên bảo đảm (bên chuyển nhượng) sẽ mất đi quyền đòi nợ nếu đến hạn mà không thực hiện việc trả tiền (tương đương với việc chuộc lại) đối với hợp đồng chuyển nhượng để bảo đảm.

Như vậy, việc chuyển nhượng để bảo đảm dường như không vi phạm điều cấm của luật cũng như trái đạo đức xã hội. Mặt khác, việc thỏa thuận chuyển nhượng để bảo đảm sẽ mang lại một số lợi ích của bên nhận bảo đảm trên thực tế (nhất là trường hợp không nhận được sự hợp tác của bên bảo đảm khi xử lý nợ). Từ các phân tích trên, pháp luật Việt Nam nên mở rộng chấp nhận thêm biện pháp bảo đảm để chuyển nhượng đối với tài sản là quyền yêu cầu.

2. Hiệu lực của biện pháp bảo đảm đối với bên có nghĩa vụ  

Trong quan hệ bảo đảm bằng quyền yêu cầu, sẽ có ba mối quan hệ sau: (i) Quan hệ nghĩa vụ giữa bên bảo đảm và bên có nghĩa vụ (quan hệ trái vụ); (ii) Quan hệ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm (quan hệ bảo đảm nghĩa vụ); (iii) Quan hệ giữa bên nhận bảo đảm và bên có nghĩa vụ. Do đó, khi một quyền yêu cầu được dùng để bảo đảm nghĩa vụ, việc làm rõ thời điểm làm phát sinh hiệu lực đối với bên thứ ba là bên có nghĩa vụ và cách thức để biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực với bên thứ ba khác là cần thiết.

Pháp luật hiện nay không yêu cầu việc thông báo hay sự đồng ý của bên có nghĩa vụ như một điều kiện để việc thế chấp quyền yêu cầu có hiệu lực. Tuy nhiên, yêu cầu thông báo cho bên có nghĩa vụ biết về việc thế chấp quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, là một điều tất yếu. Nói cách khác hơn, việc thông báo cho bên thứ ba của bên nhận thế chấp là một việc tất yếu để việc thế chấp phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là bên có nghĩa vụ. Cụ thể, pháp luật có quy định: việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng người này phải được bên nhận thế chấp thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật[17]. Như vậy, có thể thấy trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu và bên nhận bảo đảm không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền[18].

Phải nói thêm, việc thế chấp đối với các quyền yêu cầu hình thành trong tương lai dường như không xác minh được bên có nghĩa vụ[19]. Do đó, nếu cho rằng việc thông báo là cơ sở để làm phát sinh hiệu lực sẽ không hợp lý trong trường hợp này.

Cách tiếp cận của nhà lập pháp có thể dễ dàng lý giải, theo đó, khi nghĩa vụ đã được chuyển giao cho người thứ ba, bên có nghĩa vụ thông thường sẽ không biết được người chuyển giao sau đó, mà chỉ thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vì vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người thế chấp thì người nhận thế chấp không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Mặt khác, cách tiếp cận của Việt Nam lại tạo thêm nghĩa vụ chứng minh cho bên nhận thế chấp, bởi vì bên nhận thế chấp không phải là chủ nợ của bên có nghĩa vụ, do đó, việc thuyết phục bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình và chứng minh có sự vi phạm nghĩa vụ của bên thế chấp dường như không dễ (nếu như không có bản án của tòa án hay phán quyết của trọng tài)[20]. Ngoài ra, nhiều trường hợp, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho bên nhận thế chấp sau khi nghĩa vụ chính đã hoàn thành hoặc chấm dứt.

Tại Nhật Bản, đối với việc cầm cố tài sản, pháp luật yêu cầu các bên phải chuyển giao chứng liên quan đến quyền yêu cầu được chuyển giao[21]. Việc chuyển giao quyền yêu cầu có hiệu lực kể từ ngày chuyển giao, ngoài ra, việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần tuân theo một hình thức nhất định. Cần lưu ý, việc không thông báo chỉ làm bên nhận chuyển giao không thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ, chứ không làm mất quyền đòi nợ được chuyển giao. Để việc chuyển giao có hiệu lực với bên có nghĩa vụ, BLDS Nhật Bản quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu, bao gồm việc chuyển nhượng quyền yêu cầu trong tương lai, sẽ không có giá trị với bên có nghĩa vụ hoặc các bên thứ ba khác, trừ khi, bên có quyền (bên chuyển giao) thông báo về việc chuyển giao cho bên có nghĩa vụ hoặc là bên có nghĩa vụ đã chấp nhận việc chuyển nhượng[22]. Để làm rõ hơn quy định này, cùng xét xem ví dụ sau:

A chuyển giao quyền yêu cầu đối với B cho C (bên nhận chuyển giao). Việc chuyển giao này, để có thể có giá trị với người mắc nợ B, chỉ khi được chủ nợ cũ là ông A thông báo cho B biết về việc chuyển giao, pháp luật không cho phép chủ nợ mới là C thực hiện việc thông báo này. Việc thông báo không cần phải thực hiện tại thời điểm chuyển giao quyền yêu cầu, tuy nhiên, B chỉ phải thực hiện nghĩa vụ cho C từ thời điểm thông báo. Ngoài ra, chủ nợ mới là C vẫn có thể yêu cầu B thực hiện quyền yêu cầu, nếu như được C thể hiện sự chấp nhận của mình về việc chuyển giao này. Trường hợp không có sự thông báo hoặc chấp thuận, người mắc nợ dù biết sự chuyển giao cũng không thể yêu cầu con nợ thực hiện nghĩa vụ. Do đó, có thể hiểu rằng, việc thông báo làm cho việc chuyển giao có hiệu lực với bên có nghĩa vụ, chứ không thể làm thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu vô hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc pháp luật Nhật Bản chỉ cho phép bên chuyển giao quyền yêu cầu có thể đưa ra thông báo vẫn gặp nhiều bất cập trên thực tế. Bởi lẽ, bên chuyển giao quyền yêu cầu nhiều trường hợp không muốn thông báo việc chuyển giao cho bên có nghĩa vụ (sợ ảnh hưởng uy tín); mặt khác, bên nhận chuyển giao cũng không thể gửi thông báo cho bên có nghĩa vụ. Kết quả là bên chuyển giao có thể tự mình nhận việc thực hiện quyền yêu cầu từ bên có nghĩa vụ, sau khi đã chuyển giao quyền yêu cầu[23]. Để khắc phục hạn chế này, tại nhiều quốc gia, quyền thông báo được trao cho cả bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao[24].

Như vậy, đối với pháp luật Việt Nam, thiết nghĩ cần bổ sung quy định làm rõ việc thông báo theo hướng: Việc thông báo nên có thể thực hiện được bởi cả bên bảo đảm (đây là nghĩa vụ của bên thế chấp) hoặc là nếu bên có nghĩa vụ biết được việc bảo đảm nghĩa vụ (thông báo từ bên nhận thế chấp – quyền của bên nhận thế chấp). Ngoài ra, việc thông báo về việc thế chấp không được phép hủy bỏ, trừ trường hợp đã được sự đồng ý của người nhận bảo đảm.

3. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba (khác bên có nghĩa vụ)

Pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa về hiệu lực đối kháng với người thứ ba, nhưng có quy định về cách thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba: bằng cách đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm[25]. Điều 319 của BLDS 2015 cũng khẳng định thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Như vậy, đối với bảo đảm bằng quyền yêu cầu, hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm. Việc thông báo cho bên có nghĩa vụ không phải là điều kiện có hiệu lực đối kháng với người thứ ba cho việc thế chấp quyền yêu cầu theo pháp luật Việt Nam.

Tại Nhật Bản, việc cầm cố và sự chuyển giao quyền yêu cầu có thể tạo ra hiệu lực với người thứ ba ngoài bên có nghĩa vụ thông qua sự công bố, dưới hình thức đưa ra thông báo được công chứng cho bên có nghĩa vụ hoặc là đăng ký tại cơ quan công quyền[26].

Để hiểu được nguyên tắc pháp lý này, cùng phân tích một ví dụ sau: A sử dụng quyền yêu cầu đối với người mắc nợ B để cầm cố cho C vào ngày 1/3/2023, sau đó, ông A tiếp tục sử dụng quyền yêu cầu này để chuyển giao cho D vào ngày 1/4/2023. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp để được ưu tiên thanh toán, A thỏa thuận với người mắc nợ B và D rằng: việc chuyển giao quyền yêu cầu của Ông A cho D đã thực hiện trước đó vào ngày 1/2/2023 và lập giấy tờ giả về việc thông báo trong cùng ngày đó. Dẫn đến trên thực tế, quyền yêu cầu của C sẽ được ưu tiên sau (bị hủy). Vì vậy, tránh trường hợp này, pháp luật tiếp cận theo hướng yêu cầu có văn bản được công chứng chứng thực về ngày thông báo việc chuyển giao quyền yêu cầu nhằm ngăn chặn hiệu lực trở lại của việc thông báo đó[27]. Như vậy, trường hợp một giao dịch chuyển giao quyền yêu cầu cho D được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì sẽ được ưu tiên hơn so với C, dù cho C là người nhận chuyển giao quyền yêu cầu trước đó. Trường hợp cả hai lần chuyển giao đều đã công chứng, thứ tự ưu tiên thánh toán sẽ dựa theo thứ tự thời gian người mắc nợ nhận được thông báo, thay vì thứ tự xác lập việc chuyển giao[28].

Thực tiễn xét xử tại Nhật Bản giải quyết trường hợp này phù hợp hơn so với việc xác định ngày chuyển giao quyền được yêu cầu như ở Việt Nam như đã phân tích ở mục trên. Bởi lẽ, trên thực tế, nếu lựa chọn giải pháp dựa trên ngày thực hiện hợp đồng để xác định quyền ưu tiên. Trường hợp này, bên có nghĩa vụ phải chịu thêm nghĩa vụ nữa, đó là việc: liệu rằng còn hợp đồng chuyển giao nào trước đó nữa hay không. Do đó, cách tiếp cận của Tòa án Tối cao Nhật Bản trong trường hợp này dường như là hợp lý trong việc bảo vệ bên có nghĩa vụ, một khi việc chuyển giao xuất phát từ bên có quyền (bên chuyển giao).

Ngoài ra, để có thể phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, các bên có thể thực hiện thông qua việc đăng ký. Theo đó, nếu bên chuyển nhượng là một công ty được thành lập theo pháp luật Nhật Bản, pháp luật cho phép có thể hoàn thiện việc chuyển nhượng bằng cách đăng ký quyền yêu cầu, mà không cần thông báo hoặc sự đồng ý từ bên có nghĩa vụ theo pháp luật[29]. Việc đăng ký này không bắt các bên phải đăng ký thông tin của bên có nghĩa vụ, do vậy, cũng áp dụng cho việc đăng ký các quyền yêu cầu hình thành trong tương lai.

Khi so sánh với Nhật Bản, dễ thấy hướng tiếp cận của Việt Nam dường như sẽ tạo ra nhiều bất cập trên thực tế. Ta xét thí dụ sau: C thế chấp quyền yêu cầu đối với X cho bên A vào ngày 4-5-2021. Sau đó, C tiếp tục dùng quyền yêu cầu này để thế chấp với bên B vào ngày 10-5-2021. Tuy nhiên, nghĩa vụ của bên B đến hạn trước, do đó, Bên B yêu cầu thanh toán quyền đòi nợ và chứng minh được quyền của mình. Trường hợp này, rõ ràng mặc dù không đăng ký nhưng việc thông báo của B cho X đã làm phát sinh hiệu lực ưu tiên so với A. Do đó, khi nhận được thông báo thanh toán từ B và B chứng minh được quyền của mình. X có nghĩa vụ phải thanh toán cho B, thay vì A.

Song, khi đối chiếu với quy định hiện nay tại Việt Nam, giao dịch bảo đảm của A và B đều không đăng ký việc thế chấp nên không làm phát sinh hiệu lực đối kháng. Trường hợp này, biện pháp bảo đảm của A được xác lập trước với thời gian, nên về nguyên tắc, khi xử lý tài sản bảo đảm, A có quyền nhận ưu tiên thanh toán trước[30]. Tuy nhiên, câu hỏi đặc ra là liệu rằng, nếu đã thanh toán cho B, A có quyền tiếp tục yêu cầu X (bên có nghĩa vụ) thanh toán hay không? hay phải đòi lại từ B? Rõ ràng, nếu đòi từ phía X là bên có nghĩa vụ sẽ không khả thi, vì do A chưa thông báo, nên X chỉ làm theo đúng quy định và hợp đồng.

Như vậy, đối với việc chuyển giao quyền đòi nợ, việc thông báo cũng là cơ sở làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đây cũng là hướng tiếp cận trong lập pháp của nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản như đã phân tích. Như vậy, để bảo đảm quyền lợi của các bên, đặc biệt là bên có nghĩa vụ trả nợ, bên cạnh việc đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, pháp luật Việt Nam nên cân nhắc việc bổ sung thêm quy định về thông báo để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp này.

 

Quyền đòi nợ trong doanh nghiệp dần trở thành một tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong sản nghiệp của công ty ngày nay - Ảnh: MH

 

[1] Lê Phước Bình, Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản, https://cafeland.vn/tin-tuc/kho-khan-bua-vay-thi-truong-bat-dong-san-117205.html, truy cập ngày 7/5/2023.

[2]  Liên Đăng Phước Hải (2022), “Chuyển giao quyền yêu cầu theo pháp luật Nhật Bản và Việt Nam”, Tạp chí Nhà Nước và Pháp luật, số 07, tr. 43.

[3] Điều 115 BLDS 2015 quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Như vậy, quyền yêu cầu được hiểu là quyền yêu cầu thanh toán một khoản tiền cho một bên tại một thời gian nhất định, do đó, đây cũng có thể được xem là quyền tài sản.

[4] Trước đây, Điều 22 khoản 1 Nghị định về Giao dịch bảo đảm số 8019/VBHN-BTP ngày 10/12/2013 có quy định: Bên có quyền đòi nợ được thế chấp một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ, bao gồm cả quyền đòi nợ hình thành trong tương lai mà không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trả nợ.

