Có được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn?
Thủ tục rút gọn, hay còn gọi là thủ tục đơn giản đã xuất hiện trên hệ thống pháp luật các nước trên thế giới với vai trò là một chế định tiến bộ giúp cho việc giải quyết vụ án dân sự được tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Tại Việt Nam, chế định thủ tục rút gọn mới được quy định trong BLTTDS năm 2015 với một phần riêng. Do là quy định mới, chưa có nhiều hướng dẫn nên thực tiễn tại các Tòa án địa phương chưa áp dụng nhiều thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu lên vướng mắc về áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn mà hiện nay còn quan điểm trái ngược nhau.
1. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015, vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng các điều kiện sau:
“a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản”.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về tính nhanh chóng, hiệu quả của thủ tục tố tụng rút gọn, khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015 cũng có những quy định cơ chế chuyển đổi từ thủ tục tố tụng rút gọn sang thủ tục tố tụng thông thường. Theo đó, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường: (1) nếu phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thông nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; (2) nếu cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá; (3) nếu cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; (4) nếu phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (5) nếu phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập; (6) nếu phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Ý nghĩa của việc giải quyết các vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn
Ý nghĩa, lợi ích của thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ án dân sự có thể được gói gọn trong 3 chữ “T” như sau:
(1) Thời gian: Các tranh chấp hôn nhân gia đình xảy ra nhiều trên toàn quốc, đa số thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện. Nhiều vụ án bị đơn cố tình trốn tránh gây mất thời gian cho Tòa án trong việc tống đạt văn bản tố tụng. Một số vụ án hòa giải nhiều lần nhưng không có kết quả vì quan hệ hôn nhân không thể hàn gắn được. Do đó, việc giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn sẽ bảo vệ quyền lợi của các đương sự một cách nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt là nhanh chóng bảo vệ các đương sự là người yếu thế, người chịu nhiều thiệt thòi trong quan hệ hôn nhân, thường xuyên bị bạo lực gia đình khi mà thời hạn xét xử chỉ có 01 tháng và thủ tục giải quyết nhanh gọn. Đồng thời, với quyền được xét xử vắng mặt của nguyên đơn theo Điều 228, 238 BLTTDS năm 2015 thì nguyên đơn sẽ không phải lên Tòa án nhiều lần nếu bị đơn vắng mặt và nguyên đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
(2) Tình cảm: Giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn sẽ tránh làm tổn hại về mặt tinh thần cho đương sự trong những trường hợp họ không muốn lên Tòa án nhiều lần, phải gặp những đương sự mà họ không muốn gặp.
(3) Tiền bạc: Rõ ràng khi rút ngắn được thời gian như trên sẽ tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế to lớn cho các đương sự, từ đó tác động tích cực về kinh tế cho xã hội. Ngoài ra, khối lượng công việc Tòa án trên cả nước đang phải giải quyết là rất nhiều, nguồn nhân sự lại không đủ thì việc rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án ly hôn sẽ giúp cho Thẩm phán, thư ký có thời gian để giải quyết các loại vụ án khác, mang lại hiệu quả tốt về nguồn nhân lực.
3. Áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án “ly hôn”
Đối với các vụ án ly hôn, đây cũng là loại án “dân sự” nên không có ngoại lệ nào trong luật về việc áp dụng hay không áp dụng để giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn hai quan điểm trái ngược nhau về việc có áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án “ly hôn” hay không.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, không được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn. Quan điểm này dựa trên các lập luận sau:
Một là, vụ án ly hôn là một quan hệ tranh chấp phức tạp, hệ trọng liên quan đến số phận một gia đình, ảnh hưởng lớn đến xã hội nên cần phải được tổ chức hòa giải.
Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Như vậy, hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc cần thực hiện khi giải quyết vụ án ly hôn. Thủ tục hòa giải tại Tòa án này được thực hiện trong giai đoạn trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý. Việc hòa giải này có ý nghĩa rất quan trọng, nó thể hiện tính trách nhiệm cao của những người có thẩm quyền xét xử, luôn đề cao việc tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội chia sẻ, trình bày, viết lời khai trước những người có quyền ra quyết định việc ly hôn của hai người. Thủ tục bắt buộc này phải được tiến hành kể cả khi có yếu tố cho rằng không hề khả quan và khó có kết quả[1].
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 205 BLTTDS năm 2015 thì: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”. Vì vậy, vụ án ly hôn nếu giải quyết theo thủ tục rút gọn sẽ không bắt buộc phải hòa giải, điều này sẽ dẫn đến việc xét xử nhanh chóng các quan hệ hôn nhân được xem là quan hệ xã hội quan trọng mà không thông qua hòa giải. Do đó, vi phạm nguyên tắc hòa giải tại Điều 10 BLTTDS năm 2015: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự”.
Hai là, khi xét xử vụ án ly hôn thông thường cần phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Hội thẩm là đại diện của các giới, các ngành, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Hội thẩm có thể phản ánh một cách khách quan suy nghĩ, tâm tư của quần chúng nhân dân, chứ không phải từ góc độ của một luật gia thuần túy[2]. Do đó, có Hội thẩm nhân dân sẽ có thêm nhiều tiếng nói trong việc động viên, thuyết phục các bên trong vụ án ly hôn đoàn tụ.
Ba là, đối với vụ án ly hôn có con chưa thành niên thì phải xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp nên không đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.
Tại Mục 24 Phần IV Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 TANDTC hướng dẫn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có nêu: “Trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến con chưa thành niên mà đương sự thuận tình ly hôn và thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án có phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án không? Khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”. Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng, con. Do vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc”.
