Q phạm hai tội Trộm cắp tài sản và Cướp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Phan Thành Nhân đăng ngày 21/3/2024, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng hành vi của Q đã thỏa mãn cấu thành tội Trộm cắp tài sản và tội Cướp tài sản.

Để xác định tội danh trong trường hợp này, cần xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm. Cụ thể:

- Đối với tội Trộm cắp tài sản: Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý của người khác. Đặc điểm pháp lý đặc trưng của tội trộm cắp tài sản để phân biệt với các tội danh xâm phạm sở hữu khác là hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản đang trong sự chiếm hữu của người khác. Ý thức chủ quan của người phạm tội chỉ lén lút với chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp. Việc chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý của chính bản thân mình thì không thuộc trường hợp phạm tội Trộm cắp tài sản. Tài sản được coi là đang trong sự quản lý của người khác là tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là nằm trong sự chi phối thực tế của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp; tài sản đang còn trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp.

Việc xác định thời điểm hoàn thành của tội trộm cắp tài sản được xác định trong ba trường hợp: Nếu vật chiếm đoạt nhỏ gọn thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người; nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản; nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.[1]

Trong vụ án tác giả nêu ra, Q đã có hành vi lén lút đi vào nhà của chị B để lấy chiếc xe mô tô đang để trong sân nhà. Sau đó, Q dẫn xe đến tiệm sửa xe để nhờ khởi động xe với lý do làm rơi chìa khóa. Như vậy, hành vi của Q đã xâm phạm đến quyền sở hữu xe mô tô của chị B, lén lút chiếm đoạt nên hành vi của Q đã thỏa mãn cấu thành tội Trộm cắp tài sản. Thời điểm Q dắt xe mô tô ra khỏi khu vực quản lý, tức là dắt ra khỏi nhà chị B thì tội Trộm cắp tài sản đã hoàn thành.

- Đối với tội Cướp tài sản: Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án trên, khi chị B đi qua Trạm y tế xã V thì phát hiện chiếc xe mô tô của mình bị mất nên B đã vào trong và hỏi. B và Q xảy ra cãi vã. Khi Q lên xe định tẩu thoát thì B nắm tay xe ngăn không cho Q rời đi nên bị Q dùng vũ lực là dùng tay đánh vào gò má, dùng chân đạp vào đùi và chân của chị B làm chị B lùi lại phía sau.  Q quay đầu xe mô tô hướng ra đường ngồi lên xe nổ máy định chạy thì chị B dùng hai tay nắm vào quay yên xe kéo lại, Q quay lại nói “bà buông tay ra, không tôi đánh bà” rồi Q dùng tay đánh một cái từ trên xuống trúng vào mu bàn tay trái của chị B. Rõ ràng ở đây, Q khi bị chị B phát hiện đã dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được chiếc xe mô tô nên hành vi của Q thỏa mãn cấu thành tội Cướp tài sản.

Ngoài ra, về vấn đề chuyển hóa từ tội Trộm cắp tài sản thành tội Cướp tài sản, tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP,

“Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.”. Nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản mà bị bị hại hoặc người khác giành lại, người phạm tội tiếp tục sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản thì phạm tội Cướp tài sản, hay nói cách khác là chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản sang tội Cướp tài sản. Tuy nhiên, giữa hành vi lén lút chiếm đoạt – bị phát hiện, giành lại -dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản phải có sự liền kề về mặt thời gian.

Tôi cũng không đồng tình với quan điểm Q phạm tội Trộm cắp tài sản với tình tiết hành hung để tẩu thoát bởi chỉ áp dụng tình tiết này trong trường hợp người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ nhằm tẩu thoát chứ không nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản.

 

[1] GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Phần các tội phạm, Quyển 1, tr. 296

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

Toà án nhân dân huyện Kon Plông, Kon Tum đã mở phiên toà xét xử vụ án “ Cướp giật tài sản” - Ảnh: Dũng Mạnh