Du lịch Đà Nẵng: Vấn đề nóng về giá cả và chất lượng hàng hóa

Hiện nay ở Đà Nẵng vẫn còn hiện tượng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu bán thực phẩm kém chất lượng nhưng gắn mác “đặc sản”; các cửa hàng kinh doanh thời trang bán “hàng nhái” các thương hiệu nổi tiếng… Do đó rất cần sự kiểm tra, xác minh, xử lý của các cơ quan chức năng để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch lành mạnh.

Tạp chí Tòa án nhân dân đã có bài “Đà Nẵng- Bài toán xây dựng ngành du lịch phát triển cạnh tranh, văn minh, lành mạnh”, tiếp theo, PV xin phản ánh về tình trạng khách du lịch bị dẫn dắt vào mua sắm ở một số cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Đà Nẵng, bán thực phẩm gắn mác “đặc sản”; các cửa hàng kinh doanh thời trang bán “hàng nhái” các thương hiệu nổi tiếng với giá không hề rẻ.

Trong vai du khách ngoại

Trước tình trạng đó, để xác minh thông tin phản ánh của du khách, phóng viên (PV) Tạp chí Toà án nhân dân đã “mục sở thị” tại một số cơ sở kinh doanh như: G.O, B.A Galeria, L.K,  A.Z, F.L, K.Y… tại các tuyến đường trung tâm, thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan, mua sắm. Mặc dù, đang bắt đầu vào mùa thấp điểm du lịch nhưng theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua tổng lượt khách du lịch đạt 254 nghìn lượt, tổng thu từ du lịch đạt 915 tỷ đồng.

Để có thể giải đáp thắc mắc vì sao nhiều cơ sở kinh doanh du lịch hạn chế, kiểm soát nghiêm ngặt việc đón tiếp người Việt Nam, PV đã thâm nhập bằng cách trà trộn vào cùng đoàn khách quốc tế, vào tham quan, mua sắm tại cơ sở bán đặc sản G.O nằm tại vị trí khá xa trung tâm. Khi xe chở đoàn khách du lịch vừa đến cổng, du khách được nhân viên người Việt đợi sẵn ở cửa  để dán tem từng người, kiểm soát số lượng khách.

Đi sâu vào bên trong, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là mặt bằng cơ sở này khá rộng, như một siêu thị cỡ lớn. Đoàn khách được dẫn ngay vào một phòng có sẵn bàn ghế, được giới thiệu là phòng thuyết trình. Trong phòng có bàn trưng bày các sản phẩm, cho khách du lịch ăn thử các loại thực phẩm. Một số nhân viên là người Hàn Quốc, giới thiệu cho chúng tôi về các loại đặc sản, nói về lợi ích các sản phẩm đang bày bán tại đây bằng tiếng Hàn. Rất nhanh, tầm 10 phút sau đó đoàn chúng tôi được phát túi (phục vụ mua sắm)  cho từng người, sau đó mọi người được đi lại tham quan, mua sắm.

Chúng tôi thật sự kinh ngạc về mức giá tính theo VNĐ in trên các sản phẩm. Các loại thực phẩm khô như: Cá bò, lươn khô, xoài ép, mít ép, hạt điều rang muối… rất dễ dàng tìm thấy từ các quầy vỉa hè đến các chợ địa phương, được lên đời “Đặc sản” đóng gói rất sang trọng nhưng tem mác đơn giản, thiếu thông tin. Một số sản phẩm không hiển thị NSX, HSD, nguồn gốc xuất xứ… Điển hình, một sản phẩm Cá bò ép khô được bày bán, ước chừng 0,3 kg, có mã vạch, trên tem sản phẩm chỉ hiển thị hai chữ Hàn, có nghĩa là Cá bò với dãy số 243,000, tôi hỏi lại thì biết đây là giá bán, tức là 243.000 đồng/ gói. Mặt sau có tem bằng tiếng Anh, kèm thông tin  đóng gói tại chính cơ sở này. Tuyệt đối không tìm thấy thông tin khối lượng, NSX, HSD.

