Xét xử vụ Việt Á: Nhiệm vụ dù cấp bách cũng không thể là lý do để các bị cáo thực hiện hành vi gian dối, vì lợi ích của bản thân mình

Phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ liên quan đến công ty Việt Á và Học viện Quân y đã khép lại phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.

Trong phần thẩm vấn, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng đã truy tố. 

Khi tự bào chữa, bị cáo Hồ Anh Sơn đặt câu hỏi "Tôi chỉ có một câu không biết phải hỏi ai. Nếu ở hoàn cảnh như tôi, trước chất lượng hai loại kit như vậy, mọi người sẽ chọn cái nào, phải làm gì trong trường hợp đó?”

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó bào chữa rằng khi thực hiện nhiệm vụ này là tìm ra quy trình công nghệ sản xuất bộ kit xét nghiệm tối ưu và kết quả của đề tài là tài sản của Nhà nước. "Nếu tòa ghi nhận cái nhận thức đó thì tội danh của cả ba bị cáo có thêm sự khoan hồng".

Bị cáo Phan Quốc Việt phủ nhận cáo buộc "phạm tội vì động cơ vụ lợi" và nói sẵn sàng "hy sinh tính mạng" để chống dịch vì biết "cả nước cần kit test của Việt Á". Bị cáo Việt cho rằng khi tham gia nghiên cứu, sản xuất kit test cùng Học viện Quân y, Việt Á bị thiệt hại nhiều hơn là có lãi.

 

Quang cảnh phiên tòa

Sau phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo. Bản luận tội nêu rõ, bị cáo Phan Quốc Việt vì vụ lợi cá nhân, muốn bán được nhiều kit test đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đình Hiệp chi hơn 7,1 tỷ đồng cho các cá nhân thuộc Học viện Quân y. Cụ thể, Việt đã chi cho bị cáo Nguyễn Văn Hiệu hơn 3,5 tỷ đồng, Ngô Anh Tuấn hơn 1 tỷ đồng và Hồ Anh Sơn hơn 2,4 tỷ đồng…

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan nhà nước nên cần xử phạt mức hình phạt tương ứng.

Theo đó, bị cáo Phan Quốc Việt bị đề nghị mức án 15 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", từ 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Phan Quốc Việt là từ 25-26 năm tù. Ngoài ra công ty Việt Á phải trả 10,8 tỷ đồng đã nhận từ Học viện Quân y để thực hiện đề tài và thêm 20,6 tỷ đồng phạt hành vi vi phạm quy định đấu thầu, tổng hơn 31 tỷ đồng.

Bị cáo Phan Quốc Việt bị đề nghị mức án từ 25-26 năm tù

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: Bị cáo Hồ Anh Sơn bị đề nghị từ 11-13 năm tù, Trịnh Thanh Hùng bị đề nghị 15 năm tù.

Nhóm bị cáo còn lại bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" bị đề nghị các mức án gồm: Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị từ 6-7 năm tù, Nguyễn Văn Hiệu (cựu Đại tá, Trưởng phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y) từ 7-8 năm tù, Ngô Anh Tuấn (cựu Thiếu tá, Trưởng phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y) từ 3-5 năm tù, Lê Trường Minh (cựu Thiếu tá, Trưởng Ban Hóa dược, Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y) từ 6-7 năm tù.

 

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng bị đề nghị 15 năm tù

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như: Đã có nhiều thành tích trong quá trình công tác, gia đình có công với cách mạng, tự nguyện khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan Công an… để Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét cho các bị cáo giảm nhẹ hình phạt.

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, luật sư bào chữa, bản thân các bị cáo đã tham gia tranh luận, đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm làm giảm nhẹ mức độ hành vi cho các bị cáo.

Các luật sư bào chữa cho 7 bị cáo cùng cho rằng mức án với thân chủ còn quá nghiêm khắc. Luật sư bào chữa cho cựu thượng tá Hồ Anh Sơn cho rằng bị cáo Sơn không có âm mưu thủ đoạn, mục đích vụ lợi. Các bị cáo phạm tội trong trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết, trong tình thế chống dịch không có lựa chọn nào khác, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên… để biện hộ.

 

Bị cáo Hồ Anh Sơn bị đề nghị từ 11-13 năm tù

Kiểm sát viên VKS Quân sự thủ đô Hà Nội đã đối đáp các quan điểm của luật sư và bị cáo đã nêu. Đại diện VKS giữ quyền truy tố chỉ rõ hành vi gian dối của các bị cáo và nhấn mạnh rằng việc gian dối của bị cáo Hồ Anh Sơn trong việc nghiệm thu đề tài lần một là cơ sở tiên quyết để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép. Nhiệm vụ dù cấp bách cũng không thể là lý do để các bị cáo thực hiện hành vi gian dối, vì lợi ích của bản thân mình.

