Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21, kỳ I tháng 11 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2023, cụ thể như sau:

Trong bài viết “Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng đất trồng cây lâu năm vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”, tác giả Nguyễn Văn Ngươn nêu nhận định: “Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính về sử dụng đất trồng cây lâu năm vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu. Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất trồng cây lâu năm vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép được quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ”. Bài viết trình bày những vướng mắc, bất cập trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất trồng cây lâu năm vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện.

          Bài viết “Di sản dùng vào việc thờ cúng theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Đặng Thị Thu Phương viết: “Việc thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của người Việt Nam, đây cũng là một điểm khác biệt so với một số quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, pháp luật dân sự Việt Nam sớm đã ghi nhận quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Hiện nay, quy định này được ghi nhận cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và được đánh giá là có nhiều tiến bộ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập”. Bài viết này, trên cơ sở phân tích quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về di sản dùng vào việc thờ cúng, tác giả chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.   

          Trong bài viết “Quan hệ phối hợp giữa cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phòng ngừa tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy nêu quan điểm: “Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Đây là loại hình đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, trong đó phải bảo đảm điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Do đó, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, cần xác định rõ quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng này”. Bài viết (i) nghiên cứu và nêu rõ cơ sở pháp lý, nội dung, phương pháp, hình thức phối hợp của hai lực lượng; (ii) đánh giá thực trạng quan hệ phối hợp và (iii) kiến nghị một số giải pháp để nâng cao quan hệ phối hợp của hai lực lượng này nhằm phòng ngừa tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

          Trong bài viết “Bàn về cơ sở pháp lý của định tội danh đối với hành vi gián điệp theo Luật Hình sự Việt Nam”, tác giả Bùi Đình Tiến luận giải cơ sở pháp lý và làm rõ thực tiễn định tội danh đối với hành vi gián điệp, bài viết chỉ ra những bất cập trong quy dịnh của pháp luật và một số hạn chế trong thực tiễn định tội danh đối với hành vi phạm tội này. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định của Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 2015 và nâng cao hiệu quả cho việc định tội danh đối với hành vi gián điệp.        

          Trong bài viết “Bàn về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử hiện nay”, tác giả Nguyễn Ngọc Thảo Phương nêu đánh giá: “Báo điện tử đang trở thành kênh truyền thông có nhiều ưu điểm vượt trội, đặt các phương tiện truyền thông đại chúng khác vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Bên cạnh đó, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng cũng diễn ra phổ biến ở nước ta”. Bài viết phân tích những nội dung cơ bản của pháp luật về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử cùng tình hình xâm phạm trên thực tế, chú trọng nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật về các biện pháp bảo vệ cùng thực tiễn thực thi, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử.                                 

          Bài viết “Điều kiện về tính nguyên gốc trong tác phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo” của tác giả Nguyễn Đặng Hồng Thiên viết: “Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) đang dần trở thành một chủ thế sáng tạo có thể thay thế con người, các tác phẩm được tạo ra từ AI đặc biệt là các tác phẩm ngày càng chân thật, chất lượng và có giá trị. Điều này đặt ra cho pháp luật của các quốc gia trên thế giới về vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra từ AI”. Bài viết tập trung luận bàn về tính nguyên gốc trong tác phẩm được tạo ra từ AI và từ đó đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

          Bài viết “Đổi mới tư duy lập pháp: kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay” của tác giả Phạm Trọng Nghĩa và Trần Hà Thu viết: “Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử của đất nước. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi sự phát triển, thích nghi và đổi mới của tư duy lập pháp để bảo đảm tính công bằng, phát triển bền vững và bảo vệ quyền con người. Nhằm phục vụ quá trình đổi mới tư duy lập pháp ở Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết”. Bài viết dưới đây nghiên cứu những khía cạnh mới, cách tiếp cận mới đối với những yếu tố tác động để tư duy lập pháp và đổi mới tư duy lập pháp ở một số quốc gia trên thế giới, đó là: tư duy về vận động chính sách, tư duy về mối quan hệ giữa nghị viện và chính phủ trong hoạt động lập pháp, tư duy về việc mở rộng sáng kiến lập pháp của người dân. Trên cơ sở sơ lược một số phương hướng mà bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đặt ra, bài viết đề xuất một số giải pháp đổi mới tư duy lập pháp để đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Trong Tạp chí số 21 năm 2023, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc Kỳ I của bài viết này. Nội dung tiếp theo sẽ được đăng tải trong Tạp chí số 22 năm 2023.

         Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 21, kỳ I tháng 11 năm 2023.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

BTK