Cần tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội

Sau khi nghiên cứu bài viết “Tịch thu hay không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội?” của tác giả Vũ Văn Hoàng, đăng vào ngày 18/4/2023, tôi cho rằng, trường hợp chủ thể của tội phạm chiếm đoạt được tài sản của chủ thể khác nhưng bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì vẫn cần tịch thu tài sản sung vào ngân sách nhà nước.

Tại Điều 47 BLHS năm 2015, biện pháp “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” quy định như sau:

Việc tịch thu sung vào ngân sách: nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: 

- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

- Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành. 

Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không được tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. 

Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Việc xử lý với tiền, vật trực tiếp liên quan đến tội phạm được giải quyết cụ thể:

Thứ nhất: Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Đây là những công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, như: dao, súng, xe mô tô của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà người phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ mà có.

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc đổi do đổi chác, mua bán những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm như tham ô, trộm cắp, cướp, lừa đảo hoặc do sự mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Thứ hai: Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác và xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba: Trường hợp vật, tiền thuộc tài sản của người khác nếu người này có lỗi trong việc để cho người khác sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Trường hợp này luật quy định “có thể bị tịch thu”, được hiểu tùy vào từng vụ án, với loại tiền hoặc vật cụ thể Tòa án quyết định biện pháp xử lý có tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hay không. Khi quyết định vấn đề này, Tòa án cần nghiên cứu kỹ hình thức lỗi của người có tiền hoặc vật để người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm.

Trong tình huống trên, tài sản A trộm cắp đã được Cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ và trả lại cho Công ty X, Công ty X đã nhận lại đủ tài sản, không bị thiệt hại gì khác và không yêu cầu A phải bồi thường. Phạm Văn B do số tiền bỏ ra không lớn nên không yêu cầu A phải bồi hoàn số tiền trên. Tại phiên tòa, Công ty X và Phạm Văn B không yêu cầu A bồi thường hay bồi hoàn gì. Theo tôi, cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước đối với số tiền 1 triệu đồng mà A có được do bán tài sản trộm cắp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS.

Bởi vì, số tiền 1 triệu đồng trên là do A bán tài sản đã trộm cắp được, như vậy đó là số tiền do phạm tội mà có. Trong vụ án, A đã sử dụng số tiền trên để chi tiêu cá nhân hết, B cũng không yêu cầu A phải bồi hoàn, như vậy chỉ tuyên hình phạt đối với A mà không tuyên tịch thu số tiền này thì A đương nhiên được chiếm hữu số tiền trên, dẫn tới giải quyết chưa triệt để vụ án, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu số tiền 1 triệu đồng để sung vào ngân sách nhà nước, như thế mới giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc.

 

TAND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh xét xử vụ án Tạ Anh Sáng cùng đồng phạm, phạm tội “Cướp giật tài sản” và “Trộm cắp tài sản”- Ảnh: TL

NGUYỄN THỊ YẾN HOA (Tòa án quân sự Quân khu 1)