Hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và phát triển bền vững BHYT toàn dân

Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục khẳng định BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. BHXH tiếp tục vạch ra các giải pháp nhằm phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và phát triển bền vững BHYT toàn dân.

Đến nay, sau gần 6 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đã đạt gần 90% dân số; số người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế.

Thời gian tới, việc phát triển bền vững chính sách BHYT ở nước ta gặp phải những thách thức. Do đó, để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và hoàn thiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo phát triển đối tượng tham gia BHYT một cách bền vững.

Sáu tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng trên phạm vi toàn quốc gây thiệt hại đáng kể đến tình hình kinh tế, xã hội… đất nước; nhiều doanh nghiệp lớn phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc. Song song đó, do đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng rất quan tâm đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT để đạt được những kết quả tích cực.

Nhằm tiếp tục phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và phát triển bền vững BHYT toàn dân, 6 tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam tập trung thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

BHXH xác định nhiệm vụ đầu tiên cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp cả phương thức tuyên truyền truyền thống và tuyên truyền qua mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT để người dân tích cực, tự giác tham gia.

Song song với đó, BHXH địa phương cần thường xuyên báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 11/CT-TTg.

BHXH tiếp tục nắm bắt sát sao tình hình các doanh nghiệp hoạt động trở lại, kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó; đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT bắt buộc đối với các lao động tuyển dụng mới thuộc diện tham gia, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không lương quay trở lại làm việc theo đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh rà soát dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để xác định đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác triệt để đối tượng thuộc nhóm người sử dụng lao động và người lao động tham gia BHXH, BHYT.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đột xuất đối với đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, kiên quyết xử lý vi phạm. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT bắt buộc số lượng lớn người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT và thời gian kéo dài thì chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an điều tra, truy tố, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cuối cùng, tiếp tục tổ chức các đợt phát động tuyên truyền, Lễ ra quân, để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ nay cho đến cuối năm 2020. Tiếp tục phối hợp với Bưu điện địa phương tổ chức các hội nghị khách hàng để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện có hiệu quả về giao dịch hồ sơ điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH trong đó có công tác thu BHXH.

Với những kết quả vượt bậc đã đạt được trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thời gian qua, có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT đã thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nước ta, là chính sách an sinh không thể thiếu trong đời sống của người dân, là lưới an sinh đảm bảo giảm đói nghèo và bảo vệ người dân khi không may gặp bất trắc, khi già cả, ốm đau…

Để hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo phát triển bền vững BHYT toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian tới./.

YẾN NHI