Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2024

Tạp chí Tòa án nhân dân số 02, kỳ II tháng 01 năm 2024 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2024

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2024, cụ thể như sau:

          Bài viết “Nhận thức khoa học mới về các nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam” của tác giả Lê Văn Cảm và Huỳnh Trung Trực nêu nhận định: Xuất phát từ thực tiễn lập pháp hình sự Việt Nam sau hàng chục năm qua và thực tiễn xã hội vừa qua, bài viết này đề cập đến nhận thức khoa học mới về nguyên tắc của luật hình sự, đưa ra khái niệm khoa học về nguyên tắc của luật hình sự và chỉ ra hệ thống (số lượng) của chúng, đồng thời xây dựng mô hình lập pháp đối với chế định nhỏ của pháp luật hình sự Việt Nam trong tương lai.

          Bài viết “Pháp luật tố tụng hình sự về xét xử các tội phạm xâm hại trẻ em” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng - Phạm Thị Tuyết Mai viết tập trung nghiên cứu thực trạng pháp luật tố tụng hình sự hiện hành liên quan đến hoạt động xét xử các vụ án hình sự về tội phạm xâm hại trẻ em như: nguyên tắc xét xử; thẩm quyền và thời hạn xét xử; vấn đề cách ly bị hại là trẻ em tại phiên tòa… Trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan.

          Trong bài viết “Bàn về các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP”, tác giả Nguyễn Văn Dũng viết: “Sự phát triển nhanh của đời sống xã hội kéo theo sự đa dạng về đối tượng, cách thức, mục đích thực hiện hành vi phạm tội, làm phát sinh những tình tiết, sự việc mới, tạo nên những cách hiểu, cách giải quyết khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, quyết định hình phạt liên quan đến loại tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi”. Bài viết trao đổi một số vấn đề về định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác giải quyết, xét xử án hình sự tại Tòa án các cấp.

          Trong bài viết “Quy định của pháp luật hiện hành về bào chữa viên nhân dân và hướng hoàn thiện trong thời gian tới”, tác giả Nguyễn Việt Dũng - Lê Hồng Anh nêu nhận định: “Hoạt động của bào chữa viên nhân dân là một trong các hình thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Hiện nay, đã có chế định về bào chữa viên nhân dân, tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn khi thực hiện”. Bài viết phân tích các quy định pháp luật hiện hành về bào chữa viên nhân dân, thực trạng tham gia của bào chữa viên nhân dân trong giai đoạn xét xử và đề xuất phương hướng hoàn thiện trong thời gian tới.

          Bài viết “Hoàn thiện quy định về tội “cố ý gây thương tích” của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Huỳnh Hải Duy viết: “Tội cố ý gây thương tích là loại tội phạm phổ biến, thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp, trực tiếp xâm hại đến tính mạng và sức khỏe của con người”. Bài viết phân tích khái quát về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 và chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trên thực tế. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về tội cố ý gây thương tích.            

          Với bài viết “Những điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện và kiến nghị”, tác giả Dũng Thị Mỹ Thẩm viết: “Quá trình triển khai thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện cho thấy những bất cập, hạn chế nhất định. Vì vậy, ngày 31/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện”. Bài viết chỉ ra những điểm mới của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp điện và đưa ra một số kiến nghị áp dụng pháp luật.

          Bài viết “Thực trạng áp dụng pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” của tác giả Nguyễn Hồng Thanh - Châu Thanh Quyền viết: “Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề này hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau, vì vậy cần có hướng dẫn để việc áp dụng pháp luật được thống nhất”. Bài viết tập trung phân tích cơ sở lý luận và quy định pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; thực trạng áp dụng pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và đề xuất một số kiến nghị.

          Bài viết “Nghĩa vụ hoàn trả tài sản khi được lợi không có căn cứ pháp luật qua phân tích một số bản án thuộc hệ thống thông luật” của tác giả Châu Thị Vân viết: “Hoàn trả tài sản do được lợi không có căn cứ pháp luật là một nghĩa vụ được pháp luật quy định. Nghĩa vụ này chỉ phát sinh dựa trên các điều kiện nhất định như một bên được lợi, một bên bị thiệt hại; bên được lợi đã đạt được lợi ích nhờ vào chi phí hoặc công sức của bên bị thiệt hại; khoản lợi không dựa trên căn cứ pháp luật. Ngoài điều kiện chung, nghĩa vụ hoàn trả tài sản có thể được xem xét những điều kiện riêng. Các điều kiện riêng được xem xét theo từng vụ án”. Bài viết này làm rõ các điều kiện riêng làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản trong một số trường hợp qua phân tích một số bản án thuộc hệ thống thông luật, từ đó đưa ra những bình luận cụ thể và đề xuất hoàn thiện pháp luật Việt Nam.                                                             

         Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02, kỳ II tháng 01 năm 2024.

 

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK