Tạp chí Tòa án nhân dân số 4 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 4, kỳ II tháng 02 năm 2024 xuất bản ngày 25 tháng 02 năm 2024.

       Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 4 năm 2024, cụ thể như sau:

       Bài viết Chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội” của tác giả Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Ngô Thị Phương Nam - Phan Lê Mai Thảo viết: “Chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện là vấn đề pháp lý mới được xây dựng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Giải pháp này được xem là cách thức để đa dạng hóa và linh hoạt hóa các chế độ bảo hiểm xã hội, nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và thu hút sự tham gia từ người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi”. Bài viết tập trung phân tích các điểm quan trọng về quyền lợi và điều kiện để được hưởng chế độ, chỉ ra ưu điểm và hạn chế của chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đồng thời, tác giả sẽ so sánh và đối chiếu chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chế độ tương tự trong các hệ thống bảo hiểm xã hội của các quốc gia khác; qua đó, sẽ đánh giá khía cạnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, từ đó, đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam.

       Bài viết “Một số vấn đề về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của tác giả Hồ Quân và tác giả Ngô Thị Thùy Trang viết: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành của Nhà nước ta”. Bài viết tập trung phân tích thực trạng việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và kiến nghị những giải pháp nhằm hoàn thiện nguyên tắc này.

        Trong bài viết “Chế định đồng phạm: vướng mắc và kiến nghị”, các tác giả Võ Minh Tuấn và Võ Hồng Ánh Vân nêu đánh giá: “Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tính nguy hiểm cho xã hội, là cơ sở cho việc định tội danh, định khung hình phạt, áp dụng tình tiết tăng nặng và phân hóa trách nhiệm hình sự trong quá trình xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và áp dụng pháp luật, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc”. Bài viết tập trung phân tích một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

       Trong bài viết “Hoàn thiện quy định về hoạt động chứng minh trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015”, tác giả Nguyễn Thanh Quyên và Dũng Thị Mỹ Thẩm nhận định: “Các khái niệm và nguyên tắc cơ bản về chứng cứ, chứng minh; quyền và nghĩa vụ chứng minh; nguyên tắc, thủ tục về thu thập và đánh giá chứng cứ đã được quy định đầy đủ, chi tiết trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Các quy định về chứng cứ, chứng minh được xây dựng bảo đảm nguyên tắc sự bình đẳng và cơ hội trong việc thu thập và xuất trình chứng cứ cho Tòa án; Tòa án chủ động trong quá trình chứng minh, bảo đảm xác định sự thật của vụ án”. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích, chỉ ra những bất cập và những tồn tại cần khắc phục của pháp luật về hoạt động chứng minh. Từ kết quả nghiên cứu nói trên, bài viết đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính liên quan đến chế định chứng minh, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án hành chính.

       Bài viết “Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên” của tác giả Ngô Thị Mai phân tích các quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, chỉ ra một số bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

       Với bài viết “Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến”, tác giả Hồ Thùy Huyền và Lý Thành Nhân nhận định: “Hiện nay, hệ thống Tòa án Việt Nam đang phải đối diện với một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xét xử khi một số nơi chưa đáp ứng đủ điều kiện về công nghệ, kỹ thuật và năng lực, đặc biệt là trong hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến”. Bài viết trình bày đôi nét về những quy định, điều kiện cần tuân thủ khi tổ chức phiên tòa trực tuyến tại Việt Nam. Kết hợp với việc nghiên cứu thực tiễn thông qua các vụ việc được giải quyết bằng phiên tòa trực tuyến, nhóm tác giả phân tích những điểm bất cập, thiếu sót; từ đó so sánh, đối chiếu với hệ thống pháp luật nước ngoài như Trung Quốc, Australia để gợi mở những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

       Bài viết “Bàn về thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án - Cơ hội, thách thức và giải pháp hoàn thiện trong bối cảnh hiện nay” của tác giả Bùi Lê Hiếu viết: “Thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Trong bối cảnh hội nhập và kỷ nguyên số hiện nay, thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án có những cơ hội và thách thức nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Tòa án”. Bài viết này, tác giả phân tích, nêu khái quát về thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án cùng những cơ hội và thách thức trong giai đoạn hiện nay từ đó trình bày những quan điểm và giải pháp hoàn thiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án, nhằm nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức, đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền tư pháp vững mạnh trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

        Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 4, kỳ II tháng 02 năm 2024.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

BTK