Một sản phẩm khác được để tên là Lươn biển khô, có tem sản phẩm hiển thị bằng cả tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Việt. Khối lượng là 1 kg; số 1,458,000 (giá bán); kèm một mã vạch; EXP: 20/06/2024… nhưng không có NSX. Bao bì ghi rõ công dụng: Bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, chữa bệnh tiêu chảy, bệnh trĩ và chống suy nhược cơ thể.

Theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP  về nhãn hàng hóa thì với mặt hàng thực phẩm, nhãn hàng phải có đủ các thông tin: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin, cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Như vậy, các mặt hàng ở đây có lẽ không đủ độ tin cậy, nếu nhìn qua nhãn hàng.

Theo quan sát của PV, tại mỗi quầy có nhiều người Hàn Quốc tư vấn trực tiếp, nhân viên người Việt Nam hỗ trợ, nhiều khách mua sắm các sản phẩm vừa được giới thiệu với số lượng lớn. Sau khi du khách mua sắm xong, hoàn tất thủ tục thanh toán tại quầy tính tiền, đoàn được dẫn ra lối đi khác để lên xe. Xe chở đoàn du khách rời đi ra cổng, cùng lúc ấy PV thấy một đoàn 3 xe du lịch cỡ lớn đưa khách đến cơ sở này…

 

Lươn biển khô tại cơ sở G.O và cá đét tại chợ truyền thống

Trong vai người chuẩn bị mở cửa hàng bán đặc sản phục vụ du khách quốc tế, PV tiếp cận một chủ cửa hàng bán thực phẩm khô tại chợ Cồn (đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng)  - nơi bán hầu hết các món đặc sản khô tại Đà Nẵng. Người bán hàng đon đả giới thiệu, các sản phẩm được khách quốc tế ưa chuộng mua làm quà khi tới Đà Nẵng du lịch gồm: Mực khô, Cá bò, Cá đét… Tham khảo mức giá sỉ tại cửa hàng H.C – một trong những cơ sở phân phối sỉ lẻ thực phẩm khô lớn ở chợ Cồn thì biết giá sỉ Cá  bò 220 nghìn đồng/kg; giá sỉ cá đét, tức Lươn biển khô chỉ có 200 nghìn đồng/kg và người bán hàng khẳng định: “Đang phân phối sỉ, số lượng lớn cho rất nhiều cơ sở bán đặc sản cho khách du lịch, đặc biệt là các cơ sở phục vụ du khách người Hàn Quốc rất ưa chuộng” (?!). Khi chúng tôi ngỏ ý mua sản phẩm mẫu cá bò ép khô, người bán hàng nhanh chóng lấy sản phẩm đang bày trên sạp hàng đóng gói và dán nhãn mác của cửa hàng ngay trước mắt chúng tôi. Điều lạ là trên tem sản phẩm mẫu này chúng tôi thấy phần ngày sản xuất và hạn sử dụng được bỏ trống...

Có thể điều khiến du khách e ngại khi mua bán tại chợ truyền thống đó là nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Nhưng liệu rằng ở đây, các sản phẩm này có thể “thoát xác” để “gắn mác” đặc sản cao cấp hơn và mang các thương hiệu đặc trưng làm nên tên tuổi cho các cơ sở kinh doanh để được bày bán phục vụ du khách với mức giá chênh lệch xấp xỉ hàng chục lần!? Thực tế  dù giá cả tại cửa hàng G.O và  tại các kênh bán lẻ truyền thống, siêu thị, điểm bán các sản phẩm OCOP… có giá bán khác biệt “bất thường” nhưng bằng cảm quan chúng tôi thấy dường như các sản phẩm cùng mẫu mã, chất lượng.

Khi đến liên hệ đặt lịch làm việc với người đứng đầu cơ sở G.O, chúng tôi được dẫn qua một văn phòng khá khang trang nằm trong khuôn viên một công ty bên cạnh. Một người đàn ông trung niên tự xưng là chủ đất ra làm việc. Sau khi bị PV từ chối vì không đúng vai trò, trách nhiệm, người đàn ông này bỏ đi và một người khác tên là V.T.L tự giới thiệu là Giám đốc một Công ty TNHH thương mại và dịch vụ, đại diện cho cơ sở kinh doanh G.O Sau khi PV giới thiệu về việc thực hiện chuyên đề: “Chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ, hàng hóa đối với khách du lịch trong nước và quốc tế”  và làm việc, xác minh theo đơn thư phản ánh của du khách quốc tế thì ông này liên tục từ chối và bất hợp tác. Khi PV ngỏ ý tham quan cơ sở người đàn ông này cho hay: “Không thể tham quan, vì chỉ phục vụ khách tour Hàn Quốc… đâu có thể vào đó (cơ sở G.O) được… Việc kiểm tra đã có bên Quản lý thị trường họ làm định kỳ rồi!?...” Khi PV đặt câu hỏi: Chúng tôi có thông tin cho rằng, ở đây anh chỉ đứng pháp nhân thôi, còn chủ cơ sở đứng phía sau là người nước ngoài? Ông V.T.L ngập ngừng đáp: “Mấy anh có làm việc gì thì làm với em, chứ họ (Chủ cơ sở người nước ngoài) chỉ buôn bán thôi chứ có làm gì đâu…”.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù đăng ký pháp nhân của cơ sở kinh doanh dịch vụ khép kín này do ông V.T.L đứng tên, tuy nhiên quá trình vận hành, cách thức hoạt động đều do chủ người nước ngoài đứng sau điều khiển. 

Hàng giả bán công khai

Ngoài thực trạng các sản phẩm loạn giá gắn mác “đặc sản”, thì lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thời trang có dấu hiệu nhái hàng hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai, cũng rất phức tạp.

Trong vai khách du lịch, PV được mời chào những mẫu túi xách, mà theo lời nhân viên bán hàng quảng cáo là “trend nhất hiện nay”. Những mẫu hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ ở Việt Nam như: Chanel, Gucci, Burberry, Christian Dior, Louis Vuiton, Charles & Keith, Clarks… với giá rẻ “thật bất ngờ”. Có thể vì đối tượng khách hàng hầu hết là người nước ngoài, nên nhân viên bán hàng còn nghi ngờ chúng tôi là người thuộc các lực lượng chức năng tới kiểm tra, dò hàng nên né tránh các câu hỏi về việc đây là hàng chính hãng hay hàng “fake”. Thế nhưng, sau khi chúng tôi ngỏ ý rằng muốn mua túi xách tặng bạn gái, nhân viên cửa hàng liền nhiệt tình tư vấn hết hãng này tới hãng khác. Với các túi xách nhái theo các thương hiệu nổi tiếng Hermes có giá 9.750.000 VNĐ, túi Christian Dior Paris có giá 5.000.000 VNĐ, túi Prada Milano có giá 4.620.000 VNĐ, túi Celine có giá 6.100.000 VNĐ… có những sản phẩm cao cấp mức giá lên đến 10 - 18 triệu đồng/túi.

