Trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Bài viết phân tích quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, khái quát những quy định phù hợp, đồng thời chỉ ra những quy định không phù hợp và đề xuất hướng hoàn thiện các quy định tương ứng.

1. Khái quát quy định của BLHS năm 2015 

BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại chương XII gồm 5 nhóm quy định cụ thể gồm: 1/ Các quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; 2/ Các biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; 3/ Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 4/ Hình phạt; 5/ Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích. Nhìn chung, quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã kế thừa các quy định tương ứng của BLHS năm 1999 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của Việt Nam.

Có thể khái quát chung về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội qua các nội dung chính sau đây:

Trước hết, tư tưởng chỉ đạo hoạt động xử lý đối với mọi trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. So với quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trước kia, BLHS năm 2015 đã nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế về bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi như một nguyên tắc của hoạt động xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với với người dưới 18 tuổi phạm tội vì nó đặt nền móng để cho các quy định khác của BLHS về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trên cơ sở đó, BLHS quy định các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội gồm:

Một là, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Hai là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Ba là, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Bốn là, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

Năm là, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Sáu là, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đồng thời, khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Bảy là, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tám là, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Bên cạnh quy định về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội nêu trên, BLHS quy định các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội qua ba nhóm quy định lớn: 1/ Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự gồm biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 2/ Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 3/ Hình phạt.

Các quy định về cả ba nhóm biện pháp xử lý trên đều có quy định cụ thể về điều kiện và nội dung áp dụng.

Nhóm quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn chung kế thừa các quy định tương ứng từ BLHS năm 1999 với bốn loại hình phạt gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Trừ hình phạt cảnh cáo, ba hình phạt còn lại khi được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đều với mức thấp hơn so với mức áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng.

Ngoài ra, BLHS cũng quy định về quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt và xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Những quy định này cũng thể hiện tinh thần kế thừa giá trị từ các quy định của BLHS năm 1999 và phù hợp với quy định từ các nguyên tắc chung trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Riêng quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là quy định mới được BLHS năm 2015 bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng của người dưới 18 tuổi phạm tội.

So với quy định của tương ứng của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm bảo đảm sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường bảo vệ người chưa thành niên, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội được ghi nhận tại Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ chính trị đồng thời bảo đảm sự phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các chuẩn mực pháp lý quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên.[1]

Nghiên cứu tổng thể các quy định về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chúng tôi nhận thấy những quy định này về cơ bản là phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước đặc biệt là chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với pháp luật quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

2. Một số kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật

Để BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thực sự tạo cơ sở pháp lý tốt nhất cho việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, chúng tôi nhận thấy cần tiếp tục hoàn thiện các quy định này ở những điểm sau:

Một là, sửa quy định về hình phạt tiền theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Hiện nay, BLHS quy định phạt tiền là 1 trong 4 hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tuy nhiên lại giới hạn chỉ áp dụng hình phạt này đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Việc giới hạn này làm cho phạm vi hình phạt không tước tự do đối với người dưới 16 tuổi phạm tội bị thu hẹp trong khi cơ sở của sự thu hẹp này không thật phù hợp. Nếu như căn cứ vào độ tuổi lao động phổ biến để xác định đa số các cháu dưới 16 tuổi chưa có thu nhập hay ở độ tuổi này các cháu chưa nhận thức đúng giá trị của tiền bạc cũng như ý nghĩa của hình phạt tiền thì những căn cứ này không đúng với mọi trường hợp. Thực tế quan sát của chúng tôi cho thấy những cháu có tài năng đặc biệt có thể lao động (đặc biệt là lao động nghệ thuật) từ khi còn nhỏ hay những cháu được tặng, cho, tài sản để có tài sản riêng thì việc các cháu có thu nhập hay có tài sản riêng không chỉ đúng khi các cháu đủ 16 đến dưới 18 tuổi tuổi mà hoàn toàn đúng với độ tuổi 14 đến dưới 16. Nhận thức của trẻ em về giá trị của tiền bạc đang có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây khi số trẻ em chủ động tham gia thực hiện các công việc để có thu nhập ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc bổ sung hình phạt này trong số những hình phạt áp dụng đối với người dưới 16 tuổi phạm tội vẫn chịu sự ràng buộc của những quy định khác của BLHS để bảo đảm việc áp dụng hình phạt này chỉ được thực hiện trong những trường hợp cần thiết và hợp lý để đạt được mục đích của hình phạt. Sửa đổi này hoàn toàn phù hợp với tinh thần: “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm” của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2002 của Bộ chính trị về Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy: BLHS Thụy Điển quy định các hình phạt đối với người phạm tội nói chung gồm: phạt tiền, phạt tù, hình phạt có điều kiện, buộc phải chịu thử thách và đưa vào cơ sở chăm sóc đặc biệt và chỉ giới hạn “không áp dụng chế tài đối với người phạm tội khi chưa đủ 15 tuổi” (Điều 6 BLHS Thụy Điển) chứ không quy định giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với bất kỳ độ tuổi nào. Tương tự như vậy, BLHS Singapore quy định hình phạt đối với người phạm tội nói chung gồm các hình phạt: tử hình, tù, tịch thu tài sản, phạt tiền và đánh roi và không có quy định nào loại trừ việc áp dụng hình phạt tiền với người trong độ tuổi nhất định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hai là, diễn đạt lại quy định về hình phạt cho rõ ràng, chính xác.

Hiện nay, quy định về mức hình phạt áp dụng hay quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được xây dựng trên cơ sở quy định về hình phạt đối với người đủ 18 tuổi trong trường hợp phạm tội tương ứng. Theo đánh giá của chúng tôi, các quy định này nhìn chung phù hợp về nội dung nhưng cách diễn đạt chưa khoa học, thậm chí có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác.

