Cần xem xét lại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo thủ tục tái thẩm

Sau khi đọc bài viết “Thụ lý, giải quyết tranh chấp xác định không phải cha con như thế nào mới đúng luật” của tác giả Trần Tú Anh và Huỳnh Minh Khánh, tôi không nhất trí với hai quan điểm của các tác giả đưa ra.

1. TAND huyện C, tỉnh T, ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 99/2023/QĐST-HNGĐ ngày 20/02/2023 với nội dung xác định cháu A không phải là con của anh K, chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A là trái quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 và điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS).

Tại Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022, TAND huyện C, tỉnh T đã công nhận thuận tình ly hôn giữa chị V và anh K; giao con chung là cháu A cho chị V nuôi dưỡng và anh K phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung. Như vậy, Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ đã giải quyết về quan hệ con chung giữa anh K và chị V; xác định cháu A là con chung của anh K và chị V đồng thời quyết định nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K cho cháu A. Quyết định này đang có hiệu lực pháp luật theo khoản 1 Điều 213 BLTTDS.

TAND huyện C lại thụ lý và giải quyết tranh chấp giữa các đương sự là anh K và chị V về việc xác định không phải cha con và yêu cầu chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh K với cháu A, là giải quyết lại sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS mà không thuộc trường hợp được quyền khởi kiện lại như: trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu. Do vậy, tôi không nhất trí với quan điểm 1 của các tác giả bài viết.

2. Tình tiết cháu A không phải là con anh K là tình tiết mới của vụ án ly hôn và tranh chấp nuôi con giữa anh K và chị V, là căn cứ kháng nghị tái thẩm đối với Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ theo khoản 1 Điều 352 BLTTDS.

Khi TAND huyện C, tỉnh T, nhận được tài liệu anh K cung cấp kèm theo đơn khởi kiện thể hiện anh K không phải cha của cháu A, Chánh án TAND huyện C, tỉnh T, phải thông báo bằng văn bản cho Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh T, theo khoản 2 Điều 353, khoản 2 Điều 354 BLTTDS.

Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm, Điều 356 BLTTDS 2015 quy định:

“Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:

1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.

3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án”.

Như vậy, Hội đồng xét xử tái thẩm không có thẩm quyền sửa quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới như quan điểm 2 của tác giả.

Với các phân tích trên, theo tôi trong trường hợp này, TAND huyện C, tỉnh T phải trả lại đơn khởi kiện của anh K về tranh chấp xác định không phải cha con giữa anh K và cháu A và yêu cầu chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án phải căn cứ điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời, TAND huyện C, tỉnh T làm văn bản thông báo cho Chánh án TAND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ của TAND huyện C, tỉnh T.

Trên đây là một số ý kiến của tôi về tình huống trao đổi, rất mong nhận được trao đổi của tác giả, các đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Nguyễn Thành Lâm

ThS. ĐÀO THỊ ĐÀO (Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án - TAND tỉnh Hải Dương)