 

Túi xách nhái thương hiệu PRADA được bày bán với giá 4.620.000 VNĐ

Trong khi đó giá các sản phẩm chính hãng như túi Hermes Kelly dao động trong khoảng từ 7.000 USD cho đến 30.000 USD. Đây là mức giá trung bình. Đối với các sản phẩm thiết kế theo hướng “Limited” giá sẽ cao hơn rất nhiều. Có những chiếc túi giá có thể dao động đến vài tỷ đồng tiền Việt Nam; túi Christian Lady Dior Micro giá từ 3.500 – 3.800 USD, tức là khoảng 84 triệu – 91,2 triệu, túi Dior Lady size Medium chất liệu da Calfskin giá từ 5.200 – 5.800 USD, tức là khoảng 124,8 – 139,2 triệu…

Khi được hỏi về các sản phẩm bày bán tại cửa hàng có phải là sản phẩm chính hãng hay không, nhân viên bán hàng tại cửa hàng hồn nhiên cho biết: “Đương nhiên đây là hàng fake, cửa hàng chỉ có hàng này thôi, đây không phải sản phẩm chính hãng, mà hàng bên em là rep 1:1, giống với sản phẩm chính hãng đến 99%”. Theo lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, hàng nhái nhưng chất lượng rất được, từ chất liệu đến kiểu dáng, đường may, thoạt nhìn không khác gì hàng chính hãng. Như vậy, khách du lịch sẽ phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu, kém chất lượng, nếu ai chưa từng dùng hàng chính hãng thì cũng không thể nhận biết đó là hàng nhái.

Hầu như các sản phẩm túi xách, giày dép, thắt lưng… ở đây đều được gắn thêm nhãn mác mang tên cửa hàng, tem giá bán, còn thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ thì hoàn toàn không có. Sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, nhưng lại được bán với giá cao ngất ngưởng? Nhân viên bán hàng khẳng định chắc nịch có hẳn thẻ của thương hiệu túi xách chính hãng như Chanel, Gucci, Burberry, Christian Dior, Louis Vuiton, Charles & Keith, Clarks… được gia công bằng vật liệu tốt nhất, gần giống mẫu mã chính hãng nên sản phẩm với đầy đủ hộp, bao bì, catalogue đi kèm mã QRCode, logo… nhưng khi quét mã sản phẩm thì không dẫn tới trang web của cửa hàng chính hãng. Điều đáng nói, là hàng nhái nhưng gắn mác thương hiệu được “thay đổi danh phận” đội giá lên cao.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm túi xách, giày, dép nam và nữ dán mác thương hiệu nổi tiếng đang được bày bán trong các cửa hàng nêu trên đều không thể xuất hoá đơn theo yêu cầu của khách hàng, nhân viên tại cửa hàng cho biết “Bên em chỉ xuất được hóa đơn của cửa hàng, không có hóa đơn đỏ”. Theo quan sát của PV, lượt khách ra vào và mua sắm các cơ sở này khá đông,  lợi nhuận thu được từ bán các sản phẩm quần áo, giày, túi xách… không rõ nguồn gốc, xuất xứ là rất lớn. Vậy với việc bán các sản phẩm mang giá trị cao nhưng không xuất được hóa đơn, phải chăng đây là hành vi trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước!? 

Để giải đáp các nghi vấn đặt ra, cần sự vào cuộc nhanh chóng các cơ quan, ban ngành liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh, nhằm trả lại môi trường kinh doanh cạnh tranh văn minh, lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là du khách quốc tế.

Được biết, vào tháng 02/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 09 cửa hàng kinh doanh chuyên bán hàng hóa cho du khách quốc tế. Qua kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 250 đơn vị sản phẩm là túi xách, ví, giày, đồng hồ đeo tay… có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Christian Dior, Rolex đang được bảo hộ tại Việt Nam.

**

Để bảo vệ người tiêu dùng nói chung, bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010; Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Bộ luật Hình sự cũng đã quy định lừa dối khách hàng là tội phạm, bên cạnh đó là các tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội buôn lậu...

Như vậy, dường như các quy định của pháp luật đã khá đầy đủ, vấn đề là các cơ quan chức năng thực thi pháp luật như thế nào, đây là vấn đề chung, cũng là vấn đề nóng của Đà Nẵng, một thành phố du lịch phát triển, thu hút không chỉ khách du lịch trong nước mà nhiều khách du lịch quốc tế.

 

Bên trong cơ sở G.

 

NHÓM PV