Trao đổi về xử lý tình huống phát sinh tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa  hình sự sơ thẩm

Sau khi đọc bài viết “Vướng mắc trong xử lý tình huống phát sinh tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm” của tác giả Vũ Tuấn Dũng, Vũ Tuấn Hai, đăng ngày 2/3/2022, tôi xin có ý kiến trao đổi.

Tình huống 1: Có chấp nhận anh trai của bị cáo đang là giảng viên của Trường đại học Luật bào chữa cho bị cáo không?

Tôi đồng ý với quan điểm 2, theo đó, chấp nhận anh trai bị cáo đang có mặt tại phiên tòa bào chữa cho bị cáo với điều kiện anh trai bị cáo không thuộc các trường hợp quy định ở khoản 4 Điều 72 BLTTHS. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 72 BLTTHS, anh trai của bị cáo được xem là người đại diện của người bị buộc tội. Vì, theo quy định tại Điều 85 BLDS, người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, nên anh trai của bị cáo tại phiên tòa có tư cách là đại diện theo ủy quyền của bị cáo để thực hiện quyền bào chữa. Do đó, để đảm bảo được quyền nhờ người khác bào chữa của bị cáo, đồng ý với đề nghị của bị cáo, chấp nhận anh trai là đại diện (theo ủy quyền) của người bị buộc tội.

Khi chấp nhận đề nghị này, tôi cho rằng không cần thiết phải yêu cầu bị cáo làm văn bản ủy quyền sau đó, mà Chủ tọa chỉ cần xác nhận lý chí của bị cáo và anh trai tại phiên tòa về việc đồng ý thực hiện việc ủy quyền và nhận ủy quyền của hai bên là được, Thư ký ghi vào biên bản phiên tòa là đủ.

Tình huống 2: Bị cáo, đương sự không đồng ý với việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử

Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thì khi phổ biến quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu Tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Như vậy, đối với những bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thì mới cần giải thích cho họ biết. Ngược lại, đối với những bản án, quyết định không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án thì không phải giải thích tại phiên tòa. Đồng thời, để đảm bảo quyền yêu cầu không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh được Chủ tọa sẽ hỏi lý do và quyết định trên cơ sở căn cứ ở Điều 4 Nghị quyết 03/2017. Lưu ý rằng, chỉ không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… trong bản án được công bố theo Điều 3 Nghị quyết 03/2017 chứ không phải là không công bố bản án.

Tình huống 3: Tại phiên tòa bị hại cung cấp USB có hình ảnh, băng ghi âm có nội dung liên quan đến vụ án

Tôi đồng ý với quan điểm giải quyết 2 nhưng có bổ sung như sau: Trong giai đoạn Chủ tọa phổ biến, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị hại theo Điều 62 BLTTHS, để đảm bảo quyền của bị hại, Chủ tọa sẽ hỏi bị hại có đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu không? Lúc này, bị hại sẽ cung cấp USB có hình ảnh, băng ghi âm có nội dung liên quan đến vụ án.

Theo yêu cầu của Chủ tọa, lực lượng hỗ trợ phiên tòa sẽ trình tài liệu này lên bàn Thư ký, Thư ký lập biên bản giao, nhận tài liệu trên, ghi vào biên bản phiên tòa. Chủ tọa tiếp tục phổ biến, giải thích quyền và nghĩa vụ còn lại đối với bị hại và những người tham gia phiên tòa, đồng thời kiểm tra những người tham gia tố tụng khác có cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu gì khác nữa không (đối với những người có quyền này), sau này giải quyết cùng lúc, tránh việc giải quyết lắc nhắc, thiếu khoa học.

Trước khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, HĐXX mới xem xét đến các chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Lúc này, HĐXX sẽ sử dụng trang thiết bị cần thiết tại phiên tòa để xem, nghe nội dung của USB, băng ghi hình… và quyết định có chấp nhận hay không. Tuy nhiên, cần lưu ý, tùy vào từng vụ án mà HĐXX quyết định xem xét công khai tại phiên tòa hoặc vào phòng nghị án. Bởi lẽ, đối với những vụ án mang tính nhạy cảm như: Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô… hoặc những vụ án có liên quan đến việc vi phạm thuần phong, mỹ tục, đặc biệt vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi thì việc xem xét tài liệu này phải hết sức chặt chẽ.

Trong trường hợp nội dung cung cấp này làm thay đổi bản chất của vụ án thì HĐXX nghị án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điều 280 BLTTHS, bởi lẽ, những tài liệu này phải được cơ quan có chuyên môn thâm định, kiểm tra, đánh giá tính xác thật của nó. HĐXX trong trường hợp này không đủ chuyên môn để kết luận tài liệu này có giá trị pháp lý hay không do hiện nay đoạn clip ghi âm, ghi hình đều có thể bị cắt ghép làm giả, chỉnh sửa…rất tinh vi.

Trong trường hợp với nội dung cung cấp mà HĐXX có đủ căn cứ cho rằng hoàn toàn không liên quan đến vụ án thì không chấp nhận và tiếp tục xét xử.

Trên đây là ý kiến cá nhân xin được trao đổi, thảo luận cùng tác giả và bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh khai mạc phiên tòa hình sự sơ thẩm - Ảnh: Di Linh

MAI THỊ THANH TRÚC (Thẩm phán Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 9)