[5] Xét theo quy định hiện nay, việc chuyển giao tài sản bảo đảm không còn quy định là một điều kiện của cầm cố (như đối với trường hợp cầm cố bất động sản). Do đó, có thể hiểu, quyền yêu cầu vẫn có thể là đối tượng của cầm cố.

[6] Đối với cầm cố quyền tài sản là quyền yêu cầu, xem quy định tại Điều 363 BLDS Nhật Bản.

[7] Điều 363 BLDS Nhật Bản.

[8] Tại Nhật Bản, kể từ năm 1906, Tòa án tối cao đã chấp nhận hiệu lực của chuyển nhượng để bảo đảm và phân biệt với các loại hợp đồng khác trên thực tế, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Biện pháp bảo đảm này được tiếp tục cũng cố và công nhận bởi Tòa án tối cao trong các phán quyết từ 1915-1916 và được công nhận và áp dụng trên thực tế cho đến ngày nay. Xem Liên Đăng Phước Hải (2022), Vai trò của án lệ trong việc hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Nhật Bản và các gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Tòa án điện tử, xem tại: https://tapchitoaan.vn/vai-tro-cua-an-le-trong-viec-hoan-thien-phap-luat-ve-giao-dich-bao-dam-tai-nhat-ban-va-cac-goi-mo-cho-viet-nam5971.html, truy cập ngày 10/5/2023.

[9] Xem thêm Frank G. Bennett Jr (2009), Getting Property Right: “Informal” Mortgages In The Japanese Courts, Pacific Rim Law & Policy Journal Association, số 18, tr. 465, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1541102, truy cập ngày 8/5/2023.

[10] Hiroshi Oda (2009), Japanese Law, 3ed, Oxford University Express, tr. 177.

[11] Điều 2 Công ước Liên Hiệp Quốc về Việc chuyển giao Khoản phải thu trong Thương mại Quốc tế năm 2001 (United Nations Convention on the Assignment of Receivables in International Trade) quy định như sau: “The creation of rights in receivables as security for indebtedness or other obligation is deemed to be a transfer;” Xem tại: https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=X-17&chapter=10, truy cập ngày 4/5/2023.

[12] BLDS Việt Nam chỉ liệt kê chín biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó không có khoản trống cho các biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận của các bên. Do vậy, hiện nay việc chuyển giao quyền sở hữu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không được xem là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thực tế xét xử, những giao dịch chuyển quyền sở hữu thường được xem là các giao dịch giả cách, do đó, có xu hướng bị tuyên vô hiệu bởi tòa án (ví dụ xem Bản án số 36/2018/DS-PT của Tòa án nhân dân Tỉnh Hậu Giang ban hành ngày 10/4/2018).

[13] Điều 54 khoản 2 Nghị định 21.

[14] Khoản 2 Điều 4 Nghị định 21.

[15] Điều 454 BLDS 2015.

[16] Xem thêm Liên Đăng Phước Hải, Trần Khánh Vân, Chế định chuộc lại tài sản - so sánh pháp luật Việt nam và một số quốc gia, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 07, năm 2021.

[17] Điều 33 Nghị định 21.

[18] Dễ hiểu bởi vì bên có nghĩa vụ không thể nào biết được bên nhận chuyển nhượng là ai để thực hiện nghĩa vụ khi đến hạn. Do đó, như một lẽ thông thường, họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền ban đầu, nếu bên thế quyền không chứng minh được sự chuyển giao.

[19] Điều 295 BLDS 2015 cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

[20] Xem thêm Hồ Quân Chính, Khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ để thi hành án, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5(350), 2021.

[21] Điều 363 BLDS Nhật Bản.

[22] Xem Điều 467 (1) BLDS Nhật Bản.

[23] Woo-Jung J (2012), The Assignment of Receivables under the Chinese Contract Law and Some Suggestions, Peking University Journal of Legal Studies, số 3, tr. 119.

[24] Xem BLDS Pháp Điều 1691, Xem BLDS Đức Điều 409.1.

[25] Khoản 1 Điều 297 BLDS 2015.

[26] Điều 467 (2) BLDS Nhật Bản.

[27] Xaca Vacaxum, Tori Aritdumi (1995), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 444.

[28] Xem Phán quyết của Tòa án tối cao Nhật Bản ngày 7-3-1974.

[29] Điều 4 (1), Luật về việc hoàn thiện việc chuyển nhượng động sản và quyền yêu cầu (Act on Special Provisions of the Civil Code regarding Perfection on Transfer of Movables and Claims).

[30] Điều 308 BLDS 2015.

LIÊN ĐĂNG PHƯỚC HẢI (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), TRẦN THỊ THANH THƯƠNG