Tại Điều 101 BLHS, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Những từ in nghiêng trên đây là những từ không chính xác hoặc không rõ nghĩa. Trước hết, cụm từ nếu điều luật được áp dụng không chính xác vì khi áp dụng hình phạt đối với phạm tội, Tòa án phải căn cứ vào khung hình phạt cụ thể của điều luật đang được áp dụng để xác định loại và mức hình phạt đối với cả người đủ 18 tuổi và người chưa đủ 18 tuổi. Như vậy, nội dung Điều 101 BLHS cần chuyển tải tại khoản 1 là: nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; tương tự như vậy, nội dung khoản 2 cần chuyển tải là: nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù. Bên cạnh đó, vế sau của hai khoản này đều sử dụng cách nói tắt, không phù hợp với cách thể hiện trong một điều luật. Nội dung ở vế thứ hai trong cả khoản 1 và khoản 2 của Điều 101 đều nối tiếp vế thứ nhất và chuyển tải nội dung: nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng…

Vì vậy, Điều luật này cần được sửa lại như sau:

“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt nặng nhất là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu khung hình phạt được áp dụng quy định hình phạt nặng nhất là tù có thời hạn có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Ba là, sửa quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Hiện nay Điều 103 BLHS quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Chúng tôi đánh giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều luật này phù hợp nhưng quy định tại khoản 3 cần được xem xét. Cụ thể, khoản 3 Điều 103 BLHS quy định cách tổng hợp hình phạt đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi và chia thành hai trường hợp như sau:

- Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 103 BLHS (tối đa là 18 năm tù nếu các hình phạt được tổng hợp là hình phạt tù có thời hạn).

- Nếu mức hình phạt Tòa án tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội (tối đa là 30 năm tù nếu các hình phạt được tổng hợp là tù có thời hạn).

Nếu chỉ đọc hai nhóm quy định và không áp dụng vào các trường hợp giả tưởng cụ thể thì hầu như chúng được đánh giá là hợp lý. Tuy nhiên, trong các trường hợp giả định khác nhau mà chúng tôi phân tích thì cho thấy hoàn toàn có thể xuất hiện hai trường hợp gây băn khoăn sau đây:

Trường hợp 1: Khi 17 tuổi, A phạm tội thứ nhất (giả sử là tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS. Đến năm 19 tuổi, A lại tiếp tục phạm tội thứ hai (giả sử tội giết người thuộc khoản 1 Điều 123 BLHS). Tòa án quyết định hình phạt đối với tội thứ nhất 16 năm tù và hình phạt đối với tội thứ hai cũng là 16 năm tù. Lúc này, quy định được vận dụng để tổng hợp hình phạt đối với A là quy định tại điểm a khoản 3 Điều 103 BLHS, theo đó mức hình phạt tối đa được áp dụng đối với A là 18 năm tù.

Trường hợp 2: Khi 17 tuổi, B phạm tội thứ nhất (giả sử cũng là tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS. Đến năm 19 tuổi, B lại tiếp tục phạm tội thứ hai (giả sử cũng là tội giết người thuộc khoản 1 Điều 123 BLHS). Tòa án quyết định hình phạt đối với tội thứ nhất 15 năm tù và hình phạt đối với tội thứ hai là 16 năm tù. Lúc này, quy định được vận dụng để tổng hợp hình phạt đối với A là quy định tại điểm b khoản 3 Điều 103 BLHS, theo đó mức hình phạt tối đa được áp dụng đối với A là 30 năm tù.

Phân tích hai trường hợp trên cho thấy tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà A và B thực hiện không khác nhau, thậm chí mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà A và B thực hiện cũng có thể tương đương nhau. Tuy nhiên, có thể chỉ vì ở tội thứ nhất do có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với A nên hình phạt B được tuyên thấp hơn 1 năm tù so với hình phạt A được tuyên về tội thứ nhất mà hậu quả pháp lý là giới hạn hình phạt tối đa được sử dụng để tổng hợp hình phạt đối với B tăng lên 12 năm tù so với giới hạn hình phạt tối đa được sử dụng để tổng hợp hình phạt đối với A. Sự bất hợp lý rất đáng kể này cần được khắc phục ngay bằng cách sửa quy định tại khoản 3 của Điều 103 BLHS.

Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng cần sửa tiêu chí loại bỏ tiêu chí để phân chia cách tổng hợp hình phạt liên quan đến việc so sánh mức hình phạt giữa tội được thực hiện trước khi người đó đủ 18 tuổi với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 18 tuổi. Tiêu chí này hoàn toàn không có giá trị để cân nhắc vì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm dù thực hiện ở độ tuổi nào đều đã được Tòa án đánh giá trên cơ sở các quy định của BLHS và thể hiện qua loại và mức hình phạt được áp dụng. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không cần có quy định riêng về tổng hợp hình phạt đối với trường hợp một người vừa có tội phạm được thực hiện trước khi người đó đủ 18 tuổi và có tội được thực hiện sau khi người đó đủ 18 tuổi mà sử dụng quy định chung về tổng hợp hình phạt đối với người đủ 18 tuổi.

TAND tỉnh Hòa Bình xét xử thẩm vụ án cố ý gây thương tích – Ảnh: Báo HB

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bình luận BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phần những quy định chung, Vụ pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018.

2. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

3. BLHS Thụy Điển (Bản dịch của Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010).

4. Penal code 1871 (BLHS Singapore), https://sso.agc.gov.sg/act/pc1871

 

[1] Bình luận BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phần những quy định chung, Vụ pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.316.

PGS.TS. CAO THỊ OANH, CN. NGUYỄN PHƯƠNG THẢO (Đại học Luật Hà Nội)