Theo đại diện VKS, Hành vi "thông đồng" giữa Phan Quốc Việt với Hồ Anh Sơn, Trịnh Thanh Hùng để "cài" Việt Á vào nghiên cứu kit test, đại diện VKS cho rằng 3 người đều có những vụ lợi riêng. Việt tham gia đề tài với mục đích để Việt Á nhanh được cấp phép cho kit test của doanh nghiệp. Với ông Sơn, mục đích vụ lợi thể hiện qua việc nhận 2,8 tỷ đồng làm đề tài rồi nhờ nhiều nhà khoa học tham gia song không thực hiện nghiên cứu mà nhờ họ chuyển tiền công đã nhận lại cho mình. Trích bút lục về các tin nhắn của bị cáo Sơn với bị cáo Hùng để đưa Việt Á vào đề tài. Trong đó, ông Hùng thể hiện: "Nếu anh Sơn và Học viện Quân y không đồng ý thì không được, vì họ phụ thuộc vào tôi".

Với câu hỏi của bị cáo Sơn "phải làm gì trường hợp đó?", KSV cho rằng với vai trò nhà quản lý, bị cáo Sơn có trách nhiệm xem xét và tự đánh giá khả năng có làm đề tài được không với nhiệm vụ một tháng có sản phẩm. Việc nhận lời ở đây không chỉ đơn giản là nhận lời mà kèm theo đó là nhận số tiền ngân sách nhà nước rất lớn, bị cáo phải có trách nhiệm. Với tư cách là nhà khoa học, bị cáo phải trước hết tôn trọng mình, tôn trọng sản phẩm khoa học của người khác, không thể coi sản phẩm nghiên cứu của chị Thủy (vợ Phan Quốc Việt) là sản phẩm của mình để đánh bóng tên tuổi và thu lợi, nói rằng đó là sản phẩm của mình.

Có mặt tại phiên tòa với tư cách là bị hại trong vụ án, đại diện Học viện Quân y đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào thành tích trong công tác của 4 bị cáo từng là cán bộ của Học viện để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ bởi nhiệm vụ phòng, chống dịch khi đó cần thực hiện gấp nên họ cũng không được tập huấn nghiệp vụ về việc này, quá trình triển khai cũng gấp gáp nên đã để xảy ra sai phạm.

Nói lời sau cùng cuối phiên xét xử chiều 28/12, bị cáo Trịnh Thanh Hùng thừa nhận sai phạm song với động cơ chống dịch, mong muốn nghiên cứu có kết quả cao, tiết kiệm tiền cho Nhà nước, ông chỉ "vô tình vấp phải sai phạm", mong muốn được khoan hồng tối đa.

Bị cáo Phan Quốc Việt mong Tòa xem xét công lao của mình và bối cảnh bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là “hoàn toàn vì lợi ích chung của đất nước.” Việt mong Hội đồng xét xử xem xét giá trị của kit test Việt Á trong dịch bệnh để cho bị cáo hưởng mức án thấp hơn mức 26 năm tù mà Viện Kiểm sát đã đề nghị.

Nói lời sau cùng, bị cáo Hồ Anh Sơn cho biết: Khi bị bắt rồi mới thấy thật tiếc vì vướng lao lý. Được mặc quân phục 30 năm là một điều “đầy vinh dự tự hào,” song vì sai phạm của bị cáo đã làm ảnh hưởng uy tín người Quân y.

Bị cáo Hồ Anh Sơn bày tỏ sự hối hận và xin lỗi các đồng nghiệp, các thầy giáo đã dẫn dắt mình và các sinh viên, nghiên cứu sinh mình đang hướng dẫn làm luận án tiến sĩ nhưng bị ngắt quãng vì bị cáo bị bắt giam. Tuy vướng lao lý nhưng không giảm nhiệt huyết đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của toàn dân nên mong muốn Hội đồng xét xử cho hưởng mức án nhẹ để tiếp tục cống hiến.

Ông Sơn xin lỗi gia đình vì đẩy họ vào cảnh khốn cùng về tình cảm và vật chất, mong tòa không phát mại, kê biên căn hộ của gia đình "vì đó là chốn dung thân duy nhất của vợ con, cha mẹ".

Với tính chất phức tạp, vụ án sẽ nghị án kéo dài. Dự kiến 15 giờ 29/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội sẽ ra phán quyết sơ thẩm.

 

Bị cáo Phan Quốc Việt trả lời thẩm vấn tại phiên tòa

TRIỆU HỒ