Theo các quy định trên thì Tòa án đã phải thu thập tài liệu, chứng cứ nên không đáp ứng điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015. Đây là lý do lớn của nhiều người ủng hộ quan điểm không áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn có con chưa thành niên.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của các tác giả) cho rằng: Được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án “ly hôn” với các căn cứ sau:
Một là, BLTTDS năm 2015 đã quy định các điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn và điều kiện này được áp dụng chung cho tất cả các loại quan hệ tranh chấp, không loại trừ các vụ án ly hôn. Chúng ta phải thượng tôn pháp luật và không được suy diễn khi luật đã có những quy định rõ ràng. Nếu có những rủi ro hoặc vướng mắc như trên chắc hẳn nhà làm luật đã có quy định riêng về việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn.
Hai là, nếu không áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án ly hôn thì ý nghĩa của thủ tục rút gọn sẽ bị hạn chế rất nhiều. Thậm chí nếu không cho thụ lý giải quyết các vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn còn xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người dân đặc biệt là những người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bị bạo hành. Họ rất muốn kết thúc cuộc hôn nhân của họ một cách nhanh chóng khi mà không thể hòa giải đoàn tụ được.
Ba là, về việc hòa giải giữa các bên.
Giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn không phải là không được hòa giải mà chỉ là không bắt buộc. Tòa án vẫn có thể thực hiện việc hòa giải trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nếu các bên có mặt. Trường hợp bị đơn đã cố tình vắng mặt ngay từ đầu thì Tòa án có giải quyết theo thủ tục thông thường cũng không tổ chức hòa giải giữa các bên được. Mặt khác, trước khi Tòa án thụ lý thì Hòa giải viên theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án cũng đã mời các bên lên để hòa giải nhưng không thành mới chuyển qua Tòa án để thụ lý xét xử.
Đôi khi, tránh cho các đương sự có mâu thuẫn nghiêm trọng đối mặt nhau nhiều cũng là điều tốt. Vụ việc xảy ra ở TAND thị xã N, tỉnh K sau đây là một hồi chuông cảnh báo: Do mâu thuẫn vợ chồng nên Phan Thanh H có đơn xin ly hôn chị H vào năm 2002, nhưng sau đó H đã bị xử phạt 24 tháng tù giam vì gây tai nạn giao thông. Ngày 17/9/2006, H được tha tù trước thời hạn ba tháng, trở về địa phương, nhưng tình cảm vợ chồng không hàn gắn được, nên nhiều lần H cao giọng đe dọa sẽ sát hại chị H và người thân trong gia đình phía vợ. Sáng 07/12/2006 TAND thị xã N triệu tập và tiến hành hòa giải giữa hai vợ chồng, H xin rút đơn ly hôn nhưng người vợ không đồng ý. Khi cán bộ Tòa án ra khỏi phòng hòa giải, H đã dùng dao giấu sẵn trong người đâm vào cổ vợ mình. Nạn nhân đã chết trong lúc đưa đến bệnh viện. Sau đó Phan Thanh H cũng chết do uống thuốc trừ sâu tự sát.
Bốn là, đối với vụ án ly hôn có con chưa thành niên. Đúng là theo quy định của pháp luật hiện hành phải xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, đây có phải là việc Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ hay không thì cũng cần làm rõ.
Theo quy định tại Điều 93 BLTTDS năm 2015 thì: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là … hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Phải chăng việc Tòa án xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp chỉ là một thủ tục tố tụng giống như các thủ tục khác như xác minh nơi cư trú của bị đơn để xác định thẩm quyền, niêm yết đối với những trường hợp không tống đạt trực tiếp được. Do đó, không được xem đây là việc Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ theo điểm a khoản 1 Điều 317 BLTTDS năm 2015 để xác định không đủ điều kiện áp dụng việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn.
4. Kết luận
Từ ý nghĩa quan trọng của thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự để chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo hơn, ủng hộ nhiều hơn khi áp dụng cho các vụ án ly hôn cũng như các quan hệ tranh chấp khác. Thực tiễn thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự, trong đó có những vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn tại các Tòa án đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tạo nhiều thiện cảm đến từ phía đương sự. Quan điểm về việc không áp dụng thủ tục rút gọn trong các vụ án ly hôn có nguy cơ trái luật và xâm phạm quyền lợi của đương sự.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa của việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn thì cần có quan điểm chỉ đạo rõ về việc có áp dụng thủ tục rút gọn với các vụ án ly hôn hay không, kể cả các vụ án ly hôn có con chưa thành niên. Đồng thời, cần có kiến nghị TANDTC hướng dẫn lại về việc xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong các vụ án ly hôn có con chưa thành niên vì thực tế khi xác minh chỉ có một nội dung “Không báo chính quyền địa phương nên địa phương không biết” nên không giải quyết được vấn đề gì.
Trên đây là một số trao đổi, các tác giả mong nhận được sự đóng góp của quý bạn đọc.
[1] Thư viện pháp luật, Thủ tục “Hòa giải” trong vụ án ly hôn, https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/thu-tuc-%E2%80%9Choa-giai%E2%80%9D-trong-vu-an-ly-hon-166434.aspx, truy cập ngày 01/4/2024..
[2] Lê Văn Sua, “Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862, truy cập ngày 01/4/2024.
TAND Tp Cam Ranh, Khánh Hòa xét xử vụ án dân sự - Ảnh: TL
Bài liên quan
-
Bàn về mức nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình
-
Ly hôn với mục đích chia đôi nợ cho chồng, một người ở Hậu Giang bị nhiều chủ nợ tố cáo lừa đảo
-
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
-
Một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử
-
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 BLHS và những bất cập
-
Bàn về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cơ chế xử lý hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ của chủ thể có thẩm quyền trong tố tụng dân sự
Bình luận